A không phạm tội Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ

Sau khi nghiên cứu bài viết “Sát hại người yêu, rồi lái xe của người yêu gây tai nạn, tội gì?” trên Tạp chí số ra ngày 22/5/2020 và ý kiến trao đổi, tôi cho rằng hành vi của Nguyễn Văn A không phạm “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ”

Qua nội dung bài viết trao đổi, tôi có một số ý kiến sau:

Thứ nhất, về tội “Giết người” theo Điều 123 BLHS 2015 trong vụ án này đã rõ, hành vi giết người của Nguyễn Văn A xuất phát từ việc mâu thuẫn với chị B, A dùng dao gọt hoa quả sát hại chị B. Hành vi của A cần truy tố theo Điều 123 BLHS 2015 để xử lý về hành vi giết người.

Thứ hai, hành vi của A không cấu thành tội “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ”.

Về tình tiết định khung ở điểm d khoản 1 Điều 260 “Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng”. Cụm từ “Gây thiệt hại” được hiểu và áp dụng trong thực tiễn xét xử ở các Tòa án là gây thiệt hại đối tài sản của người khác, tức người bị gây tai nạn thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng thì sẽ đủ yếu tố cấu thành theo điểm d khoản 1 Điều 260 BLHS. Cách hiểu tính thiệt hại của người gây tai nạn cộng với thiệt hại của người bị gây tai nạn để xác định thiệt hại của vụ án vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ theo tác giả đây là cách hiểu chưa chính xác. Vì vậy, trong vụ án này A điều khiển xe gây tai nạn làm thiệt hại cho xe khách 15.000.000 đồng nên không cấu thành tội “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ”.

Việc xe ô tô do A điều khiển bị thiệt hại 135.000.000 đồng, xe đó chủ sở hữu là chị B vì vậy theo quan hệ pháp luật dân sự A phải có nghĩa vụ bồi thường cho đại diện gia đình chị B 135.000.000 đồng.

Thứ ba, hành vi của A có thể cấu thành tội “Cướp tài sản” vì A đã có những hành vi như dùng vũ lực, dùng dao tấn công làm chị B, sau đó A đã lấy xe của chị B rời khỏi hiện trường vụ án. Việc A khai dùng xe chở chị B đi nhiều  nơi, mục đích là để thăm lại những nơi hai người lúc đang yêu nhau từng đi theo tác giả là cần phải xác minh lại vì đây chỉ là lời khai một phía của A. Trong trường hợp này có thể đặt ra các giả thiết khác như sau khi giết B, A lo sợ bị phát hiện nên lái xe chở B đi phi tang, giấu xác rồi chiếm đoạt xe của B. Vì vậy trong tường hợp này cơ quan điều tra cần thu thập thêm chứng cứ chứng minh động cơ, mục đích phạm tội của A.

Tòa án  huyện Phú Giáo, Bình Dương xét xử vụ án “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ” – Ảnh: Thanh Minh

LÊ VĂN CƯỜNG (Tòa án Quân sự Quân khu 3)