Việc yêu cầu ly hôn với người mất tích

Theo Dự thảo Nghị quyết hướng dẫn áp dụng một số quy định của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 có nêu trong trường hợp “người vợ hoặc người chồng đồng thời yêu cầu Tòa án tuyên bố người chồng hoặc người vợ của mình mất tích và yêu cầu Tòa án giải quyết cho ly hôn” nếu có đủ căn cứ “Tòa án tuyên bố người đó mất tích thì giải quyết cho ly hôn”.

1.Quan điểm trái chiều

Hiện hướng dẫn này có một số quan điểm trái chiều như sau.

1.1. Không nên được thụ lý và giải quyết trong một vụ việc [1]

Nói cách khác theo quan điểm này thì để yêu cầu xin ly hôn với người mất tích thì trước tiên phải thực hiện thủ tục việc dân sự - yêu cầu Tòa án tuyên bố một người mất tích. Sau khi thụ lý, Tòa án sẽ ra quyết định thông báo tìm kiếm người mất tích trên báo của trung ương trong 03 (ba) số liên tiếp và đài phát thanh hoặc đài truyền hình trung ương ba lần trong 03 (ba) ngày liên tiếp. Sau 04 (bốn) tháng kể từ ngày đăng, phát thông báo đầu tiên mà người bị yêu cầu không trở về hoặc có tin tức báo về thì Tòa án sẽ họp xét đơn yêu cầu tuyên bố công dân mất tích của người yêu cầu căn cứ theo Điều 385 và Điều 388 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 (BLTTDS).

Sau khi có quyết định của Tòa án tuyên bố một người mất tích thì người yêu cầu sẽ tiến hành các thủ tục khởi kiện vụ án xin ly hôn mà bị đơn là người đã bị Tòa án tuyên bố mất tích và sau khi xem xét đủ điều kiện thì Tòa án sẽ thụ lý vụ án theo thủ tục chung thụ lý vụ án và Tòa án sẽ căn cứ vào khoản 2 Điều 56 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 (LHN&GĐ) để giải quyết cho ly hôn [2].

Ngoài ra, theo hướng dẫn tại mục số 9 Phần IV Văn bản số 01/2017/GĐ-TANDTC ngày 07/4/2017 của TANDTC về Giải đáp vấn một số đề nghiệp vụ (Văn bản số 01/2017/GĐ-TANDTC) [3] thì trong trường hợp vợ/chồng của người bị Tòa án tuyên bố mất tích yêu cầu ly hôn thì Tòa án giải quyết cho ly hôn, đối với trường hợp vợ/chồng yêu cầu xin ly hôn với người mất tích thì phải sau khi quyết định của Tòa án tuyên bố người vợ/chồng mất tích có hiệu lực pháp luật thì Tòa án mới xem xét, giải quyết cho người chồng/vợ ly hôn.

1.2. Nên được thụ lý và giải quyết trong một vụ việc [4]

Theo quan điểm này, vấn đề yêu cầu ly hôn với người mất tích thông thường phải thực hiện qua 02 (hai) lần thủ tục, ban hành 02 (hai) quyết định, bản án độc lập. Tuy nhiên, có thể thấy rằng điều này sẽ gây khó khăn cho đương sự trong việc thực hiện quyền yêu cầu Tòa án giải quyết vụ việc dân sự. Do vậy, chữ “đồng thời” trong quy định tại khoản 1 Điều 4 Dự thảo Nghị quyết [5] nên được hiểu theo hướng yêu cầu tuyên bố người vợ/chồng mất tích được thụ lý giải quyết trong cùng một vụ án ly hôn nếu đủ điều kiện tuyên bố người này mất tích. Trong trường hợp chưa đủ điều kiện tuyên bố người vợ/chồng mất tích thì Tòa án bác các yêu cầu (cả yêu cầu tuyên bố mất tích và yêu cầu ly hôn).

Nói cho rõ hơn trong trường hợp này giải quyết trong cùng một vụ việc thực chất là được thực hiện theo thủ tục của vụ án dân sự. Bởi lẽ trong vụ việc này, ly hôn mới là yêu cầu chính mà đương sự mong muốn được Tòa án xem xét giải quyết và yêu cầu tuyên bố mất tích chỉ là điều kiện để Tòa án xem xét thụ lý giải quyết vụ án ly hôn.

