Căn cứ kháng nghị tái thẩm theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự

Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 (BLTTHS) đã có những quy định mới nhằm khắc phục những thiếu sót của BLTTHS năm 2003 về thủ tục tái thẩm. Tuy nhiên, trên thực tế áp dụng vẫn còn gặp nhiều vướng mắc, bất cập đặc biệt là quy định về căn cứ kháng nghị tái thẩm.

Mô hình tố tụng hình sự của Việt Nam đang duy trì nguyên tắc hai cấp xét xử đó là xét xử sơ thẩm và xét xử phúc thẩm, trong đó xét xử phúc thẩm được cho là cấp xét xử cuối cùng và bản án phúc thẩm có hiệu lực ngay từ sau khi tuyên án. Tuy nhiên, không phải bất kỳ bản án nào đã phát sinh hiệu lực phát luật cũng đều giải quyết được vụ án một cách khách quan, chính xác các vấn đề vụ án. Chính vì vậy, pháp luật đã quy định những thủ tục đặc biệt để khắc phục những thiếu sót của những bản án, quyết định đã phát sinh hiệu lực pháp luật. Một trong những thủ tục được quy định đó là thủ tục tái thẩm. Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 (BLTTHS) đã có những quy định mới nhằm khắc phục những thiếu sót của BLTTHS năm 2003 về thủ tục tái thẩm. Tuy nhiên, trên thực tế áp dụng vẫn còn gặp nhiều vướng mắc, bất cập đặc biệt là quy định về căn cứ kháng nghị tái thẩm.

1. Quy định của pháp luật về căn cứ kháng nghị tái thẩm

Tái thẩm không phải là cấp xét xử mà ở giai đoạn này Tòa án có thẩm quyền xét lại những bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật nhưng bị kháng nghị vì có những tình tiết mới được phát hiện có thể làm thay đổi cơ bản nội dung của bản án hoặc quyết định mà Tòa án không biết được khi ra quyết định đó. Khác với thủ tục sơ thẩm và phúc thẩm, nếu như đối tượng xét xử của cấp sơ thẩm và phúc thẩm chính là vụ án hình sự thì đối tượng của tái thẩm chỉ là bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực ở cấp sơ thẩm hoặc phúc thẩm. Trường hợp bản án, quyết định bị kháng nghị có căn cứ theo quy định tại Điều 398 BLTTHS thì tòa án cấp tái thẩm cũng không được sửa bản án hoặc quyết định bị kháng nghị mà phải tuyên hủy bản án hoặc quyết định bị kháng nghị đó để điều tra lại hoặc xét xử lại.

Cơ sở để làm phát sinh thủ tục tái thẩm chính là có kháng nghị tái thẩm của những chủ thể có thẩm quyền theo quy định tại Điều 400 BLTTHS. Các căn cứ kháng nghị tái thẩm được quy định tại Điều 398 BLTTHS đó là:

1.1.Thứ nhất, có căn cứ chứng minh lời khai của người làm chứng, kết luận giám định, kết luận định giá tài sản, lời dịch của người phiên dịch, bản dịch thuật có những điểm quan trọng không đúng sự thật.

Người làm chứng là người biết được những tình tiết liên quan đến nguồn tin về tội phạm, về vụ án và được cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng triệu tập đến làm chứng. Người làm chứng là những người biết được những thông tin liên quan đến vụ án và lời khai của những người này có ý nghĩa rất quan trọng đối với việc giải quyết nội dung vụ án, giúp sự thật vụ án được làm sáng tỏ. Một trong những nghĩa vụ của người làm chứng được BLTTHS quy định đó là trình bày trung thực những tình tiết mà mình biết liên quan đến nguồn tin về tội phạm, về vụ án và lý do biết được những tình tiết đó. Tuy nhiên, vì nhiều lý do khác nhau mà trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử người làm chứng đã cung cấp những lời khai không khách quan, không đúng sự thật và các cơ quan tiến hành tố tụng đã sử dụng những lời khai này để đưa ra những kết luận giải quyết vụ án khiến cho sự thật vụ án không được làm sáng tỏ và đến khi bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật mới phát hiện ra những lời khai của người làm chứng được sử dụng để làm căn cứ kết luận vụ án là không đúng sự thật. Tuy nhiên, không phải tất cả mọi trường hợp khi phát hiện ra lời khai của người làm chứng không đúng sự thật cũng đều là căn cứ kháng nghị tái thẩm mà chỉ có những lời khai chứa nội dung quan trọng làm thay đổi cơ bản nội dung vụ án mới là căn cứ để kháng nghị tái thẩm.

