Về chế định Toà án trả hồ sơ để điều tra bổ sung

Toà án trả hồ sơ để điều tra bổ sung là một chế định không hợp lý, cần được thay thế bằng một chế định khác.

I.Sự hình thành chế định Toà án trả hồ sơ để điều tra bổ sung trong pháp luật về tố tụng hình sự ở nước ta

Như chúng ta đều biết, trong thời kỳ đầu của nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hoà, tổ chức Toà án vẫn theo mô hình cũ thời thuộc Pháp và luật pháp vẫn giữ nguyên như cũ, “trừ những điều khoản trái với chủ quyền và chính thể dân chủ cộng hoà của nước Việt Nam”(1).Theo Sắc lệnh số 13/SL ngày 24-1-1946 và Sắc lệnh số 51/SL ngày 17/4/1946 thì các thẩm phán đệ nhị cấp (ở các toà án đệ nhị cấp và các toà thượng thẩm) chia làm hai chức vị: Các Thẩm phán xử án do ông Chánh nhất Toà thượng thẩm đứng đầu, các Thẩm phán của Công tố viện (Thẩm phán buộc tội) do ông Chưởng lý đứng đầu và độc lập với các Thẩm phán xử án. Các Thẩm phán xử án lại chia thành các Thẩm phán chủ toạ phiên toà và các Thẩm phán dự thẩm. Thông thường một vụ tiểu hình (có mức phạt giam từ 6 ngày đến 5 năm), nếu thấy việc điều tra đã đầy đủ hoặc là một việc phạm pháp quả tang, thì ông Biện lý sẽ chuyển cho Thẩm phán xét xử tại một phiên toà tiểu hình gần nhất. Trong những trường hợp sau đây,ông Biện lý sẽ chuyển hồ sơ cho phòng dự thẩm để thẩm cứu :

     - Nếu là một việc đại hình (có mức phạt giam trên 5 năm tù)

     - Nếu bị can là người chưa thành niên

     - Nếu bị can, vì các tiền án, có thể bị phát vãng

     - Nếu thấy cần phải mở một cuộc thẩm cứu kỹ lưỡng hơn.

Ông Dự thẩm, cũng là một trong những người phụ trách Cảnh sát tư pháp (2), sẽ “thi hành tất cả các phương sách cần thiết” để làm sáng tỏ vụ án. Khi kết thúc việc thẩm cứu, ông Dự thẩm sẽ chuyển hồ sơ cho ông Biện lý, trong thời hạn 3 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ, ông Biện lý sẽ ra một trong các quyết định: tạm đình cứu, miễn tố, không có thẩm quyền xử lý, truy tố ra xét xử tại một phiên toà vi cảnh, tiểu hình hay đại hình.

Những quy định trên của Sắc lệnh 13/SL và Sắc lệnh 51/SL, cho thấy thủ tục tố tụng hình sự là theo mô hình tố tụng hình sự của Pháp, bao gồm ba giai đoạn: Điều tra, Kiểm tra, Xét xử. Giai đoạn điều tra do Thẩm phán buộc tội (công tố viên) kiểm soát; giai đoạn kiểm tra chủ yếu do Thẩm phán điều tra (dự thẩm ) kiểm soát. Ở giai đoạn kiểm tra, Thẩm phán dự thẩm sẽ điều tra toàn bộ các vấn đề, kết thúc giai đoạn này ,tất cả các chứng cứ liên quan được ghi nhận trong hồ sơ. Nếu Thẩm phán dự thẩm kết luận rằng không có tội phạm hoặc người phạm tội không phải là bị can, thì không có phiên toà. Nếu Thẩm phán dự thẩm kết luận rằng tội phạm đã xảy ra và bị can là người phạm tội, vụ án sẽ được đưa ra phiên toà. Tại phiên toà, Thẩm phán chủ toạ phiên toà (không phải Thẩm phán dự thẩm) sẽ thẩm tra lại các chứng cứ trong hồ sơ bằng cách thẩm vấn bị cáo, nghe luật sư biện hộ và ra bản án đối với bị cáo. Thủ tục tố tụng này không có quy định trả hồ sơ để điều tra bổ sung.

Năm 1950, nước ta thực hiện cải cách tư pháp. Tại Tờ trình sắc lệnh 85-SL ngày 22/5/1950 cải cách bộ máy Tư pháp và luật Tố tụng đã nêu: “2) Hiện thời theo Sắc lệnh số 51 ngày 17/4/1946, Biện lý bắt buộc phải đưa sang phòng Dự thẩm để thẩm cứu một số việc Hình dù rằng xét ra không cần thiết. Nay dự án Sắc lệnh giao cho Biện lý quyền xét định một hồ sơ có cần phải thẩm cứu thêm hay không và Biện lý chỉ giao sang phòng Dự thẩm khi xét thật cần thiết mà thôi. 3) Từ trước tới nay, mỗi khi thủ tục tố tụng không được theo đúng thì bị tiêu huỷ dù không có hại cho việc thẩm cứu, hoặc cho quyền lợi của đương sự. Sự quá câu nệ về hình thức không còn hợp thời nữa.  Theo đó, Sắc lệnh quy định :

Điều 16- Biện lý chỉ chuyển sang phòng dự thẩm điều tra thêm một vụ phạm pháp nếu xét cần.

 Điều 17- Toà án chỉ thủ tiêu một phần hay toàn thể thủ tục nếu xét một hay nhiều hình thức ghi trong luật tố tụng Hình hoặc Hộ có hại cho việc thẩm cứu hoặc đến quyền lợi của đương sự.

 Trong trường hợp này, toà án đương xử vụ kiện vẫn giữ hồ sơ để tiếp tục xét xử và cử một thẩm phán để chỉ huy việc làm lại thủ tục”.

 Như vậy, việc điều tra thêm của Dự thẩm vẫn được thực hiện “nếu xét cần” , và nếu có vi phạm thủ tục tố tụng “có hại cho việc thẩm cứu” thì Toà án không trả lại hồ sơ cho Biện lý mà cử một Thẩm phán để “làm lại thủ tục”.

Ngày 5/12/1957, Bộ Tư pháp ban hành  Thông tư số 141- HCTP về tổ chức và phân công trong nội bộ Toà án, hướng dẫn: Toà án nhân dân gồm có Chánh án, Công tố uỷ viên; hai ông có nhiệm vụ và quyền hạn riêng biệt đều là thủ trưởng cơ quan. Ông Công tố uỷ viên có nhiệm vụ: điều tra, thẩm cứu các việc hình sự, tiến hành điều tra, phối hợp điều tra với công an, thẩm tra lại hồ sơ, đình cứu, miễn tố và làm nhiệm vụ công tố trước Toà án các việc hình sự. Ông Chánh án, đối với những vụ án hình sự, khi Công tố uỷ viên chuyển sang hồ sơ thì tự mình nghiên cứu hoặc đề nghị Công tố uỷ viên tăng cứu nếu cần, đưa ra xét xử. Theo Thông tư này thì không còn phòng Dự thẩm nữa, ông Chánh án sẽ tự mình nghiên cứu hoặc đề nghị ông Công tố uỷ viên điều tra thêm (nếu cần).

Ngày 29/4/1958, Quốc hội đã ra Nghị quyết thành lập Toà án nhân dân tối cao và hệ thống Toà án nhân dân, thành lập Viện Công tố và hệ thống Công tố tách khỏi Bộ Tư pháp. Ngày 14/7/1960, Quốc hội thông qua Luật Tổ chức Toà án nhân dân và ngày 15/7/1960 Quốc hội thông qua Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân. Với việc tổ chức hệ thống Toà án nhân dân và hệ thống Viện kiểm sát nhân dân độc lập với nhau, có chức năng và nhiệm vụ riêng biệt, dù chưa có các bộ luật tố tụng, nhưng với những hướng dẫn của Toà án nhân dân tối cao, thủ tục tố tụng đã thay đổi hẳn với thời kỳ trước đây.

Ngày 2/10/1962, Toà án nhân dân tối cao đã đã ban hành Thông tư số 009- NCPL hướng dẫn các Toà án nhân dân địa phương về công tác kiểm tra hồ sơ hình sự trước khi xét xử, nêu rõ ý nghĩa, nội dung, yêu cầu của công tác kiểm tra hồ sơ. Sau khi nêu lên những yêu cầu chính yếu về nội dung hồ sơ, Thông tư chỉ rõ : “Qua nghiên cứu hồ sơ, nếu thấy tài liệu còn thiếu sót hoặc chưa rõ ràng, hoặc còn có những điểm mâu thuẫn hay bất hợp lý trong nội dung đối chiếu, thì cần kiên quyết đặt vấn đề bổ sung, xác minh.