2.Những vấn đề mấu chốt

Chúng tôi cho rằng vấn đề mấu chốt còn có nhiều quan điểm bất cập như hiện nay liên quan nội dung hướng dẫn của Dự thảo Nghị quyết đối với trường hợp ly hôn với người mất tích tại đó chính các quan điểm chưa xác định được: (i) Việc ly hôn với người mất tích là tranh chấp hay yêu cầu về hôn nhân và gia đình để Tòa án thụ lý và giải quyết theo trình tự vụ án hay là việc; (ii) Tòa án có được đồng thời giải quyết yêu cầu tuyên bố mất tích với việc công nhận quyền ly hôn với người mất tích hay không.

2.1.Xác định ly hôn với người mất tích là yêu cầu về hôn nhân và gia đình và thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án theo trình tự việc dân sự

“Khi một người biệt tích 02 (hai) năm liền trở lên, mặc dù đã áp dụng đầy đủ các biện pháp thông báo, tìm kiếm theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự nhưng vẫn không có tin tức xác thực về việc người đó còn sống hay đã chết thì theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan, Tòa án có thể tuyên bố người đó mất tích” (khoản 1 Điều 68 BLDS năm 2015). Như vậy, “Tuyên bố một người mất tích” là thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án và sự kiện pháp lý này được xác định khi và chỉ khi có quyết định tuyên bố của Tòa án đã có hiệu lực (khoản 3 Điều 27 BLTTDS và mục 9 Văn bản số 01/2017/GĐ-TANDTC).

Tiếp đến tại Điều 56 LHN&GĐ quy định về ly hôn theo yêu cầu cầu của một bên tại khoản 2 có nêu: “Trong trường hợp vợ hoặc chồng của người bị Tòa án tuyên bố mất tích yêu cầu ly hôn thì Tòa án giải quyết cho ly hôn” (quy định này tương ứng với quy định trước đây tại khoản 2 Điều 89 L LHN&GĐ năm 2000). Theo đó, có thể hiểu rằng trong trường hợp vợ/chồng có chồng/vợ đã được Tòa giải quyết yêu cầu tuyên bố mất tích và quyết định tuyên bố mất tích đã có hiệu lực pháp luật thì vợ/chồng còn sống có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết cho ly hôn với người chồng/vợ đã bị Tòa án tuyên bố mất tích có hiệu lực.

Nói cách khác, sự kiện pháp lý “một người mất tích” là một trong những trường hợp để Tòa án xem xét và giải quyết cho ly hôn (khoản 2 Điều 56 LHN&GĐ) mà không cần đặt ra việc Tòa án xem xét cho ly hôn nếu có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được (khoản 1 Điều 56 LHN&GĐ). Vì vậy, cũng không đặt ra có hay không có tranh chấp để thụ lý và giải quyết theo trình tự vụ án.

Như vậy, chúng tôi cơ bản đồng ý (có đề xuất chỉnh sửa tại mục 4) với hướng dẫn quy định tại khoản 2 Điều 4 của Dự thảo Nghị quyết: “2. Người vợ hoặc người chồng đã bị Tòa án tuyên bố mất tích theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan. Sau khi bản án của Tòa án tuyên bố người vợ hoặc người chồng mất tích đã có hiệu lực pháp luật thì người chồng hoặc người vợ của người đó có yêu có yêu cầu xin ly hôn với người đó. Trong trường hợp này Tòa án giải quyết cho ly hôn”.

Qua đối chiếu giữa Điều 4 của Dự thảo Nghị quyết và mục 8 Nghị quyết số 02/2000/NQ-HĐTP ngày 23 tháng 12 năm 2000 hướng dẫn áp dụng một số quy định của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 [6], chúng tôi nhận thấy Dự thảo Nghị quyết đã ghi nhận lại nguyên văn toàn bộ nội dung của mục 8 Nghị quyết số 02/2000/NQ-HĐTP về vấn đề yêu cầu ly hôn với người mất tích. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, Nghị quyết số 02/2000/NQ-HĐTP được ban hành trong bối cảnh Pháp lệnh về Thủ tục giải quyết các vụ án dân sự năm 1989 đang có hiệu lực thi hành nhưng nội dung của pháp lệnh này lại không có sự phân chia giữa thủ tục giải quyết vụ án dân sự và giải quyết việc dân sự. Chính vì thế, vấn đề yêu cầu ly hôn với người mất tích được hướng dẫn tại mục 8 Nghị quyết số 02/2000/NQ-HĐTP là phù hợp với quy định của Pháp lệnh Thủ tục giải quyết vụ án dân sự năm 1989 khi Pháp lệnh này không phân định trình tự giải quyết vụ án dân sự với việc dân sự. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, việc Dự thảo Nghị quyết ghi nhận lại toàn bộ nội dung của Nghị quyết 02/2000/NQ-HĐTP lại gây ra nhiều cách hiểu khác nhau khi thụ lý và giải quyết yêu cầu ly hôn với người mất tích. Bởi lẽ, pháp luật tố tụng dân sự hiện hành đã có sự phân phia rạch ròi giữa thủ tục giải quyết vụ án dân sự với thủ tục giải quyết việc dân sự.

Như vậy, theo quy định của pháp luật hiện hành, quan điểm của chúng tôi không thống nhất với quan điểm thứ nhất khi có sự đánh đồng giữa ly hôn theo yêu cầu của một bên với ly hôn với người mất tích giải quyết theo trình tự vụ án (tức là có tranh chấp) trong trường hợp này là không đúng.

Tóm lại, chúng tôi nhận thấy đã đủ cơ sở pháp lý để xác định “yêu cầu ly hôn với người mất tích” chính là “quyền về hôn nhân và gia đình” mà vợ/chồng hoàn toàn có thể làm đơn “yêu cầu Tòa án công nhận” cho họ “quyền được ly hôn với chồng/vợ đã mất tích”. Nói cách khác, đây chính là một trong những loại việc về hôn nhân và gia đình thuộc thẩm quyền của Tòa án giải quyết (căn cứ khoản 11 Điều 29 và Điều 361 BLTTDS) [7]. Giải quyết yêu cầu này theo trình tự “việc” sẽ giải quyết được các bất cập được đặt ra cả về lý luận và thực tiễn xét xử hiện nay.

2.2.Tòa án có thể đồng thời giải quyết yêu cầu tuyên bố mất tích với việc công nhận quyền ly hôn với người mất tích trong cùng một việc dân sự

Với nội dung quy định tại khoản 1 Điều 4 của Dự thảo Nghị quyết cũng như hướng dẫn tại mục số 9 Phần IV Văn bản số 01/2017/GĐ-TANDTC là chưa đủ minh thị rằng cho phép Tòa án có quyền đồng thời giải quyết yêu cầu tuyên bố mất tích và giải quyết ly hôn trong cùng một vụ việc (như quan điểm thứ hai) hoặc phải giải quyết việc tuyên bố mất tích trước rồi mới giải quyết vụ án ly hôn (như quan điểm thứ nhất) đã nêu trên. Tuy nhiên, do quy định hướng dẫn của Dự thảo Nghị quyết ghi nhận nếu “người vợ hoặc người chồng đồng thời yêu cầu Tòa án tuyên bố người chồng hoặc người vợ của mình mất tích và yêu cầu Tòa án giải quyết cho ly hônnhưng lại không có quy định rõ rằng Tòa án sẽ thụ lý trong cùng “vụ án dân sự” hay “việc dân sự” [8].

Chính vì vậy, theo chúng tôi, cần thiết phải hướng dẫn cụ thể Tòa án sẽ thụ lý theo “loại” nào thì khi đó mới có cơ sở để Tòa án giải quyết theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự hiện hành.

Ngoài ra, chúng tôi cũng không đồng tình với quan điểm thứ hai khi cho rằng trong trường hợp này “giải quyết trong cùng một vụ việc thực chất là được thực hiện theo thủ tục của vụ án dân sự”. Bởi lẽ, pháp luật tố tụng dân sự hiện hành không quy định loại trình tự thủ tục giải quyết vụ việc dân sự đồng thời mà chỉ có hoặc là thủ tục giải quyết vụ án dân sự hoặc là thủ tục giải quyết việc dân sự. Thêm vào đó, quan điểm thứ hai như đã nêu trên cho rằng “trong vụ việc này, ly hôn mới là yêu cầu chính mà đương sự mong muốn được Tòa án xem xét giải quyết và yêu cầu tuyên bố mất tích chỉ là điều kiện để Tòa án xem xét thụ lý giải quyết vụ án ly hôn” là chưa chính xác vì để Tòa án giải quyết cho ly hôn với người mất tích thì phải xác định có sự kiện mất tích trước và tiên quyết thì mới có căn cứ để Tòa án cho ly hôn.

