Bàn về quy định “Không thay đổi thẩm quyền của Toà án” trong Tố tụng dân sự

Ngày 31/7/2021, Tạp chí Tòa án nhân dân online có bài “Vướng mắc về quy định không thay đổi thẩm quyền” của tác giả Nguyễn Phong Phi đặt ra vấn đề khoản 5 Điều 7 Nghị quyết 03/2012/NQ-HĐTP ngày 03/12/2012 không còn phù hợp với quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự (BLTTDS) năm 2015 về không thay đổi thẩm quyền của Tòa án đối với các vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài. Bằng bài viết này tác giả có ý kiến trao đổi như sau:

1. Phân biệt vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài với vụ việc dân sự không thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân cấp huyện

Khoản 2 Điều 405 BLTTDS năm 2004 [1] và khoản 2 Điều 464 BLTTDS năm 2015 [2] về cơ bản đều xác định vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài theo 03 yếu tố: chủ thể; đối tượng; và sự kiện pháp lý. Tuy nhiên, đối với yếu tố “chủ thể” đã có sự khác biệt khi BLTTDS năm 2004 xác định “đương sự là người Việt Nam định cư ở nước ngoài”đối với vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài nhưng BLTTDS năm 2015 thì không quy định “đương sự là người Việt Nam định cư ở nước ngoài”  đối với vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài.

Tiếp đến khoản 3 Điều 33 BLTTDS năm 2004 [3] và khoản 3 Điều 35 BLTTDS năm 2015 [4] đều quy định Tòa án nhân dân cấp huyện không có thẩm quyền giải quyết đối các vụ việc dân sự trong 03 trường hợp sau: đương sự ở nước ngoài; tài sản ở nước ngoài; cần phải ủy thác tư pháp cho cơ quan đại diện.

Trong đó, khi so sánh yếu tố “đương sự ở nước ngoài” được hướng dẫn tại khoản 1 Điều 7 Nghị quyết 03/2012/NQ-HĐTP [5] với yếu tố “chủ thể” của vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài đã cho thấy có sự khác biệt như sau:

1.1. BLTTDS năm 2004 quy định “Đương sự là người Việt Nam định cư, làm ăn, học tập, công tác ở Việt Nam nhưng không có mặt tại Việt Nam vào thời điểm Tòa án thụ lý vụ việc dân sự” (điểm d khoản 1 Điều 7 Nghị quyết 03/2012/NQ-HĐTP) thì không xác định là vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài;

1.2. BLTTDS năm 2015 lại quy định ngoài điểm d như nêu trên thì còn có thêm trường hợp “Đương sự là người Việt Nam định cư, làm ăn, học tập, công tác ở nước ngoài có mặt hoặc không có mặt tại Việt Nam vào thời điểm Tòa án thụ lý vụ việc dân sự” (điểm b khoản 1 Điều 7 Nghị quyết 03/2012/NQ-HĐTP) cũng không được xác định là vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài.

Như vậy, BLTTDS năm 2004 khi đánh giá yếu tố chủ thể trong vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài là căn cứ theo “nơi cư trú của đương sự”; còn BLTTDS năm 2015 lại đánh giá yếu tố chủ thể bằng “quốc tịch của đương sự”.       

2. Quy định về không thay đổi thẩm quyền giải quyết của Tòa án tại Điều 471 BLTTDS năm 2015 (tương ứng với Điều 412 BLTTDS năm 2004)

Điều 471 BLTTDS năm 2015 quy định: “Vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài đã được một Tòa án Việt Nam thụ lý giải quyết theo quy định về thẩm quyền của Bộ luật này thì phải được Tòa án đó tiếp tục giải quyết mặc dù trong quá trình giải quyết có sự thay đổi quốc tịch, nơi cư trú, địa chỉ của các đương sự hoặc có tình tiết mới làm cho vụ việc dân sự đó thuộc thẩm quyền của Tòa án khác của Việt Nam hoặc của Tòa án nước ngoài”.

Như vậy nội dung trên không có quy định về “vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài thì chỉ có Tòa án nhân dân cấp tỉnh mới thụ lý giải quyết”. Nói cách khác, việc xác định thẩm quyền giải quyết của Tòa án đối với vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài quy định tại Điều 471 BLTTDS năm 2015 được dẫn chiếu về Chương III BLTTDS năm 2015 điều chỉnh về thẩm quyền của cả Tòa án nhân dân cấp huyện và Tòa án nhân dân cấp tỉnh.

