Xử lý xâm hại di tích bằng pháp luật hình sự

Tính đến tháng 8 năm 2017, Việt Nam có hơn 40.000 di tích, thắng cảnh trong đó có hơn 3.300 di tích được xếp hạng di tích quốc gia và hơn 7.000 di tích được xếp hạng cấp tỉnh. Mật độ và số lượng di tích nhiều nhất ở 11 tỉnh vùng đồng bằng sông Hồng với tỷ lệ chiếm khoảng 70% di tích của Việt Nam. Trong số di tích quốc gia có 62 di tích quốc gia đặc biệt và trong số đó có 8 di sản thế giới… Di tích nhiều nên xâm hại di tích cũng diễn ra nghiêm trọng. Làm gì để ngăn chặn tình trạng này?

Xã  Liên Bạt, huyện Ứng Hòa, Hà Nội – quê hương của danh nhân Nguyễn Thượng Hiền, đang làm nóng dư luận vì ngôi đình Lương Xá được xây dựng từ thế kỷ 17 với những mảng chạm gỗ đẹp mắt, mang dấu ấn nghệ thuật kiến trúc thời bấy giờ vừa được phá đi để xây vào đó một công trình kiến trúc bê tông.

Đình Lương Xá bao gồm các hạng mục Nghi môn, Đại bái, Hậu cung cùng sân tường bao quanh. Đến nay tất cả đã được triệt phá để xây mới. Vị trí trước đây là đình cũ với kiến trúc gỗ được thay thế hoàn toàn bằng kết cấu bê tông, hiện đã dựng cột, bộ vì và đang hoàn thiện phần mái. Nhìn tấm pano trưng tại di tích thì công trình đình bê tông khác hẳn đình cũ, cao lớn hơn, kiểu dáng cũng khác. Tóm lại, di tích cổ bị xóa sổ để công trình bê tông mọc lên.

Cơ quan chức năng cho biết, di tích này chưa được xếp hạng nhưng đã nằm trong danh mục kiểm kê di tích cần được bảo vệ trên địa bàn huyện Ứng Hòa  và do UBND huyện Ứng Hòa, UBND xã Liên Bạt quản lý theo phân cấp của thành phố. Do đó, việc tu bổ phải xin ý kiến cơ quan có thẩm quyền trong đó có Sở VHTT Hà Nội. Thế nhưng, đến thời điểm này, Sở VHTT Hà Nội chưa nhận được bất cứ văn bản xin ý kiến nào của UBND huyện Ứng Hòa.

Cấu kiện gỗ của đình Lương Xá bị phá dỡ – Ảnh Báo HNM

 

Lưu ý rằng Hà Nội sau mở rộng địa giới hành chính có gần 5.924 di tích, trong đó có hơn 2.400 di tích được xếp hạng. Còn có quá nửa di tích chưa được xếp hạng nhưng cũng rất có giá trị cần được bảo vệ.

Điều đáng lo ngại là không chỉ xảy ra ở những di tích nhỏ, chưa xếp hạng như đình Lương Xá mà xâm hại di tích diễn ra ngay cả với di tích đặc biệt cấp quốc gia.

Chùa Bổ Đà, Bắc Giang – di tích Lịch sử văn hóa Quốc gia đặc biệt mọc lên hai công trình mới, đó là tam quan 5 gian, trong khi Cục Di sản văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đồng ý thiết kế 3 gian. Người ta còn xây dựng thêm một cổng chùa, gọi là tam quan ngoại 3 gian. Công trình này nằm trong khu vực bảo vệ II của chùa Bổ Đà. Hiện nay tam quan ngoại đã bị triệt hạ.

Hay một sự kiện nhức nhối khác diễn ra ngay tại vùng lõi của khu di tích Tràng An, Ninh Bình. Quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO công nhận và trở thành di sản thế giới hỗn hợp đầu tiên của Việt Nam khi đáp ứng cả hai yếu tố nổi bật về văn hóa và thiên nhiên. Tràng An hiện cũng là di sản thế giới kép đầu tiên và duy nhất ở khu vực Đông Nam Á.  Trước đó, nhiều di tích danh thắng nơi đây đã được Chính phủ Việt Nam xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt quan trọng như Khu du lịch sinh thái Tràng An, khu du lịch Tam Cốc – Bích Động, chùa Bái Đính, cố đô Hoa Lư… Nói như thế để  thấy vị trí đặc biệt quan trọng của Tràng An.

