Bắt nguyên Tổng Giám đốc và Phó Tổng Giám đốc Mobifone

Bộ Công an vừa cho biết, thực hiện chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng và lãnh đạo Bộ Công an, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) đang điều tra mở rộng vụ án Vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Tổng Công ty Viễn thông Mobifone và các đơn vị có liên quan theo Quyết định khởi tố vụ án số 26/C46-P13 ngày 10/7/2018.

Căn cứ kết quả điều tra mở rộng và tài liệu, chứng cứ thu thập được, ngày 12/11/2018, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) đã ra các Quyết định:

Quyết định Khởi tố bị can số 212/C03-P14; Lệnh bắt bị can để tạm giam số 62/C03-P14; Lệnh khám xét số 100/C03-P14 đối với Cao Duy Hải, nguyên Tổng Giám đốc Tổng Công ty Viễn thông Mobifone, hiện là cán bộ Văn phòng Tổng Công ty Viễn thông Mobifone, về tội “Vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng” quy định tại khoản 3 Điều 220 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Quyết định Khởi tố bị can số 213/C03-P14; Lệnh bắt bị can để tạm giam số 63/C03-P14; Lệnh khám xét số 101/C03-P14 đối với Phạm Thị Phương Anh, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Viễn thông Mobifone, về tội “Vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng” quy định tại khoản 3 Điều 220 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Ngày 13/11/2018, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã phê chuẩn các Quyết định và Lệnh nêu trên. Hiện nay, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) đang tập trung lực lượng đẩy nhanh tiến độ điều tra, xử lý nghiêm đối với các bị can và những người có liên quan theo đúng quy định của pháp luật.

Như đã phản ánh, thương vụ MobiFone mua cổ phần AVG được thực hiện từ cuối năm 2015 với giá gần 8.900 tỉ đồng. Thanh tra Chính phủ đã kết luận dù tổng giá trị tài sản của AVG ở thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp chỉ hơn 3.260 tỷ đồng, trong đó nợ phải trả là hơn 1.266 tỷ đồng, đầu tư ra ngoài ngành 2,473 tỷ đồng, phải đi vay tiền để làm truyền hình…, song AVG đã được Cty AMAX đưa ra con số thẩm định là 16.565 tỷ đồng, trong đó giá trị tài sản vô hình ngoài Bảng cân đối kế toán là 13.448 tỷ đồng. Sau đó, kết quả định giá của AMAX được Mobifone sử dụng để đàm phán mua 95% cổ phần AVG với số tiền 8.889 tỷ đồng.

Những vi phạm, làm trái quy định, thiếu trách nhiệm của Mobifone đã gây nguy cơ hiện hữu thiệt hại nghiêm trọng vốn Nhà nước tại Mobifone khoảng hơn 7.000 tỉ đồng, làm sụt giảm lớn hiệu quả kinh doanh ngay từ năm 2016 và các năm tiếp theo, trong đó lợi nhuận hoạt động tài chính năm 2016 so với 2015 là 321,7 tỉ đồng, số lỗ lũy kế đến 2017 là hơn 1.900 tỉ đồng, đồng thời ảnh hưởng tiêu cực đến việc cổ phần hóa Mobifone.

Ngày 12/3/2018, nhóm cổ đông AVG và Hội đồng thành viên, Ban tổng giám đốc MobiFone đã chấm dứt hợp đồng mua bán. Cuộc họp thống nhất nguyên tắc nhóm cổ đông và MobiFone chấm dứt hợp đồng; MobiFone hoàn trả lại toàn bộ cổ phần AVG cho nhóm cổ đông. Nhóm cổ đông hoàn trả lại đầy đủ số tiền MobiFone đã thanh toán, cộng với tiền lãi và các chi phí liên quan.

Ông Cao Duy Hải, từng tốt nghiệp Đại học Kỹ thuật Quân sự và được cử đi tu nghiệp tại Đức. Ông Hải sau đó đã công tác tại các vị trí Giám đốc Trung tâm MobiFone 1 và Phó tổng giám đốc MobiFone trước khi được điều động và bổ nhiệm giữ chức Giám đốc công ty VinaPhone vào tháng 7/2014, thay ông Lâm Hoàng Vinh nghỉ hưu theo chế độ.

Chưa đầy một năm sau, ông Hải được bổ nhiệm vào cương vị Tổng Giám đốc MobiFone thay ông Lê Nam Trà. Sau đó ông tiếp tục đảm nhiệm nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng thành viên MobiFone. Đến ngày 21/8/2017, ông Cao Duy Hải đã bàn giao nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng thành viên MobiFone cho ông Nguyễn Mạnh Thắng và quay trở lại nắm giữ vị trí Tổng giám đốc MobiFone.

Về những vi phạm của ông Cao Duy Hải đã được Thanh tra Chính phủ làm rõ trong kết luận thanh tra thương vụ Mobifone mua 95% cổ phần AVG. Cụ thể, Mobifone đã lập, trình Bộ TT – TT phê duyệt dự án (không loại trừ 2 khoản đầu tư ngoài ngành của AVG), thể hiện thiếu trách nhiệm và cố ý làm trái quy định về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp. Trách nhiệm thuộc về HĐTV, Ban Tổng giám đốc và các bộ phận liên quan của Mobifone. Trong bản thỏa thuận chuyển nhượng cổ phần ký với đại diện cổ đông AVG, Mobifone đã cam kết hỗ trợ tài chính cho AVG để trả các khoản nợ với tổng số tiền 1.093,7 tỉ đồng. Tuy chưa thực hiện, nhưng cam kết này không đúng với nội dung của dự án đầu tư đã được Bộ TT-TT phê duyệt. Việc Mobifone sử dụng 100% nguồn vốn chủ sở hữu để đầu tư dự án, không đúng với nội dung trong dự án đầu tư báo cáo Bộ TT – TT (30% vốn chủ sở hữu, 70% vốn vay); thời gian thanh toán hợp đồng chuyển nhượng cổ phần AVG là 19 ngày (từ ngày 28/12/2015 đến 15/1/2016) có biểu hiện không bình thường.

Với bà Phạm Thị Phương Anh, vào tháng 8, Đảng uỷ Khối doanh nghiệp Trung ương cũng  kỷ luật cảnh cáo do xác định thiếu trách nhiệm trong việc tham gia, trực tiếp đàm phán và chỉ đạo đàm phán với các cổ đông AVG. Bà Phạm Thị Phương Anh trực tiếp đàm phán, thoả thuận và hợp đồng chuyển nhượng cổ phần với các cổ đông AVG gây thiệt hại cho Mobifone; không kiểm tra tư cách pháp nhân của AVG, tính pháp lý của các cổ đông và cổ phần AVG…

Liên quan vụ án xảy ra tại Tổng công ty Viễn thông MobiFone và các đơn vị liên quan, trước ông Cao Duy Hải và bà Phạm Thị Phương Anh, cơ quan chức năng đã khởi tố, bắt ông Lê Nam Trà (cựu chủ tịch HĐTV, cựu tổng giám đốc MobiFone) và ông Phạm Đình Trọng (Vụ trưởng Quản lý Doanh nghiệp, Bộ TT-TT).

 

Trước đó, ngày 10/11, tại cuộc họp của Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Trưởng Ban Chỉ đạo đã yêu cầu đẩy nhanh tiến độ điều tra, xử lý nghiêm vụ án “Vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Tổng công ty viễn thông Mobifone, Bộ Thông tin và Truyền thông và các đơn vị có liên quan theo quy định của pháp luật.

KIM DUNG