A phạm tội Công nhiên chiếm đoạt tài sản là có căn cứ

Sau khi nghiên cứu bài viết của tác giả Bùi Thế Vinh “A có phạm tội trộm cắp tài sản?” đăng ngày 06/11/2021 và các bài viết phản hồi của tác giả Lại Thanh Sơn, Đinh Thị Thùy, Hồ Quân. Tôi đồng ý với quan điểm của tác giả Đinh Thị Thùy và Hồ Quân.

Thứ nhất, tác giả đồng tình với quan điểm A thực hiện hành vi công khai chiếm đoạt tài sản trước sự chứng kiến người có trách nhiệm quản lý tài sản (A thấy trong kho của B có bộ bàn ghế gỗ nên đã nảy sinh ý định lấy để gán nợ. A thuê xe đến chở bộ bàn ghế của B với tổng trị giá khoảng 30 triệu đồng về nhà. C là người biết và chứng kiến mọi việc). Tuy nhiên, trong tình huống mà tác giả Bùi Thế Vinh đưa ra, thấy rằng A không sử dụng thủ đoạn lợi dụng sơ hở của người có trách nhiệm quản lý tài sản hay lợi dụng hoàn cảnh khách quan như: Thiên tai, hỏa hoạn để công nhiên chiếm đoạt tài sản là một dấu hiệu thường thấy trong tội công nhiên chiếm đoạt tài sản mà A chỉ thực hiện duy nhất một hành vi công khai chiếm đoạt tài sản của B trước khi chứng kiến của C là người có trách nhiệm quản lý tài sản.

Đối với tội công nhiên chiếm đoạt tài sản chỉ cần người phạm tội thực hiện hành vi công nhiên chiếm đoạt tài sản của người đã thỏa mãn đầy đủ dấu hiệu cấu thành hành vi của của tội công nhiên chiếm đoạt tài sản mà không bắt buộc người phạm tội có hay không thực hiện thủ đoạn lợi dụng sơ hở của chủ sở hữu hay người có trách nhiệm quản lý tài sản hoặc lợi dụng hoàn cảnh khách quan để công nhiên chiếm đoạt tài sản.

Thứ hai, tác giả không đồng tình với quan điểm của tác giả Lại Thanh Sơn khi cho rằng hành vi của A không phải là vi phạm pháp luật hình sự khi cho rằng A không sử dụng bất kỳ một phương thức, thủ đoạn nào để thực hiện hành vi xâm phạm sở hữu tài sản mang tính chất chiếm đoạt. Trong tình huống này hành vi của A đã thỏa mãn dấu hiệu của tội công nhiên chiếm đoạt sản thể hiện ở chỗ: Mục đích chiếm đoạt tài sản của A rõ ràng có trước khi thực hiện hành vi chiếm đoạt (A thấy trong kho của B có bộ bàn ghế gỗ ) nên đã nảy sinh ý định chiếm đoạt (lấy để gán nợ). Sau khi có mục đích chiếm đoạt tài sản A đã thực hiện hành vi công nhiên chiếm đoạt tài sản của B khi cố ý dịch chuyển một cách trái pháp luật tài sản ra khỏi sự quản lý hợp pháp của chủ sở hữu hoặc người có trách nhiệm quản lý tài sản (A thuê xe đến chở bộ bàn ghế của B với tổng trị giá khoảng 30 triệu đồng từ kho ở nhà B về nhà vợ của A) trước sự chứng kiến của C là người có trách nhiệm quản lý tài sản. Sau khi chiếm đoạt tài sản tài sản A luôn cất giữ tài sản tại nhà của vợ A. Còn B chỉ biết được tài sản bị mất khi đi công tác về được C kể lại sự việc điều này thể hiện ý chí của người thực hiện tội phạm và việc thực hiện tội phạm đến cùng của A. Việc A không sử dụng không sử dụng bất kỳ một phương thức, thủ đoạn nào đối với C hay C là người biết và chứng kiến mọi việc nhưng tưởng A và B đã thỏa thuận với nhau về việc này nên không có ý kiến gì, không ngăn cản không phải là dấu hiệu bắt buộc trong cấu thành tội phạm của tội công nhiên chiếm đoạt tài sản việc tác giả đưa quan điểm này để xác định hành vi của A không phải là hành vi vi phạm pháp luật hình sự là không có căn cứ.

Thứ ba, đối với tội trộm cắp tài sản tác giả đồng ý với quan điểm của tác giả Lại Thanh Sơn, Đinh Thị Thùy, Hồ Quân. Do nội dung này đã được các tác giả phân tích rõ tác giả không nhắc lại.

Trên đây là quan điểm cá nhân của tác giả, rất mong nhận được sự phản hồi và đóng góp của các đồng nghiệp.

Tòa án nhân dân tỉnh Hưng Yên xét xử vụ án Công nhiên chiếm đoạt tài sản - Ảnh: VKSND HY

A có phạm tội trộm cắp tài sản?

A có dấu hiệu của tội “Công nhiên chiếm đoạt tài sản”

A phạm tội Công nhiên chiếm đoạt tài sản

A không phạm tội trộm cắp tài sản

 

HOÀNG NGUYÊN THẮNG (Viện kiểm sát quân sự Quân khu 1)