Pháp luật về cung ứng lao động là thuyền viên Việt Nam làm việc trên các tàu đánh cá nước ngoài

Bài viết trên cơ sở phân tích các quy định pháp luật về cung ứng lao động là thuyền viên Việt Nam làm việc trên các tàu đánh cá nước ngoài để đưa ra những đánh giá, chỉ ra những những điểm còn hạn chế trong các quy định pháp luật Việt Nam hiện hành về: (1) Trách nhiệm của tổ chức cung ứng thuyền viên; (2) Kiểm soát tiêu chuẩn, chất lượng thuyền viên được xuất khẩu. Từ đó, tác giả đề xuất một số giải pháp góp phần hoàn thiện các quy định pháp luật Việt Nam liên quan đến hai vấn đề này.

1.Khái quát pháp luật về cung ứng lao động là thuyền viên Việt Nam làm việc trên tàu đánh cá nước ngoài

Việc làm giữ vai trò quan trọng trong đời sống kinh tế – xã hội; là vấn đề cốt lõi, xuyên suốt trong các hoạt động kinh tế và chi phối mọi hoạt động của cá nhân và xã hội. Luật Việc làm năm 2013 đã đề cập đến 6 chính sách cơ bản của Nhà nước về việc làm, trong đó có “Chính sách hỗ trợ tạo việc làm, phát triển thị trường lao động”. Theo thống kê, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên của cả nước quý I năm 2019 ước tính là 55,4 triệu người; trong đó khu vực Nông, Lâm nghiệp và Thuỷ sản là khoảng 19,2 triệu người, chiếm 35,4%[1]. Trong giai đoạn hiện nay, xuất khẩu lao động được Đảng và Nhà nước ta xác định có tầm quan trọng trong chính sách giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo và cải thiện cuộc sống của người dân. Xuất khẩu lao động là thuyền viên không những giải quyết việc làm, thu nhập cho thuyền viên mà còn góp phần rất lớn vào việc nâng cao chất lượng đội ngũ thuyền viên Việt Nam. Theo số liệu của Ban cung ứng thuyền viên tàu cá – Hiệp hội Xuất khẩu lao động Việt Nam, năm 2017 nước ta xuất khẩu gần 5.000 lao động thuyền viên tàu cá sang làm việc tại Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản (chủ yếu là các tàu cá đánh bắt xa bờ)[2].

1.1.Chủ thể đào tạo, cung ứng lao động thuyền viên

Trong chuỗi đào tạo, huấn luyện thuyền viên, cung ứng thuyền viên Việt Nam đến làm việc trên các tàu đánh cá thuộc sử hữu, quản lý của chủ tàu nước ngoài, có nhiều bên tham gia như: các tổ chức, công ty trong nước, có chức năng xuất khẩu thuyền viên (có thể gọi chung là tổ chức xuất khẩu thuyền viên); chủ tàu hay người khai thác, quản lý, tàu nước ngoài và thuyền viên Việt Nam. Trong chuỗi tạo ra và cung ứng thuyền viên xuất khẩu, về cơ bản gồm ba khối: cơ sở giáo dục, đào tạo hàng hải; trung tâm huấn luyện hàng hải và tổ chức cung ứng thuyền viên xuất khẩu[3]. Trong đó: Cơ sở đào tạo, huấn luyện thuyền viên hàng hải là cơ sở huấn luyện thuyền viên làm việc trên tàu biển theo các quy định của Công ước STCW, được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện đào tạo, huấn luyện thuyền viên hàng hải theo quy định tại Khoản 3 Điều 3 Nghị định số 29/2017/NĐ-CP ngày 20 tháng 3 năm 2017 của Chính phủ quy định về điều kiện cơ sở đào tạo, huấn luyện và tổ chức tuyển dụng, cung ứng thuyền viên hàng hải. Còn tổ chức tuyển dụng, cung ứng thuyền viên hàng hải là doanh nghiệp được cấp phép hoạt động trong lĩnh vực tuyển dụng, cung ứng lao động là thuyền viên làm việc trên tàu biển thông qua hình thức cho thuê hoặc cho thuê lại hoặc đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo quy định của pháp luật[4].

