Thẩm quyền chấp nhận một phần đề nghị giảm thời hạn chấp hành án phạt tù của Hội đồng xét giảm và kiến nghị

Hội đồng xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù có thể giảm nhiều hơn so với mức đề nghị hay không là vấn đề đang có những vướng mắc. Để bảo đảm tính công bằng, khách quan, tác giả kiến nghị sửa đổi bổ sung Thông tư liên tịch 02/2021/TTLT- BCA- BQP – TANDTC - VKSNDTC ngày 12/8/2021.

Quy định của pháp luật

Trước khi có Thông tư liên tịch 02/2021/TTLT- BCA- BQP – TANDTC - VKSNDTC ngày 12/8/2021 của Chánh án TANDTC và Viện trưởng VKSNDTC, Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định quan hệ phối hợp trong việc thực hiện trình tự, thủ tục tạm đình chỉ và giảm thời hạn chấp hành án phạt tù (viết tắt là Thông tư số 02/2021/TTLT)  thì Thẩm quyền của Hội đồng được vận dụng và thực hiện theo Thông tư liên tịch số 02/2013/TTLT- BCA- BQP – TANDTC - VKSNDTC ngày 15/5/2013 hướng dẫn thi hành các quy định về giảm thời hạn chấp hành án phạt tù đối với phạm nhân (viết tắt là Thông tư số 02/2013/TTLT).

Theo hướng dẫn tại khoản 3 Điều 15 Thông tư liên tịch số: 02/2013/TTLT thì “Trên cơ sở xem xét hồ sơ và ý kiến của Viện kiểm sát, Hội đồng quyết định:

a) Không chấp nhận đề nghị giảm thời hạn chấp hành án phạt tù;

b) Chấp nhận toàn bộ hoặc một phần đề nghị giảm thời hạn chấp hành án phạt tù.

 Hội đồng không được quyết định mức giảm cao hơn mức đề nghị của trại giam, trại tạm giam thuộc Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, trại giam thuộc quân khu hoặc Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh, Cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu;

c) Đối với phạm nhân được đề nghị xét giảm, đến ngày Hội đồng họp xét giảm mà thời hạn chấp hành án phạt tù còn lại không quá một tháng, thì Hội đồng có thể quyết định giảm hết thời hạn tù còn lại.”.

Sau khi, có hướng dẫn của Thông tư số 02/2021/TTLT thì Thẩm quyền của Hội đồng được thực hiện theo khoản 3 Điều 17, cụ thể:

3. Căn cứ vào hồ sơ đề nghị, ý kiến của Viện kiểm sát, người tham gia phiên họp (nếu có), Hội đồng xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù xem xét, quyết định như sau:

a) Không chấp nhận đề nghị giảm thời hạn chấp hành án phạt tù;

b) Chấp nhận toàn bộ hoặc một phần mức đề nghị giảm thời hạn chấp hành án phạt tù.

Trường hợp đến ngày mở phiên họp xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù mà thời hạn chấp hành án phạt tù còn lại của phạm nhân được đề nghị xét giảm không quá 01 tháng thì Hội đồng xét giảm có thể quyết định giảm hết thời hạn tù còn lại nhưng phải bảo đảm thời gian thực sự chấp hành hình phạt tù theo quy định tại Điều 63 của Bộ luật Hình sự.

Trường hợp sau khi được Hội đồng xét giảm chấp nhận toàn bộ mức đề nghị giảm thời hạn chấp hành án phạt tù thì thời hạn chấp hành án phạt tù còn lại không quá 01 tháng, Hội đồng xét giảm có thể quyết định giảm hết thời hạn tù còn lại.”.

