CẦN THAY ĐỔI CÁCH TÍNH TỶ LỆ ÁN GIẢI QUYẾT

Thực trạng về việc không thụ lý đơn khởi kiện

Tại phiên trả lời chất vấn Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình vừa qua, Đại biểu Trịnh Ngọc Phương (Đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh) đã nêu lên một thực trạng là: “Hằng năm ngày 30 tháng 9 là ngày kết thúc năm công tác của Tòa án vì vậy các Tòa án đua nhau xét xử, xét xử dồn dập để có thành tích, để không có án tồn; Người dân nộp đơn vào thời điểm này thì khó được Tòa nhận, thậm chí là không nhận. Theo đó, người tiến hành tố tụng: thẩm phán, hội thẩm, kiểm sát, người tham gia tố tụng kể cả luật sư cũng bị động theo. Vậy Chánh án có giải pháp gì để khắc phục những hạn chế tồn tại từ lâu, có nơi có lúc dẫn đến vi phạm tố tụng, chất lượng xét xử không tốt”.

Qua thực tế công tác tại TAND cấp huyện, bản thân tôi nhận thấy thực trạng mà ĐBQH Trịnh Ngọc Phương nêu là vấn đề lớn đang tồn tại trong Hệ thống Tòa án và cần có giải pháp quyết liệt, cụ thể để giải quyết vấn đề này. Nguyên nhân của thực trạng trên là do các Thẩm phán, các Tòa vì bị áp lực về công tác thi đua khen thưởng nên “chạy theo thành tích” đã “dùng thủ thuật” hạn chế việc tiếp nhận, thụ lý đơn khởi kiện của người dân để giảm lượng án phải thụ lý giải quyết, nâng cao tỷ lệ án đã giải quyết, đảm bảo các chỉ tiêu về tỷ lệ giải quyết án của từng thẩm phán và Tòa án.

 Cần thay đổi cách tính tỷ lệ án giải quyết

Để có giải pháp cụ thể giải quyết vấn đề này, tôi xin kiến nghị các vấn đề sau:

Một là, đề nghị TANDTC tổng hợp tình hình thụ lý các loại án của tháng 8, tháng 9 hằng năm. Từ đó, so sánh đối chiếu để nắm bắt rõ thực trạng thụ lý các loại án tại các Tòa án. Tôi có thể khẳng định rằng: Trong tháng 8 và tháng 9 hằng năm lượng án phải thụ lý giải quyết của các Tòa án sẽ giảm đi đột ngột so với bình quân hàng tháng trước đó mà các Tòa án đã phải thụ lý giải quyết.

Việc không thụ lý đơn khởi kiện trong thời điểm cuối năm tổng kết được diễn ra khá phổ biến ở nhiều Tòa án địa phương. Việc làm này là vi phạm pháp luật tố tụng, ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của người dân, làm suy giảm lòng tin của người dân vào hệ thống Tòa án. Mặt khác, việc xét xử dồn dập trong thời gian này sẽ ảnh hưởng đến chất lượng xét xử của Tòa án vì các Tòa án xét xử dồn dập như vậy thì Thẩm phán sẽ không có thời gian nghiên cứu kỹ hồ sơ vụ án, dễ dẫn đến các sai sót, làm cho chất lượng xét xử bị giảm sút.

Hai là, đề nghị TANDTC thay đổi cách tính tỷ lệ giải quyết các loại án:

Hiện nay, cách tính tỷ lệ giải quyết các loại án là tỷ lệ giữa tổng số các loại án đã được giải quyết (bao gồm án xét xử, hòa giải thành, đình chỉ, nhập vụ án (không tính tạm đình chỉ, án chuyển hồ sơ) trên tổng số án đã thụ lý.

Ví dụ: Một Tòa án nhân dân huyện A đã thụ lý 120 vụ án (trong đó 80 vụ án quá thời hạn chuẩn bị xét xử; có 40 vụ mới thụ lý, trong thời hạn chuẩn bị xét xử); Tòa án đã giải quyết được 90 vụ (trong đó có giải quyết 70 vụ án quá thời hạn chuẩn bị xét xử;  đã giải quyết 20 vụ mới thụ lý, trong thời hạn chuẩn bị xét xử). Như vậy, tỷ lệ giải quyết các loại án được tính là:

Với cách tính này, buộc các Tòa phải hạn chế thụ lý trong các tháng 8, tháng 9 hằng năm vì nếu thụ lý vào thì không đủ thời gian để đưa vụ án ra xét xử được, trừ những vụ án hòa giải thành hoặc đình chỉ.

Cách tính này không có tính khuyến khích Thẩm phán giải quyết các vụ án quá thời hạn chuẩn bị xét xử, đặc biệt là các vụ án phức tạp, làm cho một số vụ án bị kéo dài nhiều năm. Vì trong đợt cao điểm tổng kết năm, thông thường các Thẩm phán đều có tâm lý ưu tiên giải quyết các vụ án đơn giản để nâng tỷ lệ giải quyết nhưng không tập trung giải quyết các vụ án phức tạp đã quá thời hạn chuẩn bị xét xử.

Do vậy, có thể khẳng định rằng: cách tính tỷ lệ giải quyết các loại án này tồn tại nhiều bất cập và không còn phù hợp nữa, nên đề nghị TANDTC cần thay đổi cách tính tỷ lệ án giải quyết như sau:

Tỷ lệ án đã giải quyết là tỷ lệ giữa tổng số án đã giải quyết trên tổng số án đã thụ lý và có điều kiện giải quyết.

Tổng số án đã thụ lý và có điều kiện giải quyết là tổng số án đã thụ lý giải quyết quá thời hạn chuẩn bị xét xử cộng với số án đã giải quyết trong thời hạn chuẩn bị xét xử. Khi đó, việc tính tỷ lệ giải quyết các loại án sẽ được tính như sau:

Rõ ràng, với cách tính mới này, các Tòa án địa phương cứ vô tư thụ lý các hồ sơ khởi kiện của người dân vì việc thụ lý đó không ảnh hưởng đến về tỷ lệ giải quyết các vụ án của thẩm phán và các Tòa án (án chưa giải quyết trong thời hạn chuẩn bị xét xử không được tính trong tổng lượng án đã thụ lý và có điều kiện giải quyết). Mặt khác, cách tính này cũng tháo gỡ được phần nào áp lực phải xét xử dồn dập vào cuối năm thi đua của Thẩm phán, góp phần nâng cao chất lượng xét xử của Tòa án các cấp, vì chỉ có những vụ án đã quá thời hạn chuẩn bị xét xử nhưng Thẩm phán không giải quyết mới được tính là án tồn.

Tóm lại, nguyên nhân của thực trạng hạn chế thụ lý và xét xử dồn dập các loại án vào thời điểm cuối năm tổng kết công tác thi đua tại các Tòa án là do áp lực về công tác thi đua mà cụ thể trong trường hợp này là do cách tính tỷ lệ giải quyết các loại án. Do đó, để tháo gỡ những tồn tại, bất cập đó, thiết nghĩ TANDTC cần nghiên cứu thay đổi cách tính tỷ lệ giải quyết các loại án.

 

 

 

 

Huỳnh Minh Khánh - Tòa án nhân dân huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang