Áp dụng biện pháp tư pháp tại các Điều 47, 48 BLHS

Thực tiễn áp dụng pháp luật quy định áp dụng biện pháp tư pháp tại Điều 47, Điều 48 bLHS năm 2015 còn có nhiều quan điểm khác nhau, chưa thống nhất. Hơn nữa hiện nay chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể về nội dung này, dẫn đến việc giải quyết vụ án có nhiều bản án phải hủy, sửa do áp dụng chưa đúng quy định.

Bị cáo Nguyễn Văn A trộm cắp chiếc xe gắn máy trị giá 5.000.000 đồng của Nguyễn Thị C là chị ruột của bị cáo, sau khi trộm được tài sản, bị cáo mang xe bán cho Nguyễn Văn B với giá 3.000.000 đồng, sau khi bán xe trên đường về nhà thì bị bắt giữ, thu giữ trên người bị cáo 3.000.000 đồng. Đối với tang vật là xe không thu hồi được. Tại phiên tòa, bị hại không yêu cầu bị cáo phải bồi thường chiếc xe.

Bị cáo bị tuyên phạm tội trộm cắp tài sản, về biện pháp tư pháp trong vụ án có nhiều quan điểm xử lý như sau:

- Quan điểm thứ nhất:

Tịch thu sung vào ngân sách nhà nước, bởi tiền bị cáo có được trong vụ án là khoản thu lợi bất chính từ việc phạm tội. Theo khoản 1 Điều 47 BLHS 2015 quy định: 1. Việc tịch thu sung vào ngân sách nhà nước hoặc tịch thu tiêu hủy được áp dụng đối với: a) Công cụ, phương tiện dùng vào việc phạm tội; b) Vật hoặc tiền do phạm tội hoặc do mua bán, đổi chác những thứ ấy mà có; khoản thu lợi bất chính từ việc phạm tội;c) Vật thuộc loại Nhà nước cấm tàng trữ,13 cấm lưu hành.”

Theo quy định thì người phạm tội trong trường hợp trên phải bồi thường thiệt hại do có hành vi chiếm đoạt tài sản, gây thiệt hại cho bị hại, làm cho chủ sở hữu mất quyền tài sản đối với xe gắn máy của mình. Theo khoản 1 Điều 48 quy định Người phạm tội phải trả lại tài sản đã chiếm đoạt cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp, phải sửa chữa hoặc bồi thường thiệt hại vật chất đã được xác định do hành vi phạm tội gây ra.

Tuy nhiên trong trường hợp này, bị hại có quan hệ anh em ruột với bị cáo nên đã không yêu cầu bị cáo bồi thường tài sản bị chiếm đoạt, do đó tiền bị cáo bị thu giữ (3.000.000 đồng) có được từ việc bán xe là do phạm tội mà có nên được xem là thu lợi bất chính từ việc phạm tội, bị hại không yêu cầu nhận, không yêu bị cáo bồi thường, tài sản hiện được thu giữ trong vụ án… nên cần tịch thu sung vào ngân sách nhà nước là đúng theo quy định. Nếu bị cáo bán xe và lấy tiền tiêu xài hết thì buộc bị cáo nộp sung ngân sách số tiền bán được tài sản để nộp sung vào ngân sách nhà nước.

­- Quan điểm thứ hai:  

Không tịch thu sung vào ngân sách nhà nước mà trả lại cho bị cáo. Bởi lẽ:

Thứ nhất, theo quy định tại Điều 194 BLDS 2015 quy định “Chủ sở hữu có quyền bán, trao đổi, tặng cho, cho vay, để thừa kế, từ bỏ quyền sở hữu, tiêu dùng, tiêu hủy hoặc thực hiện các hình thức định đoạt khác phù hợp với quy định của pháp luật đối với tài sản”. Do đó trong trường hợp bị hại không yêu cầu bị cáo bồi thường được xem chủ sở hữu đã từ bỏ quyền sở hữu đối với tài sản hoặc có thể xem là “tặng cho” tài sản cho bị cáo.

Thứ hai, tài sản bị chiếm đoạt không thuộc trường hợp bị tịch thu sung vào ngân sách. Khoản 2 Điều 47 BLHS quy định “Đối với vật, tiền bị người phạm tội chiếm đoạt hoặc sử dụng trái phép, thì không tịch thu mà trả lại cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp.

Thứ ba, Công văn số 233/TANDTC-PC ngày 01/10/2019, trao đổi vấn đề này có hướng dẫn:  Về việc xử lý tài sản bị chiếm đoạt trong trường hợp tại phiên tòa dù đã được Hội đồng xét xử giải thích quyền được đòi lại tài sản bị chiếm đoạt, yêu cầu bồi thường nhưng bị hại có ý kiến không yêu cầu bị cáo trả lại tài sản đó và cũng không yêu cầu bị cáo phải bồi thường.

