Về thẩm quyền kháng nghị trong Luật Thi hành án hình sự

Luật Thi hành án lại không quy định giới hạn phạm vi của quyền và sự phân tách giữa quyền kháng nghị, kiến nghị, yêu cầu đã dẫn đến thực trạng là nhiều trường hợp Viện kiểm sát cấp sơ thẩm sử dụng các quyền kháng nghị, kiến nghị không hợp lý.

1. Vụ việc cụ thể

 TAND huyện A xét xử và tuyên phạt bị cáo Nguyễn Thành T 3 năm tù và Nguyễn Thành P 2 năm 6 tháng tù về tội cố ý gây thương tích. Sau khi xét xử sơ thẩm các bị cáo có kháng cáo nên Toà án tỉnh B đã xét xử phúc thẩm, cấp phúc thẩm đã cho bị cáo Nguyễn Thành T và Nguyễn Thành P được hưởng án treo với mức hình phạt tù như bản án sơ thẩm đã tuyên.

Trên cơ sở bản án phúc thẩm, TAND huyện A đã ban hành quyết định thi hành hình phạt tù nhưng cho hưởng án treo đối với bị cáo Nguyễn Thành T và Nguyễn Thành P, người ký quyết định thi hành án là Phó Chánh án ký thay Chánh án. Bản án phúc thẩm bị kháng nghị, và TANDCC cấp cao xem xét lại theo thủ tục giám đốc thẩm đã huỷ bản án phúc thẩm và giữ nguyên bản án sơ thẩm, tức là không cho T và P hưởng án treo.

Trên cơ sở Quyết định giám đốc thẩm, Toà án huyện A đã ra quyết định huỷ bỏ quyết định thi hành hình phạt tù cho hưởng án treo và ban hành quyết định thi hành hình phạt tù có thời hạn đối với người chấp hành án là Nguyễn Thành T và Nguyễn Thành P. Người ký quyết định thi hành án vẫn là Phó Chánh án, ký thay Chánh án.

VKSND huyện A đã có văn bản kháng nghị cho rằng việc huỷ quyết định thi hành án của TAND huyện A là đúng. Tuy nhiên, về thẩm quyền huỷ quyết định thì Phó Chánh án đã ký quyết định thi hành hình phạt tù cho hưởng án treo thì không có thẩm quyền ký quyết định Huỷ quyết định này, mà người ký quyết định huỷ phải là Chánh án. Từ đó, VKSt yêu cầu Toà án phải huỷ quyết định huỷ thi hành hình phạt tù cho hưởng án treo do Phó Chánh án ký và ban hành quyết định huỷ mới do Chánh án ký.

2. Bình luận về thẩm quyền giải quyết kháng nghị trong Luật thi hành án hình sự

Trong hoạt động thi hành án hình sự, VKSND kiểm sát việc tuân theo pháp luật của cơ quan, người có thẩm quyền và cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan trong thi hành án hình sự. Để thực hiện quyền kiểm sát việc tuân theo pháp luật, Viện kiểm sát có quyền kháng nghị, kiến nghị và quyền yêu cầu đối với Toà án, Cơ quan thi hành án hình sự và các cơ quan, cá nhân có thẩm quyền khác. Tuy nhiên, cấu trúc của Luật Thi hành án hình sự dường như chỉ tập trung trọng tâm vào hoạt động thi hành án, còn việc thực hiện các quyền cụ thể liên quan đến công tác kiểm sát việc tuân theo pháp luật lại vô cùng mơ hồ, hạn chế.

Căn cứ vào Điều 167 và Điều 169 Luật Thi hành án hình sự 2019 có thể thấy rằng thẩm quyền giải quyết kháng nghị của Viện kiểm sát được quy định trong hai trường hợp. Cụ thể như sau:

Trường hợp thứ nhất: Thẩm quyền giải quyết theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự.