Ngược lại, chúng tôi đồng ý với quan điểm thứ nhất, khi ly hôn với người mất tích thì về nguyên lý cơ bản là phải giải quyết yêu cầu tuyên bố mất tích trước và quyết định tuyên bố mất tích phải có hiệu lực pháp luật, sau đó người vợ/chồng còn lại mới yêu cầu Tòa án cho ly hôn. Tuy nhiên, như trên đã luận giải (xem mục 3.1.), chúng tôi không đồng ý với quan điểm thứ nhất vì Văn bản số 01/2017/GĐ-TANDTC không hướng dẫn yêu cầu ly hôn với người mất tích sẽ giải quyết theo thủ tục vụ án, đó chỉ là ý kiến chủ quan của người theo quan điểm này.

Cũng có ý kiến cho rằng không nên giải quyết đồng thời cả hai yêu cầu tuyên bố mất tích với yêu cầu ly hôn với người mất tích vì lúc này chưa có quyết định tuyên bố mất tích có hiệu lực nên không thể đặt ra việc ly hôn với người mất tích như Dự thảo Nghị quyết đã nêu. Tuy nhiên, người viết cho rằng đây có lẽ là chủ đích của nhà lập pháp nhằm bổ sung quy định của pháp luật còn thiếu và trong thực tiễn có bất cập với mục đích làm sao để cho việc giải quyết các yêu cầu của đương sự được đảm bảo nhanh chóng, kịp thời, tiết kiệm chi phí và nhân lực mà vẫn hợp lý.

Chính vì thế việc nhập chug hai yêu cầu tuyên bố mất tích và ly hôn với người mất tích hoàn toàn có thể được giải quyết trong cùng một loại việc dân sự yêu cầu quyền về hôn nhân và gia đình. Theo đó, người vợ/chồng muốn ly với người chồng/vợ đã mất tích (nhưng chưa có quyết định tuyên bố mất tích của Tòa án) thì theo quy định của hướng dẫn này, người vợ/chồng có quyền đồng thời yêu cầu Tòa án giải quyết và sau khi thụ lý việc dân sự yêu cầu về hôn nhân và gia đình (khoản 3 Điều 27 và khoản 11 Điều 29 BLTTDS) thì Tòa án thụ lý và giải quyết theo đúng trình tự đối với việc tuyên bố người mất tích (từ Điều 387 đến Điều 389 BLTTDS) và khi có đủ các căn cứ để tuyên bố chồng/vợ mất tích thì Tòa án sẽ ban hành quyết định tuyên bố người vợ/chồng mất tích đồng thời tuyên luôn vợ/chồng đó được ly hôn với người chồng/vợ bị tuyên bố mất tích. Ngoài ra, chúng tôi thống nhất giữ nguyên đối với với hướng dẫn tại khoản 3 Điều 4 Dự thảo Nghị quyết là “Khi Tòa án giải quyết cho ly hôn với người tuyên bố mất tích thì cần chú ý giải quyết việc quản lý tài sản của người bị tuyên bố mất tích theo đúng quy định tại Điều 69 Bộ luật Dân sự”.

Cuối cùng, các chủ thể có quyền kháng cáo, kháng nghị theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự hiện hành có thể thực hiện quyền kháng cáo, kháng nghị để từ đó Tòa án có phán quyết cuối cùng hoặc là “bác” yêu cầu tuyên bố mất tích và ly hôn hoặc “giữ nguyên” Quyết định sơ thẩm tuyên bố mất tích và cho ly hôn mà không cần thiết phải tách riêng từng yêu cầu để giải quyết cho mỗi việc khác nhau.

2.3.Đề xuất chỉnh sửa, bổ sung hướng dẫn tại Điều 4 Dự thảo Nghị quyết

Chúng tôi cho rằng mặc dù nội dung của Dự thảo Nghị quyết là sự ghi nhận nguyên văn từ Nghị quyết số 02/2000/NQ-HĐTP nhưng vẫn phù hợp với pháp luật hiện hành, chỉ lưu ý một số điểm cần chỉnh sửa, bổ sung như sau:

Thứ nhất, tại khoản 1 Điều 4 của Dự thảo Nghị quyết quy định như sau: “Người vợ hoặc người chồng yêu cầu Tòa án tuyên bố người chồng hoặc người vợ của mình mất tích và đồng thời yêu cầu Tòa án giải quyết cho ly hôn. Trong trường hợp này Tòa án thụ lý theo thủ tục việc dân sự. Nếu có đủ căn cứ để tuyên bố người đó mất tích thì Tòa án đồng thời giải quyết tuyên bố mất tích và cho ly hôn; nếu Tòa án thấy chưa đủ điều kiện tuyên bố người đó mất tích thì Tòa án đồng thời bác yêu cầu tuyên bố mất tích và yêu cầu ly hôn.