 Nếu thấy là những thiếu sót về những điểm cơ bản thì Toà án hoàn lại hồ sơ cho Viện kiểm sát, yêu cầu điều tra bổ sung; nội dung yêu cầu đề ra phải cụ thể và rõ ràng. Nếu chỉ thiếu về một vài tình tiết thứ yếu, thì Toà án có thể hoặc tự làm lấy việc bổ sung, trước khi xét xử, hoặc dành lại để bổ sung tại phiên toà nếu có điều kiện để bổ sung tại phiên toà

Trường hợp thấy có những thiếu sót lớn về thể thức thủ tục xây dựng giấy tờ  như người khám xét hỏi cung không có thẩm quyền mà cũng đã làm những việc đó, biên bản khám xét hỏi cung không có chữ ký của cán bộ phụ trách việc khám xét hỏi cung hoặc của đương sự… thì cũng cần phản ánh kịp thời cho cơ quan kiểm sát để bổ khuyết sửa chữa.”

 Ngày 20/8/1964, Toà án nhân dân tối cao ban hành Đề án trình tự tố tụng sơ thẩm hình sự số 1084- NCPL, bản Đề án này đã “mượn” nhiều quy định tại Phần thứ ba Tiến hành tố tụng tại Toà án sơ thẩm của BLTTHS Liên bang Xô - viết Nga năm 1960 (có hiệu lực thi hành từ 1/1/1961), theo đó việc xét xử vụ án hình sự theo trình tự sơ thẩm gồm hai giai đoạn: Giai đoạn dự bị và giai đoạn đưa vụ án ra xét xử ở phiên toà.

Ở giai đoạn dự bị, sau khi nhận hồ sơ vụ án do Viện kiểm sát chuyển sang, Toà án phải nghiên cứu hồ sơ, nếu thấy đã đầy đủ thì đưa vụ án ra xét xử ở phiên toà, nếu thấy thiếu những tài liệu,bằng chứng chủ yếu hoặc trong quá trình điều tra có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng, thì Toà án đưa vụ án ra xét tại cuộc họp dự bị (lời văn của bản dịch BLTTHS của Liên bang Nga là phiên toà dự bị ). Tham gia cuộc họp dự bị có một đại diện của Toà án (Chánh án, Phó Chánh án, Thẩm phán), vụ án quan trọng hoặc phức tạp thì Uỷ ban thẩm phán của Toà án, đại diện Viện kiểm sát, đối với vụ án quan trọng thì có thể mời thêm Hội thẩm nhân dân tham gia, thư ký ghi biên bản. Một trong những quyết định của cuộc họp là trả lại hồ sơ cho Viện kiểm sát để điều tra bổ sung, nếu hồ sơ còn thiếu những bằng chứng chủ yếu, nếu có căn cứ để thay đổi tội danh nặng hơn, nếu thấy bị cáo còn phạm tội danh khác mà chưa bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Ở giai đoạn xét xử tại phiên toà, nếu xác định hồ sơ chưa thu thập được đủ những bằng chứng chủ yếu, thì Toà án gửi trả hồ sơ cho Viện kiểm sát để điều tra bổ sung.

Về trình tự phúc thẩm, Toà án nhân dân tối cao đã ban hành Thông tư số 03/NCPL ngày 19/5/1967, trong đó có nêu “Trước khi xét xử, nếu thấy cần thiết, Toà án phúc thẩm có thể chuyển hồ sơ cho Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp yêu cầu điều tra bổ sung”.

Năm 1974, Toà án nhân dân tối cao lại ban hành Bản hướng dẫn về trình tự tố tụng sơ thẩm về hình sự (kèm theo Thông tư số 16-TATC ngày 27/9/1974 ), thay thế cho bản Đề án nêu trên, vì “ sự hướng dẫn về trình tự tố tụng sơ thẩm về hình sự cũng như việc chấp hành trình tự tố tụng đó hiện nay còn có một số nhược điểm và khuyết điểm “(3). Tại Bản hướng dẫn này, cuộc họp dự bị trước đây được gọi là Cuộc họp trù bị với Viện kiểm sát, trong đó nêu rõ những trường hợp trả hồ sơ để Viện kiểm sát điều tra bổ sung.

Bản hướng dẫn cũng nêu tại phiên toà “Nếu qua việc nghị án, hội đồng xét xử nhận thấy cần phải điều tra bổ sung thì ra quyết định yêu cầu Viện kiểm sát nhân dân điều tra bổ sung”. Tại Bản hướng dẫn về trình tự tố tụng phúc thẩm về hình sự (kèm theo Thông tư số 19- TATC ngày 2/10/1974 của Toà án nhân dân tối cao), nêu  trước khi xét xử “Toà án nhân dân cấp phúc thẩm cần họp trù bị với Viện kiểm sát nhân dân trong những trường hợp như : 1.Hồ sơ thiếu căn cứ chủ yếu để xét xử lại về nội dung, mà không thể bổ sung được tại phiên toà;… và làm văn bản chính thức chuyển hồ sơ cho Viện kiểm sát nhân dân đồng cấp để tiến hành điều tra bổ sung”.

BLTTHS năm 1988 (sửa đổi năm 1990, 1992, 2000) và các BLTTHS năm 2003, 2015 đều quy định việc Toà án trả hồ sơ cho Viên kiểm sát để yêu cầu điều tra bổ sung, nhưng bỏ quy định Toà án cấp phúc thẩm trả hồ sơ cho Viện kiểm sát để điều tra bổ sung ở giai đoạn chuẩn bị xét xử.

Như vậy, từ những năm 1960, chế định Toà án trả hồ sơ cho Viện kiểm sát để điều tra bổ sung đã hình thành trong pháp luật tố tụng hình sự ở nước ta.

II. Chế định không hợp lý, cần thay thế bằng một chế định khác

2.1.Kế thừa những quy định trước đây, Điều 280 BLTTHS năm 2015 quy định Toà án trả hồ sơ cho Viện kiểm sát để điều tra bổ sung trong các trường hợp: (i) Thiếu chứng cứ chứng minh hành vi phạm tội của bị can (ii) có căn cứ cho thấy bị can còn có hành vi phạm tội khác (iii) có căn cứ cho thấy còn có đồng phạm khác hoặc người khác thực hiện hành vi phạm tội khác liên quan đến vụ án nhưng chưa được khởi tố vụ án,khởi tố bị can (iv) việc khởi tố, điều tra, truy tố vi phạm nghiêm trọng về thủ tục tố tụng.

Việc trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung trong các trường hợp (i),(ii),(iii) cho thấy Toà án cố gắng củng cố chứng cứ để buộc tội bị can, dường như đã thực hiện chức năng của cơ quan buộc tội . Và khi yêu cầu như vậy, Toà án đã có định kiến rằng bị can là người đã phạm tội, điều này là mâu thuẫn với nguyên tắc suy đoán vô tội, và gây ảnh hưởng đến chất lượng tranh tụng. Vì vậy, chế định này là không hợp lý, cần được thay đổi .

2.2.Chúng ta đều biết rằng pháp luật tố tụng hình sự của các nước theo truyền thống thông luật - với mô hình tố tụng tranh tụng (như Mỹ, Anh, Úc…) không có chế định Toà án trả hồ sơ để điều tra bổ sung. Cộng hoà Pháp với mô hình tố tụng xét hỏi, được phân thành ba giai đoạn, như đã nêu ở mục (I) trên đây, cũng không có chế định này .

Liên bang Nga ban hành BLTTHS năm 2001 thay thế BLTTHS năm 1960, đã bỏ chế định Toà án trả hồ sơ cho Viện kiểm sát để điều tra bổ sung. Theo quy định của bộ luật thì trong thời hạn không quá 30 ngày hoặc không quá 14 ngày nếu trong vụ án có bị can bị tạm giam, kể từ ngày vụ án được chuyển đến Toà án, Thẩm phán phải ra một trong những quyết định: tiến hành thẩm tra sơ bộ, đưa vụ án ra xét xử, chuyển vụ án cho Toà án có thẩm quyền xét xử (Điều 227). Toà án tự mình hoặc theo yêu cầu của các bên tiến hành thẩm tra sơ bộ (Điều 229), việc thẩm tra sơ bộ do một Thẩm phán tiến hành tại phiên toà kín với sự tham gia của các bên (Điều 234); dựa trên những căn cứ để loại trừ chứng cứ quy định tại bộ luật, các bên có quyền đưa ra yêu cầu loại trừ bất kỳ chứng cứ nào trong danh mục những chứng cứ được đưa ra xem xét tại Toà án (Điều 235 ); căn cứ kết quả thẩm tra sơ bộ, Thẩm phán ra một trong những quyết định sau: Chuyển vụ án cho Toà án có thẩm quyền, trả hồ sơ cho Kiểm sát viên, tạm đình chỉ giải quyết vụ án, đình chỉ vụ án, đưa vụ án ra xét xử. Nếu Thẩm phán chấp nhận yêu cầu loại trừ chứng cứ và quyết định đưa vụ án ra xét xử thì quyết định phải nêu rõ chứng cứ nào bị loại trừ và những tài liệu nào trong hồ sơ vụ án dùng làm căn cứ để loại trừ chứng cứ đó, chứng cứ bị loại trừ không thể được xem xét và công bố tại phiên toà và sử dụng trong quá trình chứng minh (Điều 236 ).

Thẩm phán tự mình hoặc theo yêu cầu của một trong các bên trả lại hồ sơ cho Kiểm sát viên để khắc phục những trở ngại trong việc xét xử của Toà án trong những trường hợp: Việc lập cáo trạng hoặc quyết định truy tố vi phạm những quy định của bộ luật dẫn đến Toà án không có khả năng ra bản án hoặc quyết định dựa trên bản cáo trạng hoặc quyết định truy tố đó (Kiểm sát viên có thời hạn 5 ngày khắc phục những vi phạm); bản sao bản cáo trạng hoặc quyết định truy tố không được giao cho bị can; cần thiết phải lập bản cáo trạng hoặc quyết định truy tố và chuyển cho Toà án kèm theo quyết định áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh.(Điều 237 ). Quy định này cho thấy rõ, việc trả lại hồ sơ cho Kiểm sát viên không phải là để điều tra bổ sung.

Italia ban hành BLTTHS mới năm 1988 với nỗ lực chuyển mô hình tố tụng xét hỏi sang mô hình tố tụng tranh tụng. Theo quy định của bộ luật, quy trình TTHS chia thành ba giai đoạn chính: điều tra, xét xử sơ bộ và xét xử. Chỉ những tội phạm có có mức hình phạt từ bốn năm tù giam trở lên mới phải qua xét xử sơ bộ. Xét xử sơ bộ được tổ chức trong vòng 30 ngày kể từ khi có đề nghị của công tố viên. Phiên toà xét xử sơ bộ do Thẩm phán xét xử sơ bộ làm chủ toạ với sự tham dự của công tố viên và luật sư bào chữa. Bị cáo và người bị hại cũng được triệu tập. Mục đích của phiên toà xét xử sơ bộ là rà soát các tài liệu đã thu thập được trong giai đoạn điều tra, quyết định xem đã có đủ chứng cứ để đưa bị cáo ra xét xử hay không. Công tố viên và luật sư phải nộp cho Toà án danh sách nhân chứng (bao gồm cả người giám định) mà họ muốn mời tới phiên toà, trong đó giải thích ngắn gọn lý do mời những người đó. Thẩm phán có quyền quyết định không cần mời đến phiên toà một vài nhân chứng trong danh sách đó. Giai đoạn này có thể kết thúc bằng việc quyết định ra bản cáo trạng chính thức hoặc đình chỉ vụ án và tha bổng nghi phạm.

