Bàn về một số quy định tại phần xét xử sơ thẩm vụ án hình sự theo BLTTHS 2015

Hoàn thiện thủ tục xét xử sơ thẩm vụ án hình sự là một yêu cầu tất yếu, là một trong những nội dung quan trọng của chiến lược cải cách tư pháp. Bài viết dưới đây, chúng tôi xin đưa ra một số quy định chưa hợp lý và quan điểm riêng về một số điều luật tại phần  “Xét xử sơ thẩm vụ án hình sự” của BLTTHS 2015.

1.Xác định rõ mô hình tố tụng hình sự

 Hoàn thiện thủ tục xét xử sơ thẩm vụ án hình sự là một yêu cầu tất yếu, là một trong những nội dung quan trọng của chiến lược cải cách tư pháp. Để thực hiện yêu cầu này, trước hết, cần phải xác định mô hình tố tụng hình sự ở nước ta theo mô hình nào, đây là vấn đề chủ yếu, là cơ sở cho việc hoàn thiện thủ tục tố tụng hình sự nói chung và thủ tục xét xử sơ thẩm vụ án hình sự nói riêng. Mô hình tố tụng hình sự ở nước ta hiện nay vẫn là mô hình tố tụng “pha trộn” giữa thẩm vấn và tranh tụng.

Pháp luật tố tụng nước ta đã có một số quy định mang tính tranh tụng, nhưng nhìn chung trên thực tiễn vẫn chưa phát huy được hiệu quả như mong đợi. Vì vậy, BLTTHS 2015 cần tiếp tục sửa đổi theo hướng có nhiều hơn những quy định đảm bảo cho tính tranh tụng, đặc biệt là quy định về trình tự và thủ tục phiên tòa; theo đó việc xét hỏi để buộc tội bị cáo tại phiên tòa thuộc Kiểm sát viên thực hành quyền công tố, việc gỡ tội dành cho bị cáo và người bào chữa của họ; Chủ tọa phiên tòa là người điều hành phiên tòa, HĐXX với tư cách nhân danh Nhà nước lắng nghe ý kiến tranh luận của các bên và ra phán quyết. Có như vậy mới phát huy hiệu quả tranh tụng trong hoạt động xét xử theo tinh thần cải cách tư pháp mà Nghị quyết số 08-NQ/TW và Nghị quyết số 49/NQ-TW của Bộ Chính trị đã đề ra.

2.Nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát khi kiểm sát xét xử

Điều 267 BLTTHS 2015 quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát khi kiểm sát xét xử, gồm: Kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong việc xét xử vụ án hình sự của Tòa án; Kiểm sát việc tuân theo pháp luật của người tham gia tố tụng; yêu cầu, kiến nghị cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xử lý nghiêm minh người tham gia tố tụng vi phạm pháp luật; Kiểm sát bản án, quyết định, văn bản tố tụng khác của Tòa án; Yêu cầu Tòa án cùng cấp, cấp dưới chuyển hồ sơ vụ án hình sự để xem xét, quyết định việc kháng nghị…

Tại phiên tòa sơ thẩm, nếu Kiểm sát viên cắt lời và yêu cầu Chủ tọa phiên tòa không được trở lại xét hỏi sau khi kết thúc tranh luận ..v.v. chúng tôi cho rằng, đây là biểu hiện vi phạm nội quy phiên tòa của Kiểm sát viên; bởi khoản 2 Điều 197 BLTTHS (tương ứng với khoản 2 Điều 256 BLTTHS 2015) quy định “Mọi người ở trong phòng xử án đều phải có thái độ tôn trọng HĐXX, giữ gìn trật tự và tuân theo sự điều khiển của chủ tọa phiên tòa”.

