A phạm tội “Sử dụng trái phép vũ khí quân dụng”

Sau khi nghiên cứu bài viết “Dùng súng trêu đùa thành bắn chết bạn, tội gì?" đăng ngày 23/6/2020 và các ý kiến trao đổi, tôi cho rằng hành vi của A đã đủ yếu tố cấu thành tội “Sử dụng trái phép vũ khí quân dụng”.

Qua nội dung bài viết trao đổi, để chứng minh quan điểm của mình, tôi xin nêu từng vấn đề cụ thể như sau:

Trong vụ án, A và B thực hiện nhiệm vụ canh gác và được trang bị súng AK47 nhưng không được trang bị đạn. Theo quy định tại khoản 2 Điều 3 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2017:

Vũ khí quân dụng là vũ khí được chế tạo, sản xuất bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật, thiết kế của nhà sản xuất hợp pháp, được trang bị cho lực lượng vũ trang nhân dân và các lực lượng khác theo quy định của Luật này để thi hành công vụ, bao gồm: 

a) Súng cầm tay bao gồm: súng ngắn, súng trường, súng tiểu liên, súng trung liên, súng chống tăng, súng phóng lựu; 

b) Vũ khí hạng nhẹ bao gồm: súng đại liên, súng cối, súng ĐKZ, súng máy phòng không, tên lửa chống tăng cá nhân; 

c) Vũ khí hạng nặng bao gồm: máy bay chiến đấu, trực thăng vũ trang, xe tăng, xe thiết giáp, tàu chiến, tàu ngầm, pháo mặt đất, pháo phòng không, tên lửa; 

d) Bom, mìn, lựu đạn, ngư lôi, thủy lôi; đạn sử dụng cho các loại vũ khí quy định tại các điểm a, b và c khoản này”.

Như vậy, súng tiểu liên AK47 là vũ khí quân dụng và việc trang bị súng AK47 cho A và B để thực hiện nhiệm vụ canh gác là đúng quy định của pháp luật và quy định của quân đội.

Tuy nhiên, theo quy định của quân đội và nguyên tắc sử dụng súng thì quân nhân phải thực hiện quy tắc đảm bảo an toàn. Trong quá trình sử dụng súng, quân nhân không được phép trêu đùa, không được hướng súng vào người khác. Trong trường hợp học tập, huấn luyện và khi được giao, nhận, sử dụng súng phải thực hiện động tác khám súng trước khi sử dụng. Quân nhân đưa súng về trước, nòng súng chếch lên trên một góc 45 độ, kéo khóa nòng về sau hết cỡ, đồng thời hơi nghiêng mặt súng sang trái kiểm tra trong súng có đạn hay không. Trong trường hợp trên, A đã vi phạm quy định về sử dụng súng tiểu liên AK47, A đã không kiểm tra súng khi được giao để làm nhiệm vụ canh gác,  không “khám súng” mà vẫn thực hiện động tác “kéo cò súng để lên đạn” rồi “mở khóa an toàn”, “chĩa súng về phía B để quay video”. Súng được trang bị cho A để làm nhiệm vụ canh gác, bảo vệ đơn vị nhưng A đã sử dụng súng vào mục đích để quay video và không đảm bảo các quy tắc an toàn khi sử dụng súng.

Hành vi nêu trên của A đã vi phạm quy định sử dụng vũ khí quân dụng, xâm phạm đến chế độ quản lý vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự của Nhà nước và xâm phạm đến tính mạng của người khác (gây hậu quả làm B chết). A đã kích hoạt các tính năng của vũ khí quân dụng khi không được phép của đơn vị quân đội. Cụ thể là lên đạn, chĩa súng về phía B và bóp cò, hậu quả làm B chết ngay tại chỗ. Lỗi của A là cố ý.

Có quan điểm cho rằng hành vi của A phạm tội “Vô ý làm chết người” theo quy định tại tại khoản 1 Điều 128 BLHS vì cho rằng A đã vô ý vì quá tự tin, thấy trước được hành vi của mình có thể gây ra hậu quả nguy hiểm chết người nhưng tin rằng hậu quả đó sẽ không xảy ra, A cho rằng súng không có đạn nên đã không kiểm tra súng.

Trong trường hợp vụ án trên, việc kiểm tra súng khi được nhận súng và không được chĩa súng vào đồng đội là quy định bắt buộc của quân đội, và chế độ quản lý sử dụng vũ khí quân dụng của Nhà nước, quân nhân không được phép vi phạm, vì vậy hành vi chĩa súng vào phía người khác và bóp cò là hành vi không được phép thực hiện nên không thể xác định A phạm tội “Vô ý làm chết người” với lỗi “vô ý vì quá tự tin”.

Từ các phân tích trên, tôi đồng tình với quan điểm A phạm tội “Sử dụng trái phép vũ khí quân dụng” và áp dụng tình tiết định khung tăng nặng “làm chết người” theo quy định tại điểm c, khoản 2 Điều 304 BLHS.

 

 

HĐXX một phiên tòa hình sự TAQS Quân khu 7 – Ảnh: TTXVN

 

 

ĐỖ VĂN DUY (Tòa án quân sự Quân khu 3)