Anh Nguyễn Xuân Giang không phạm tội Các anh Tuấn – Lợi – Trung phạm hai tội

Trao đổi về bài viết “Bị hại hay bị cáo? Một tội hay hai tội?” đăng trên Tạp chí Tòa án nhân dân điện tử ngày 011/11/2017

        Sau khi bài báo xuất bản, đã có một số ý kiến trao đổi xung quanh nội dung bài báo đưa ra. Tuy nhiên các ý kiến cũng chưa thống nhất.

        http://tapchitoaan.vn/bai-viet/cong-dan-va-phap-luat/cac-bi-cao-chi-pham-toi-cuop-tai-san/HyK0xUFAb.html

        http://tapchitoaan.vn/bai-viet/cong-dan-va-phap-luat/giang-khong-pham-toi/BJcFufuCW.html

        http://tapchitoaan.vn/bai-viet/trao-doi-y-kien/trao-doi-ve-bai-viet-ap-dung-tinh-tiet-giam-nhe-trong-toi-danh-bac/BJkmpi8A-.html

       Trong hoạt động tố tụng hình sự, có một sự thật là: Cùng một hành vi vi phạm của bị can, nhưng ý kiến này cho rằng hành vi vi phạm đó là phạm tội này, ý kiến khác lại cho rằng hành vi vi phạm vào tội khác hoặc không phạm tội. Do đó có nhiều bản án của Tòa án cấp dưới bị Tòa án cấp trên sửa tội danh từ tội này sang tội khác, cá biệt vụ án Tòa án cấp dưới tuyên án bị cáo phạm tội, nhưng Tòa án cấp trên tuyên án bị cáo không phạm tội.

        Việc có ý kiến khác nhau về việc xác định tội danh, về việc hành vi vi phạm của người thực hiện hành vi vi phạm đó có phạm tội hay không là chuyện bình thường trong hoạt động tố tụng hình sự và trao đổi ý kiến trên phương tiện thông tin đại chúng đối với những trường hợp này là rất hữu ích cho việc nhận thức pháp luật, áp dụng pháp luật. Trở lại vụ án Nguyễn Xuân Giang và các đồng phạm,  tôi xin trao đổi ý kiến của mình như sau:

        Một là: Đối với Nguyễn Xuân Giang, anh Giang có nhờ và ủy quyền cho Tuấn đòi giúp số tiền mà anh Giang bị Lê Quốc Toàn lừa đảo. Nhưng việc nhờ và ủy quyền này được anh Giang và Tuấn thể hiện bằng một hợp đồng có điều kiện. Điều kiện của hợp đồng ủy quyền này là: anh Nguyễn Anh Tuấn phải làm đúng pháp luật. Điều kiện “phải làm đúng pháp luật” được hiểu là Nguyễn Anh Tuấn chỉ được thực hiện việc đòi Toàn trả lại tiền cho anh Giang bằng các hành vi mà pháp luật không cấm.

        Tuy nhiên, Tuấn đã vi phạm hợp đồng ủy quyền ở chỗ: Tuấn đã  thực hiện hành vi mà pháp luật cấm khi đòi Toàn trả lại tiền cho anh Giang đó là: Tuấn, Lợi, Trung (bạn của Tuấn) đã dùng vũ lực như đấm, đá Toàn làm Toàn bị chảy máu môi. Như vạy Tuấn đã vi phạm hợp đồng ủy quyền có điều kiện mà Tuấn đã thỏa thuận với anh Giang. Do đó, anh Giang không phải chịu trách nhiệm về việc Tuấn vi phạm hợp đồng ủy quyền có điều kiện mà anh Giang đã thỏa thuận với Tuấn. Việc Tuấn vi phạm hợp đồng ủy quyền có điều kiện thì Tuấn phải chịu trách nhiệm về hành vi vi phạm do Tuấn tự mình thực hiện. Mặt khác về đồng phạm, Điều 20 BLHS năm 1999 quy định như sau: “Đồng phạm là trường hợp có hai người trở lên, cố ý cùng thực hiện một tội phạm”.

        Liên hệ quy định của BLHS năm 1999 về đồng phạm với hành vi mà Tuấn và Lợi, Trung đã thực hiện với Toàn vào ngày 06/01/2017 thì không có căn cứ nào để kết luận anh Giang “cố ý cùng thực hiện một tội phạm” với Tuấn, Lợi, Trung vì ý chí của anh Giang là: Phải làm đúng pháp luật. Còn ý chí của Tuấn, Lợi, Trung là: Làm không đúng pháp luật nên anh Giang không phải đồng phạm. Do đó, anh Nguyễn Xuân Giang không phạm tội

        Hai là: Đối với Nguyễn Anh Tuấn, La Văn Lợi, Chu Bảo Trung đã có các hành vi: Bắt giữ Toàn vào lúc 10 giờ ngày 06/01/2017, trong thời gian bắt giữ Toàn khoản 2 giờ đồng hồ, Tuấn đấm ba lần vào mặt Toàn, Lợi đánh Toàn và ép Toàn gọi điện cho người nhà đem tiền đến đưua cho Tuấn và kết quả là chị Huyền Anh người nhà của Toàn đã đem 50 triệu đồng đến trả thay cho Toàn. Khi Toàn viết giấy nhận nợ 40 triệu đồng thì bị Công an bắt quả tang.

        Hành vi dùng vũ lực để đòi nợ được pháp luật hình sự xác định là hành vi nguy hiểm cho xã hội và quy định là tội phạm với tội danh là: Cướp tài sản

        Hành vi của người bắt, giữ người khác không đúng với quy định của pháp luật hình sự được gọi là bắt giữ người trái pháp luật. Hành vi bắt giữ người trái pháp luật được BLHS năm 1999 xác định là hành vi nguy hiểm cho xã hội và là tội phạm với tội danh là: Bắt giữ người trái pháp luật.

        Tóm lại: Cáo trạng của VKSND thành phố Hà Nội truy tố trước Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội để xét xử các bị can Nguyễn Anh Tuấn, La Văn Lợi và Chu Bảo Trung và Chu Bảo Trung về hai tội: Cướp tài sản và Bắt giữ người trái pháp luật là có căn cứ pháp luật.

Đỗ Văn Chỉnh