Một quy định khác tại điều luật này cũng không phù hợp, đó là việc yêu cầu Tòa án chuyển hồ sơ vụ án hình sự để xem xét quyết định việc kháng nghị, đây là quy định không phù hợp, bởi hồ sơ vụ án do Viện kiểm sát thu thập, củng cố trước khi chuyển sang cho Tòa án; các tài liệu chứng cứ thu thập trong giai đoạn chuẩn bị xét xử là rất ít, hơn nữa theo quy định tại khoản 2 Điều 253 BLTTHS thì “sau khi nhận được chứng cứ, tài liệu, đồ vật do cơ quan, tổ chức, các nhân cung cấp thì Tòa án phải chuyển cho Viện kiểm sát cùng cấp...”, bên cạnh đó đối với những tài liệu được sử dụng làm chứng cứ đều được công bố tại phiên tòa; còn về diễn biến tại phiên tòa thì Kiểm sát viên trực tiếp chứng kiến và có thể ghi âm, ghi hình theo quy định;  bản án cũng sẽ được giao cho VKSND theo quy định. Như vậy, quy định về chuyển hồ sơ cho VKSND để xem xét quyết định việc kháng nghị là không cần thiết, nếu như không muốn nói là sẽ phát sinh mâu thuẫn vướng mắc với Tòa án về thời hạn Tòa án phải giao và khi nào nhận lại hồ sơ vụ án..v.v.

Cũng tại Điều 267 BLTTHS 2015 có quy định về việc kiểm sát hoạt động tố tụng của người tham gia tố tụng, trong đó có người bào chữa là vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc tranh tụng trong xét xử mà Hiến pháp 2013 đã quy định, đó là bên buộc tội không thể, không được áp đặt bất cứ điều gì với bên gỡ tội, các bên tham gia tranh tụng đều bình đẳng trước pháp luật; đây là bản chất cốt lõi của tranh tụng.

Từ phân tích trên, chúng tôi cho rằng hầu hết các quy định tại Điều 267 BLTTHS 2015 là không phù hợp, một số quy định còn vi phạm  nguyên tắc xét xử, nguyên tắc tranh tụng như trên đã trình bày.

Do vậy, chúng tôi đề nghị nên sửa đổi bỏ quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát khi kiểm sát xét xử tại Điều 267 BLTTHS 2015. Riêng một số quy định như kháng nghị bản án, quyết định có vi phạm pháp luật nghiêm trọng về thủ tục tố tụng của Tòa án, thì nên đưa về quy định thành một điểm tại khoản 1 Điều 266 BLTTHS 2015 về “Nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát khi thực hành quyền công tố trong giai đoạn xét xử”.

3.Sửa đổi quy định về trả hồ sơ để điều tra bổ sung

Về trả hồ sơ để yêu cầu điều tra bổ sung, khoản 1 Điều 280 BLTTHS 2015 cần bổ sung thêm quy định căn cứ để Tòa án trả hồ sơ để điều tra bổ sung, đó là: Khi có căn cứ để cho rằng hành vi của bị can bị Viện kiểm sát truy tố không đúng với tội danh được quy định trong BLHS mà hành vi đó có dấu hiệu của tội danh khác. Thực tiễn xét xử cho thấy nhiều vụ án VKS truy tố bị cáo không đúng tội và Tòa án đã trả hồ sơ để điều tra bổ sung và VKS đã chấp nhận yêu cầu của Tòa án. Do BLTTHS 2015 không quy định căn cứ này nên cần thiết phải được sửa đổi bổ sung để đáp ứng yêu cầu của hoạt động xét xử hiện nay; cụ thể điểm c khoản 1 Điều 280 BLTTHS 2015 nên quy định như sau: c) Khi có căn cứ để cho rằng hành vi của bị can bị VKS truy tố không đúng với tội danh được quy định trong BLHS mà hành vi đó có dấu hiệu của tội danh khác hoặc có đồng phạm khác hay có người khác thực hiện hành vi mà BLHS quy định là tội phạm liên quan đến vụ án nhưng chưa được khởi tố vụ án, khởi tố bị can;

