Bàn thêm về quy định Toà án xác minh, thu thập, bổ sung chứng cứ để giải quyết vụ án hình sự

Điểm c khoản 3 Điều 2 Luật Tổ chức Toà án nhân dân năm 2014 và Điều 252 Bộ luật tố tụng Hình sự (BLTTHS) năm 2015 đã quy định Toà án có thẩm quyền “xác minh, thu thập, bổ sung chứng cứ” để giải quyết vụ án hình sự. Dưới đây xin được bàn về tính hợp lý và hợp hiến của quy định này.

1.Điều 252 BLTTHS là một điều luật thừa

Điều 252 BLTTHS năm 2015 quy định: Toà án tiến hành việc xác minh, thu thập, bổ sung chứng cứ bằng các hoạt động:

1.Tiếp nhận chứng cứ, tài liệu, đồ vật liên quan đến vụ án do cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp ;

2.Yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp tài liệu , đồ vật liên quan đến vụ án ;

3.Xem xét tại chỗ vật chứng không thể đưa đến phiên toà ;

4.Xem xét tại chỗ nơi đã xảy ra tội phạm hoặc địa điểm khác có liên quan đến vụ án ;

5.Trưng cầu giám định, yêu cầu định giá tài sản ngoài các trường hợp bắt buộc phải trưng cầu giám định, cần định giá tài sản quy định tại Điều 206 và Điều 215 của Bộ luật này ; trưng cầu giám định bổ sung, giám định lại; yêu cầu định giá lại tài sản;

6.Trường hợp Toà án đã yêu cầu Viện kiểm sát bổ sung chứng cứ nhưng Viện kiểm sát không bổ sung được thì Toà án có thể tiến hành xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ để giải quyết vụ án”.

Theo quy định trên của điều luật thì Toà án có thẩm quyền thực hiện sáu hoạt động để xác minh, thu thập, bổ sung chứng cứ. Nhưng quy định ở khoản 6 của điều luật không phải là một hoạt động mà là trường hợp  Toà án có thể xác minh, thu thập tài liệu, bổ sung chứng cứ.

Phải chăng, khoản này muốn quy định rằng: Trường hợp Toà án đã yêu cầu Viện kiểm sát bổ sung chứng cứ nhưng Viện kiểm sát không bổ sung được thì Toà án có thể xác minh, thu thập tài liệu,bổ sung chứng cứ để giải quyết vụ án bằng các hoạt động được nêu tại các khoản 1,2,3,4,5 của điều này.

Tuy nhiên, các hoạt động này đều đã được quy định trong Bộ luật. Cụ thể:

-Hoạt động nêu tại khoản 1 đã được quy định tại Điều 253 Tiếp nhận chứng cứ, tài liệu, đồ vật liên quan đến vụ án ;

-Hoạt động nêu tại khoản 2 đã được quy định tại Điều 284 Yêu cầu Viện kiểm sát bổ sung tài liệu , chứng cứ ;

-Hoạt động nêu tại khoản 3 đã được quy định tại khoản 1 Điều 312 Xem xét vật chứng;

-Hoạt động nêu tại khoản 4 đã được quy định tại Điều 314 Xem xét tại chỗ;

-Hoạt động nêu tại khoản 5 đã được quy định tại khoản 4 Điều 316 Hỏi người giám định, người định giá tài sản .

Hơn nữa, tại đoạn 3, khoản 3 của Điều 280 đã quy định rõ: Trường hợp Viện kiểm sát không bổ sung được những vấn đề mà Toà án yêu cầu và vẫn giữ nguyên quyết định truy tố thì Toà án tiến hành xét xử vụ án. Với quy định này thì Toà án phải tiến hành xét xử vụ án chứ không được có thể xác minh, thu thập tài liệu, bổ sung chứng cứ để giải quyết vụ án như nêu tại khoản 6 Điều 252 .

Với những trình bày ở trên, cho thấy rõ quy định tại Điều 252 là một quy định thừa.

2. Nên bãi bỏ

Điều 102 ( khoản 1) của Hiến pháp đã quy định rõ Toà án nhân dân là cơ quan xét xử. Do đó quy định thêm cho Toà án chức năng điều tra là không phù hợp. Vì vậy, tôi cho rằng những quy định tại Điều 252 BLTTHS và tại điểm c khoản 3 Luật tổ chức Toà án nhân dân nên được bãi bỏ ./.

 

TAND tỉnh Lạng Sơn xét xử vụ án cướp tài sản - Ảnh: Nguyễn Huy Hoàng 

NGÔ CƯỜNG