Theo quy định hiện hành, một tổ chức Việt Nam được cấp phép đưa thuyền viên đi làm việc trên các tàu đánh cá nước ngoài (xuất khẩu lao động) thì họ phải ký hai hợp đồng: (i)Hợp đồng thứ nhất là hợp đồng với bên đối tác nước ngoài, gọi là hợp đồng cung ứng lao động và tranh chấp giữa bên cung ứng của Việt Nam với bên nước ngoài sẽ giải quyết căn cứ theo hợp đồng này. Hợp đồng cung ứng lao động là sự thoả thuận bằng văn bản giữa doanh nghiệp, tổ chức sự nghiệp của Việt Nam với bên nước ngoài về điều kiện, nghĩa vụ của các bên trong việc cung ứng và tiếp nhận người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài. Có thể hiểu là bên cung ứng của Việt Nam sẽ cung cấp số lượng, chất lượng lao động cho đối tác nước ngoài theo hợp đồng đã ký và hợp đồng này phải được đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền. (ii)Hợp đồng thứ hai là hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, được ký kết với thuyền viên Việt Nam. Hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài là sự thỏa thuận bằng văn bản giữa doanh nghiệp, tổ chức sự nghiệp với người lao động về quyền, nghĩa vụ của các bên trong việc đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.

 1.2.Hình thức cung ứng lao động thuyền viên

Pháp luật nhiều nước trên thế giới và pháp luật Việt Nam đều ghi nhận sự tồn tại song hành hai hình thức quản lý thuyền viên, thứ nhất, chủ tàu quản lý trực tiếp thuyền viên làm việc cho đội tàu của mình, tuy nhiên hình thức thứ hai phổ biến hơn, đó là chủ tàu chỉ quản lý con tàu, còn thuyền viên được quản lý bởi tổ chức cung ứng thuyền viên. Chính vì vậy, chủ tàu hoặc người khai thác hay người quản lý tàu nước ngoài có thể thuê thuyền viên làm việc cho đội tàu của họ dưới hai hình thức đó là: ký hợp đồng trực tiếp với thuyền viên hoặc thuê thuyền viên thông qua việc ký hợp đồng với các công ty cung ứng thuyền viên. Thực tế hiện nay, hầu hết thuyền viên Việt Nam làm việc trên các tàu đánh cá nước ngoài thông qua hình thức cung ứng lao động, trường hợp thuyền viên có thể tự ký hợp đồng lao động trực tiếp với chủ tàu nước ngoài là rất hiếm[5].

 1.3.Quản lý nhà nước trong hoạt động cung ứng lao động thuyền viên

Hiện nay, hoạt động cung ứng lao động thuyền viên Việt Nam làm việc trên các tàu đánh cá nước ngoài giữa doanh nghiệp trong nước với nước ngoài được điều chỉnh bởi các văn bản pháp luật lao động chung và một số văn bản hướng dẫn của Chính phủ như: Bộ luật Lao động năm 2012; Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng năm 2006; Bộ luật Hàng hải Việt Nam năm 2015; Nghị định số 29/2017/NĐ-CP ngày 20 tháng 3 năm 2017 của Chính phủ quy định về điều kiện cơ sở đào tạo, huấn luyện và tổ chức tuyển dụng, cung ứng thuyền viên hàng hải; Nghị định số 147/2018/NĐ-CP ngày 24 tháng 10 năm 2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định về điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực hàng hải. Đồng thời, hoạt động cung ứng này cũng phải tuân thủ các cam kết trong Công ước Lao động Hàng hải 2006 (MLC) của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) chính thức có hiệu lực từ ngày 20/8/2013. Từ góc độ pháp luật, thuyền viên làm việc trên tàu cá ngoài có thể cùng một lúc nhận sự điều chỉnh của nhiều hệ thống pháp luật như: pháp luật của nước mà tàu mang cờ, pháp luật của nước mà thuyền viên mang quốc tịch, pháp luật của nước có cảng mà tàu cá đến hoạt động.

Nhìn chung, hoạt động của chuỗi cung ứng thuyền viên không phải lúc nào cũng diễn ra tốt đẹp, thuận lợi, mà có thể phát sinh những bất đồng, mâu thuẫn giữa các bên dẫn đến xung đột, biểu hiện dưới dạng các tranh chấp về nghĩa vụ cũng như quyền lợi. Có những tranh chấp ảnh hưởng rất lớn đến thuyền viên và gia đình của họ, tác động xấu đến hoạt động kinh doanh của tổ chức xuất khẩu thuyền viên, gây bất ổn đối với trật tự an ninh xã hội. Lường hết được những tranh chấp có thể xảy ra giữa các bên trong hoạt động xuất khẩu thuyền viên, qua đó đưa ra những giải pháp hạn chế được các tranh chấp, trong đó có việc hạn chế những tranh chấp phát sinh giữa các công ty xuất khẩu thuyền viên trong nước với thuyền viên Việt Nam, với mục đích bảo vệ quyền lợi không những của thuyền viên, mà còn bảo vệ quyền lợi của chính các tổ chức xuất khẩu thuyền viên cũng như quyền lợi của chủ tàu hay người khai thác, quản lý tàu nước ngoài, làm lành mạnh hóa và chuyên nghiệp hóa lĩnh vực xuất khẩu thuyền viên của Việt Nam, góp phần ngày càng phát triển nguồn nhân lực thuyền viên xuất khẩu Việt Nam bền vững là rất cần thiết.

 2.Một số hạn chế trong quy định pháp luật hiện hành về cung ứng lao động là thuyền viên Việt Nam làm việc trên các tàu đánh cá nước ngoài

Trong hoạt động cung ứng thuyên viên luôn tồn tại một bên chủ thể là người nước ngoài, cụ thể là người sử dụng lao động (chủ tàu hoặc người khai thác tàu) thông qua tổ chức cung ứng thuyền viên của Việt Nam để thuê thuyền viên Việt Nam làm việc trên các tàu đánh cá mang quốc tịch nước ngoài nên các bên phải đối mặt với nhiều rào cản về văn hóa, ngôn ngữ, tính chất công việc. Trong quan hệ lao động này, thuyền viên Việt Nam thường là chủ thể yếu thế hơn nên phải đối mặt với nhiều nguy cơ như bị lạm dụng sức lao động, làm việc trong các điều kiện không đảm bảo an toàn tiêu chuẩn chung, bị người sử dụng lao động đối xử về chế độ tiền lương và các điều kiện sinh hoạt không bảo đảm theo các yêu cầu của luật pháp quốc tế, cũng như các khó khăn khi hệ thống pháp luật của quốc gia mà thuyền viên mang quốc tịch chưa đủ mạnh để bảo vệ họ trước khi ký hợp đồng lao động. Bên cạnh đó, khác biệt với những quan hệ lao động thông thường, thuyền viên là nghề đặc thù đòi hỏi phải có kiến thức và tay nghề cao, cường độ lao động vất vả, chịu ảnh hưởng của môi trường khắc nghiệt, rủi ro giữa muôn trùng sóng gió; các con tàu lênh đênh trên biển còn là đối tượng luôn bị rình rập bởi cướp biển và những tai nạn bất ngờ.

Những năm qua, Đảng và Nhà nước Việt Nam đã có đường lối chính sách về chiến lược phát triển nguồn nhân lực thuyền viên nhưng vẫn còn những hạn chế trong việc triển khai cụ thể hóa những chủ trương đường lối chính sách đó thành các văn bản dưới luật nhằm tạo động lực cho phát triển nguồn nhân lực thuyền viên xuất khẩu; cũng như chưa có mục tiêu cho công tác xuất khẩu thuyền viên ở cấp quản lý nhà nước đến các cơ sở đào tạo và huấn luyện hàng hải.

 2.1.Hạn chế trong quy định về trách nhiệm của tổ chức cung ứng lao động là thuyền viên.

