Bàn về tổ chức tốt phiên tòa rút kinh nghiệm

Chỉ thị số 01/2017/CT-CA ngày 16/01/2017 của Chánh án TANDTC đặt ra yêu cầu đổi mới việc tổ chức phiên tòa theo đúng tinh thần cải cách Tư pháp; đồng thời giao chỉ tiêu mỗi Thẩm phán trong hệ thống Tòa án nhân dân trong năm chủ tọa xét xử ít nhất một phiên tòa rút kinh nghiệm.

Ngày 30/3/2017, TANDTC ban hành Hướng dẫn số 136/HD-TANDTC hướng dẫn công tác tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm theo yêu cầu cải cách Tư pháp; đây là bước tiến mới, quan trọng nhằm thể chế hóa chủ trương của Đảng để nâng cao hơn nữa chất lượng xét xử các vụ án, nhiệm vụ này được các Tòa án thực hiện một cách nghiêm túc, ngày càng bài bản và được duy trì thường xuyên đến nay.

Thực tế đã chứng minh, cùng với các giải pháp đồng bộ khác mà Tòa án nhân dân tối cao triển khai nhằm thực hiện Kết luận của Bộ Chính trị, cũng như quyết tâm triển khai quyết liệt, có hiệu quả 14 giải pháp đột phá nhằm nâng cao chất lượng hoạt động Tòa án, trong đó trọng tâm là công tác xét xử; thì việc tổ chức, triển khai thường xuyên, liên tục các phiên tòa rút kinh nghiệm là một nhân tố quan trọng giúp các Tòa án hoàn thành toàn diện các chỉ tiêu công tác, góp phần quan trọng vào việc hoàn thành nhiệm vụ chính trị của Toàn hệ thống Tòa án nhân dân. Bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, quá trình tổ chức các phiên tòa rút kinh nghiệm còn tồn tại một số hạn chế cơ bản như: việc lựa chọn các vụ án để tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm ở một số nơi còn chưa thực sự sát với năng lực, trình độ của Thẩm phán, chưa sát với yêu cầu thực tế; quá trình điều hành của Thẩm phán chủ tọa tại các phiên tòa rút kinh nghiệm còn lúng túng, chưa thông suốt; việc tổ chức rút kinh nghiệm sau phiên tòa còn qua loa, chiếu lệ; một số ít Thẩm phán còn chưa hoàn thành chỉ tiêu tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm trong năm.

Để thực hiện tốt hơn và nâng cao hơn nữa chất lượng tổ chức các phiên tòa rút kinh nghiệm trong thời gian tới, chúng tôi cho rằng cần quan tâm một số vấn đề sau:

Thứ nhất: Thẩm phán phải đánh giá, lựa chọn những vụ án, loại án phù hợp với sở trường, lĩnh vực công tác, năng lực chuyên môn, kinh nghiệm thực tiễn, kể cả phù hợp với tâm lý bản thân, tâm lý giới tính để báo cáo Lãnh đạo đơn vị cho chủ trương tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm; bên cạnh đó, các vụ án lựa chọn phải phù hợp với tình hình thực tế của từng địa phương, phải đảm bảo tính điển hình cho vấn đề nổi cộm cần tập trung đấu tranh, giải quyết. Đối với những vụ án trọng điểm cần tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm thì Lãnh đạo đơn vị cần chủ động đánh giá, lựa chọn, trao đổi và phân công Thẩm phán có đủ năng lực phụ trách xét xử. Công việc này quyết định đến chất lượng phiên tòa rút kinh nghiệm, vì lựa chọn đúng sẽ tổ chức và thực hành đúng.

Thứ hai: Ngoài các yêu cầu đặt ra tại hướng dẫn số 136/HD-TANDTC, để tổ chức tốt các phiên tòa rút kinh nghiệm, phải xác định công tác chuẩn bị của Thẩm phán chủ tọa có vai trò trung tâm, là nhân tố quyết định; do đó, Thẩm phán cần chú trọng xây dựng Kế hoạch tổ chức, phối hợp với các bộ phận chức năng của Tòa án cũng như với Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp thật tốt; chuẩn bị kịch bản điều hành, trong đó phải dự liệu được các diễn biến, tình huống có thể xảy ra trước, trong và sau phiên tòa; song song với đó, Thẩm phán phải tự chuẩn bị một tâm lý tốt, tác phong thật tốt, thật nghiêm túc để tạo sự uy nghiêm và nâng cao hình ảnh của Tòa án tại phiên tòa, hoạt động của Thẩm phán tại phiên tòa rút kinh nghiệm phải thực sự chuẩn mực, tạo được niềm tin đối với người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng và người tham dự phiên tòa vào pháp luật, vào công lý và công bằng xã hội.

Thứ ba: Việc tổ chức các phiên tòa rút kinh nghiệm không chỉ xuất phát từ việc hoàn thành các chỉ tiêu thi đua mà cần phải chú trọng đến chất lượng và hiệu quả mang lại. Cần phải khuyến khích và có cơ chế để Thẩm phán tổ chức được phiên tòa rút kinh nghiệm thứ hai trong năm trở lên để có cơ hội đánh giá kết quả khắc phục những thiếu sót mà qua các phiên tòa trước đã tổ chức. Không được làm qua loa, chiếu lệ, mà phải chú trọng vào thực chất, với mục đích tạo ra sự chuyển biến về chất “từ bên trong”, biến mỗi phiên tòa rút kinh nghiệm là một cơ hội tốt để Thẩm phán nói riêng và các chức danh tư pháp khác nói chung rèn luyện, nâng cao kiến thức, tích lũy kinh nghiệm, hoàn thiện kỹ năng để có thể đảm nhiệm và hoàn thành những nhiệm vụ khó khăn, phức tạp hơn.

Thứ tư: Bên cạnh việc khuyến khích các Thẩm phán tích cực tổ chức các phiên tòa rút kinh nghiệm, cần tăng cường cơ chế kiểm tra, giám sát số lượng, chất lượng các phiên tòa; ngoài việc dùng cơ chế thi đua khen thưởng, nên vận dụng vào cơ chế tổ chức, cán bộ như việc ưu tiên xem xét đào tạo, đề bạt, luân chuyển, bổ nhiệm, đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ cuối năm.

Một phiên tòa rút kinh nghiệm, xét xử lưu động tại Gia Lai – Ảnh: VKSND tỉnh Gia Lai

NGUYỄN VĂN LINH (Phó trưởng Phòng TCCB, Thanh tra và Thi đua khen thưởng, TAND tỉnh Gia Lai)