Nhưng Công ty cổ phẩn du lịch Tràng An đã xây dựng trái phép cầu thang bê tông dài 1.115 m với 2.234 bậc lên đỉnh núi Cái Hạ (Huyền Vũ), thuộc xã Trường Yên (huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình).  Công trình đã được hoàn thành và được chủ đầu tư đưa vào sử dụng. Xem ra chính quyền địa phương, các cơ quan chịu trách nhiệm về di sản đã không có biện pháp ngăn chặn.

Cầu bê tông trên núi Cái Hạ, Tràng An, Ninh Bình. Ảnh Zing.vn

 

Khi dư  luận lên tiếng, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vào cuộc xử lý thì công trình mới được phá dỡ, nhưng phá dỡ kiểu đối phó, chỉ dỡ đi phần bậc còn nhiều đoạn khung bê tông vẫn còn nguyên. Nếu tiếp tục tình trạng này thì không biết đến ngày nào, cầu thang bê tông này lại được phục hồi để hoạt động.

Các chuyên gia cảnh báo, hành động vi phạm này có thể dẫn đến hậu quả UNESCO xem xét lại việc công nhận Di sản thế giới đối với Tràng An.

Vấn đề xâm hại di tích hiện nay diễn ra muôn hình vạn trạng, do nhiều nguyên nhân như nhận thức hạn chế, do buông lỏng quản lý, do trục lợi… nếu không có biện pháp mạnh thì e rằng sự hủy hoại di tích dưới danh nghĩa trùng tu, tôn tạo sẽ xóa sổ nhiều di tích, nhiều viên ngọc quý nhuốm màu thời gian, ghi dấu tài năng, tâm hồn và trí tuệ của cha ông ta, làm nên bản sắc văn hóa dân tộc sẽ biến mất vĩnh viễn.

Một trong những nguyên nhân để tình trạng này ngày càng nghiêm trọng hơn, chúng tôi cho rằng do có sự xuê xoa, nương nhẹ trong xử lý, đặc biệt là Nhà nước hầu như chưa xử lý bằng pháp luật hình sự đối với hành vi xâm hại di tích, trong khi các Bộ luật Hình sự từ 1985 đến nay đều có quy định về tội danh này.

Điều 345 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định về tội vi phạm các quy định về bảo vệ và sử dụng di tích lịch sử – văn hóa, danh lam, thắng cảnh gây hậu quả nghiêm trọng như sau:

“1. Người nào vi phạm các quy định về bảo vệ và sử dụng các di tích lịch sử – văn hóa, danh lam, thắng cảnh, gây hư hại di tích lịch sử – văn hóa, danh lam, thắng cảnh có giá trị từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng; hủy hoại, làm thay đổi yếu tố gốc cấu thành di tích lịch sử – văn hóa, danh lam thắng cảnh cấp tỉnh hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

2.Phạm tội trong trường hợp gây hư hại di tích lịch sử – văn hóa, danh lam, thắng cảnh có giá trị từ 500.000.000 đồng trở lên hoặc hủy hoại, làm thay đổi yếu tố gốc cấu thành di tích lịch sử – văn hóa, danh lam thắng cảnh cấp quốc gia hoặc cấp quốc gia đặc biệt, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm”.

Điều 178 năm 2015  về tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản có hình phạt cao nhất đến 20 năm tù cũng quy định về những tài sản là kỷ vật, di vật, đồ thờ cúng có giá trị đặc biệt về mặt tinh thần đối với người bị hại; tài sản bảo vật quốc gia…
 
Như vậy, Bộ luật Hình sự đã dự liệu những tội phạm xâm hại di tích và quy định tội danh, hình phạt chặt chẽ. Do đó,  đã đến lúc phải khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử nghiêm minh các đối tượng xâm hại di tích để tăng tính răn đe, ngăn ngừa. Những người có trách nhiệm quản lý di tích ở các địa phương để xảy ra những vụ xâm hại di tích nghiêm trọng cũng cần xem xét xử lý nghiêm minh.
 

Lâu nay chúng ta quan ngại về hiện tượng hình sự hóa các quan hệ dân sự nhưng tình trạng không xử lý hình sự những vụ việc có dấu hiệu hình sự chính là bỏ lọt tội phạm, khiến đối tượng mà pháp luật hình sự bảo vệ bị xâm hại ngày càng nghiêm trọng hơn.

 

LÂM UYÊN