Có áp dụng tình tiết “phạm tội có tính chất côn đồ” đối người có bệnh hạn chế khả năng nhận thức và điều khiển hành vi?

Khi thực hiện hành vi của mình, A không có đủ nhận thức về tính chất và mức độ nguy hiểm cũng như không thể điều khiển hành vi và không thể lường trước được hậu quả do hành vi của mình gây ra, như vậy có áp dụng tình tiết định khung “Có tính chất côn đồ” quy định tại điểm n, khoản 1, Điều 123 BLHS, hay không?

Ngày 12/02/2020, Nguyễn Văn A sau khi uống rượu tại nhà anh Đinh Văn Q đi qua nhà kho chứa mủ cao su của Công ty TNHH MTV X dùng tay đập mạnh nhiều cái vào cửa kho nhưng không có ai nên A đi về nhà.

Nhận được tin báo có người phá kho, anh Nguyễn Thế H (nhân viên bảo vệ của Công ty X) đến kho nắm tình hình. Biết A là người đập cửa nhà kho, anh H đến nhà anh A hỏi có phải A đập phá kho mủ không. A trả lời không có, rồi điều khiển xe mô tô của mình chạy lên kho. Thấy vậy anh H và anh B (em ruột của A) chạy theo sau. Đến nơi, A nói kho có bị hư hỏng gì đâu mà nói A đập phá và nói “Thằng nào bảo tao phá kho thì tao phải giết thằng đấy”. Anh B đến can ngăn nên A đi về nhà.

Một lúc sau, anh H đến nhà anh B nói về việc A phá kho một lúc rồi về lại kho. Lúc này, A đang ở nhà nghe được nên bực tức, vào trong bếp lấy một con dao dài 50cm dắt vào sau yên xe mô tô, điều khiển xe đến kho mủ tìm anh H.

Đến nơi, A vừa dùng tay đập cửa vừa nói sẽ giết người nào nói A phá kho. Anh H thấy vậy buộc dây chốt cửa lại. A đến vị trí xe lấy con dao rồi đến giật mạnh cửa phòng bung ra. A cầm dao xông thẳng vào trong phòng, anh H lùi vào hướng giường ngủ. Khi còn cách anh H khoảng 1m, A liền vung dao chém mạnh từ trên xuống thẳng hướng vào giữa đầu anh H. Anh H cúi xuống để tránh thì bị chém trúng vào phía sau, bên trái đầu. A vung dao lên chém liên tiếp 2 nhát từ trái qua phải và từ phải qua trái trúng vào hai cẳng tay của H. Anh H áp sát được A, vật được A xuống nền, H giằng được con dao ném ra ngoài sân. Lúc này anh B đến khống chế A lại.

Tại bản Kết luận giám định pháp y về thương tích, tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của anh H là 12%.

Tại bản Giám định pháp y tâm thần, kết luận đối với A về y học: Trước, trong, sau khi thực hiện hành vi phạm tội và hiện tại A bị bệnh “Động kinh + Rối loạn nhân cách và hành vi thực tổn”, tỷ lệ 13%; về khả năng nhận thức và khả năng điều khiển hành vi: Trước, trong, sau khi thực hiện hành vi phạm tội và hiện tại “Hạn chế khả năng nhận thức và hạn chế khả năng điều khiển hành vi”.

Viện kiểm sát đã truy tố Nguyễn Văn A về tội “Giết người”, áp dụng tình tiết định khung “Có tính chất côn đồ” theo điểm n, khoản 1, Điều 123 BLHS năm 2015.

Trong vụ án trên, có đủ cơ sở để khẳng định hành vi của Nguyễn Văn A phạm tội “Giết người” theo quy định tại Điều 123 BLHS, nhưng việc áp dụng tình tiết định khung “Có tính chất côn đồ” thì có hai quan điểm khác nhau, cụ thể như sau:

Quan điểm thứ nhất: Đối với trường hợp trên, qua kết quả giám định đã chứng minh Nguyễn Văn A bị bệnh và bị hạn chế khả năng nhận thức, hạn chế khả năng điều khiển hành vi trước, trong và sau khi thực hiện hành vi phạm tội. Do đó, khi thực hiện hành vi của mình, A không có đủ nhận thức về tính chất và mức độ nguy hiểm cũng như không thể điều khiển hành vi và không thể lường trước được hậu quả do hành vi của mình gây ra. Vì vậy áp dụng tình tiết định khung “Có tính chất côn đồ” quy định tại điểm n, khoản 1, Điều 123 BLHS đối với hành vi của A là không phù hợp; thay vào đó nên áp dụng khoản 2 Điều 123 đối với hành vi phạm tội của A.

