Xác định tư cách pháp nhân và kiến nghị hoàn thiện

Pháp nhân là một trong hai chủ thể chủ yếu (cùng với cá nhân) tham gia vào quan hệ pháp luật dân sự. Bài viết trên cơ sở nghiên cứu, bình luận và so sánh với pháp luật của một số nước trên thế giới để làm rõ và đưa ra kiến nghị để hoàn thiện quy định về tư cách pháp nhân.

Các quy định về pháp nhân là một trong những quy định pháp luật quan trọng của các quốc gia. Khi pháp nhân tham gia vào quan hệ pháp luật dân sự có khả năng tác động đến trật tự kinh tế và xã hội của một quốc gia. Vì thế việc xác định một tổ chức có tư cách pháp nhân hay không rất quan trọng, để từ đó xác định các vấn đề pháp lý của pháp nhân khi tham gia quan hệ pháp luật này.

1. Khái quát về tư cách pháp nhân theo pháp luật Việt Nam

1.1. Khái niệm

Quan hệ pháp luật là những quan hệ xã hội được quy phạm pháp luật điều chỉnh. Từ đó, chúng ta thấy được rằng, quan hệ pháp luật dân sự là những quan hệ dân sự theo cách hiểu mở rộng như quan hệ về thương mại, lao động, dân sự được các quy phạm pháp luật dân sự theo cách hiểu mở rộng trực tiếp điều chỉnh về quyền, nghĩa vụ của các chủ thể, như quy phạm pháp luật về thương mại, quy phạm pháp luật về lao động, quy phạm pháp luật về dân sự… điều chỉnh.

Xuất phát từ khái niệm trên, chúng ta thấy được rằng một trong những đặc điểm của quan hệ pháp luật dân sự đó là chủ thể tham gia quan hệ pháp luật dân sự. Có một số quan điểm định nghĩa rằng, chủ thể tham gia vào quan hệ dân sự là những “người” tham gia vào các quan hệ đó, phạm vi “người” tham gia vào quan hệ dân sự bao gồm cá nhân (công dân, người nước ngoài, người không quốc tịch) và pháp nhân. Nhưng theo quan điểm của bài viết, việc sử dụng từ “người” sẽ gây nhầm lần cho một số chủ thể, vì thế, chủ thể tham gia quan hệ dân sự là cá nhân (công dân, người nước ngoài, người không quốc tịch) và pháp nhân tham gia xác lập và thực hiện quan hệ dân sự đó.

Như những gì đã đề cập ở trên, pháp nhân – chủ thể của quan hệ pháp luật dân sự, hiện nay BLDS hiện hành chưa có khái niệm về pháp nhân. Từ trước đến nay, pháp nhân được định nghĩa dựa trên các đặc điểm, khi đáp ứng các điều kiện đó thì được xem là pháp nhân. Có một số quan điểm cho rằng, pháp nhân là một tổ chức thống nhất, độc lập, thống nhất, có tài sản riêng và chịu trách nhiệm bằng tài sản của mình, nhân danh mình tham gia vào các quan hệ pháp luật một cách độc lập, hay “pháp nhân là một tổ chức được thành lập hợp pháp, có cơ cấu tổ chức chặt chẽ, có tài sản độc lập, nhân danh mình tham gia vào các quan hệ pháp luật một cách độc lập và chịu trách nhiệm độc lập bằng tài sản của mình khi tham gia vào các quan hệ đó”.

1.2. Đặc điểm của tư cách pháp nhân

Theo quy định tại Điều 74 BLDS 2015 thì một tổ chức được công nhận là có tư cách pháp nhân cần phải đáp ứng đủ 4 điều kiện:

(1) Pháp nhân phải được thành lập theo quy định của Bộ luật này, luật khác có liên quan, hay còn gọi là tổ chức được thành lập một cách hợp pháp.