Theo quy định tại khoản 1 và 2 Điều 47 của BLHS về tịch thu vật, tiền trực tiếp liên quan đến tội phạm thì:

“1. Việc tịch thu sung vào ngân sách nhà nước hoặc tịch thu tiêu hủy được áp dụng đối với:

a) Công cụ, phương tiện dùng vào việc phạm tội;

b) Vật hoặc tiền do phạm tội hoặc do mua bán, đổi chác những thứ ấy mà có; khoản thu lợi bất chính từ việc phạm tội;

c) Vật thuộc loại Nhà nước cấm lưu hành.

2. Đối với vật, tiền bị người phạm tội chiếm đoạt hoặc sử dụng trái phép, thì không tịch thu mà trả lại cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp.”

Theo quy định trên thì vật, tiền bị người phạm tội chiếm đoạt hoặc sử dụng trái phép thì không thuộc trường hợp tịch thu sung vào ngân sách nhà nước mà trả lại cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp.

Đồng thời, theo quy định tại Điều 194 của BLDS thì: “Chủ sở hữu có quyền bán, trao đổi, tặng cho, cho vay, để thừa kế, từ bỏ quyền sở hữu, tiêu dùng, tiêu hủy hoặc thực hiện các hình thức định đoạt khác phù hợp với quy định của pháp luật đối với tài sản”.

Như vậy, trong trường hợp tại phiên tòa dù đã được Hội đồng xét xử giải thích quyền được đòi lại tài sản bị chiếm đoạt, yêu cầu bồi thường nhưng bị hại có ý kiến không yêu cầu bị cáo phải trả lại tài sản đó và cũng không yêu cầu bị cáo phải bồi thường thì Tòa án không tuyên tịch thu tài sản đó mà ghi nhận ý kiến của bị hại trong bản án.

- Quan điểm thứ ba:

Vận dụng các quy định trên trong từng trường hợp cụ thể để xử lý:

+ Nếu tài sản bị chiếm đoạt bị cáo bán lấy tiền tiêu xài cá nhân hết, bị hại không yêu cầu bồi thường thì không buộc bị báo nộp tiền thu lợi bất chính sung vào ngân sách nhà nước.

+ Nếu tiền chưa tiêu xài và thu giữ được trong vụ án thì cần tịch thu nộp sung vào ngân sách nhà nước;

Người viết theo quan điểm thứ hai bởi các lập luận và căn cứ đã nêu. Theo nhận thức của tác giả, để áp dụng đúng quy định của pháp luật về trường hợp trên, khi giải quyết vụ án cần phải xác định:

Vật hoặc tiền do phạm tội hoặc do mua bán, đổi chác những thứ ấy mà có; khoản thu lợi bất chính từ việc phạm tội cần tịch thu là việc người phạm tội bằng hành vi tội phạm mà hình thành vật hoặc tiền thông qua việc chế tạo, mua bán, trao đổi… hoặc thu lợi từ vật hoặc tiền bị chiếm đoạt trái pháp luật nghĩa là hình thành mới từ hành vi phạm tội thì vật hoặc tiền này phải bị tich thu.

Vd: Tiền mua bán trái phép chất ma túy; tiền từ việc chiếm đoạt tài sản của người khác rồi đầu tư sinh lợi nhuận (số tiền sinh lợi là thu lợi bất chính); tiền cướp được của những người tham gia đánh bạc hoặc tiền do phạm tội mà có rồi mua vật có giá trị…

Vật hoặc tiền bị người phạm tội chiếm đoạt hoặc sử dụng trái phép  không bị tịch thu là tài sản hợp pháp của chủ sở hữu bị chiếm đoạt trái pháp luật, mặc dù tài sản đó có thể bị chuyển giá trị vật chất khác.

Vd: Tài sản ban đầu bị chiếm đoạt rồi bán lấy tiền thì tiền này vẫn là của chủ sở hữu không bị tịch thu và quyền định đoạt tài sản này vẫn thuộc về chủ sở hữu.

Do bản thân còn hạn chế về khả năng nghiên cứu, thực tiễn áp dụng pháp luật, có nhiều quan điểm chưa thống nhất nên còn vướng mắc, túng lúng khi gặp trường hợp trong thực tế. Do đó, kính mong TANDTC có văn bản hướng dẫn cụ thể quy định trên để áp dụng thống nhất pháp luật.

 

TAND thành phố Gia Nghĩa, Đăk Nông xét xử vụ án Trộm cắp tài sản - Ảnh: Lan Hương

 

HUỲNH MINH NHỰT (Tòa án nhân dân huyện An Phú, tỉnh An Giang)