Quan điểm thứ hai và cũng là quan điểm của tác giả: Đối với hành vi của Nguyễn Văn A áp dụng điểm n, khoản 1, Điều 123 BLHS là có cơ sở pháp lý.

Thứ nhất, về nội dung giám định A bị bệnh và hạn chế khả năng nhận thức và hạn chế khả năng điều khiển hành vi: Theo quy định tại Điều 21 BLHS, chỉ trường hợp A bị mất khả năng nhận thức hoặc mất khả năng điều khiển hành vi thì sẽ được miễn trách nhiệm hình sự. Trong trường hợp này A bị “hạn chế” thì vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự đối với hành vi của mình. Tình tiết này sẽ được áp dụng là tình tiết giảm nhẹ theo quy định tại điểm q, khoản 1, Điều 51 trong quá trình giải quyết vụ án.

Thứ hai, về hành vi phạm tội có tính chất côn đồ: Khi xem xét một hành vi có tính chất côn đồ, cần xem xét ở nhiều khía cạnh để có nhận định đúng đắn, tập trung vào một số nội dung sau: Ý thức của chủ thể thực hiện hành vi; sự chuẩn bị công cụ, phương tiện thực hiện hành vi; cường độ, mức độ tấn công của hành vi; nguyên nhân dẫn đến hành vi vi phạm.

Về ý thức của chủ thể thực hiện hành vi: Nguyễn Văn A bị hạn chế về khả năng nhận thức, nghĩa là A vẫn nhận thức được hành vi của mình là giết người (A nói “Thằng nào bảo tao phá kho thì tao phải giết thằng đấy”) nhưng có thể nhận thức không đầy đủ về tính chất nguy hiểm của hành vi đó.

Về sự chuẩn bị công cụ, phương tiện: Sau khi nghe anh H nói chuyện với anh B về việc A phá kho, A đã đi chuẩn bị một con dao dài 50cm, dắt sau yên xe của mình. Như vậy có thể thấy được rằng, A từ việc có ý thức về việc giết người nên đã tiến hành chuẩn bị công cụ để hỗ trợ cho hành vi mình muốn thực hiện.

Về cường độ và mức độ tấn công của hành vi: Qua diễn biến của vụ việc, có thể nhận định rằng hành vi chém anh H của A là liên tục, quyết liệt, muốn thực hiện hành vi đến cùng. Việc anh H không chết là nằm ngoài ý muốn của A.

Về nguyên nhân dẫn đến hành vi phạm tội: Theo tinh thần tại Công văn số 38/NCPL ngày 06/01/1976 và tại Hội nghị tổng kết công tác ngành Tòa án năm 1995, TANDTC thì nguyên nhân của hành vi có tính chất côn đồ là: Vô cớ hoặc chỉ vì một duyên cớ nhỏ nhặt là đâm chém, thậm chí giết người. Xét nguyên nhân dẫn đến hành vi của A, chỉ vì nghe anh H nói rằng A phá kho (duyên cớ nhỏ nhặt) mà A dùng dao chém anh H liên tục 03 nhát và muốn tướt đoạt mạng sống của nạn nhân.

Qua phân tích những nội dung trên, có đủ cơ sở pháp luật để truy tố Nguyễn Văn A về tội “Giết người”, áp dụng tình tiết định khung “Có tính chất côn đồ” theo quy định tại điểm n, khoản 1, Điều 123 BLHS.

Trên đây là tình huống và quan điểm của tác giả về việc có áp dụng tình tiết “phạm tội có tính chất côn đồ” đối với trường hợp người phạm tội là người có bệnh bị hạn chế khả năng nhận thức và khả năng điều khiển hành vi. Rất mong quý bạn đọc cùng đồng nghiệp có ý kiến trao đổi, góp ý.

 

TAND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu xét xử ba bị cáo phạm tội giết người - Ảnh: Huyền Trang/ Báo BRVT

BÙI VIẾT VINH (Tòa án quân sự Quân khu 5)