Điều kiện này có ý nghĩa quan trọng trong việc xác định thời điểm mà pháp nhân ra đời để được hưởng các quy chế pháp lý của pháp nhân. Một pháp nhân được thành lập hợp pháp đòi hỏi phải có mục tiêu hoạt động không trái với pháp luật và đạo đức xã hội, đồng thời tuân theo trình tự, thủ tục chung của BLDS cũng như các luật chuyên ngành có liên quan khác như Luật Doanh nghiệp, Luật Kinh doanh bất động sản… Căn cứ để xác định việc một tổ chức có được thành lập hợp pháp, đúng theo quy định của luật hay không, phụ thuộc vào những quyết định công nhận từ các cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Như Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp là văn bản bằng bản giấy hoặc bản điện tử ghi lại những thông tin về đăng ký doanh nghiệp mà Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp cho doanh nghiệp, và khi được cấp loại giấy này thì doanh nghiệp đó được khai sinh và doanh nghiệp đó được xem là pháp nhân, khi đáp ứng các điều kiện còn lại. Ngoài ra trong thực tế, còn có một số loại như quyết định thành lập, cho phép hoặc công nhận.

Đồng thời, chúng ta có thể thấy được rằng, một tổ chức như tổ chức khủng bố, phản động, chống phá chính quyền nhân dân không thể được xem là pháp nhân. Việc thành lập một doanh nghiệp bên cạnh việc phải tuân theo các điều kiện của BLDS 2015 thì còn cần tuân theo các quy định của luật chuyên ngành như điều kiện về chủ thể được quyền thành lập doanh nghiệp, trình tự thủ tục đăng kí doanh nghiệp.

(2) Pháp nhân phải có cơ cấu tổ chức theo quy định tại Điều 83 của BLDS 2015.

Pháp nhân phải có cơ quan điều hành theo quy định của pháp luật. Pháp nhân là một tổ chức bao gồm nhiều cá nhân chứ không phải một cá nhân đơn lẻ và để tổ chức này có thể hoạt động một cách ổn định, hiệu quả đồng thời thống nhất mục tiêu, thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ của pháp nhân cần phải có một cơ quan điều hành. Tùy vào từng loại hình mà pháp nhân sẽ chọn cơ quan điều hành tương ứng. Tổ chức, nhiệm vụ và quyền hạn của cơ quan điều hành của pháp nhân được quy định trong điều lệ của pháp nhân hoặc trong quyết định thành lập pháp nhân. Từ đó, chúng ta thấy được rằng, đây là một trong những điểm mới của BLDS 2015 so với BLDS 2005, bởi lẽ, theo quy định của BLDS 2005 tổ chức phải có cơ cấu tổ chức chặt chẽ, nhưng lại không định nghĩa như thế nào là chặt chẽ, dẫn đến trường hợp trên thực tiễn, sẽ có nhiều cơ quan có thẩm quyền gây khó khăn cho việc thành lập pháp nhân. Vì vậy, việc sửa đổi nội dung tại điều luật này là hợp lý.

(3) Pháp nhân phải có tài sản độc lập với cá nhân, pháp nhân khác và tự chịu trách nhiệm bằng tài sản của mình.

Để được xem là tổ chức có tư cách pháp nhân, khi tham gia vào các quan hệ dân sự như hợp đồng mua bán, hợp đồng thuê tài sản… thì tổ chức đó phải có tài sản độc lập của mình. Việc có tài sản độc lập bảo đảm cho việc thực hiện nghĩa vụ của pháp nhân, chịu trách nhiệm bằng chính tài sản của mình. Tài sản của pháp nhân được hình thành từ nhiều nguồn tài sản bao gồm: tài sản do thành viên của pháp nhân đóng góp, tài sản mà pháp nhân được xác lập quyền sở hữu theo quy định của Bộ luật này, luật khác có liên quan. Vì thế mà tài sản của pháp nhân cần phải độc lập, tách bạch với tài sản riêng của từng thành viên, tài sản này phải thuộc quyền sở hữu tuyệt đối của pháp nhân.