Tuy nhiên, nếu Thẩm phán không ra được quyết định thì có thể ban hành lệnh của Toà án yêu cầu điều tra thêm. Khi công tố viên ra bản cáo trạng chính thức, Thẩm phán xét xử sơ bộ sẽ chuyển cho Thẩm phán xét xử (người trực tiếp xét xử tại phiên toà chính thức) tiểu hồ sơ vụ án gồm bản cáo trạng, danh sách chứng cứ mà các bên sẽ sử dụng tại phiên toà và một số loại chứng cứ nhất định… Nếu có chứng cứ mới mà các bên muốn đưa vào tiểu hồ sơ đã gửi cho Thẩm phán xét xử thì phải được sự đồng ý của Thẩm phán xét xử sơ bộ.(4)

Nhật Bản cũng không có chế định trả hồ sơ cho Viện kiểm sát điều tra bổ sung. Theo quy định của BLTTHS thì trước khi xét xử vụ án, theo yêu cầu của Kiểm sát viên, bị cáo hoặc người bào chữa hoặc bằng thẩm quyền của mình, Toà án có thể tổ chức một phiên họp sắp xếp các điểm tranh chấp và chứng cứ của vụ án (Điều 316 -2). Tại phiên họp này, kiểm sát viên và luật sư bào chữa cùng thống nhất những vấn đề cần chứng minh của vụ án, danh sách chứng cứ và nhân chứng mà mình sẽ đưa ra trước phiên toà .

Tại Hàn Quốc, BLTTHS sửa đổi năm 2007 cũng quy định Toà án có thể tổ chức phiên toà trù bị với sự tham dự của Thẩm phán, công tố viên và luật sư để sắp xếp các luận điểm tranh cãi cũng như kế hoạch của công tố viên và luật sư sẽ thực hiện tại phiên toà công khai.(5)

2.3.Có thể thấy pháp luật TTHS ở hầu hết các nước trên thế giới đều không có chế định Toà án trả hồ sơ cho Viện kiếm sát ( hoặc Viện công tố ) để điều tra bổ sung. Điều này thể hiện rõ Toà án chỉ thực hiện chức năng xét xử, không thực hiện chức năng buộc tội. Việc pháp luật TTHS của một số nước quy định về tổ chức phiên toà xét xử sơ bộ hoặc phiên họp trù bị trước khi tiến hành phiên toà xét xử công khai là nhằm tạo điều kiện cho bên buộc tội và bên bào chữa xác định rõ những điểm mấu chốt trong vụ án cần phải làm rõ; họ cùng đưa ra danh sách những chứng cứ sẽ sử dụng tại phiên toà để chứng minh cho lập luận của mình, tránh gây bất ngờ không lường trước, giúp nâng cao chất lượng tranh tụng tại phiên toà và giúp cho việc xét xử tập trung giải quyết những vấn đề chính yếu của vụ án. Việt Nam ta cũng nên tham khảo kỹ kinh nghiệm của các nước trên thế giới để bỏ chế định Toà án trả hồ sơ cho Viện kiểm sát điều tra bổ sung và thay thế bằng chế định phiên toà sơ bộ (hay phiên họp trù bị).

 Việc bỏ chế định này sẽ giúp cho Viện kiểm sát cẩn trọng hơn khi quyết định truy tố bị can và phải chuẩn bị kỹ lưỡng lập luận buộc tội bị cáo tại phiên toà, đồng thời cũng sẽ bỏ được quy định Toà án cấp phúc thẩm và cấp giám đốc thẩm huỷ bản án sơ thẩm hoặc bản án phúc thẩm để điều tra lại . Do vậy, sẽ xoá bỏ được tình trạng vụ án bị trả đi trả lại nhiều lần, giúp tiết kiệm thời gian và công sức trong việc xét xử các vụ án hình sự ./.

 

Ngày 19/10/2021 Tòa án TP Đà Nẵng xét xử vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản, đã trả hồ sơ để điều tra bổ sung - Ảnh: CAĐN

 

1.Điều 42 Sắc lệnh 51 ngày 17-4-1946.

2.Sắc lệnh 131 ngày 20-7-1946 Tổ chức tư pháp công an.

3.Trích đoạn mở đầu Bản hướng dẫn về trình tự tố tụng sơ thẩm về hình sự ( kèm theo Thông tư số 16-TATC ngày 27-9-1974 của TANDTC ).

4.Mô hình TTHS của Cộng hoà Italia – sách Những mô hình TTHS điển hình trên thế giới , Nxb Hồng Đức, Hà Nội 2012.

5.Mô hình TTHS của Hàn Quốc – sách đã dẫn trên.   

NGÔ CƯỜNG