Bàn về quyền nhận thừa kế quyền sử dụng đất của người Việt Nam định cư ở nước ngoài

Trong bài viết này, các tác giả trình bày quy định của pháp luật cũng như tìm hiểu thực tiễn xét xử liên quan đến quyền nhận thừa kế quyền sử dụng đất của người Việt Nam định cư ở nước ngoài, từ đó rút ra một số nhận xét nhằm hoàn thiện pháp luật.

Người Việt Nam định cư ở nước ngoài là bộ phận không tách rời của cộng đồng dân tộc Việt Nam.  Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khuyến khích và tạo điều kiện để người Việt Nam định cư ở nước ngoài giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam, giữ quan hệ gắn bó với gia đình và quê hương, góp phần xây dựng quê hương, đất nước.  Hiện nay, Luật Đất đai năm 2013 (sửa đổi, bổ sung năm 2018) cho phép người Việt Nam định cư ở nước ngoài được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất, nhận chuyển quyền sử dụng đất.  

Khái niệm thừa kế quyền sử dụng đất và người Việt Nam định cư ở nước ngoài

Về “thừa kế quyền sử dụng đất”

Bộ luật Dân sự năm 2015 không đưa ra định nghĩa về thừa kế. Theo Từ điển Luật học, thừa kế là sự chuyển dịch tài sản của người chết cho người còn sống.[1] Đây là sự chuyển dịch tài sản, bao gồm vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản, từ người chết cho người còn sống, dựa trên hai hình thức là thừa kế theo di chúc và thừa kế theo pháp luật. Theo Bộ luật Dân sự năm 2015, quyền thừa kế bao gồm quyền lập di chúc để định đoạt tài sản của mình; để lại tài sản của mình cho người thừa kế theo pháp luật; hưởng di sản theo di chúc hoặc theo pháp luật.[2]

Theo Hiến pháp năm 2013, đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý.[3] Tổ chức, cá nhân được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất. Người sử dụng đất được chuyển quyền sử dụng đất, thực hiện các quyền và nghĩa vụ theo quy định của luật. Quyền sử dụng đất được pháp luật bảo hộ.[4]

Luật Đất đai năm 2013 (sửa đổi, bổ sung năm 2018) không đưa ra định nghĩa về quyền sử dụng đất. Theo Từ điển Luật học, quyền sử dụng đất là quyền của các chủ thể được khai thác công dụng, hưởng hoa lợi, lợi tức từ việc sử dụng đất được Nhà nước giao, cho thuê hoặc được chuyển giao từ những chủ thể khác thông qua việc chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, … từ những chủ thể khác có quyền sử dụng đất.[5] Trong khi đó, Giáo trình Luật Đất đai của Trường Đại học Luật Hà Nội cho rằng: “Quyền sử dụng đất là quyền khai thác các thuộc tính có ích của đất đai để phục vụ cho các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.”[6]

Tác giả Hồ Quang Huy cho rằng các khái niệm về quyền sử dụng đất nêu trên có ba đặc điểm chủ yếu: Một là, quyền sử dụng đất là quyền khai thác giá trị của đất đai. Hai là, chủ thể thực hiện việc khai thác chính là người sử dụng đất (tổ chức, hộ gia đình, cá nhân). Ba là, quyền sử dụng đất không phải là quyền sở hữu đất đai.[7]

Trên cơ sở đó, chúng tôi cho rằng “thừa kế quyền sử dụng đất” được hiểu là sự chuyển dịch quyền sử dụng đất, tức là quyền khai thác các thuộc tính có ích của đất đai, từ người chết sang cho người còn sống theo di chúc hoặc theo pháp luật.