Trường hợp Tòa án trả hồ sơ để điều tra bổ sung do thiếu chứng cứ dùng để chứng minh một trong những vấn đề quy định tại Điều 85 BLTTHS 2015 mà không thể bổ sung tại phiên tòa được, nếu VKS không bổ sung được hoặc không thực hiện yêu cầu điều tra bổ sung của Tòa án và vẫn giữ nguyên quyết định truy tố thì Tòa án sẽ tuyên không đủ cơ sở để kết tội bị cáo. Quy định như vậy mới nâng cao trách nhiệm của các cơ quan tiến hành tố tụng và đảm bảo nguyên tắc Tòa án xét xử độc lập, phù hợp với tinh thần cải cách tư pháp hiện nay. Do vậy, đoạn cuối khoản 3 Điều 280 BLTTHS cần quy định lại như sau: “Trường hợp Viện kiểm sát không bổ sung được những vấn đề Tòa án yêu cầu và vẫn giữ nguyên quyết định truy tố thì Tòa án tiến hành xét xử vụ án, nếu không đủ chứng cứ chứng minh bị cáo phạm tội thì tuyên không đủ cơ sở kết tội bị cáo”.

4.Tòa án xác minh, thu thập, bổ sung chứng cứ

Chúng tôi cho rằng nên bỏ Điều 252 BLTTHS quy định về việc “Tòa án xác minh, thu thập, bổ sung chứng cứ”, bởi vì phần lớn các khoản quy định tại Điều 252 BLTTHS đã được quy định tại các điều luật cụ thể trong bộ luật; cụ thể:  

-Khoản 1 Điều 252 BLTTHS quy định: 1.Tiếp nhận chứng cứ, tài liệu, đồ vật liên quan đến vụ án do cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp”. Hoạt động này đã được quy định tại Điều 253 Tiếp nhận chứng cứ, tài liệu, đồ vật liên quan đến vụ án.

- Khoản 2 Điều 252 BLTTHS quy định: “2.Yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp tài liệu, đồ vật liên quan đến vụ án”. Hoạt động này đã được quy định tại Điều 284 Yêu cầu Viện kiểm sát bổ sung tài liệu, chứng cứ”; hơn nữa trong thực tiến giải quyết các vụ án cụ thể từ trước khi có quy định này thì trong trường hợp vụ án chưa đến mức cần thiết phải trả hồ sơ để điều tra bổ sung thì Toà án vẫn làm, kể cả việc yêu cầu bị can, bị cáo, tổ chức, các nhân cung cấp các tài liệu liên quan đến việc bồi thường, cấp dưỡng, tình tiết giảm nhẹ...

- Khoản 3 Điều 252 BLTTHS quy định: 3.Xem xét tại chỗ vật chứng không thể đưa đến phiên toà”. Hoạt động này đã được quy định tại khoản 1 Điều 312 Xem xét vật chứng.

- Khoản 4 Điều 252 BLTTHS quy định: “4.Xem xét tại chỗ nơi đã xảy ra tội phạm hoặc địa điểm khác có liên quan đến vụ án”. Hoạt động này đã được quy định tại Điều 314 Xem xét tại chỗ.

- Khoản 5 Điều 252 BLTTHS quy định: “5.Trưng cầu giám định, yêu cầu định giá tài sản ngoài các trường hợp bắt buộc phải trưng cầu giám định, cần định giá tài sản quy định tại Điều 206 và Điều 215 của Bộ luật này; trưng cầu giám định bổ sung, giám định lại; yêu cầu định giá lại tài sản”.

Hoạt động này đã được quy định tại khoản 4 Điều 316 Hỏi người giám định, người định giá tài sản. Hơn nữa những hoạt động trên đều thuộc trường hợp tòa án trả hồ sơ để điều tra bổ sung được quy định tại điểm a khoản 1 Điều 280 BLTTHS và hướng dẫn tại Điều 3 Thông tư liên tịch số 02/2017/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BTP ngày 22 tháng 12 năm 2017.