Khoản 3 Điều 169 Luật Thi hành án hình sự quy định: “Đối với kháng nghị về quyết định quy định tại khoản 4 Điều 167 của Luật này thì việc giải quyết được thực hiện theo quy định của pháp luật về tố tụng hình sự”. Khoản 4 Điều 167 Luật Thi hành án hình sự quy định: “Đề nghị miễn, hoãn, tạm đình chỉ, đình chỉ chấp hành án; tham gia phiên họp xét giảm, miễn thời hạn chấp hành án, tha tù trước thời hạn có điều kiện, hủy quyết định tha tù trước thời hạn có điều kiện, buộc chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo, rút ngắn thời gian thử thách”. Như vậy, đối với các kháng nghị liên quan đến quyết định miễn, hoãn, tạm đình chỉ chấp hành án; quyết định xem xét miễn, giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù, tha tù trước thời hạn có điều kiện, quyết định buộc hoặc không buộc chấp hành hình phạt tù cho hưởng án treo, rút ngắn thời gian thử thách án treo thì thẩm quyền giải quyết kháng nghị là của Toà án cấp trên trực tiếp. Trường hợp quyết định bị kháng nghị là của Toà án cấp huyện thì thẩm quyền giải quyết kháng nghị là của TAND cấp tỉnh, trường hợp quyết định bị kháng nghị là của TAND cấp tỉnh thì thẩm quyền giải quyết kháng nghị là của TANDCC. Trong trường hợp này, Luật Thi hành án hình sự đã giải quyết 02 nội dung trong quan trọng là phạm vi kháng nghị và thẩm quyền giải quyết kháng nghị.

Trường hợp thứ hai: Thẩm quyền giải quyết theo quy định của Luật Thi hành án hình sự

Khoản 4 Điều 169 Luật Thi hành án hình sự quy định: “Đối với kháng nghị quy định tại khoản 5 Điều 167 của Luật này, Tòa án, cơ quan thi hành án hình sự, cơ quan được giao một số nhiệm vụ thi hành án hình sự có trách nhiệm trả lời bằng văn bản trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được kháng nghị; nếu không nhất trí với kháng nghị đó thì các cơ quan này có quyền khiếu nại lên Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp; Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp phải giải quyết trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được khiếu nại. Quyết định của Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp phải được thi hành”. Khoản 5 Điều 167 Luật Thi hành án hình sự quy định: “Kháng nghị, kiến nghị, yêu cầu Tòa án, cơ quan thi hành án hình sự cùng cấp, cấp dưới, cơ quan được giao một số nhiệm vụ thi hành án hình sự, người có thẩm quyền và cá nhân có liên quan trong thi hành án hình sự”. Đối với trường hợp thứ hai này đã nảy sinh hai vấn đề bất cập lớn:

Thứ nhất, về giới hạn quyền kháng nghị, kiến nghị, yêu cầu của Viện kiểm sát. Khoản 5 Điều 167 chỉ quy định là Viện kiểm sát có quyền kháng nghị, kiến nghị, yêu cầu Tòa án, cơ quan thi hành án hình sự cùng cấp, cấp dưới, cơ quan được giao một số nhiệm vụ thi hành án hình sự, người có thẩm quyền và cá nhân có liên quan trong thi hành án hình sự nhưng lại không giải thích rõ trường hợp nào thì phải kháng nghị, trường hợp nào phải kiến nghị và khi nào thì thực hiện quyền yêu cầu.

Ngoài ra, khoản 5 Điều 167 Luật Thi hành án hình sự cũng chỉ quy định chung là Viện kiểm sát có quyền kháng nghị, kiến nghị, yêu cầu Tòa án, cơ quan thi hành án hình sự cùng cấp, cấp dưới, cơ quan được giao một số nhiệm vụ thi hành án hình sự, người có thẩm quyền và cá nhân có liên quan trong thi hành án hình sự nhưng lại không quy định giới hạn là các chủ thể vi phạm quyền, nghĩa vụ gì để bị kháng nghị, kiến nghị.