Trên cơ sở tài sản độc lập, thì tổ chức để được xem là có tư cách pháp nhân phải chịu trách nhiệm bằng tài sản riêng của mình. Pháp nhân phải tham gia vào các quan hệ dân sự (quan hệ tài sản, nhân thân) như một chủ thể độc lập, và phải chịu trách nhiệm với những hành vi do pháp nhân xác lập trong quá trình hoạt động của mình. “Khi pháp nhân thực hiện nguyên tắc tách biệt tài sản cũng là khi xuất hiện một tính pháp lý mới, tách biệt với tính pháp lý của chủ sở hữu hoặc cộng đồng sở hữu. Khi đó, các pháp nhân tham gia các quan hệ tài sản sẽ phát sinh quyền và nghĩa vụ pháp lý liên quan đến trách nhiệm về tài sản của pháp nhân”.

(4) Pháp nhân phải nhân danh mình tham gia quan hệ pháp luật một cách độc lập.

Pháp nhân là một tổ chức có tư cách pháp lý độc lập khi tham gia vào các quan hệ so với các thành viên của pháp nhân. Với sự độc lập về tài sản thì pháp nhân có thể tự mình thực hiện quyền và nghĩa vụ phát sinh từ quan hệ đó. Lấy danh nghĩa của pháp nhân tham gia các hoạt động như giao dịch, ký kết hợp đồng… Đồng thời trong quan hệ của pháp luật tố tụng thì pháp nhân còn tham gia với tư cách là nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan trước tòa án, trọng tài và các quyền và nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.

2. Tư cách pháp nhân theo quy định của một số nước trên thế giới

2.1. Trung Quốc

Theo quy định tại Điều 57, Điều 59 BLDS Cộng hòa nhân dân Trung Hoa thì pháp nhân là tổ chức có năng lực pháp luật dân sự và năng lực hành vi dân sự, độc lập thực hiện quyền và nghĩa vụ dân sự theo quy định của pháp luật. Năng lực pháp luật dân sự và năng lực hành vi dân sự của pháp nhân sẽ phát sinh từ khi pháp nhân được thành lập cho đến khi pháp nhân chấm dứt.

Theo quy định tại Điều 58 BLDS này, một tổ chức được công nhận là pháp nhân khi đáp ứng các điều kiện sau đây:

(1) Thành lập theo quy định của pháp luật;

(2) Có cơ cấu tổ chức, tên gọi riêng, trụ sở;

(3) Có tài sản hoặc quỹ cần thiết của pháp nhân;

(4) Pháp nhân có thể độc lập chịu trách nhiệm dân sự.

2.2. Liên Bang Nga

Theo khoản 1 Điều 50 BLDS Liên bang Nga thì pháp nhân có thể là các tổ chức, mà tìm kiếm lợi nhuận phái sinh với tư cách là mục đích chính của tổ chức đó (tổ chức thương mại), hoặc các tổ chức mà không tìm kiếm lợi nhuận phái sinh với tư cách là mục đích chính và không phân phối lợi nhuận phái sinh giữa các thành viên của tổ chức (tổ chức phi lợi nhuận).

Theo Điều 48, Điều 51 BLDS này thì pháp nhân là một tổ chức:

(1) Một pháp nhân phải được đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền phù hợp với thủ tục theo Luật quy định về đăng ký pháp nhân. Việc từ chối đăng ký nhà nước của một pháp nhân chỉ được phép trong các trường hợp do pháp luật quy định.

(2) Có quyền sở hữu hoặc quyền quản lý kinh tế hoặc quản lý tài sản riêng biệt, có thể thực hiện các nghĩa vụ bằng tài sản của mình;

(3) Nhân danh mình thực hiện quyền tài sản và quyền nhân thân;

(4) Nhân danh mình tham gia với tư cách nguyên đơn, bị đơn trước tòa;

(5) Pháp nhân phải có tài sản độc lập.

3. Hạn chế và kinh nghiệm cho Việt Nam

Thứ nhất, BLDS 2015 chưa có quy định cụ thể khái niệm pháp nhân mà chỉ mới đưa ra các điều kiện để công nhận một tổ chức có tư cách pháp nhân theo quy định tại Điều 74. Qua các phân tích trên, theo quan điểm của nhóm tác giả, BLDS cần phải đưa ra một khái niệm cụ thể về pháp nhân thay vì chỉ đưa ra các điều kiện để công nhận một tổ chức có tư cách pháp nhân, bên cạnh đó có thể tham khảo khái niệm pháp nhân trong các BLDS Cộng hòa nhân dân Trung Hoa và Liên Bang Nga.

Thứ hai, căn cứ vào điều kiện để tổ chức được xem là có tư cách pháp nhân theo quy định của BLDS hiện hành và các quy định về công ty hợp danh trong Luật Doanh nghiệp hiện hành, theo nhóm loại hình doanh nghiệp này chưa đáp ứng được điều kiện để được xem là tổ chức có tư cách pháp nhân. Điển hình, tại khoản 2 Điều 177 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định “Công ty hợp danh có tư cách pháp nhân kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp” nhưng tại điểm b khoản 1 điều này lại khẳng định, thành viên hợp danh phải là cá nhân, chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về các nghĩa vụ của công ty.

Mặc dù Công ty hợp danh khi được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp được xem là pháp nhân, nhưng thành viên hợp danh của công ty này lại phải chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình, nhưng một trong những điều kiện để được xem là pháp nhân đó là pháp nhân phải có tài sản độc lập với cá nhân, pháp nhân khác và tự chịu trách nhiệm bằng tài sản của mình. Từ đó, có thể thấy quy định của luật chuyên ngành có sự khác biệt nhất định với quy định của luật chung. Có thể xem xét đến một trong những đặc điểm của pháp nhân theo BLDS Liên bang Nga đó là pháp nhân phải có tài sản độc lập, từ quy định này có thể thấy theo quy định của nước này, trong mọi trường hợp pháp nhân phải có tài sản độc lập, như một chủ thể độc lập và có thể gián tiếp suy luận được rằng, trong mọi trường hợp pháp nhân phải chịu trách nhiệm bằng tài sản của mình. Theo tác giả, cần nghiên cứu và quy định tự chịu trách nhiệm đối với loại hình doanh nghiệp này.

Thứ ba, ở điều kiện thứ tư của Điều 74 BLDS 2015 có phần chưa hợp lý, việc nhân danh mình tham gia quan hệ pháp luật là một điều đương nhiên. Sau khi được công nhận có tư cách pháp nhân thì pháp nhân mới có thể nhân danh mình vào các quan hệ này. Trong khi việc nhân danh mình trong quan hệ này được xem như là điều kiện để hình thành pháp nhân thì chưa hợp lý.

4. Kết luận

Pháp nhân là một chủ thể cơ bản khi tham gia vào quan hệ pháp luật dân sự. Do đó việc xác định tư cách pháp nhân của môt tổ chức là một điều quan trọng để từ đó xác định các vấn đề pháp lý của pháp nhân khi tham gia vào một quan hệ pháp luật. Từ những phân tích, bình luận cũng như so sánh với pháp luật của các quốc gia khác, nhóm tác giả thấy rằng BLDS khi quy định về chế định pháp nhân vẫn còn một số hạn chế. Qua bài viết này, nhóm tác giả đưa ra những nhận xét và góp ý dựa trên quan điểm cá nhân về quy định tư cách pháp nhân. Vì đây là một chế định khá phức tạp và bên cạnh đó luật chuyên ngành vẫn còn một số quy định khác với quy định chung. Do đó, tác giả mong muốn những ý kiến trên có thể góp phần xây dựng quy định pháp nhân thực sự hợp lý, khoa học hơn và cũng như là cơ sở cho pháp nhân hoạt động một cách phù hợp với thông lệ quốc tế trong giai đoạn hội nhập kinh tế như hiện nay.

 

Xuất khẩu hàng hóa bằng đường biển- Ảnh: TTXVN

 

ĐOÀN PHƯỚC HÒA (Tòa án quân sự khu vực Quân khu 7)