Thứ hai, tại khoản 2 Điều 4 của Dự thảo Nghị quyết quy định như sau: “Người vợ hoặc người chồng đã bị Tòa án tuyên bố mất tích theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan. Sau khi Quyết định của Tòa án tuyên bố người vợ hoặc người chồng mất tích đã có hiệu lực pháp luật thì người chồng hoặc người vợ của người đó có quyền yêu cầu xin ly hôn. Trong trường hợp này Tòa án giải quyết cho ly hôn với người mất tích theo thủ tục việc dân sự.

Thay lời kết

Chúng tôi hoàn toàn đồng ý với việc Hội đồng thẩm phán TANDTC xem xét và ban hành Nghị quyết hướng dẫn áp dụng một số quy định của LHN&GĐ trong đó có vấn đề “ly hôn với người mất tích” vì đây là một đòi hỏi cấp bách phát sinh từ nhu cầu của thực tiễn. Qua phân tích, chúng tôi cho rằng cần quán triệt một cách minh thị rằng, trong mọi trường hợp yêu cầu ly hôn với người mất tích (đã có quyết định tuyên bố mất tích hoặc đồng thời với việc tuyên bố mất tích) đều phải được xác định để thụ lý theo trình tự việc dân sự về yêu cầu hôn nhân và gia đình thì mới phù hợp với quy định pháp luật hôn nhân và gia đình và pháp luật tố tụng dân sự hiện hành cũng như đòi hỏi thực tiễn xét xử nhằm đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của người yêu cầu trong trường hợp này./.

 

Tòa án nhân dân tỉnh Hải Dương xét xử sơ thẩm vụ án ly hôn

 

[1] Lý Văn Toán, Nguyễn Bích Như (2021), “Không thể thụ lý giải quyết ly hôn với người mất tích trong một vụ việc”, Tạp chí Tòa án nhân dân điện tử, https://tapchitoaan.vn/bai-viet/trao-doi-y-kien/khong-the-thu-ly-giai-quyet-ly-hon-voi-nguoi-mat-tich-trong-mot-vu-viec, truy cập ngày 14/9/2021.

[2] Thực tiễn khá nhiều Tòa án đã thụ lý và giải quyết theo trình tự vụ án. Tham khảo:

Bản án số 12/2021/HN&GĐ-ST ngày 22/02/2021 của Tòa án nhân dân huyện LV tỉnh ĐT “V/v ly hôn”. Xem nguồn http://congbobanan.toaan.gov.vn/2ta695354t1cvn/chi-tiet-ban-an, truy cập ngày 14/9/2021; và

Bản án số 07/2021/HN&GĐ-ST ngày 22/3/2021 của Tòa án nhân dân huyện Đ tỉnh ĐN “V/v ly hôn”. Xem nguồn http://congbobanan.toaan.gov.vn/2ta696912t1cvn/chi-tiet-ban-an, truy cập ngày 14/9/2021.

[3] Mục số 9 Phần IV Văn bản số 01/2017/GĐ-TANDTC quy định: “Trường hợp xin ly hôn với người mất tích, Tòa án đã ra thông báo tìm kiếm người vắngmặt tại nơi cư trú đối với người vợ/chồng thì bao lâu sau khi có thông báo tìm kiếm người vắng mặt nơi cư trú đối với người vợ/chồng thì Tòa án có thể giải quyết yêu cầu ly hôn của người chồng/vợ?

Khoản 1, 2 Điều 68 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: Khi một người biệt tích 02 năm liền trở lên, mặc dù đã áp dụng đầy đủ các biện pháp thông báo, tìm kiếm theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự nhưng vẫn không có tin tức xác thực về việc người đó còn sống hay đã chết thì theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan, Tòa án có thể tuyên bố người đó mất tích.

Thời hạn 02 năm được tính từ ngày biết được tin tức cuối cùng về người đó; nếu không xác định được ngày có tin tức cuối cùng thì thời hạn này được tính từ ngày đầu tiên của tháng tiếp theo tháng có tin tức cuối cùng; nếu không xác định được ngày, tháng có tin tức cuối cùng thì thời hạn này được tính từ ngày đầu tiên của năm tiếp theo năm có tin tức cuối cùng.

Trường hợp vợ hoặc chồng của người bị tuyên bố mất tích xin ly hôn thì Tòa án giải quyết cho ly hôn theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình. Theo khoản 2 Điều 56 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 thì trong trường hợp vợ hoặc chồng của người bị Tòa án tuyên bố mất tích yêu cầu ly hôn thì Tòa án giải quyết cho ly hôn.