Quy định về kiến nghị, kháng nghị, yêu cầu của Viện kiểm sát nhằm đảm bảo cho hoạt động thi hành án được thực hiện đảm bảo đúng quy định của pháp luật nhưng là Luật Thi hành án lại không quy định giới hạn phạm vi của quyền và sự phân tách giữa quyền kháng nghị, kiến nghị, yêu cầu đã dẫn đến thực trạng là nhiều trường hợp Viện kiểm sát cấp sơ thẩm sử dụng các quyền kháng nghị, kiến nghị không hợp lý. Vụ việc trên là một ví dụ điển hình.

Viện kiểm sát cho rằng Phó Chánh án đã ký quyết định thi hành án thì không có quyền ký quyết định huỷ quyết định thi hành án do chính mình ban hành. Trong trường hợp này, Phó Chánh án đã ký với tư cách là ký thay Chánh án nên thẩm quyền chung vẫn là của Chánh án. Trong trường hợp Chánh án là người ký quyết định thì Chánh án vẫn là người ký quyết định huỷ. Như vậy, xét về bản chất thì thẩm quyền ký quyết định vẫn đảm bảo đúng quy định của pháp luật và việc yêu cầu huỷ để ký lại quyết định mới không tạo ra bất kỳ giá trị có ý nghĩa cho hoạt động thi hành án hình sự.

Thứ hai, về thẩm quyền giải quyết kháng nghị

Khoản 4 Điều 169 Luật Thi hành án hình sự quy định chủ thể bị kháng nghị có quyền khiếu nại đến Viện kiểm sát cấp trên để giải quyết khiếu nại. Khiếu nại và kháng nghị có bản chất, nội dung và hình thức hoàn toàn khác nhau. Do vậy, khoản 4 Điều 169 Luật Thi hành án hình sự chỉ quy định quyền giải quyết khiếu nại mà không quy định chủ thể giải quyết kháng nghị của Viện kiểm sát là một thiếu sót.

Hiến pháp năm 2013 đã quy định: Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp. Việc giao quyền cho Viện kiểm sát cấp dưới kháng nghị mà lại tiếp tục giao quyền Viện kiểm sát cấp trên giải quyết khiếu nại kháng nghị của Viện kiểm sát cấp dưới thì không còn đảm bảo nguyên tắc kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan trong việc thực hiện quyền tư pháp. Trong vụ việc nêu trên, Viện kiểm sát đã ban hành kháng nghị nhưng không có cơ quan nào có thẩm quyền giải quyết kháng nghị. Và trường hợp Viện kiểm sát cấp trên thống nhất với quan điểm của Viện kiểm sát cấp dưới thì không đảm bảo tính khách quan trong hoạt động tư pháp.

3. Kiến nghị

Từ những phân tích trên, chúng tôi cho rằng việc thực hành quyền kháng nghị của Viện kiểm sát như trên xuất phát từ sự thiếu rõ ràng của Điều 169 Luật Thi hành án hình sự. Do vậy, cần thiết phải có sự hướng dẫn mang tính chất liên nghành giữa TANDTC, VKSNDTC và Bộ công an trong việc thực hiện quyền kiến nghị, kháng nghị và yêu cầu trong hoạt động thi hành án hình sự. Về nguyên tắc, các cơ quan có thẩm quyền phải phân định rõ quyền của Viện kiểm sát khi thực hành quyền kiểm sát hoạt động thi hành án hình sự. Cần thiết phải giải thích rõ vi phạm nào thì thực hiện kháng nghị, vi phạm nào thì kiến nghị và những vi phạm nào thì thực hiện quyền yêu cầu. Đồng thời việc giải quyết kháng nghị phải được quy định bởi một cơ quan cụ thể, trong đó một nội dung có tính nguyên tắc là chủ thể được giao quyền kháng nghị thì không thể đồng thời là chủ thể mang quyền giải quyết việc kháng nghị./.

 

Tòa án nhân dân huyện Phụng Hiệp, Hậu Giang xét xử vụ án hình sự - Ảnh: Nguyễn Hữu Trí

 

Ths NGUYỄN THỊ THANH HƯƠNG (Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học TANDTC) Ths HUỲNH XUÂN TÌNH  (Thẩm phán TAND thành phố Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang)