Áp dụng tình tiết giảm nhẹ “Người phạm tội là phụ nữ có thai” đối với A,B là chính xác

Sau khi đọc nội dung bài viết "Có thai khi bị cấm đi khỏi nơi cư trú, có được hưởng tình tiết giảm nhẹ “người phạm tội là phụ nữ có thai”?" của tác giả Đỗ Thành Thắng đăng trên Tạp chí Tòa án nhân dân điện tử ngày 16/6/2020, tôi đồng ý quan điểm thứ ba.

Theo nội dung bài viết, sau khi bị khởi tố, A và B bị Viện kiểm sát áp dụng biện pháp ngăn chặn “Cấm đi khỏi nơi cư trú”. Trong thời gian áp dụng biện pháp ngăn chặn cả A và B đều có thai. Tại thời điểm mở phiên tòa sơ thẩm B đã sảy thai.

Tôi đồng ý với quan điểm thứ ba tác giả đưa ra, bởi lẽ:

Thứ nhất: Tại thời điểm phạm tội, cơ quan điều tra đã xác định cả A và B đều không mang thai. Cả hai người đều mang thai trong thời gian bị áp dụng biện pháp ngăn chặn “cấm đi khỏi nơi cư trú”. Trong thời gian áp dụng biện pháp ngăn chặn, A và B đều chấp hành tốt mọi quy định, không vi phạm các quy định của pháp luật, đảm bảo kịp thời có mặt khi có yêu cầu. Pháp luật không có quy định cấm mang thai trong thời gian áp dụng biện pháp “Cấm đi khỏi nơi cư trú”. Việc mang thai, sinh con là quyền nhân thân cuả mỗi công dân được pháp luật tôn trọng và bảo vệ. Do đó, A và B mang thai trong thời gian này là không vi phạm pháp luật.

Thứ hai: Theo quy định tại điểm n khoản 1 Điều 51 “Người phạm tội là phụ nữ có thai”, Bộ luật hình sự không quy định cụ thể có thai trong trường hợp nào được miễn giảm: điều tra – truy tố – xét xử. Bộ luật hình sự coi người phụ nữ lúc phạm tội đang có thai là một trường hợp được giảm nhẹ, xuất phát từ chính sách bảo vệ bà mẹ và trẻ em, trên tinh thần nhân đạo.

Cả A và B cùng mang thai trong cùng thời điểm. Tuy nhiên đến khi mở phiên tòa sơ thẩm, B đã bị sẩy thai. Tuy rằng B đã sảy thai nhưng việc mang thai của B trước đó vẫn nằm trong giai đoạn các cơ quan tố tụng thụ lý giải quyết vụ án, vụ án vẫn chưa kết thúc; không làm thay đổi tính chất của vụ án. Do đó theo tôi nghĩ B vẫn được áp dụng tình tiết giảm nhẹ “Người phạm tội là phụ nữ có thai”, việc áp dụng tình tiết giảm nhẹ này đối với B đảm bảo nguyên tắc có lợi cho bị cáo. Đây là một quy định thể hiện chính sách nhân đạo, khoan hồng của Đảng và Nhà nước đối với phụ nữ.

Từ những phân tích trên, tôi thấy rằng việc áp dụng tình tiết giảm nhẹ “Người phạm tội là phụ nữ có thai” đối với A,B là chính xác.

Trên đấy là ý kiến đối với nội dung bài viết của tác giả Đỗ Thành Thắng, rất mong nhận được ý kiến phản hồi từ bạn đọc.

TAND Tp Hà Nội xét xử sơ thẩm 5 bị cáo trong đường dây tổ chức mang thai hộ – Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

NGUYỄN THỊ CẨM TÚ (Tòa án quân sự khu vực - Quân khu 4)