Các tổ chức cung ứng thuyền viên ở nước ta hiện nay về cơ bản được phân loại thành hai nhóm chính: (i)Nhóm thứ nhất, bao gồm các doanh nghiệp quy mô, có kinh nghiệm trong công tác xuất khẩu thuyền viên; hay những doanh nghiệp mới thành lập, nhưng khá chuyên nghiệp và có đối tác là những chủ tàu hoặc người quản lý hay khai thác tàu lớn, uy tín, tại các nước tiên tiến, có ngành hàng hải phát triển. (ii)Nhóm thứ hai, là những doanh nghiệp nhỏ lẻ, có năng lực và tiềm lực hạn chế, với tư tưởng làm ăn ngắn hạn, ít có sự đầu tư, chủ yếu đi gom nhặt cả thuyền viên và đối tác chủ tàu nước ngoài. Các tổ chức này chỉ được hoạt động khi được cấp “Giấy xác nhận phù hợp về tuyển dụng và cung ứng thuyền viên hàng hải” (gọi chung là giấy xác nhận) – văn bản do Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam cấp cho tổ chức tuyển dụng, cung ứng thuyền viên hàng hải để xác nhận sự phù hợp về tuyển dụng và cung ứng thuyền viên hàng hải theo quy định của MLC[6].

Có thể nhận định, trong quan hệ lao động này, vai trò của các tổ chức cung ứng thuyền viên là rất quan trọng, là cầu nối giữa thuyền viên và tổ chức có nhu cầu sử dụng lao động thuyền viên, là trung gian để đưa thuyền viên đi làm việc trên các tàu đánh cá nước ngoài. Trên thực tế đã có nhiều doanh nghiệp cung ứng thuyền viên, nhất là những doanh nghiệp nhỏ lẻ, chỉ chú trọng đến lợi nhuận nhỏ trước mắt, mà chưa có định hướng lâu dài, thiếu trách nhiệm với thuyền viên. Chính điều này là nguyên nhân phát sinh nhiều tranh chấp và gây tổn hại nghiêm trọng đến quyền lợi của người lao động. Tuy nhiên, pháp luật hiện hành cũng chỉ mới dừng lại ở quy định về giấy xác nhận, các trường hợp và thủ tục cấp, cấp lại, thu hồi giấy xác nhận chứ chưa hề có quy định chi tiết về trách nhiệm của tổ chức cung ứng thuyền viên. Ngoài ra cũng chưa có các quy định trong quản lý nhằm tạo ra tính liên kết giữ các bên liên quan đến chuỗi hoạt động xuất khẩu thuyền viên, bao gồm cơ sở đào tạo hàng hải, các trung tâm huấn luyện thuyền viên và các doanh nghiệp xuất khẩu thuyền viên để các bên có thể tìm được tiếng nói chung và phát huy tối đa vai trò của mình.

2.2.Hạn chế trong quy định về kiểm soát tiêu chuẩn, chất lượng thuyền viên được xuất khẩu.

Chất lượng nguồn năng lực thuyền viên xuất khẩu ảnh hưởng rất lớn đến thị phần và năng lực cạnh tranh trên thị trường thuyền viên quốc tế. Tuy nhiên, theo đánh giá chung, chất lượng thuyền viên xuất khẩu của Việt Nam là không đồng đều, tùy thuộc vào cơ sở đào tạo, huấn luyện hàng hải, tinh thần, thái độ đối với nghề nghiệp, trình độ chuyên môn và sự phân công vị trí, cũng như đội tàu mà thuyền viên làm việc[7]. Bất cứ quốc gia nào, nếu thuyền viên không được đào tạo theo tiêu chuẩn của Công ước Quốc tế về tiêu chuẩn huấn luyện, cấp chứng chỉ và trực ca cho thuyền viên năm 1978 sửa đổi năm 2010 (STCWW78/2010) thì thuyền viên cũng như những con tàu mang cờ của quốc gia đó phải qua sự kiểm soát ngặt nghèo của các quốc gia tham gia Công ước mới được chấp nhận hoạt động tại quốc gia của họ[8]. Mặc dù thuyền viên Việt Nam đã được tào tạo, huấn luyện và cấp chứng chỉ theo tiêu chuẩn của Công ước này nhưng thực tế vẫn còn nhiều hạn chế.