- Khoản 6 Điều 252 BLTTHS quy định: “6. Trường hợp Toà án đã yêu cầu Viện kiểm sát bổ sung chứng cứ nhưng Viện kiểm sát không bổ sung được thì Toà án có thể tiến hành xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ để giải quyết vụ án”.

Theo quy định tại Điều 252 BLTTHS thì Toà án có thẩm quyền thực hiện sáu hoạt động để xác minh, thu thập, bổ sung chứng cứ. Nhưng quy định ở khoản 6 của điều luật không phải là một hoạt động mà là trường hợp  Toà án có thể xác minh, thu thập tài liệu, bổ sung chứng cứ. Nghĩa là tòa án có thể tiến hành xác minh, thu thập, bổ sung chứng cứ bằng các hoạt động quy định từ khoản 1 đến khoản 5 của điều luật trong trường hợp “đã yêu cầu Viện kiểm sát bổ sung chứng cứ nhưng Viện kiểm sát không bổ sung được”. Quy định này là không cần thiết, bởi Tòa án đã được phép bằng các hoạt động từ khoản 1 đến khoản 5 để tiến hành xác minh, thu thập, bổ sung chứng cứ. Hơn nữa, tại đoạn 3, khoản 3 của Điều 280 đã quy định rõ: Trường hợp Viện kiểm sát không bổ sung được những vấn đề mà Toà án yêu cầu và vẫn giữ nguyên quyết định truy tố thì Toà án tiến hành xét xử vụ án. Với quy định này thì Toà án phải tiến hành xét xử vụ án chứ không được có thể xác minh, thu thập tài liệu, bổ sung chứng cứ để giải quyết vụ án như nêu tại khoản 6 Điều 252. Vì vậy, theo chúng tôi Điều 252 BLTTHS là một quy định thừa, nên bỏ.

5.Tạm đình chỉ vụ án

Điều 281 quy định về tạm đình chỉ vụ án, cơ bản đã rõ về các trường hợp để Thẩm phán chủ tọa phiên tòa ra quyết định tạm đình chỉ vụ án. Tuy nhiên, điều luật lại không quy định cụ thể thời hạn tạm đình chỉ vụ án trong từng trường hợp cụ thể cũng như trách nhiệm, quyền hạn của thẩm phán sau khi ra quyết định tạm đình chỉ vụ án, điều này dẫn đến nhiều vụ án sau khi ra quyết định tạm đình chỉ thì vụ án bị bỏ lửng.

Ví dụ trong vụ án có bị can, bị cáo bị bệnh hiểm nghèo, Thẩm phán căn cứ vào kết luận giám định tư pháp để ra quyết định tạm đình chỉ vụ án theo điểm a khoản 1 Điều 281 BLTTHS. Trong trường hợp này điều luật lại không quy định sau khi Thẩm phán ra quyết định tạm đình chỉ vụ án xong thì trong thời hạn bao lâu phải ra quyết định trưng cầu giám định để có kết luận giám định tư pháp về tình trạng bệnh tật của bị can, bị cáo để làm căn cứ ra quyết định hủy bỏ quyết định tạm đình chỉ vụ án và quyết định phục hồi vụ án. Vì vậy, đề xuất Điều 281 BLTTHS cần bổ sung thêm quy định về thời hạn tạm đình chỉ vụ án và trách nhiệm, quyền hạn của thẩm phán sau khi ra quyết định tạm đình chỉ vụ án trong từng trường hợp cụ thể.

6.Việc ra Bản án, Quyết định của Tòa án

Điều 299 BLTTHS quy định về “việc ra Bản án, Quyết định của Tòa án”. Khoản 2 của điều luật quy định các trường hợp phải thảo luận, thông qua tại phòng nghị án, gồm: Quyết định về việc thay đổi thành viên Hội đồng xét xử, Kiểm sát viên, Thư ký Tòa án, người giám định, người định giá tài sản, người phiên dịch, người dịch thuật, tạm đình chỉ hoặc đình chỉ vụ án, hoãn phiên tòa, bắt tạm giam hoặc trả tự do cho bị cáo. Điều luật quy định về việc “thảo luận, thông qua tại phòng nghị án”, khi đọc điều luật ta hiểu là thảo luận tại phòng nghị án thì chỉ có thể là Hội đồng xét xử, nhưng khoản 2 của điều luật lại không nói rõ thành phần nào tham gia thảo luận. Vì vậy,  khoản 2 Điều 299 cần bổ sung thêm như sau: “... trả tự do cho bị cáo phải được Hội đồng xét xử thảo luận, thông qua tại phòng nghị án và được lập thành văn bản”, như vậy sẽ đảm bảo tính chặt chẽ của pháp luật.

Bên cạnh đó nghiên cứu Điều 326 BLTTHS chúng tôi thấy, khoản 3 của điều luật quy định các vấn đề của vụ án phải được giải quyết khi nghị án gồm: “a) Vụ án có thuộc trường hợp tạm đình chỉ hoặc thuộc trường hợp trả hồ sơ để điều tra bổ sung hay không”.

Quy định trên tại điểm a khoản 3 Điều 326 BLTTHS là không cần thiết, bởi việc quyết định khi nghị án và việc thảo luận thông qua tại phòng nghị án (khoản 2 Điều 299 BLTTHS) của Hội đồng xét xử đối với trường hợp tạm đình chỉ vụ án về bản chất là không có gì khác nhau. Hội đồng xét xử phải thảo luận rồi mới đi đến quyết định xem vụ án có thuộc trường hợp tạm đình chỉ hay không và việc thảo luận đó phải tại phòng nghị án. Vì vậy, theo chúng tôi nên bỏ điểm a khoản 3 của Điều 326 BLTTHS và bổ sung thêm vào khoản 2 Điều 299 BLTTHS nội dung “... vụ án có thuộc trường hợp trả hồ sơ để điều tra bổ sung hay không... phải được Hội đồng xét xử thảo luận, thông qua tại phòng nghị án và được lập thành văn bản”.

7.Về việc áp dụng biện pháp ngăn chặn “Cấm đi khỏi nơi cư trú”

Khoản 1 Điều 278 BLTTHS quy định: 1. Sau khi thụ lý vụ án, Thẩm phán chủ toạ phiên tòa quyết định việc áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế, trừ việc áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp tạm giam do Chánh án, Phó Chánh án Tòa án quyết định”.

Về thời hạn ra Lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú, khoản 4 Điều 123 BLTTHS quy định: “Thời hạn cấm đi khỏi nơi cư trú không quá thời hạn điều tra, truy tố hoặc xét xử theo quy định của Bộ luật này. Thời hạn cấm đi khỏi nơi cư trú đối với người bị kết án phạt tù không quá thời hạn kể từ khi tuyên án cho đến thời điểm người đó đi chấp hành án phạt tù”.

Hiện nay vẫn có quan điểm khác nhau về thời hạn xét xử quy định tại khoản 4 Điều 123 BLTTHS, có quan điểm cho rằng thời hạn cấm đi khỏi nơi cư trú không được quá thời hạn quy định tại khoản 1 Điều 277 BLTTHS. Quan điểm khác lại cho rằng thời hạn xét xử phải bao gồm thời hạn quy định tại khoản 1 Điều 277 BLTTHS và thời hạn mở phiên tòa quy định tại khoản 3 Điều 277 BLTTHS.