Về “người Việt Nam định cư ở nước ngoài”

Luật Quốc tịch Việt Nam năm 2008 (sửa đổi, bổ sung năm 2014) định nghĩa “người Việt Nam định cư ở nước ngoài” là công dân Việt Nam[8] và người gốc Việt Nam cư trú, sinh sống lâu dài ở nước ngoài.[9] Người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài là người Việt Nam đã từng có quốc tịch Việt Nam mà khi sinh ra quốc tịch của họ được xác định theo nguyên tắc huyết thống và con, cháu của họ đang cư trú, sinh sống lâu dài ở nước ngoài.[10]

Quyền nhận thừa kế quyền sử dụng đất của người Việt Nam định cư ở nước ngoài

 Quy định của pháp luật

Theo Luật Nhà ở năm 2014 (sửa đổi, bổ sung năm 2019, 2020), đối tượng được sở hữu nhà ở tại Việt Nam bao gồm (i) tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong nước; (ii) người Việt Nam định cư ở nước ngoài; và (iii) tổ chức, cá nhân nước ngoài quy định tại khoản 1 Điều 159 Luật Nhà ở năm 2014 (sửa đổi, bổ sung năm 2019, 2020).[11] Đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài, điều kiện được công nhận quyền sở hữu nhà ở bao gồm: (i) phải được phép nhập cảnh vào Việt Nam, và (ii) có nhà ở hợp pháp thông qua hình thức mua, thuê mua nhà ở thương mại của doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh bất động sản; mua, nhận tặng cho, nhận đổi, nhận thừa kế nhà ở của hộ gia đình, cá nhân; nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất ở trong dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại được phép bán nền để tự tổ chức xây dựng nhà ở theo quy định của pháp luật.[12]

Theo Luật Đất đai năm 2013 (sửa đổi, bổ sung năm 2018), người Việt Nam định cư ở nước ngoài thuộc diện được sở hữu nhà ở tại Việt Nam theo quy định của pháp luật về nhà ở được nhận chuyển quyền sử dụng đất ở thông qua hình thức mua, thuê mua, nhận thừa kế, nhận tặng cho nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở hoặc được nhận quyền sử dụng đất ở trong các dự án phát triển nhà ở.[13] Như vậy, người Việt Nam định cư ở nước ngoài thuộc các đối tượng có quyền sở hữu nhà ở theo quy định của pháp luật về nhà ở thì có quyền sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở tại Việt Nam.[14]

Trường hợp tất cả người nhận thừa kế quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất đều là người nước ngoài hoặc người Việt Nam định cư ở nước ngoài không thuộc đối tượng được mua nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở tại Việt Nam thì người nhận thừa kế không được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất nhưng được chuyển nhượng hoặc được tặng cho quyền sử dụng đất thừa kế theo quy định sau đây:

(i) Trong trường hợp chuyển nhượng quyền sử dụng đất thì người nhận thừa kế được đứng tên là bên chuyển nhượng trong hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất;

(ii) Trong trường hợp tặng cho quyền sử dụng đất thì người được tặng cho phải là đối tượng được quy định tại điểm e khoản 1 Điều 179 Luật Đất đai năm 2013 (sửa đổi, bổ sung năm 2018) và phù hợp với quy định của pháp luật về nhà ở, trong đó người nhận thừa kế được đứng tên là bên tặng cho trong hợp đồng hoặc văn bản cam kết tặng cho;

(iii) Trong trường hợp chưa chuyển nhượng hoặc chưa tặng cho quyền sử dụng đất thì người nhận thừa kế hoặc người đại diện có văn bản ủy quyền theo quy định nộp hồ sơ về việc nhận thừa kế tại cơ quan đăng ký đất đai để cập nhật vào Sổ địa chính.[15]

Thực tiễn xét xử

Tìm hiểu thực tiễn xét xử liên quan đến quyền nhận thừa kế quyền sử dụng đất của người Việt Nam định cư ở nước ngoài, các tác giả nhận thấy, tùy thuộc vào việc người Việt Nam định cư ở nước ngoài có thuộc đối tượng được mua nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở tại Việt Nam hay không,[16] Tòa án sẽ giải quyết yêu cầu chia thừa kế theo một trong hai hướng như sau: (i) người Việt Nam định cư ở nước ngoài có quyền sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở, và (ii) người Việt Nam định cư ở nước ngoài không có quyền sử dụng đất mà chỉ được hưởng giá trị quyền sử dụng đất.