Hơn ai hết, chính các tổ chức cung ứng thuyển viên sẽ hiểu rõ chủ tàu nước ngoài cần gì nhất ở thuyền viên Việt Nam, nói cách khác các tổ chức này buộc phải nắm bắt rõ nhất những yêu cầu, tiêu chí về năng lực, chất lượng thuyền viên mà các chủ tàu nước ngoài đòi hỏi để có thể đáp ứng tốt nhất. Tuy nhiên, công tác đào tạo, huấn luyện hàng hải hiện nay còn chưa phù hợp, chất lượng đào tạo còn hạn chế, chưa thực sự đáp ứng yêu cầu của các nhà tuyển dụng, nhất là chưa đáp ứng được yêu cầu của các chủ tàu, chưa theo kịp trình độ của các nước trong khu vực, các nước tiên tiến trên thế giới và sự chuyển biến trong xu hướng phát triển của ngành Hàng hải, hội nhập quốc tế và toàn cầu hóa. Chất lượng đào tạo tại các cơ sở hàng hải là không đồng đều, vì nhiều nguyên nhân khác nhau như: Chất lượng sinh viên nhập học là khá khác biệt; cơ sở vật chất không đồng bộ; đội ngũ giảng dạy còn nhiều chênh lệch; công tác quản lý sinh viên có sự khác biệt rất lớn giữa các cơ sở; tính liên thông giữa các cấp học bậc học của chương trình và giáo trình đào tạo hàng hải và đặc biệt là sự hạn chế trong quy định về kiểm soát tiêu chuẩn, chất lượng thuyền viên được xuất khẩu. Hạn chế này xuất phát từ việc chúng ta vẫn chưa kịp thời ban hành và tổ chức thực hiện chưa tốt các văn bản hướng dẫn về chủ trương liên kết đào tạo, bồi dưỡng nhân lực thuyền viên xuất khẩu. Bên cạnh đó, hệ thống cơ sở dữ liệu của nguồn nhân lực thuyền viên xuất khẩu, một cơ sở vững chắc để quản lý, phát triển nguồn nhân lực thuyền viên xuất khẩu vẫn chưa được xây dựng đầy đủ. Vì thiếu hệ thống cơ sở dữ liệu này nên chưa thể xây dựng được chiến lược phát triển thuyền viên xuất khẩu với những lộ trình cụ thể. Từ việc chưa xây dựng được chiến lược phát triển nguồn nhân lực thuyền viên xuất khẩu, nên công tác quy hoạch và quản lý phát triển nguồn nhân lực này gặp nhiều khó khăn.

Bên cạnh đó, hiện nay, trong các văn bản luật và dưới luật điều chỉnh quan hệ lao động có yếu tố nước ngoài nói chung và quan hệ lao động thuyền viên nói riêng đều chưa được quy định thành một chế định, một mục riêng trong đó. Sở dĩ cần thiết phải ban hành thành mục riêng vì tầm quan trọng của nó, cũng như tính đặc thù của loại hình lao động này, nó liên quan đến rất nhiều quốc gia, rất nhiều quyền lợi (chủ tàu, người môi giới, người bảo hiểm, thuyền viên). Chính điều này cũng làm ảnh hưởng đến hiệu quả của công tác kiểm soát tiêu chuẩn, chất lượng thuyền viên được xuất khẩu.

 3.Giải pháp hoàn thiện pháp luật Việt Nam về cung ứng lao động là thuyền viên làm việc trên tàu cá nước ngoài

Về nguyên tắc bảo đảm sự phù hợp giữa các quy phạm pháp luật trong nước với các quy định của luật hàng hải và tập quán quốc tế về thuyền viên nói chung và thuyền viên Việt Nam làm việc trên tàu đánh cá nước ngoài nói riêng, pháp luật lao động Việt Nam về thuyền viên cần chú trọng tới việc sửa đổi, bổ sung và hệ thống hóa, pháp điển hóa các chế định cơ bản như quy định cụ thể về nguyên tắc, quyền và nghĩa vụ của thuyền viên Việt Nam khi làm việc trên tàu biển nước ngoài; bảo đảm các điều kiện tối thiểu về chế độ lao động, điều kiện sống và làm việc của thuyền viên; tăng cường công tác quản lý, giám sát hoạt động cung ứng thuyền viên của các tổ chức Việt Nam; định kỳ kiểm soát về điều kiện lao động hàng hải đối với thuyền viên làm việc trên tàu biển nước ngoài; phát huy vai trò của Công đoàn trong việc giám sát chế độ lao động của thuyền viên và đấu tranh bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp cho thuyền viên Việt Nam khi các quyền và lợi ích đó không đảm bảo theo quy định chung hoặc bị xâm hại. Sự phù hợp này bao gồm cả luật nội dung và luật hình thức, kể cả các quy phạm pháp luật hay các thỏa thuận giữa các bên[9]. Đây không chỉ là nguyên tắc chung trong việc xây dựng và hoàn thiện các quy định pháp luật về lao động hàng hải đối với thuyền viên Việt Nam làm việc trên tàu đánh cá nước ngoài mà còn là nguyên tắc trong việc xây dựng và hoàn thiện các quy định pháp luật về lao động có yếu tố nước ngoài trong tư pháp quốc tế Việt Nam.