Đối với những vụ án có liên quan đến lĩnh vực cần định giá tài sản thì phải có sự tham gia của người giám định, người định giá tài sản và những người này phải chịu trách nhiệm về những nội dung mà mình đã kết luận. Đặc thù quan trọng nhất của loại chứng cứ này là phản ánh tính khách quan của các đối tượng giám định. Nếu các cơ quan tiến hành tố tụng sử dụng những kết luận giám định để quyết định về những nội dung quan trọng của vụ án và sau khi bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật mới phát hiện ra rằng kết luận giám định không đúng sự thật, làm thay đổi nội dung bản án, quyết định của Tòa án thì sai lầm về kết luận định giá, giám định này được sử dụng làm căn cứ để kháng nghị tái thẩm.

Trong trường hợp vụ án có người tham gia tố tụng không sử dụng được tiếng Việt hoặc có những tài liệu của vụ án không bằng tiếng Việt thì các Cơ quan tiến hành tố tụng phải yêu cầu người phiên dịch, người dịch thuật. Vì vậy, người phiên dịch, người dịch thuật có vai trò hết sức quan trọng nhất là trong trường hợp những tài liệu mà những người này phiên dịch chứa những nội dung then chốt của vụ án. Nếu người phiên dịch, người dịch thuật dịch sai và bản dịch của họ không đúng sự thật có thể sẽ khiến cho vụ án bị xét xử sai. Trong trường hợp bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật mới phát hiện bản dịch của người phiên dịch có những điểm không đúng sự thật thì những chủ thể có thẩm quyền tại Điều 400 BLTTHS có quyền kháng nghị đề nghị Tòa án xét lại bản án, quyết định theo thủ tục tái thẩm.

Nếu như người làm chứng, người giám định, người định giá tài sản, người phiên dịch, người dịch thuật mà cố tình cung cấp những thông tin gian dối hoặc cung cấp những tài liệu mà mình biết rõ là sai sự thật thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Cung cấp cấp tài liệu sai sự thật hoặc khai báo gian dối” theo quy định tại Điều 382 BLHS.

1.2.Thứ hai, có tình tiết mà Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán, Hội thẩm do không biết được mà kết luận không đúng làm cho bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật không đúng sự thật khách quan của vụ án.

Đây là trường hợp trong quá trình giải quyết vụ án, Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán, Hội thẩm đã đưa ra những kết luận không đúng và do đó ảnh hưởng đến việc xác định sự thật khách quan của vụ án. Việc những người có thẩm quyền tiến hành tố tụng vì không biết nên mới đưa ra những kết luận không đúng là do khách quan. Nếu họ biết mà vẫn kết đưa ra những kết luận không đúng nhưng do cố ý dẫn đến việc ra những kết luận không chính xác thì không phải là căn cứ kháng nghị tái thẩm.

1.3.Thứ ba, vật chứng, biên bản về hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, biên bản hoạt động tố tụng khác hoặc những chứng cứ, tài liệu, đồ vật khác trong vụ án bị giả mạo hoặc không đúng sự thật

Vật chứng, biên bản về hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, biên bản hoạt động tố tụng là cơ sở để các cơ quan tiến hành tố tụng giải quyết vụ án. Để giải quyết vụ án một cách khách quan, toàn diện, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của những người tham gia tố tụng thì các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng phải thu thập, kiểm tra, bảo quản, đánh giá và sử dụng chứng cứ một cách khách quan, toàn diện và hợp pháp. Việc các chứng cứ của vụ án bị sai lệch, làm giả hoặc tạo dựng phản ánh không đúng thực tế khách quan mà những người tiến hành tố tụng không biết được chúng đã bị thay đổi sẽ dẫn đến hậu quả tất yếu là những chứng cứ đó không còn mang thuộc tính khách quan của chứng cứ nữa nên đã dẫn đến việc ra bản án, quyết định phản ánh không đúng sự thật khách quan của vụ án.

