Cần áp dụng tình tiết “Phạm tội trong trường hợp bị hạn chế khả năng nhận thức mà không phải do lỗi của mình gây ra” đối với A

Qua nghiên cứu bài viết “Tình tiết giảm nhẹ phạm tội trong trường hợp bị hạn chế khả năng nhận thức mà không phải do lỗi của mình gây ra” Nguyễn Tất Trình  đăng ngày 6 /5 /2021, tôi đồng tình với quan điểm thứ nhất.

Tôi thấy quan điểm A phạm tội “Trộm cắp tài sản” theo quy định tại khoản 1 Điều 173 BLHS và được áp dụng tình tiết giảm nhẹ TNHS “Phạm tội trong trường hợp bị hạn chế khả năng nhận thức mà không phải do lỗi của mình gây ra” theo quy định tại điểm l khoản 1 Điều 51BLHS là có căn cứ.

Cần phân biệt tình tiết giảm nhẹ người phạm tội là người có bệnh bị hạn chế khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình (điểm q khản 1 Điều 51) với tình tiết giảm nhẹ phạm tội trong trường hợp bị hạn chế khả năng nhận thức mà không phải do lỗi của mình gây ra (điểm l khoản 1 Điều 51). Cả 02 tình tiết giảm nhẹ này đều liên quan đến khả năng nhận thức của người phạm tội, nhưng nguyên nhân dẫn đến hạn chế khả năng nhận thức là khác nhau. Hạn chế khả năng nhận mà không phải do lỗi của mình gây ra có nguyên nhân khách quan tác động trực tiếp đến khả năng nhận thức của người phạm tội, người có bệnh bị hạn chế khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình có nguyên nhân từ bệnh tật dẫn đến hạn chế khả năng nhận thức và điều khiển hành vi của người phạm tội.

Theo nội dung vụ án: A là người hay uống rượu. A nhận thấy bản thân suy nhược, và có biểu hiện bồn chồn, lo lắng khi thiếu rượu, bia nên quyết tâm không dùng rượu, bia nữa. Một hôm, A sang nhà B chơi, do bị B lừa dối nên A đã uống một ngụm rượu lớn và tức giận ra về. Trên đường về A nhìn thấy cây ATM ở bên đường nên vào trộm tiền nhưng không lấy được tiền, nhưng lấy 1 camera (trị giá 3.500.000 đồng). Sau khi trộm được tài sản, A ra về và bị nhân viên quản lý ATM  bắt giữ. Trung tâm giám định pháp y tâm thần M.T kết luận: Tại thời điểm thực hiện hành vi phạm tội, A bị trạng thái loạn thần cấp tính xảy ra do rượu (say rượu bệnh lý). Về mặt pháp luật: Hạn chế khả năng nhận thức và khả năng điều khiển hành vi.

Theo quy định tại Điều 13 BLHS 2015: “Người phạm tội trong tình trạng mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình do dùng rượu, bia hoặc chất kích thích mạnh khác, thì vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự.”. Trong vụ án A bị trạng thái loạn thần cấp tính xảy ra do uống rượu và sau đó dẫn đến bị hạn chế khả năng nhận thức nên A vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 13 Bộ luật hình sự năm 2015. Cụ thể trong vụ án A phạm tội “Trộm cắp tài sản”.

Theo nội dung vụ án, xác định A bị trạng thái loạn thần cấp trực tiếp là do A sử dụng rượu ở nhà B dẫn đến A bị hạn chế khả năng nhận thức. Theo quy định tại Quyết định 2058/QĐ-BYT ngày 14/5/2020 định nghĩa “Rượu là chất tác động tâm thần, rối loạn tâm thần do rượu là nhóm các rối loạn phức tạp, đa dạng phát sinh và phát triển có liên quan chặt chẽ đến nghiện rượu. Rối loạn loạn thần do rượu là hậu quả tác động trực tiếp, kéo dài của rượu lên não. Như vậy, nguyên nhân trực tiếp dẫn đến loạn thần cấp tính là do trực tiếp sử dụng rượu gây ra và diễn ra trong một thời gian ngắn thường kéo dài khoảng một giờ đôi khi vài giờ kết thúc bằng ngủ sâu. Trong vụ án trên, A bị hạn chế khả năng nhận là do sử dụng rượu dẫn đến trạng thái loạn thần cấp tính và có thể khẳng định khi A không sử dụng rượu thì bản thân A vẫn có đầy đủ khả năng nhận thức để nhận thức được những hành vi của bản thân. Nguyên nhân khách quan tác động trực tiếp đến khả năng nhận thức của A là do bị B lừa dối A uống rượu dẫn đến A bị loạn thần cấp tính. Do đó, áp dụng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự tại điểm l khoản 1 Điều 51 BLHS 2015 đối với A là có căn cứ.

 

Tòa án Tp Hà Nội mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án “Giết người” và “Chống người thi hành công vụ” Ảnh: TTXVN

         

LƯU TRUNG HUY (Tòa án Quân sự Quân khu 3) –