(i) Người Việt Nam định cư ở nước ngoài có quyền sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở

Đơn cử như bản án số 154/2018/DS-PT ngày 30/10/2018 của Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng về việc “tranh chấp di sản thừa kế”.[17] Nguyên đơn là ông Quách Dương X (J Duong Quach). Bị đơn là ông Trần Quang H.

Vợ chồng ông Quách T7 và bà Trần V có thửa đất và căn nhà tại số 79 Đường Đ, thành phố B, tỉnh Đắk Lắk. Năm 1992, vợ chồng ông Quách T7 và bà Trần V lập di chúc với nội dung: ông Quách T7 và bà Trần V đồng ý để cho con trai út là Quách Dương X được trọn quyền thừa kế, định đoạt khối tài sản là thửa đất và căn nhà nói trên.

Năm 1994, ông Quách T7 chết. Năm 2002, bà Trần V tiếp tục lập một bản di chúc với nội dung: 1/2 giá trị nhà ở, đất ở thuộc căn nhà số 79 Đường Đ, thành phố B thuộc quyền sở hữu của bà Trần V và phần di sản mà bà Trần V được hưởng thừa kế của ông Quách T7 để lại là phần nhà ở và đất ở nói trên được để lại cho vợ chồng ông Trần Quang H và bà Huỳnh N1. Năm 2006, bà Trần V lập hợp đồng tặng cho ông Trần Quang H được toàn quyền sử dụng, định đoạt đối với quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền trên đất tại số 79 Đường Đ, thành phố B.

Sau khi bà Trần V chết, ông Quách Dương X khởi kiện yêu cầu ông Trần Quang H trả lại căn nhà tại số 79 Đường Đ, thành phố B.

Tại bản án dân sự sơ thẩm số 06/2018/DSST ngày 22/05/2018, Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Lắk chấp nhận một phần đơn khởi kiện của ông Quách Dương X về việc yêu cầu chia di sản thừa kế; giao cho ông Quách Dương X được quyền quản lý, sử dụng đối với thửa đất và quyền sở hữu đối với căn nhà tọa lạc tại số 79 Đường Đ, thành phố B, tỉnh Đắk Lắk; ông Quách Dương X có nghĩa vụ thanh toán lại cho vợ chồng ông Trần Quang H và bà Huỳnh N1 số tiền là ba tỷ đồng. Ngày 03/06/2018, ông Trần Quang H và ông Quách Dương X kháng cáo.

Khi xét về tính hợp pháp của việc giao nhà, đất là di sản thừa kế cho ông Quách Dương X (là người Việt Nam định cư ở nước ngoài), Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng căn cứ theo quy định tại Điều 7, Điều 8 Luật Nhà ở năm 2014 và Điều 186 Luật Đất đai năm 2013 để nhận định rằng ông Quách Dương X được quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở tại Việt Nam. Do đó, Tòa án không chấp nhận kháng cáo của các đương sự, giữ nguyên bản án sơ thẩm.

Các tác giả cho rằng giải pháp pháp lý trong bản án sơ thẩm và bản án phúc thẩm là phù hợp với quy định của pháp luật. Ông Quách Dương X cư trú, sinh sống tại Bang Massachusetts (Hoa Kỳ) nên ông Quách Dương X là người Việt Nam định cư ở nước ngoài. Ông Quách Dương X đáp ứng đầy đủ điều kiện được công nhận quyền sở hữu nhà ở tại Việt Nam (được phép nhập cảnh vào Việt Nam và có nhà ở hợp pháp thông qua hình thức nhận thừa kế) nên ông Quách Dương X có quyền sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở tại Việt Nam.