Trên cơ sở phân tích, đánh giá thực trạng quy định pháp luật hiện hành về cung ứng thuyền Việt Nam làm việc trên các tàu đánh cá nước ngoài, tác giả đề xuất một số giải pháp sau:

 Thứ nhất, về trách nhiệm của tổ chức cung ứng lao động là thuyền viên

Cần quy định chi tiết về trách nhiệm của tổ chức cung ứng thuyền viên, cụ thể nên bổ sung vào Nghị định số 29/2017/NĐ-CP ngày 20 tháng 3 năm 2017 của Chính phủ quy định về điều kiện cơ sở đào tạo, huấn luyện và tổ chức tuyển dụng, cung ứng thuyền viên hàng hải các điều khoản riêng quy định về “Trách nhiệm của tổ chức cung ứng thuyền viên”, với nội dung:

a) Bảo đảm thuyền viên được thông tin về các quyền và nghĩa vụ theo hợp đồng lao động thuyền viên hoặc hợp đồng cung ứng thuyền viên và bảo đảm thuyền viên được kiểm tra hợp đồng lao động của mình trước và sau khi ký. Đồng thời, phải cung cấp cho thuyền viên một bản hợp đồng lao động thuyền viên đã ký và bản sao hợp đồng cung ứng thuyền viên (nếu có); 

b) Theo dõi tình trạng việc làm của thuyền viên đã tuyển dụng hoặc cung ứng cho chủ tàu; 

c) Thường xuyên cập nhật danh sách tất cả các thuyền viên được tuyển dụng hoặc cung ứng để cơ quan có thẩm quyền kiểm tra; 

d) Thỏa thuận rõ ràng với chủ tàu về các biện pháp bảo vệ thuyền viên không bị lưu lại tại một cảng nước ngoài và việc hồi hương cho thuyền viên, trừ trường hợp thuyền viên bỏ trốn khỏi tàu;

đ) Bồi thường cho thuyền viên các thiệt hại về tài chính mà thuyền viên phải gánh chịu do lỗi của mình hoặc của chủ tàu có liên quan theo hợp đồng lao động của thuyền viên;

e) Giải quyết các khiếu nại liên quan đến hoạt động của tổ chức mình và báo cáo Cục Hàng hải Việt Nam những khiếu nại chưa được giải quyết.

Bên cạnh đó, cần thiết phải quy định rõ hơn về chức năng phối hợp trong chuỗi cung ứng thuyền viên của các cơ sở đào tạo hàng hải, các trung tâm huấn luyện thuyền viên và các doanh nghiệp xuất khẩu thuyền viên nhằm tạo ra tính liên kết giữa các bên liên quan để các bên có thể tìm được tiếng nói chung và phát huy tối đa vai trò của mình.

 Thứ hai, về kiểm soát tiêu chuẩn, chất lượng thuyền viên được xuất khẩu.

Với thực trạng hiện nay, cần thiết phải ban hành các quy định nhằm xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu nguồn nhân lực thuyền viên xuất khẩu. Đây sẽ là một cơ sở vững chắc để quản lý, phát triển nguồn nhân lực thuyền viên xuất khẩu trong tương lai, góp phần kiểm soát chất lượng thuyền viên hiệu quả hơn, cũng như giảm thiểu các tranh chấp, xung đột phát sinh giữa các bên trong chuỗi cung ứng thuyền viên.

Đồng thời, trong thời gian tới, khi tiến hành sửa đổi, bổ sung các quy phạm pháp luật về cung ứng thuyền viên Việt Nam làm việc trên tàu đánh cá nước ngoài, cần quy định thành phần riêng trong các văn bản pháp luật sau đây:

Đối với Bộ luật Hàng hải Việt Nam năm 2015: Quy định thêm trong chương III về thuyền bộ và thuyền viên một phần cụ thể, bao gồm các quy phạm pháp luật thống nhất và xung đột về nội quy làm việc trên tàu biển; quyền và nghĩa vụ của thuyền viên. Quy định hợp đồng tiêu chuẩn thuê thuyền viên Việt Nam làm việc trên tàu biển nước ngoài.

Đối với Bộ luật Lao động năm 2012Tại mục 3 về người lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài, cần có các quy phạm xung đột về chế độ lao động theo hợp đồng lao động hàng hải; quy định cơ chế quản lý, giám sát hoạt động xuất khẩu thuyền viên và hỗ trợ thuyền viên Việt Nam làm việc trên tàu biển nước ngoài.

Đối với Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng năm 2006: Hiện tại, luật này chủ yếu quy định về việc đưa người lao động Việt Nam đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng (lao động trên bờ). Vì vậy, cần có thêm các quy phạm về chính sách phát triển lao động là chuyên gia, lao động có trình độ kỹ thuật, lao động làm việc trong điều kiện đặc biệt (trong đó có thuyền viên).

Ngư dân sau ngày bám biển  – Ảnh: Tienphong

[1] Tổng cục thống kê-Bộ Kế hoạch và đầu tư (2019), Báo cáo Điều tra lao động việc làm Quý 1 năm 2018, Hà Nội, tr.5.

[2] Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội (2017), Năm 2017: Xuất khẩu gần 5.000 lao động thuyền viên, http://www.molisa.gov.vn/vi/pages/chitiettin.aspx?IDNews=27520, Truy cập ngày 02 tháng 05 năm 2019.

[3] Đào Quang Dân (2016), Chất lượng thuyền viên xuất khẩu Việt Nam: Thực trạng và kiến nghị, Tạp chí Khoa học Công nghệ Hàng Hải, (46), tr.103.

[4] Khoản 5 Điều 3 Nghị định số 29/2017/NĐ-CP ngày 20 tháng 3 năm 2017 của Chính phủ quy định về điều kiện cơ sở đào tạo, huấn luyện và tổ chức tuyển dụng, cung ứng thuyền viên hàng hải.

[5] Đào Quang Dân (2016), “Một số kiến nghị góp phần hạn chế những tranh chấp giữa thuyền viên với các công ty xuất khẩu thuyền viên”, Tạp chí Khoa học Công nghệ Hàng Hải, (47), tr.52.

[6] Khoản 6 Điều 3 Nghị định số 29/2017/NĐ-CP ngày 20 tháng 3 năm 2017 của Chính phủ quy định về điều kiện cơ sở đào tạo, huấn luyện và tổ chức tuyển dụng, cung ứng thuyền viên hàng hải.

[7] Đào Quang Dân (2016), Chất lượng thuyền viên xuất khẩu Việt Nam: Thực trạng và kiến nghị, Tạp chí Khoa học Công nghệ Hàng Hải, (46), tr.100.

[8] Tiếu Văn Kinh (2012), Phác thảo tầm nhìn phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành hàng hải nước nhà, http://clbthuyentruong.com/images/upload/tin-2012/phattriennhanluc/nhan_luc_20120517.pdf, Truy cập ngày 22 tháng 6 năm 2019.

[9] Tống Văn Băng (2010), Pháp luật lao động Việt Nam về thuyền viên làm việc trên các tàu vận tải biển nước ngoài, thực trạng và giải pháp, Luận văn Thạc sĩ ngành Luật Quốc tế, Khoa Luật-ĐH Quốc gia Hà Nội, tr.86.

Ths. ĐẶNG CÔNG NHẬT THUẬN (Khoa Nhà nước và Pháp luật, Học viện Chính trị Khu vực III) HOÀNG ANH TUẤN (Khoa Luật Dân sự, Trường đại học Luật-Đại học Huế)