Giới thiệu cuốn sách: Lý giải một số vấn đề của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 từ thực tiễn xét xử

Sau quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02-6-2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, theo đó “nâng cao chất lượng tranh tụng tại các phiên tòa xét xử, coi đây là khâu đột phá của hoạt động tư pháp”, tranh tụng trong xét xử đã trở thành nguyên tắc hiến định. Khoản 5 Điều 103 Hiến pháp năm 2013 lần đầu tiên quy định: “Nguyên tắc tranh tụng trong xét xử được bảo đảm”.

Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 (BLTTDS 2015) được xây dựng trên nguyên tắc hiến định nêu trên. Hàng loạt các quy định tố tụng dân sự trước đây đã được sửa đổi, bổ sung theo hướng tạo điều kiện cho các bên đương sự, những người đại diện của đương sự, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự có thể thực hiện được quyền tranh tụng bình đẳng trong quá trình xét xử. Sự ra đời của BLTTDS 2015 là bước phát triển mới đáng ghi nhận trong lịch sử lập pháp về tố tụng dân sự của nước ta.

Việc thi hành các quy định của BLTTDS 2015 sao cho phù hợp với tư tưởng và tinh thần đổi mới tư duy tố tụng dân sự đòi hỏi thời gian, trải nghiệm thực tiễn và sự đóng góp của các những người làm công tác thực tiễn như Thẩm phán, Kiểm sát viên, Luật sư, các chuyên gia và học giả pháp lý.v.v… Nghiên cứu thực tiễn cho thấy sau gần 5 năm thực hiện BLTTDS 2015 đã phát sinh một số vấn đề cần được trao đổi và lý giải thêm để có được cách hiểu đúng đắn và phù hợp hơn với tinh thần cải cách tư pháp.

Cuốn sách “Lý giải một số vấn đề của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 từ thực tiễn xét xử” do TS.LS. Lưu Tiến Dũng, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam, Luật sư thành viên Công ty Luật TNHH YKVN và TS. Đặng Thanh Hoa, nguyên Trưởng bộ môn Luật Tố tụng dân sự – Hôn nhân và gia đình Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh là đồng Chủ biên cùng với nhóm tác giả là những người hoạt động thực tiễn trong lĩnh vực tố tụng dân sự, luật sư và giảng viên biên soạn với một cách tiếp cận mới. Một số quy định chọn lọc của BLTTDS 2015 đã được nhóm tác giả phân tích, bình luận và lý giải trên cơ sở tiếp cận thực tiễn áp dụng BLTTDS 2015 của Tòa án thông qua các bản án, quyết định có thể sẽ cung cấp thêm cho bạn đọc một tài liệu tham khảo hữu ích.

Với hy vọng đây là cuốn sách có giá trị về khoa học pháp lý và thực tiễn, tôi xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

Hà Nội, tháng 4 năm 2020

PGS. TS. Trần Anh Tuấn

Phó Trưởng khoa Pháp luật Dân sự

Đại học Luật Hà Nội