Bị đơn nộp dùm đơn ly hôn, Tòa nhận đúng hay sai ?

Chồng là nguyên đơn xin ly hôn, nhưng vợ là bị đơn mang đến Tòa án nộp đơn. Tòa án tiếp nhận và lập biên bản giao nhận tài liệu, chứng cứ với bị đơn. Việc Tòa án tiếp nhận đơn như vậy có đúng hay không?

Ngày 27/9/2018, Tòa án nhân dân huyện C, tỉnh T có nhận đơn khởi kiện ly hôn do anh LMV – địa chỉ tại huyện T, tỉnh H đứng đơn, phần cuối đơn có xác nhận chữ ký của anh V do chính quyền địa phương xác nhận. Tuy nhiên, khi nộp đơn khởi kiện không phải do anh V nộp đơn, mà do bị đơn là chị VTXL (vợ anh V, địa chỉ tại huyện C, tỉnh T) trực tiếp đến Tòa án nộp đơn và đã được Tòa án tiếp nhận và lập biên bản giao nhận tài liệu, chứng cứ với chị L.

Theo đó, nội dung đơn khởi kiện có chữ ký của anh V do chị L nộp đã trình bày: Do quen biết nên anh V và chị L chính thức xác lập quan hệ vợ chồng vào năm 2010, đã được đăng ký kết hôn theo quy định. Trong quá trình chung sống thì đến tháng 8/2017 phát sinh mâu thuẫn. Nguyên nhân mâu thuẫn là do vợ chồng bất đồng quan điểm về cuộc sống, cụ thể là tính tình không hợp, thường xuyên cãi vã với nhau nên mất hạnh phúc. Qua nhiều lần hàn gắn, duy trì hạnh phúc không được nên anh V yêu cầu được ly hôn với chị L, đồng ý giao con chung cho chị L nuôi dưỡng và xin miễn cấp dưỡng nuôi con chung.

Sau đó đến ngày xử lý đơn, anh V không đến nên Tòa án đã trả toàn bộ hồ sơ cho chị L (người nộp) và không có thông báo trả lại đơn.

Đến ngày 18/10/2018, chị L tiếp tục đem đơn của anh V đến nộp và Tòa án tiếp tục nhận đơn, lập biên bản giao nhận chứng cứ.

Từ sự việc có phần hy hữu trên, trong nội bộ Tòa án nhân dân huyện C, tỉnh T có hai luồn quan điểm trái ngược nhau:

*Quan điểm thứ nhất: Cho rằng, việc Tòa án nhận đơn là đúng quy định và không vi phạm. Khi nào đến giai đoạn xử lý đơn nếu anh V không đến thì Tòa án sẽ trả lại đơn cho chị L là điều bình thường. Trường hợp, anh V đến Tòa theo lịch hẹn thì Thẩm phán vẫn tiến hành xử lý đơn và lập lại biên bản giao nhận tài liệu, chứng cứ với anh V.

* Quan điểm thứ hai: Không đồng tình với quan điểm thứ nhất và cho rằng: việc nhận đơn của Tòa án là trái với quy định. Bởi lẽ:

Trước hết, đơn khởi kiện của anh V ký, có xác nhận của chính quyền địa phương đã đảm bảo đúng hình thức và nội dung khởi kiện theo quy định tại Điều 189 của BLTTDS năm 2015. Tuy nhiên, Điều 190 của BLTTDS không có quy định nào về phương thức nộp đơn khởi kiện như trường hợp trên. Cụ thể, luật quy định các phương thức gửi đơn sau đây: Nộp trực tiếp tại Tòa án; Gửi đến Tòa án theo đường dịch vụ bưu chính; Gửi trực tuyến bằng hình thức điện tử qua Cổng thông tin điện tử của Tòa án (nếu có).

Trong trường hợp này, anh V không gửi đơn theo các phương thức luật định, mà đơn là do chị L nộp nên không có đủ cơ sở xác định anh V có tự định đoạt quyền nộp đơn khởi kiện của mình hay không?

Khoản 1 Điều 5 BLTTDS 2015 quy định: “Đương sự có quyền quyết định việc khởi kiện, yêu cầu Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ việc dân sự. Tòa án chỉ thụ lý giải quyết vụ việc dân sự khi có đơn khởi kiện, đơn yêu cầu của đương sự và chỉ giải quyết trong phạm vi đơn khởi kiện, đơn yêu cầu đó.” Mặt khác, khoản 4 Điều 85, BLTTDS quy định: “Đối với việc ly hôn, đương sự không được ủy quyền cho người khác thay mặt mình tham gia tố tụng. Trường hợp cha, mẹ, người thân thích khác yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn theo quy định tại khoản 2 Điều 51 của Luật Hôn nhân và gia đình thì họ là người đại diện.”

Theo đó, trong vụ việc ly hôn, đương sự không được ủy quyền cho người khác, trừ trường hợp theo khoản 2, Điều 51 Luật Hôn nhân và gia đình quy định. Nghĩa là trong một vụ án ly hôn thông thường thì người khởi kiện phải gửi đơn theo các phương thức luật định, việc người bị kiện là người có quyền lợi đối lập với người khởi kiện nộp đơn thay cho người bị khởi kiện là trái pháp luật. Đồng thời, việc nhận đơn sai này dẫn đến việc xử lý đơn khởi kiện không đảm bảo đúng thủ tục luật định.

Điều 191 của BLTTDS quy định về trình tự nhận và xử lý đơn có nêu, trong thời hạn luật định, Tòa án sẽ có một trong các quyết định sau: a) Yêu cầu sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện; b) Tiến hành thủ tục thụ lý vụ án theo thủ tục thông thường hoặc theo thủ tục rút gọn nếu vụ án có đủ điều kiện để giải quyết theo thủ tục rút gọn quy định tại khoản 1 Điều 317 của Bộ luật này; c) Chuyển đơn khởi kiện cho Tòa án có thẩm quyền và thông báo cho người khởi kiện nếu vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án khác; d) Trả lại đơn khởi kiện cho người khởi kiện nếu vụ việc đó không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án.

Như vậy, trong trường hợp Tòa án thụ lý hồ sơ khởi kiện của anh V thì Tòa án có thể châm chế theo quan điểm thứ nhất nhưng nếu Tòa án xử lý đơn theo các cách còn lại thì việc xử lý đơn sẽ vi phạm pháp luật, vi phạm tố tụng. Điển hình như nếu anh V không đến Tòa theo lịch hẹn hoặc đơn cần phải sửa đổi, bổ sung thì Tòa án không thể ban hành thông báo sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện, thông báo trả lại đơn khởi kiện vì khi thực hiện việc tống đạt các thông báo này, anh V cho rằng mặc dù đơn là anh ký tên nhưng anh không có gửi đơn đến Tòa án thì việc Tòa án ra các thông báo trên làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của anh V. Hoặc anh V có thể khiếu nại, tố cáo đối với hành vi cố ý làm trái quy định pháp luật để tự nhận và xử lý đơn khởi kiện trong khi anh V không có nộp đơn khởi kiện.

Trên đây là trao đổi của tác giả, rất mong quý bạn đọc trao đổi ý kiến.

HUỲNH MINH KHÁNH ( TAND huyện Cái Bè, Tiền Giang)