Như vậy, đối với trường hợp nêu trên, phải sau khi quyết định của Tòa án tuyên bố người vợ/chồng mất tích có hiệu lực pháp luật thì Tòa án mới xem xét, giải quyết cho người chồng/vợ ly hôn”.

[4] Huỳnh Thị Nam Hải (2021), “Yêu cầu ly hôn với người mất tích nên giải quyết trong cùng một vụ án”, Tạp chí Tòa án nhân dân điện tử, https://tapchitoaan.vn/bai-viet/trao-doi-y-kien/yeu-cau-ly-hon-voi-nguoi-mat-tich-nen-giai-quyet-trong-cung-mot-vu-an, truy cập ngày 14/9/2021.

[5] Khoản 1 Điều 4 của Dự thảo Nghị quyết: 1. Người vợ hoặc người chồng đồng thời yêu cầu Tòa án tuyên bố người chồng hoặc người vợ của mình mất tích và yêu cầu Tòa án giải quyết cho ly hôn. Trong trường hợp này nếu Tòa án tuyên bố người đó mất tích thì giải quyết cho ly hôn; nếu Tòa án thấy chưa đủ điều kiện tuyên bố người đó mất tích thì bác các yêu cầu của người vợ hoặc người chồng”.

[6] Điểm b mục 8 Nghị quyết số 02/2000/NQ-HĐTP ngày 23/12/2000 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 (Nghị quyết số 02/2000/NQ-HĐTP) hướng dẫn:  “Trong trường hợp vợ hoặc chồng của người bị Tòa án tuyên bố mất tích xin ly hôn thì Tòa án giải quyết cho ly hôn”. Thực tiễn cho thấy có thể xảy ra hai trường hợp như sau:

b.1. Người vợ hoặc người chồng đồng thời yêu cầu Tòa án tuyên bố người chồng hoặc người vợ của mình mất tích và yêu cầu Tòa án giải quyết cho ly hôn. Trong trường hợp này nếu Tòa án tuyên bố người đó mất tích thì giải quyết cho ly hôn; nếu Tòa án thấy chưa đủ điều kiện tuyên bố người đó mất tích thì bác các yêu cầu của người vợ hoặc người chồng.

b.2. Người vợ hoặc người chồng đã bị Tòa án tuyên bố mất tích theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan. Sau khi bản án của Tòa án tuyên bố người vợ hoặc người chồng mất tích đã có hiệu lực pháp luật thì người chồng hoặc người vợ của người đó có yêu cầu xin ly hôn với người đó. Trong trường hợp này Tòa án giải quyết cho ly hôn.

b.3. Khi Toà án giải quyết cho ly hôn với người tuyên bố mất tích thì cần chú ý giải quyết việc quản lý tài sản của người bị tuyên bố mất tích theo đúng quy định tại Điều 89 Bộ luật Dân sự”.

[7] Khoản 11 Điều 29 BLTTDS quy định: “Những yêu cầu về hôn nhân và gia đình thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án […]; 11. Các yêu cầu khác về hôn nhân và gia đình, trừ trường hợp thuộc thẩm quyền giải quyết cúa cơ quan, tổ chức khác theo quy định của pháp luật”;

Điều 361 BLTTDS quy định tương tự với Điều 311 BLTTDS năm 2004 (sửa đổi, bổ sung năm 2011): “Việc dân sự là việc cá nhân, cơ quan, tổ chức không có tranh chấp, nhưng có yêu cầu Tòa án công nhận hoặc không công nhận một sự kiện pháp lý là căn cứ làm phát sinh quyền, nghĩa vụ dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động của mình hoặc của cá nhân, cơ quan, tổ chức khác; yêu cầu Tòa án công nhận cho mình quyền về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động”.

[8] Nguyễn Hải Phong (2021), “Yêu cầu ly hôn với người mất tích có được thụ lý giải quyết trong một vụ việc không?”, Tạp chí Tòa án nhân dân điện tử, https://tapchitoaan.vn/bai-viet/trao-doi-y-kien/yeu-cau-ly-hon-voi-nguoi-mat-tich-co-duoc-thu-ly-giai-quyet-trong-mot-vu-viec-khong, truy cập ngày 14/9/2021./.

 

ĐẶNG THANH HOA & LÊ BÁ ĐỨC (Trường Đại học Luật TP.HCM)