Như vậy, qua các hướng dẫn trên cho chúng ta thấy về thẩm quyền của Hội đồng ngoài thẩm quyền không chấp nhận; chấp nhận toàn bộ hoặc một phần đề nghị giảm thời hạn chấp hành án phạt tù thì trong thẩm quyền chấp nhận một phần đề nghị giảm thời hạn chấp hành án phạt tù đã có sự thay đổi. Nếu trước đây thì Hội đồng không có thẩm quyền quyết định mức giảm cao hơn mức đề nghị của Trại hoặc Cơ quan Thi hành án hình sự có thẩm quyền (viết tắt là Cơ quan đề nghị) mà chỉ có thẩm quyền chấp nhận một phần đề nghị của Cơ quan đề nghị theo hướng thấp hơn mức đề nghị.  Nay thẩm quyền của Hội đồng mặc dù không có hướng dẫn cụ thể là có thẩm quyền chấp nhận một phần đề nghị theo hướng quyết định mức giảm cao hơn mức đề nghị của Cơ quan đề nghị. Đây là vấn đề qua thực tiễn tôi thấy đã ít nhiều gây ra sự thiếu thống nhất trong việc vận dụng áp dụng.

Về thực tiễn áp dụng

 

Phạm nhân Nguyễn Văn A trong đợt xét giảm 02/9/2022 được Trại giam N đề nghị xét giảm 08 tháng thời hạn chấp hành án phạt tù. Tuy nhiên, qua nghiên cứu thấy rằng Trại giam đề nghị mức xét giảm chưa tương xứng với kết quả giáo dục, cải tạo của phạm nhân vì cùng mức án, tính chất hành vi phạm phạm tội và kết quả cải tạo như phạm nhân khác, nhưng mức đề nghị lại thấp hơn. Để đảm bảo nguyên tắc công bằng, khách quan, có tác dụng khuyến khích các phạm nhân lao động cải tạo tiến bộ thì thấy rằng có cơ sở để chấp nhận một phần mức đề nghị của Cơ quan đề nghị theo hướng quyết định mức giảm cao hơn mức đề nghị, cụ thể giảm 11 tháng cho phạm nhân Nguyễn Văn A (vẫn đảm bảo thực tế chấp hành ½ hình phạt theo Điều 63 BLHS). Tuy nhiên việc chấp nhận hay không chấp nhận một phần mức đề nghị của Trại thì hiện vẫn còn có hai quan điểm khác nhau, cụ thể:

Quan điểm thứ nhất cho rằng: Căn cứ Điều 63 BLHS; Điều 38 Luật Thi hành án hình sự; khoản 3 Điều 17 Thông tư liên tịch số 02/2021/TTLT Hội đồng xét giảm chấp nhận một phần đề nghị mức giảm của Trại, cụ thể quyết định giảm thời hạn chấp hành án phạt tù cho phạm nhân Nguyễn Văn A là 11 tháng là hoàn toàn có cơ sở và đúng pháp luật.

Quan điểm thứ hai lại cho rằng: Mặc dù, có cơ sở để chấp nhận mức giảm cao hơn mức đề nghị của Trại, nhưng Hội đồng xét giảm cũng không có thẩm quyền chấp nhận một phần mức đề nghị của Trại theo hướng quyết định mức giảm cao hơn mức đề nghị, cụ thể mức đề nghị 08 tháng Hội đồng xét giảm không thể quyết giảm thời hạn 11 tháng cho phạm nhân Nguyễn Văn A. Vì theo hướng dẫn tại khoản tại điểm b khoản 3 Điều 17 Thông tư liên tịch số 02/2021/TTLT thì Hội đồng xét giảm chỉ có thẩm quyền chấp nhận một phần mức đề nghị của Trại theo hướng quyết định mức giảm cao hơn mức đề nghị chỉ với 02 trường hợp, cụ thể: (1), trường hợp đến ngày mở phiên họp xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù mà thời hạn chấp hành án phạt tù còn lại của phạm nhân được đề nghị xét giảm không quá 01 tháng thì Hội đồng xét giảm có thể quyết định giảm hết thời hạn tù còn lại nhưng phải bảo đảm thời gian thực sự chấp hành hình phạt tù theo quy định tại Điều 63 của Bộ luật Hình sự. (2), trường hợp sau khi được Hội đồng xét giảm chấp nhận toàn bộ mức đề nghị giảm thời hạn chấp hành án phạt tù thì thời hạn chấp hành án phạt tù còn lại không quá 01 tháng, Hội đồng xét giảm có thể quyết định giảm hết thời hạn tù còn lại. Do vậy, trong trường hợp này Hội đồng xét giảm chỉ có thẩm quyền chấp nhận toàn bộ mức đề nghị giảm thời hạn chấp hành án phạt tù cho phạm nhân Nguyễn Văn A là 08 tháng, chứ không thể quyết chấp nhận một phần đề nghị để giảm mức 11 tháng cho phạm nhân Nguyễn Văn A được là đúng pháp luật.