1.4.Thứ tư, những tình tiết khác làm cho bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật không đúng sự thật khách quan của vụ án

Đây là quy định dự liệu để các cơ quan có thẩm quyền làm cở kháng nghị tái thẩm. Những tình tiết này không liên quan đến ba nhóm tình tiết nêu trên, có thể hoàn toàn mang yếu tố khách quan, không phụ thuộc vào ý thức chủ quan của người tiến hành tố tụng hoặc người tham gia tố tụng. Trên thực tế, những tình tiết khác làm cho bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật không đúng sự thật khách quan của vụ án thường rất phong phú và đa dạng nhưng chỉ được coi là căn cứ kháng nghị tái thẩm khi có đủ điều kiện đó là phải đảm bảo đó là tình tiết mới mà Tòa án không biết khi ra bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật và những tình tiết này làm thay đôi cơ bản nội dung bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật. Nếu sau khi bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật mới xuất hiện tình tiết mới nhưng không làm thay đổi cơ bản nội dung của bản án, quyết định đó thì tình tiết này không phải là căn cứ để kháng nghị theo thủ tục tái thẩm.

2. Một số bất cập và kiến nghị hoàn thiện

2.1.Thứ nhất, từ những quy định về căn cứ kháng nghị tái thẩm có thể thấy những tình tiết dùng làm căn cứ kháng nghị tái thẩm vụ án hình sự là những tình tiết mới được phát hiện sau khi bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật và những tình tiết này phải làm thay đổi nội dung cơ bản của bản án, quyết định đó. Những kết luận trong bản án, quyết định của Tòa án được đưa ra trên cơ sở các chứng cứ được thu thập trong quá trình giải quyết vụ án và các chứng cứ này phải có giá trị chứng minh. Các chứng cứ được dùng để giải quyết vụ án hình sự phải là những gì có thật, được thu thập theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định, được dùng làm căn cứ để xác định có hay không có hành vi phạm tội, người thực hiện hành vi phạm tội và những tình tiết khác có ý nghĩa trong việc giải quyết vụ án. Tất cả các chứng cứ đều được chứa đựng trong các nguồn của chứng cứ được quy định tại Điều 86 BLTTHS và phải đảm bảo đầy đủ các thuộc tính của chứng cứ gồm tính khách quan, tính liên quan và tính hợp pháp.

Đối chiếu với quy định tại khoản 1 Điều 398 của BLTTHS thì khi “Có căn cứ chứng minh lời khai của người làm chứng, kết luận giám định, kết luận định giá tài sản, lời dịch của người phiên dịch, bản dịch thuật có những điểm quan trọng không đúng sự thật” được coi là căn cứ kháng nghị tái thẩm. Điều này chưa thật đầy đủ và toàn diện bởi lẽ, lời khai và lời trình bày của người làm chứng chỉ là một yếu tố được sử dụng để làm căn cứ chứng minh các tình tiết của vụ án. Bên cạnh đó, trong vụ án hình sự không phải chỉ căn cứ vào mỗi lời khai của người làm chứng để làm căn cứ giải quyết vụ án mà các các cơ quan tiến hành tố tụng phải thu thập các chứng cứ từ nhiều nguồn khác nhau.

Đối với chứng cứ là lời khai của những người tham gia tố tụng thì không phải chỉ có mỗi lời khai của người làm chứng mới được dùng để làm căn cứ chứng minh vụ án mà còn có những lời khai của người chủ thể khác đặc biệt là của bị cáo và bị hại. Nếu lời khai của những người này chứa đựng những nội dung quan trọng và được sử dụng làm chứng cứ để chứng minh các vấn đề trong quá trình giải quyết vụ án thì cũng là căn cứ kháng nghị tái thẩm. Hơn nữa, theo quy định tại Điều 86 BLTTHS thì nguồn của chứng cứ gồm: “Vật chứng; Lời khai, lời trình bày; Dữ liệu điện tử; Kết luận giám định, định giá tài sản; Biên bản trong hoạt động khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; Kết quả thực hiện ủy thác tư pháp và hợp tác quốc tế khác; Các tài liệu, đồ vật khác”. Mỗi nguồn chứng cứ đều chứa những chứng cứ có giá trị quan trọng và những chứng cứ này nếu không đảm bảo đầy đủ tất cả các thuộc tính của chứng cứ thì có thể sẽ làm thay đổi cơ bản nội dung của bản án, quyết định mà Tòa án không biết được khi ra bản án, quyết định của Tòa án.