(ii) Người Việt Nam định cư ở nước ngoài không có quyền sử dụng đất mà chỉ được hưởng giá trị quyền sử dụng đất

Đơn cử như bản án số 283/2019/DS-PT ngày 11/07/2019 của Tòa án nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh về việc “tranh chấp quyền sử dụng đất, thừa kế quyền sử dụng đất”.[18] Nguyên đơn là cụ Nguyễn Quốc A (Quốc tịch: Hoa Kỳ). Bị đơn là bà Nguyễn Thị A1.

Cố Nguyễn Văn T4 (chết năm 1991) có năm người con gồm: Nguyễn Hữu C, Nguyễn Văn L1, Nguyễn Thị L, Nguyễn Kim R và Nguyễn Quốc A. Năm 1971, cố Nguyễn Văn T4 lập tờ chúc ngôn để lại tài sản cho các con. Về hương hỏa, phần đất 35.500 m2 của cố Nguyễn Văn T4 được tách thành năm thửa như sau: thửa đất số 71 cấp cho cụ Nguyễn Văn L1, thửa đất số 72 cấp cho cụ Nguyễn Kim R, thửa đất số 73 cấp cho cụ Nguyễn Hữu C, thửa đất số 74 cấp cho cụ Nguyễn Thị L, và thửa đất số 75 là phần của cụ Nguyễn Quốc A nhưng ông Nguyễn Hữu T6 (chồng bà Nguyễn Thị A1) lại được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Năm 2015, ông Nguyễn Hữu T6 chết. Trước đó, ông Nguyễn Hữu T6 lập di chúc để lại toàn bộ thửa đất số 75 cho bà Nguyễn Thị A1 sử dụng. Năm 2016, bà Nguyễn Thị A1 được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Cụ Nguyễn Quốc A khởi kiện yêu cầu Tòa án hủy Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của thửa đất số 75 do bà Nguyễn Thị A1 đứng tên, đồng thời yêu cầu hộ gia đình bà Nguyễn Thị A1 di dời cây trồng trên đất để trả đất lại cho cụ.

Tại bản án dân sự sơ thẩm số 16/2018/DSST ngày 20/11/2018, Tòa án nhân dân tỉnh Đ chấp nhận một phần yêu cầu của cụ Nguyễn Quốc A về việc yêu cầu hộ gia đình bà Nguyễn Thị A1 trả lại cho cụ Nguyễn Quốc A thửa đất số 75; công nhận cho cụ Nguyễn Quốc A được quyền sử dụng diện tích 9.981,9 m2 theo đo đạc thực tế thuộc thửa đất số 75; đề nghị Ủy ban nhân dân thành phố C, tỉnh Đ thu hồi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp cho bà Nguyễn Thị A1 để cấp lại cho cụ Nguyễn Quốc A; buộc cụ Nguyễn Quốc A có nghĩa vụ thanh toán giá trị đất và cây trồng cho bà Nguyễn Thị A1 với số tiền là 347.050.000 đồng. Ngày 27/11/2018, bà Nguyễn Thị A1 kháng cáo.

Tòa án nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh xét rằng cụ Nguyễn Quốc A là người Việt Nam định cư ở nước ngoài, có quốc tịch Hoa Kỳ, có địa chỉ thường trú tại Hoa Kỳ, được phép nhập cảnh vào Việt Nam và có đăng ký nhân khẩu tại Việt Nam, nên cụ Nguyễn Quốc A thuộc đối tượng có quyền sở hữu nhà ở tại Việt Nam. Tuy nhiên, thửa đất số 75 đang tranh chấp là đất trồng cây lâu năm (8.752,1 m2) và chỉ có 150 m2 là đất ở, nhưng trên phần đất ở này cũng không có nhà ở của cụ Nguyễn Quốc A. Do đó, bản án sơ thẩm công nhận cho cụ Nguyễn Quốc A được quyền sử dụng đất là không đúng theo quy định nêu trên, mà cụ Nguyễn Quốc A chỉ được hưởng giá trị quyền sử dụng đất.

