Về thủ tục xem xét bản án tử hình trước khi thi hành

Thi hành án tử hình là hoạt động quan trọng, tước đi quyền sống – quyền cơ bản và thiêng liêng nhất của con người được ghi nhận trong Hiến pháp. Do đó, hoạt động này được quy định rất chặt chẽ về trình tự cả trước, trong và sau khi thi hành án, trong đó có thủ tục xem xét bản án tử hình trước khi thi hành. BLTTHS 2015 đã có nhiều thay đổi, bổ sung hợp lý so với các quy định trước đó. Tuy nhiên, tác giả cho rằng vẫn còn bộc lộ một số hạn chế, cần điều chỉnh.

Thủ tục xem xét bản án tử hình trước khi thi hành được quy định tại Điều 367 BLTTHS. Theo đó, sau khi bản án tử hình có hiệu lực pháp luật, hồ sơ vụ án phải được gửi ngay cho Chánh án TANDTC; bản án phải gửi ngay cho Viện trưởng VKSNDTC. Hai chủ thể này sẽ tiến hành xem xét, quyết định kháng nghị hoặc không kháng nghị giám đốc thẩm hoặc tái thẩm trong thời hạn 2 tháng. Đồng thời, trong thời hạn 7 ngày kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật, người bị kết án được gửi đơn xin ân giảm lên Chủ tịch nước.

Về thủ tục gửi đơn xin ân giảm lên Chủ tịch nước, chúng tôi nhận thấy có một số vướng mắc, bất cập như sau:

Thứ nhất, luật không quy định thời hạn xét đơn ân giảm của Chủ tịch nước trong trường hợp người bị kết án có đơn xin ân giảm. Theo đó, luật chỉ quy định thời hạn người bị kết án gửi đơn xin ân giảm cho Chủ tịch nước và Chủ tịch nước xem xét quyết định ân giảm hay bác đơn xin ân giảm. Đồng thời, thủ tục thi hành án còn có thời hạn tiến hành, nhưng luật không quy định thời hạn xem xét đơn xin ân giảm. Nếu hết thời hạn xem xét kháng nghị mà Chánh án TANDTC và Viện trưởng VKSNDTC không kháng nghị mà Chủ tịch nước chưa có quyết định về việc xem xét đơn xin ân giảm thì thủ tục thi hành án tử hình cũng không được thi hành.

Thứ hai, trường hợp bản án tử hình bị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm mà Hội đồng giám đốc thẩm, Hội đồng tái thẩm không chấp nhận kháng nghị và giữ nguyên bản án tử hình thì TANDTC phải thông báo ngay cho người bị kết án để làm đơn xin ân giảm. Vậy, thông báo ngay được hiểu như thế nào? Một ngày, hai ngày hay ngay trong ngày có quyết định của Hội đồng giám đốc thẩm, Hội đồng tái thẩm? Như vậy, luật còn bỏ ngỏ quy định này dẫn đến khó khăn trong khi thi hành trên thực tế.

Đồng thời, quy định giữa điểm d và đ khoản 1 Điều 367 có sự mâu thuẫn với nhau. Điểm d quy định: “Trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật, người bị kết án được gửi đơn xin ân giảm lên Chủ tịch nước”. Điều này có nghĩa, ngoài thời hạn 07 ngày kể từ ngày bản án có hiệu lực, người bị kết án không còn quyền này. Nhưng điểm đ lại quy định: “Trường hợp… phải thông báo ngay cho người bị kết án biết để họ làm đơn xin ân giảm”. Trường hợp này, thông thường đã quá thời hạn 07 ngày kể từ ngày bản án có hiệu lực nhưng người bị kết án vẫn có quyền gửi đơn xin ân giảm lên Chủ tịch nước.

Theo chúng tôi, cần phải thống nhất quy định về việc một số điều luật quy định thời hạn dùng từ “ngay”. Điều 147, 148 BLDS 2015 quy định:

“1. Khi thời hạn được xác định bằng phút, giờ thì thời hạn được bắt đầu từ thời điểm đã xác định.

2. Khi thời hạn được xác định bằng ngày, tuần, tháng, năm thì ngày đầu tiên của thời hạn không được tính mà tính từ ngày tiếp theo liền kề ngày được xác định.” Và “Khi ngày cuối cùng của thời hạn là ngày nghỉ cuối tuần hoặc ngày nghỉ lễ thì thời hạn kết thúc tại thời điểm kết thúc ngày làm việc tiếp theo ngày nghỉ đó.”

Như vậy, từ “ngay” ở đây có thể được hiểu là chậm nhất là ngày tiếp theo của thời điểm có quyết định không chấp nhận kháng nghị và giữ nguyên bản án tử hình nếu ngày tiếp theo là ngày nghỉ cuối tuần hoặc ngày nghỉ lễ thì thời hạn kết thúc tại thời điểm kết thúc ngày làm việc tiếp theo ngày nghỉ đó.

