A phạm vào tội “Vi phạm quy định về sử dụng vũ khí quân dụng, trang bị kỹ thuật quân sự”

Qua nghiên cứu bài viết “Dùng súng trêu đùa thành bắn chết bạn, tội gì?” đăng trên tạp chí Tòa án nhân dân điện tử ngày 23/6/2020, tôi không đồng tình với cả hai quan điểm tác giả đã nêu.

Thứ nhất, về nội dung vụ án tác giả đăng tải, có lẽ do nhầm lẫn hoặc sai sót nào đó mà nội dung tác giả đưa ra không chính xác: Bài viết có đoạn “Do trêu đùa và cho rằng súng không có đạn nên A đã không kiểm tra, “khám súng” mà vẫn thực hiện động tác “kéo cò súng để lên đạn” rồi “mở khoá an toàn”, đối với súng AK, khi muốn bóp cò súng thì phải “mở khóa an toàn” trước rồi mới “kéo bệ khóa nòng để lên đạn” chứ không có động tác kéo cò súng để lên đạn” rồi mới “mở khóa an toàn” như tác giả nêu trong bài viết.

Đối với vụ án, tác giả đưa ra hai quan điểm chính là tội “Vô ý làm chết người” và “Sử dụng trái phép vũ khí quân dụng”. Qua nghiên cứu tôi cho rằng hành vi của A đã không phạm vào cả hai tội này mà phạm vào tội “Vi phạm quy định về sử dụng vũ khí quân dụng, trang bị kỹ thuật quân sự” quy định tại Điều 412 BLHS, bởi các lý do sau:

Về tội “Vô ý làm chết người”: Mặc dù A chủ quan nghĩ rằng súng không có đạn nên đã không kiểm tra súng trước khi trêu đùa. A không có ý định tước đoạt tính mạng của B, chỉ vì tin tưởng súng không có đạn nên đã vô ý làm B tử vong. A được giao súng khi làm nhiệm vụ và không được trang bị đạn nên trường hợp của A không phải là sử dụng trái phép vũ khí quân dụng như bài viết đã phân tích. Trong cấu thành tội phạm “vô ý làm chết người”, người phạm tội tuy thấy chính hành vi của mình có thể gây ra hậu quả chết người nhưng cho rằng hậu quả đó sẽ không xảy ra, có thể ngăn ngừa được hoặc người phạm tội không thấy hành vi của mình có thể gây ra hậu quả chết người mặc dù phải thấy trước và có thể thấy trước hậu quả đó. Trong trường hợp này, A buộc phải nhận thức việc làm của mình là nguy hiểm, dù có tin tưởng súng không có đạn (tức cho rằng hậu quả sẽ không xảy ra) thì A cũng không được sử dụng sung đề đùa nghịch hay chĩa sung vào người khác bóp cò, đó là nguyên tắc sử dụng súng, đạn (kiến thức giáo dục quốc phòng – an ninh), A là quân nhân nên buộc phải biết điều đó. Ở đây, hành động của A là cố ý vi phạm quy định về sử dụng vũ khí quân dụng. Cụ thể là không “khám súng” mà “mở khóa an toàn” rồi “kéo bệ khóa nòng để lên đạn”, sau đó chĩa súng về phía B bóp cò súng, dẫn đến việc B chết. Thiệt hại này là thiệt hại kéo theo của hậu quả pháp lý trước đó là quy định về sử dụng vũ khí quân dụng bị xâm phạm.

Về tội “Sử dụng trái phép vũ khí quân dụng”: A là chiến sĩ thuộc biên chế Tiểu đội 1, Trung đội 2, Đại đội vệ binh Sư đoàn X. A được trang bị súng để thực hiện nhiệm vụ nên A được xem là chủ thể trong các tội xâm phạm nghĩa vụ, trách nhiệm của quân nhân và trách nhiệm của người phối thuộc với quân đội trong chiến đấu, phục vụ chiến đấu, thuộc nhóm tội riêng theo BLHS quy định, nên hành vi của A không cấu thành tội phạm này.

Về mặt chủ quan: A buộc phải nhận thức hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội và không được thực hiện các động tác nguy hiểm như đã đề cập nhưng A vẫn bỏ mặc cho hậu quả pháp lý xảy ra tức là quy định về sử dụng vũ khí quân dụng bị xâm phạm.

Về mặt khách quan: Hành vi của A là cố ý làm trái với quy định về sử dụng vũ khí quân dụng chứ không phải là sử dụng trái phép vì A là người đủ tiêu chuẩn, được giao súng để thực hiện nhiệm vụ. Chỉ có điều A đã sử dụng sai quy định, dẫn đến hậu quả pháp lý xảy ra tức là quy định về sử dụng vũ khí quân dụng bị xâm phạm và thiệt hại khác xảy ra là chết người. Hành vi của A vi phạm quy định về sử dụng vũ khí quân dụng, trực tiếp gây thiệt hại trên thực tế là làm B chết. Giả sử súng không có đạn, B không chết, thì hành vi của A cũng đã vi phạm quy định về sử dụng vũ khí quân dụng. Tuy nhiên, do B chết nên hành vi này và hậu quả, thiệt hại xảy ra có mối quan hệ nhân quả, hành vi của A là nguyên nhân dẫn đến hậu quả, thiệt hại như trên và có đủ yếu tố cấu thành tội phạm.

Từ các phân tích trên, tôi cho rằng hành vi của A đủ yếu tố cấu thành tội phạm “Vi phạm quy định về sử dụng vũ khí quân dụng, trang bị kỹ thuật quân sự” quy định tại Điều 412 BLHS. Ngoài ra, trong các văn bản hướng dẫn hiện tại thì chưa có văn bản nào hướng dẫn cụ thể hậu quả nghiêm trọng của tội phạm này. Tuy nhiên, căn cứ vào một số tội phạm khác thì hậu quả nghiêm trọng được xác định là làm chết người. Do đó A chỉ chịu TNHS về tội “Vi phạm quy định về sử dụng vũ khí quân dụng, trang bị kỹ thuật quân sự” theo khoản 1, Điều 412 BLHS.

TAQS Quân khu 2  xét xử vụ án hình sự – Ảnh: Cơ Thạch

NGUYỄN ANH DŨNG (Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an tp Đà Nẵng)