Gia đình bà Nguyễn Thị A1 đã trực tiếp canh tác đất từ khi cố Nguyễn Văn T4 chết (năm 1991) đến nay và bà Nguyễn Thị A1 đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nên tiếp tục giao cho bà Nguyễn Thị A1 quyền sử dụng toàn bộ thửa đất và buộc bà Nguyễn Thị A1 phải hoàn trả giá trị đất cho cụ Nguyễn Quốc A. Vì vậy, không có căn cứ để chấp nhận việc cụ Nguyễn Quốc A yêu cầu hủy Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp cho bà Nguyễn Thị A1. Tổng cộng bà Nguyễn Thị A1 phải hoàn trả cho cụ Nguyễn Quốc A số tiền là 513.937.000 đồng.

Các tác giả cho rằng giải pháp pháp lý trong bản án phúc thẩm là phù hợp với quy định của pháp luật. Cụ Nguyễn Quốc A là người Việt Nam định cư ở nước ngoài và được phép nhập cảnh vào Việt Nam. Tuy nhiên, cụ Nguyễn Quốc A không có nhà ở hợp pháp tại Việt Nam bởi vì trên thửa đất số 75 không có nhà ở của cụ Nguyễn Quốc A. Hơn nữa, thửa đất số 75 bao gồm 8.752,1 m2 đất nông nghiệp (đất trồng cây lâu năm) và chỉ có 150 m2 là đất ở. Do đó, bản án sơ thẩm công nhận quyền sử dụng đất của cụ Nguyễn Quốc A đối với thửa đất số 75 là không phù hợp với quy định của pháp luật. Trong trường hợp này, cụ Nguyễn Quốc A chỉ được hưởng giá trị quyền sử dụng đất. Sai sót trong bản án sơ thẩm đã được bản án phúc thẩm chỉ ra và khắc phục.

Kết luận

Luật Nhà ở năm 2014 (sửa đổi, bổ sung năm 2019, 2020) và Luật Đất đai năm 2013 (sửa đổi, bổ sung năm 2018) đã có quy định cụ thể về điều kiện cho phép người Việt Nam định cư ở nước ngoài có quyền sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở. Tuy nhiên, thực tiễn xét xử cho thấy vẫn còn bản án sơ thẩm chưa áp dụng đúng quy định của pháp luật và sai sót này đã được khắc phục trong bản án phúc thẩm.

Các tác giả cũng nhận thấy rằng trong các vụ việc vừa trình bày, thời điểm nguyên đơn khởi kiện là rất nhiều năm sau thời điểm mở thừa kế. Điều này có thể gây ra khó khăn trong việc thu thập chứng cứ cũng như làm tăng số lượng đương sự, kéo dài thời gian giải quyết vụ án. Do đó, cần tiếp tục đẩy mạnh công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, trong đó có các quy định về thừa kế quyền sử dụng đất.

Mặt khác, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao đã thông qua Án lệ số 06/2016/AL với nội dung: Trong vụ án tranh chấp thừa kế có người thuộc diện thừa kế ở nước ngoài, nếu Tòa án đã thực hiện ủy thác tư pháp, thu thập chứng cứ theo đúng quy định của pháp luật nhưng vẫn không xác định được địa chỉ của những người đó thì Tòa án vẫn giải quyết yêu cầu của nguyên đơn; nếu xác định được di sản thừa kế, diện hàng thừa kế và người để lại di sản thừa kế không có di chúc thì giải quyết việc chia thừa kế cho nguyên đơn theo quy định của pháp luật; phần tài sản thừa kế của những người vắng mặt, không xác định được địa chỉ sẽ tạm giao cho những người sống trong nước quản lý để sau này giao lại cho những thừa kế vắng mặt.[19] Án lệ số 06/2016/AL đưa ra hướng giải quyết thấu tình đạt lý nhằm giải quyết dứt điểm vụ án tranh chấp thừa kế có người thuộc diện thừa kế ở nước ngoài, vừa bảo đảm quyền lợi của người bị xét xử vắng mặt, vừa bảo vệ kịp thời quyền và lợi ích hợp pháp của các đương sự còn lại.[20]

 

Một công trình ở trung tâm TP HCM - Ảnh: Thái Vũ

[1] Viện khoa học Pháp lý (Bộ Tư pháp), 2006. Từ điển Luật học. Hà Nội: NXB Từ điển Bách khoa & NXB Tư pháp, tr. 754.