Ngoài ra, cần hiểu sự khác biệt của Điều 471 BLTTDS năm 2015 khi quy định “vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài” so với “vụ việc dân sự” tại Điều 412 BLTTDS năm 2004 [6] là sự thừa nhận thẩm quyền của Tòa án nhân dân cấp huyện theo Chương III BLTTDS năm 2015 đối với vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài. Do đó, khoản 5 Điều 7 Nghị quyết số 03/2012/NQ-HĐTP [7] quy định về trường hợp Tòa án nhân dân cấp huyện tiếp tục thụ lý vụ việc dân sự vẫn hoàn toàn phù hợp với Điều 471 BLTTDS năm 2015.

Mặt khác, Điều 471 BLTTDS năm 2015 điều chỉnh những trường hợp tại thời điểm thụ lý vụ việc dân sự Tòa án đã thụ lý đúng thẩm quyền nhưng sau đó trong quá trình giải quyết vụ việc dân sự có phát sinh những sự thay đổi làm cho vụ việc dân sự đó không còn thuộc thẩm quyền của Tòa án đã thụ lý nữa, nhưng vì tính ổn định trong xét xử thì Tòa án đã thụ lý vẫn tiếp tục giải quyết vụ việc dân sự. Quy định này xuất phát từ lý luận về thời điểm Tòa án phát sinh thẩm quyền đối với một vụ việc dân sự [8], theo đó tại thời điểm thụ lý vụ việc dân sự, nếu Tòa án đã thực hiện đúng quy định pháp luật thì Tòa án phát sinh thẩm quyền tố tụng đối với vụ việc dân sự đó và thẩm quyền của Tòa án đã thụ lý không bị ảnh hưởng bởi bất kì lý do nào.

Có thể tham khảo thêm vụ án thực tiễn [9] mà chúng tôi hoàn toàn đồng ý với cách xử lý của Tòa án cấp sơ thẩm và cấp phúc thẩm về vấn đề không thay đổi thẩm quyền.

Nguyên đơn nộp đơn khởi kiện tại 01 Tòa án cấp huyện, sau khi Tòa án nhân dân cấp huyện thụ lý thì nguyên đơn chết. Tòa án cấp huyện đưa những người thừa kế quyền, nghĩa vụ tố tụng của nguyên đơn có địa chỉ tại Paris (Pháp) vào tham gia vụ án dân sự. Tòa án cấp huyện vẫn tiếp tục xét xử và đưa ra bản án sơ thẩm. Người thừa kế quyền, nghĩa vụ tố tụng của nguyên đơn kháng cáo toàn bộ Bản án sơ thẩm, trong đó có nội dung cho rằng vụ án này không thuộc thẩm quyền của Tòa án cấp huyện. Quan điểm của Tòa án cấp phúc thẩm là tại thời điểm thụ lý vụ án Tòa án cấp sơ thẩm đã thụ lý đúng thẩm quyền nên Tòa án cấp huyện vẫn có thẩm quyền giải quyết vụ án căn cứ Điều 471 BLTTDS năm 2015 và khoản 5 Điều 7 Nghị quyết 03/2012/HĐTP-TANDTC.

Do đó, sau khi đã xác định Tòa án cấp huyện có thẩm quyền đối với vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài và trường hợp áp dụng quy định không thay đổi thẩm quyền Tòa án thì hoàn toàn có cơ sở để cho rằng quy định tại khoản 5 Điều 7 Nghị quyết 03/2012/HĐTP-TANDTC tới thời điểm hiện tại vẫn phù hợp với Điều 471 BLTTD năm 2015./.

[1] Khoản 2 Điều 405 BLTTDS năm 2004: Vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài là vụ việc dân sự có ít nhất một trong các đương sự là người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài hoặc các quan hệ dân sự giữa các đương sự là công dân, cơ quan, tổ chức Việt Nam nhưng căn cứ để xác lập, thay đổi, chấm dứt quan hệ đó theo pháp luật nước ngoài, phát sinh tại nước ngoài hoặc tài sản liên quan đến quan hệ đó ở nước ngoài”.

[2] Khoản 2 Điều 464 BLTTDS năm 2015: “Vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài là vụ việc dân sự thuộc một trong các trường hợp sau đây: a) Có ít nhất một trong các bên tham gia là cá nhân, cơ quan, tổ chức nước ngoài; b) Các bên tham gia đều là công dân, cơ quan, tổ chức Việt Nam nhưng việc xác lập, thay đổi, thực hiện hoặc chấm dứt quan hệ đó xảy ra tại nước ngoài; c) Các bên tham gia đều là công dân, cơ quan, tổ chức Việt Nam nhưng đối tượng của quan hệ dân sự đó ở nước ngoài”.

[3] Khoản 3 Điều 33 BLTTDS năm 2004Những tranh chấp, yêu cầu quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này mà có đương sự hoặc tài sản ở nước ngoài hoặc cần phải ủy thác tư pháp cho cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài, cho Tòa án nước ngoài không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân cấp huyện”.

[4] Khoản 3 Điều 35 BLTTDS năm 2015: Những tranh chấp, yêu cầu quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này mà có đương sự hoặc tài sản ở nước ngoài hoặc cần phải ủy thác tư pháp cho cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài, cho Tòa án, cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân cấp huyện, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều này.”

[5] Khoản 1 Điều 7 Nghị quyết 03/2012/HĐTP-TANDTC ngày 03/12/2012

“a) Đương sự là người nước ngoài không định cư, làm ăn, học tập, công tác ở Việt Nam có mặt hoặc không có mặt tại Việt Nam vào thời điểm Tòa án thụ lý vụ việc dân sự;

b) Đương sự là người Việt Nam định cư, làm ăn, học tập, công tác ở nước ngoài có mặt hoặc không có mặt tại Việt Nam vào thời điểm Tòa án thụ lý vụ việc dân sự;

 c) Đương sự là người nước ngoài định cư, làm ăn, học tập, công tác ở Việt Nam nhưng không có mặt tại Việt Nam vào thời điểm Tòa án thụ lý vụ việc dân sự;

d) Đương sự là người Việt Nam định cư, làm ăn, học tập, công tác ở Việt Nam nhưng không có mặt tại Việt Nam vào thời điểm Tòa án thụ lý vụ việc dân sự;

đ) Cơ quan, tổ chức không phân biệt là cơ quan, tổ chức nước ngoài hay cơ quan, tổ chức Việt Nam mà không có trụ sở, chi nhánh, văn phòng đại diện tại Việt Nam vào thời điểm Tòa án thụ lý vụ việc dân sự”.

[6] Điều 412 BLTTDS năm 2004: “Vụ việc dân sự đã được một Toà án Việt Nam thụ lý giải quyết theo quy định về thẩm quyền do Bộ luật này quy định thì phải được Toà án đó tiếp tục giải quyết mặc dù trong quá trình giải quyết có sự thay đổi quốc tịch, nơi cư trú, địa chỉ của các đương sự hoặc có tình tiết mới làm cho vụ việc dân sự đó thuộc thẩm quyền của Toà án khác của Việt Nam hoặc của Toà án nước ngoài”.

[7] Khoản 5 Điều 7 Nghị quyết số 03/2012/NQ-HĐTP ngày 03/12/2012:

“5. Không thay đổi thẩm quyền giải quyết của Tòa án

a) Đối với vụ việc dân sự không thuộc một trong các trường hợp được quy định tại khoản 3 Điều 33 của BLTTDS; được hướng dẫn tại các khoản 1, 2, 3 và 4 Điều này và được Tòa án nhân dân cấp huyện thụ lý giải quyết đúng thẩm quyền, nếu trong quá trình giải quyết mới có sự thay đổi, như có đương sự hoặc tài sản ở nước ngoài hoặc cần phải uỷ thác tư pháp cho cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài, cho Tòa án, Cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài, thì theo quy định tại Điều 412 của BLTTDS, Tòa án nhân dân cấp huyện đã thụ lý tiếp tục giải quyết vụ việc dân sự đó.

b) Đối với vụ việc dân sự thuộc một trong các trường hợp được quy định tại khoản 3 Điều 33 của BLTTDS và được hướng dẫn tại các khoản 1, 2, 3 và 4 Điều này và được Tòa án nhân dân cấp tỉnh thụ lý giải quyết đúng thẩm quyền, nếu trong quá trình giải quyết có sự thay đổi không còn đương sự, tài sản ở nước ngoài và không cần phải uỷ thác tư pháp cho cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài, cho Tòa án, Cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài, thì theo quy định tại Điều 412 của BLTTDS, Tòa án nhân dân cấp tỉnh đã thụ lý tiếp tục giải quyết vụ việc dân sự đó”.

[8] Permanent Bureau (2015), Comparative note on time specification, Hague Conference on Private International Law. Xem nguồn: https://assets.hcch.net/docs/58f53ce5-a654-4e43-8a20-d788528bd4ce.pdf, truy cập ngày 22/8/2021.

[9] Bản án số 709/2020/DS-PT ngày 28/07/2020 của Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh. Xem nguồn: https://thuvienphapluat.vn/banan/ban-an/ban-an-7092020dspt-ngay-28072020-ve-yeu-cau-tuyen-bo-van-ban-cong-chung-vo-hieu-158555?fbclid=IwAR12b9EHfJewubUR-eLoTPhTkUAPrHGIC15AKtq2QSlsqgT7PVId8TjM6fk, truy cập ngày 22/8/2021./.

Đặng Thanh Hoa & Trần Thị Thu Hằng (Giảng viên và Sinh viên Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh)