A phạm tội Vô ý làm chết người

Qua nghiên cứu bài báo của tác giả Đỗ Thành Thắng đăng ngày 23/6/2020 nêu nội dung trong lúc thực hiện nhiệm vụ, A đã dùng súng để trêu đùa với B, hậu quả làm B tử vong, tôi đồng tình với quan điểm thứ nhất

Theo đó, A phạm tội “Vô ý làm chết người” theo khoản 1 Điều 128 BLHS. Bởi lẽ: Sử dụng trái phép vũ khí quân dụng phải được hiểu là một người không thuộc đối tượng được trang bị vũ khí quân dụng nhưng lại đang quản lý, sử dụng vũ khí quân dụng (Điều 18 Luật Quản lý sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ). Cũng căn cứ Luật Quản lý sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, thì A được cơ quan quân đội và người có thẩm quyền phân công gác cổng giao súng khi làm nhiệm vụ. Như vậy, tại thời điểm xảy ra sự việc, A đang có quyền quản lý, sử dụng đối với khẩu súng. Nên không thể coi đây là trường hợp sử dụng trái phép vũ khí quân dụng.

Vì vậy, đối với quan điểm thứ hai rằng: “Hành vi của A bị cấm theo quy định của tất cả các đơn vị quân đội, đó là không được chĩa súng vào người khác khi họ không có hành vi gây nguy hiểm cho đơn vị” thì tôi không đồng tình. Mà tôi cho rằng hành vi của A mà quan điểm thứ hai đưa ra chỉ là hành vi vi phạm quy tắc an toàn trong quản lý, sử dụng súng (đó là không khám súng trước khi nhận súng, chĩa súng vào đối tượng không đúng quy định…) chứ các hành vi này không là hành vi sử dụng trái phép vũ khí quân dụng.

Còn Giết người là hành vi cố ý tước đoạt tính mạng của người khác một cách trái pháp luật. BLHS chỉ quy định Tội giết người mà không quy định Tội cố ý giết người, vì từ “giết” đã bao hàm cả sự cố ý. Do đó, nếu có trường hợp nào tước đoạt tính mạng người khác không phải do cố ý thì không phải là giết người. Về ý thức chủ quan của A rõ ràng A không có ý định và không có động cơ mục đích tước đoạt tính mạng của B, bởi vì A và B không có mâu thuẫn gì, hai bên đang trêu đùa nhau “quay video giống như phim hành động”. Nên không có căn cứ để cho rằng A phạm tội Giết người như một số ý kiến khác.

Ở đây, khi nghiên cứu nội dung vụ án, có thể thấy về mặt khách quan, A đã có hành vi “kéo cò súng để lên đạn” rồi “mở khoá an toàn”, chĩa súng về phía B để quay video giống như phim hành động”, hậu quả xảy ra là B chết tại chỗ do phát đạn bắn ra từ súng của A.

Theo quy định A, B chỉ được phép mang súng không trang bị đạn, cũng vì lý do này nên khi nhận súng A đã không kiểm tra súng có hay không có đạn  (khám súng). Điều này phản ánh ý thức của A khi thực hiện hành vi phạm tội là đã vô ý vì quá tự tin. A thấy trước được hành vi của mình có thể gây ra hậu quả nguy hiểm chết người nhưng tin rằng hậu quả đó sẽ không xảy ra, vì A cho rằng súng không có đạn. Do đó, có căn cứ để xác định A phạm tội Vô ý làm chết người theo khoản 1 Điều 128 BLHS.

Trên đây là quan điểm của cá nhân tôi, rất mong nhận được sự quan tâm, trao đổi ý kiến của đồng nghiệp và độc giả.

TAQS Quân khu 5 tại TP.Đà Nẵng  xét xử vụ án giết người và chiếm đoạt, sử dụng trái phép vũ khí quân dụng. Ảnh: HV/ Báo LĐ

ĐINH THU NHANH (Tòa án quân sự Quân khu 4)