[2] Điều 609 Bộ luật Dân sự năm 2015.

[3] Điều 53 Hiến pháp năm 2013.

Điều 4 Luật Đất đai năm 2013 (sửa đổi, bổ sung năm 2018).

[4] Khoản 2 Điều 54 Hiến pháp năm 2013.

[5] Viện khoa học Pháp lý (Bộ Tư pháp), 2006. Từ điển Luật học. Hà Nội: NXB Từ điển Bách khoa & NXB Tư pháp, tr. 655.

[6] Trường Đại học Luật Hà Nội, 2018. Giáo trình Luật Đất đai. Hà Nội: NXB Công an Nhân dân, tr. 79.

[7] Hồ Quang Huy, 2017. Suy nghĩ về khái niệm quyền sử dụng đất của Việt Nam. Cổng thông tin điện tử Bộ Tư pháp. Tham khảo trực tuyến tại: <https://moj.gov.vn/qt/tintuc/Pages/nghien-cuu-trao-doi.aspx?ItemID=2168> [Truy cập ngày 15/06/2021].

[8] Khoản 1 Điều 17 Hiến pháp năm 2013:

Công dân nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là người có quốc tịch Việt Nam.

[9] Khoản 3 Điều 3 Luật Quốc tịch năm 2008 (sửa đổi, bổ sung năm 2014).

[10] Khoản 4 Điều 3 Luật Quốc tịch năm 2008 (sửa đổi, bổ sung năm 2014).

[11] Điều 7 Luật Nhà ở năm 2014 (sửa đổi, bổ sung năm 2019, 2020).

[12] Điều 8 Luật Nhà ở năm 2014 (sửa đổi, bổ sung năm 2019, 2020).

[13] Điểm đ khoản 1 Điều 169 Luật Đất đai năm 2013 (sửa đổi, bổ sung năm 2018).

[14] Khoản 1 Điều 186 Luật Đất đai năm 2013 (sửa đổi, bổ sung năm 2018).

[15] Khoản 3 Điều 186 Luật Đất đai năm 2013 (sửa đổi, bổ sung năm 2018).

[16] Khoản 1 Điều 186 Luật Đất đai năm 2013 (sửa đổi, bổ sung năm 2018).

[18] Tham khảo trực tuyến tại: <http://congbobanan.toaan.gov.vn/5ta320045t1cvn/30_DS.pdf> [Truy cập ngày 15/06/2021].

[19] Tham khảo trực tuyến tại: <https://anle.toaan.gov.vn/webcenter/portal/anle/chitietanle?dDocName=TAND014302> [Truy cập ngày 15/06/2021].

[20] Tưởng Duy Lượng, 2019. Không xác định được địa chỉ của người hưởng thừa kế, có thể xét xử vắng mặt và giao kỷ phần của người này cho thừa kế khác quản lý. Tạp chí Tòa án nhân dân Điện tử. Tham khảo trực tuyến tại: <https://tapchitoaan.vn/bai-viet/binh-luan-trao-doi-gop-y/khong-xac-dinh-duoc-dia-chi-cua-nguoi-huong-thua-ke-co-the-xet-xu-vang-mat-va-giao-ky-phan-cua-nguoi-nay-cho-thua-ke-khac-quan-ly> [Truy cập ngày 15/06/2021].

ThS. NCS. NGUYỄN THẾ ĐỨC TÂM; HUỲNH NGUYỄN NGÂN THY (Đại học Kinh tế- Luật ĐHQG HCM)