Chúng tôi đồng tình với quan điểm thứ hai, bởi BLTTHS chỉ có quy định về thời hạn chuẩn bị xét xử mà không có quy định về thời hạn xét xử, nên cần phải hiểu thời hạn xét xử phải bao gồm cả thời hạn chuẩn bị xét xử và thời hạn mở phiên tòa. Bên cạnh đó nếu ghi thời hạn cấm đi khỏi nơi cư trú trong lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú tương ứng với từng loại tội phạm cụ thể theo 1 Điều 277 BLTTHS (ví dụ: Lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú là 30 ngày kể từ ngày thụ lý vụ án đối với tội ít nghiêm trọng) sẽ dẫn đến khoảng thời gian để tính là thời hạn mở phiên tòa tại khoản 3 Điều 277 BLTTHS thì bị can, bị cáo không bị áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú nữa (lúc này thời hạn cấm đi khỏi nơi cư trú đã hết) và trong trường hợp cần thiết phải ra lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú tiếp thì lại phải ra lệnh mới. Như vậy là thêm thủ tục không cần thiết.

Khoản 4 Điều 123 BLTTHS còn quy định chung chung về thời hạn áp dụng lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú. Trong thực tế, việc giải quyết các vụ án hình sự có nhiều vụ án phải ra hạn điều tra, truy tố, xét xử. Trong trường hợp này khoản 4 Điều 123 BLTTHS chưa có quy định cụ thể (không có quy định về thời hạn gia hạn cấm đi khỏi nơi cư trú)

Khoản 4 Điều 123 BLTTHS còn có quy định: “... thời hạn cấm đi khỏi nơi cư trú đối với người bị kết án phạt tù không quá thời hạn kể từ khi tuyên án cho đến thời điểm người đó đi chấp hành án phạt tù” nhưng lại không quy định ai là người có thẩm quyền ra lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú trong trường hợp này. Bên cạnh đó, nếu như trong trường hợp bản án sơ thẩm có kháng cáo, kháng nghị; tòa cấp phúc thẩm đã thụ lý thì lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú của tòa án cấp sơ thẩm đối với người bị kết án còn có hiệu lực nữa hay không? Theo chúng tôi vấn đề này cần phải có quy định cụ thể hơn theo hướng Hội đồng xét xử sơ thẩm ra lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú trong trường hợp người bị kết án bị phạt tù và Hội đồng xét xử phúc thẩm không cần phải ra lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú mà tuyên ngay trong bản án về việc tiếp tục áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú đối với bị cáo (các bị cáo) để đảm bảo thi hành án cho đến thời điểm người đó đi chấp hành án phạt tù vì bản án phúc thẩm có hiệu lực ngay.

Từ phân tích trên, chúng tôi đề xuất khoản 4 Điều 123 BLTTHS năm 2015 cần được sửa đổi như sau: Điều 123. Cấm đi khỏi nơi cư trú

... 4) Thời hạn cấm đi khỏi nơi cư trú không quá thời hạn điều tra, truy tố, chuẩn bị xét xử và thời hạn mở phiên tòa theo quy định của bộ luật này. Vụ án được ra hạn điều tra, truy tố, xét xử thì thời hạn cấm đi khỏi nơi cư trú không quá thời hạn ra hạn điều tra, truy tố, chuẩn bị xét xử và thời hạn mở phiên tòa. Đối với người bị kết án phạt tù thì Hội đồng xét xử sơ thẩm ra Lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú, thời hạn là 45 ngày kể từ ngày tuyên án; Hội đồng xét xử phúc thẩm quyết định trong bản án tiếp tục cấm đi khỏi nơi cư trú đối với người bị kết án phạt tù, thời hạn kể từ khi tuyên án cho đến thời điểm người đó đi chấp hành án phạt tù”...   

Trên đây là một số vấn đề mà theo chúng tôi cần được cơ quan có thẩm quyền xem xét sửa đổi để trong quá trình tiến hành tố tụng được áp dụng một cách thống nhất.

 

Tòa án nhân dân tỉnh Thái Bình xét xử vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản - Ảnh: Ninh Thanh

 

Th.S. ĐỖ THANH XUÂN (Tòa án quân sự Khu vực Thủ đô Hà Nội)