Tuy nhiên quy định tại khoản 1 và khoản 3 của Điều 398 BLTTHS chỉ liệt kê một số nguồn chứng cứ gồm lời khai của người làm chứng, kết luận giám định, kết luận định giá tài sản, lời dịch của người phiên dịch, bản dịch thuật có những điểm quan trọng không đúng sự thật; Vật chứng, biên bản về hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, biên bản hoạt động tố tụng khác hoặc những chứng cứ, tài liệu, đồ vật khác trong vụ án bị giả mạo hoặc không đúng sự thật là chưa đầy đủ về căn cứ kháng nghị tái thẩm. Theo tác giả, quy định theo hướng liệt kê các chứng cứ để làm căn cứ kháng nghị tái thẩm sẽ gây khó khăn cho những chủ thể có thẩm quyền kháng nghị tái thẩm vì nếu phát hiện ra những tình tiết mới làm thay đổi cơ bản nội dung của bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật nhưng những căn cứ đó không được liệt kê trong căn cứ kháng nghị tái thẩm thì sẽ không có căn cứ để kháng nghị tái thẩm. Chính vì vậy, đối với những chứng cứ được sử dụng để làm căn cứ chứng minh trong quá trình giải quyết vụ án mà bị phát hiện thiếu một trong thuộc tính của chứng cứ làm làm thay đổi cơ bản nội dung của bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật thì cũng là căn cứ để kháng nghị tái thẩm.

2.2.Thứ hai, đối với căn cứ kháng nghị tái thẩm quy định tại khoản 2 Điều 398 “Có tình tiết mà Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán, Hội thẩm do không biết được mà kết luận không đúng làm cho bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật không đúng sự thật khách quan của vụ án”. Trong thực tiễn áp dụng quy định này về căn cứ kháng nghị tái thẩm còn có nhiều vướng mắc và bất cập bởi lẽ căn cứ kháng nghị này rất dễ bị nhầm lẫn với căn cứ kháng nghị giám đốc thẩm quy định tại khoản 1 và khoản 3 Điều 371 BLTTHS: “Kết luận trong bản án, quyết định của Tòa án không phù hợp với những tình tiết khách quan của vụ án”, “Có sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng pháp luật”. Như vậy việc phát hiện tình tiết mà các chủ thể tiến hành tố tụng không biết trong các giai đoạn trước trong trường hợp nào thì là căn cứ kháng nghị giám đốc thẩm, trong trường hợp nào thì là căn cứ tái thẩm bởi lẽ theo quy định tại Điều 397 thì “Tái thẩm là xét lại bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhưng bị kháng nghị vì có tình tiết mới được phát hiện có thể làm thay đổi cơ bản nội dung của bản án, quyết định mà Tòa án không biết được khi ra bản án, quyết định đó”. Theo đó thì sự “không biết” đó chỉ đặt ra đối với tòa án (hội đồng xét xử) khi ra bản án hoặc quyết định qua hoạt động xét xử tại phiên tòa mà không đặt ra với cơ quan điều tra, viện kiểm sát (điều tra viên, kiểm sát viên) trong quá trình điều tra và thực hành quyền công tố. Còn nếu như trong giai đoạn điều tra và truy tố mà các cơ quan điều tra, Viện kiểm sát do “không biết” khiến cho các kết luận của mình bị sai mà sau khi bản án hoặc quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật mới phát hiện ra thì đó chính là căn cứ kháng nghị giám đốc thẩm theo các quy định trên. Để phù hợp với quy định tại Điều 397, theo tác giả nên quy định căn cứ kháng nghị tái thẩm là khi có tình tiết mà Tòa án do không biết được mà kết luận không đúng làm cho bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật không đúng sự thật khách quan của vụ án.

Như vậy, Điều 398 về căn cứ kháng nghị tái thẩm cần được sửa lại như sau:

Bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị theo thủ tục tái thẩm khi có một trong các căn cứ:

1. Khi có căn cứ chứng minh các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng đã dựa vào các tình tiết không đủ điều kiện để làm chứng cứ để kết luận về những vấn đề quan trọng của vụ án.

2. Khi có tình tiết mà Tòa án do không biết được mà kết luận không đúng làm cho bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật không đúng sự thật khách quan của vụ án.

3. Những tình tiết khác làm cho bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật không đúng sự thật khách quan của vụ án.”

 

TAND huyện Phú Riềng, Bình Phước  xét xử  vụ án Mua bán trái phép chất ma túy- Ảnh: Quốc Trung

 

 

 

 

 

 

HOÀNG ĐÌNH DŨNG (Tòa án quân sự Quân khu 4)