Chúng tôi thấy quan điểm thứ hai là đúng quy định của pháp luật. Tuy nhiên, đúng pháp luật nhưng lại không phù hợp.

Đúng như quan điểm thứ hai cho rằng, hiện tại theo hướng dẫn ở điểm b khoản 3 Điều 17 Thông tư liên tịch số 02/2021/TTLT thì Hội đồng xét giảm không có thẩm quyền này mặc dù nội dung hướng dẫn không đề cập cụ thể như điểm b khoản 3 Điều 15 Thông tư liên tịch số 02/2013/TTLT nhưng việc Thông tư chỉ đề cập 02 trường hợp như quan điểm thứ hai đã phân tích đó là (1) đến ngày mở phiên họp mà thời hạn còn lại dưới 01 tháng thì Hội đồng chấp nhận giảm hết và (2), sau khi Hội đồng xét giảm đã chấp nhận mức đề nghị giảm của Trại ví như chấp nhận 08 tháng mà thời hạn của phạm nhân Nguyễn Văn A còn lại dưới 01 tháng thì Hội đồng xét giảm chấp nhận giảm hết thời hạn chấp hành án phạt tù cho phạm nhân, còn trường hợp cụ thể như phạm nhân Nguyễn Văn A thì không được quy định hướng dẫn.

Như vậy, nếu để đảm bảo nguyên tắc công bằng, khách quan thì các trường hợp cùng mức cải tạo và tính chất, mức độ, hành vi khi thực hiện tội phạm giống phạm nhân Nguyễn Văn A nhưng được Trại đề nghị giảm thời hạn chấp hành án phạt tù cao hơn đều phải được Hội đồng xét giảm chấp nhận một phần đề nghị theo hướng mức giảm thấp hơn đúng như mức đề nghị của phạm nhân Nguyễn Văn A. Như vậy rõ ràng đây là một bất cập, gây bất lợi cho các phạm nhân không tạo ra được sự tích cực thi đua lao động, cải tạo, hoàn lương.

Kiến nghị, đề xuất hoàn thiện

Theo chúng tôi cần có sự bổ sung một nội dung trong thẩm quyền chấp nhận một phần đề nghị của Hội đồng xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù theo hướng bổ sung vào điểm b khoản 3 Điều 17 Thông tư liên tịch số 02/2021/TTLT- BCA- BQP – TANDTC - VKSNDTC ngày 12/8/2021 của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, TANDTC, VKSNDTC với  nội dung “Hội đồng có thể quyết định mức giảm cao hơn mức đề nghị… nếu có cơ sở.”.  Có như vậy, mới đảm bảo tính khách quan, công bằng và có tác dụng khuyến khích phạm nhân thi đua cải tạo tiến bộ. Và cũng phù hợp với nguyên tắc lấy Tòa án là trung tâm, Quyết định chấp nhận; chấp nhận một phần hay không chấp nhận giảm thời hạn chấp hành án phạt tù cho phạm nhân là thẩm quyền của Tòa án trên cơ sở quy định của pháp luật./.

 

Tòa án nhân dân  huyện Lộc Ninh, Bình Phước xét xử vụ án “Tàng trữ trái phép chất ma túy”- Ảnh: Nguyễn Khánh

Th.S ĐỖ NGỌC BÌNH (Tòa án quân sự Thủ đô Hà Nội)