Thứ ba, kết cấu của điều luật, nội dung các khoản trong điều luật còn chưa hợp lý, chưa chặt chẽ. Ngoài trường hợp mâu thuẫn giữa điểm d và điểm đ như đã phân tích ở trên; nội dung về điều kiện bản án tử hình được thi hành tại điểm đ và điểm e cũng chưa có sự phù hợp. Điểm đ quy định rằng: “Bản án tử hình được thi hành nếu Chánh án TANDTC, Viện trưởng VKSNDTC không kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm và người bị kết án không có đơn xin ân giảm lên Chủ tịch nước”. Như vậy, theo quy định này thì bản án tử hình được thi hành nếu đồng thời thỏa mãn điều kiện, một là không bị kháng nghị giám đốc thẩm hoặc tái thẩm; hai là không có đơn xin ân giảm. Tiếp theo điểm e điều này cũng quy định về trường hợp thi hành bản án tử hình: “Trường hợp người bị kết án có đơn xin ân giảm … thì bản án tử hình được thi hành sau khi Chủ tịch nước bác đơn xin ân giảm”. Về bản chất, hai quy định trên đã hợp lý, tuy nhiên, việc quy định hai trường hợp trong cùng một nội dung ở hai khoản khác nhau dễ khiến người đọc hiểu đây là hai trường hợp riêng và trường hợp thứ 2 dễ bị hiểu rằng chỉ cần Chủ tịch nước bác đơn xin ân giảm là có thể thi hành ngay bản án tử hình.

Thứ tư, điểm c khoản 1 Điều 367 BLTTHS 2015 quy định: “Trong thời hạn 02 tháng kể từ ngày nhận được hồ sơ vụ án, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao phải quyết định kháng nghị hoặc quyết định không kháng nghị giám đốc thẩm hoặc tái thẩm”. Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 400 BLTTHS 2015 thì Chánh án TANDTC không phải là chủ thể có quyền kháng nghị theo thủ tục tái thẩm. Nên khi xác định có căn cứ để kháng nghị tái thẩm thì Chánh án TANDTC phải đề nghị Viện trưởng VKSNDTC kháng nghị theo thủ tục tái thẩm. Do đó, cần phải sửa đổi điểm c khoản 1 Điều 367 theo hướng thống nhất với Điều 400.

Thứ năm, thời hạn để Chánh án TANDTC, Viện trưởng VKSNDTC xem xét quyết định kháng nghị hay không kháng nghị là 2 tháng. Trong thời gian đó, nếu đã ra quyết định kháng nghị hoặc quyết định không kháng nghị thì các chủ thể này có quyền thay đổi hay không? Hiện nay, luật chưa có quy định về vấn đề này nhưng trên thực tế đã có trường hợp rút quyết định không kháng nghị giám đốc thẩm? Do đó, để tạo tính pháp lý cho hoạt động này, cần bổ sung quy định có liên quan.

Do đó, đề xuất sửa đổi quy định tại Điều 367 BLTTHS như sau:

Điều 367. Thủ tục xem xét bản án tử hình trước khi thi hành

1. Thủ tục xem xét bản án tử hình trước khi thi hành được thực hiện:

a) Sau khi bản án tử hình có hiệu lực pháp luật, hồ sơ vụ án phải được gửi ngay cho Chánh án Tòa án nhân dân tối cao và bản án phải được gửi ngay cho Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao;

b) Sau khi đã xem xét hồ sơ vụ án để quyết định kháng nghị hoặc quyết định không kháng nghị giám đốc thẩm hoặc tái thẩm, Tòa án nhân dân tối cao phải chuyển hồ sơ vụ án cho Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Trong thời hạn 01 tháng kể từ ngày nhận được hồ sơ vụ án, Viện kiểm sát nhân dân tối cao phải trả lại hồ sơ vụ án cho Tòa án nhân dân tối cao;

c) Trong thời hạn 02 tháng kể từ ngày nhận được hồ sơ vụ án, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao phải quyết định kháng nghị hoặc không kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm. Nếu có căn cứ kháng nghị theo thủ tục tái thẩm thì Chánh án TANDTC phải có văn bản đề nghị Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao kháng nghị theo thủ tục tái thẩm. Trong thời hạn 02 tháng kể từ ngày nhận được hồ sơ vụ án Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao phải quyết định kháng nghị hoặc quyết định không kháng nghị giám đốc thẩm hoặc tái thẩm.

d) Quyết định kháng nghị, quyết định không kháng nghị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân có thể thay đổi bằng cách quyết định rút lại quyết định đã ban hành và ban hành quyết định thay thế.

e) Trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật hoặc ngày nhận được thông báo về việc không chấp nhận kháng nghị và giữ nguyên bản án tử hình, người bị kết án được gửi đơn xin ân giảm lên Chủ tịch nước. Trong thời hạn 02 tháng kể từ ngày nhận được đơn xin ân giảm, Chủ tịch nước phải ra quyết định ân giảm hoặc quyết định bác đơn xin ân giảm án tử hình.

2. Bản án tử hình được thi hành trong các trường hợp sau đây:

a) Chánh án Tòa án nhân dân tối cao và Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao không kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm và người bị kết án không có đơn xin ân giảm lên Chủ tịch nước hoặc Chủ tịch nước bác đơn xin ân giảm án tử hình.

b) Hội đồng giám đốc thẩm, tái thẩm Tòa án nhân dân tối cao không chấp nhận kháng nghị giám đốc thẩm hoặc tái thẩm, giữ nguyên bản án tử hình và người bị kết án không có đơn xin ân giảm lên Chủ tịch nước hoặc Chủ tịch nước bác đơn xin ân giảm án tử hình.

3. Khi có căn cứ quy định tại khoản 3 Điều 40 của Bộ luật Hình sự thì Chánh án Tòa án đã xét xử sơ thẩm không ra quyết định thi hành án tử hình và báo cáo Chánh án Tòa án nhân dân tối cao để xem xét chuyển hình phạt tử hình thành tù chung thân cho người bị kết án”./.

 

Hội đồng thi hành án tỉnh Bình Phước tổ chức thi hành án tử hình bằng biện pháp tiêm thuốc đối với một tử tù - Ảnh Công an cung cấp

 

 

HOÀNG ĐÌNH DŨNG (TAQS Khu vực Quân khu 4) – VĂN LINH (TAQS Khu vực Hải quân)