Đại diện Viện kiểm sát khẳng định các bị cáo bị truy tố là đúng người, đúng tội

Sáng 26/4, phiên toà xét xử cựu Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cùng các đồng phạm trong vụ án "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí" và "Vi phạm các quy định về quản lý đất đai" tiếp tục được diễn ra với phần tranh luận.

Cựu Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng tiếp tục bị VKS xác định là người giữ vai trò chính chỉ đạo, thực hiện hành vi gây hậu quả nghiêm trọng và thiệt hại lớn. trong sai phạm chuyển nhượng lô “đất vàng” hơn 6000m2 ở TP HCM. 

 Theo đại diện VKS,  các bị cáo bị truy tố là đúng người, đúng tội. Cựu Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng là người đầu tiên phải chịu trách nhiệm về vốn nhà nước ở Sabeco, việc bị cáo Hoàng cho rằng đã giao cho Thứ trưởng phụ trách việc này, nhiều lần nhấn mạnh “mình không phụ trách quản lý Sabeco nên không liên quan sai phạm của doanh nghiệp này” là không đúng -  Kiểm sát viên nói.

Tiếp đó, vào thời điểm năm 2012, khi bị cáo Hoàng với tư cách là Bộ trưởng đã tham gia ban hành nghị quyết về cấm doanh nghiệp nhà nước đầu tư ngoài ngành kinh doanh chính vì lý do suy thoái kinh tế, đại diện VKS khẳng định các bị cáo biết rõ không được phép đầu tư ngoài ngành, Sabeco cũng chưa lo được tiền nhưng vẫn yêu cầu thành viên Sabeco sớm tìm nhà đầu tư để thực hiện dự án. Đại diện VKS cho rằng bị cáo là người tham gia xây dựng pháp luật nhưng vi phạm pháp luật.

Sau khi nhà đầu tư đầu tiên của dự án xây cao ốc khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng (TP HCM) thất bại do thiếu năng lực tài chính, Sabeco đang lựa chọn chủ đầu tư mới thì bị cáo Hoàng xuất hiện, để lại bút tích thể hiện chỉ đạo trực tiếp, quyết định của bị cáo.

Đại diện VKS nêu quan điểm

KSV cho biết sai phạm của Vũ Huy Hoàng còn được khẳng định qua hành vi “duyệt giá cổ phần thấp hơn giá thực tế”. Cụ thể “bị cáo Hoàng sắp nghỉ hưu nhưng vẫn chủ trì cuộc họp quyết định giá thấp hơn. Việc luật sư và bị cáo cho rằng không gây ra thiệt hại là không đúng”, KSV khẳng định và cho rằng, hành vi cố ý duyệt giá thấp của các bị cáo dẫn đến hậu quả gây thiệt hại. Hội đồng định giá trong tố tụng định giá là 31.000 đồng 1 cổ phần, trong khi các bị cáo duyệt giá 14.000 đồng 1 cổ phần. “Rõ ràng hành vi của Vũ Huy Hoàng là sai, là không minh bạch”, là “mấu chốt phát sinh thiệt hại” - KSV nhận định.

Đối với bị cáo Phan Chí Dũng (cựu Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nhẹ Bộ Công Thương) đại diện VKS cho rằng bị cáo Dũng cũng tham gia toàn bộ trong quá trình từ yêu cầu tìm nhà đầu tư để liên doanh góp vốn đến khi thoái vốn. Bị cáo Dũng cũng là người trực tiếp yêu cầu đề xuất giá khởi điểm hơn 13.000 đồng, thấp hơn so với giá trường. Chính vì vậy hành vi của các bị cáo là trực tiếp gây ra hậu quả.

Về quan điểm vụ án không có thiệt hại, đại diện VKS cho rằng đã tính thiệt hại theo hướng có lợi cho các bị cáo, thời điểm khởi tố vụ án khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng có giá trị hơn 3.800 tỷ đồng. Sau khi trừ khoản tiền Sabeco đã nộp thực hiện nghĩa vụ tài chính và các khoản khác thiệt hại trong vụ án là hơn 2.700 tỷ đồng. Giải thích việc không đề nghị toà tuyên các bị cáo phải bồi thường thiệt hại, đại diện VKS nói rằng vì trong bản luận tội đã yêu cầu UBND TP HCM huỷ các quyết định cho thuê đất, giao lại quyền quản lý sử dụng khu đất cho Nhà nước. 

Trong vụ án này, các bị cáo đã thừa nhận hành vi sai phạm của mình. Quá trình điều tra, cơ quan điều tra đã thu được chứng cứ vật chất chứng minh hành vi sai phạm của các bị cáo. VKS khẳng định đủ căn cứ xác định Vũ Huy Hoàng, Phan Chí Dũng… phạm tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” theo khoản 3 Điều 219 BLHS 2015.

Bị cáo Vũ Huy Hoàng bị VKS đề nghị 10-11 năm tù, Bị cáo Phan Chí Dũng bị đề nghị 7-8 năm tù. Nhóm 8 cựu cán bộ, lãnh đạo TP HCM bị VKS đề nghị thấp nhất 2-3 năm tù đến cao nhất là 5-6 năm tù cùng về tội “Vi phạm các quy định về quản lý đất đai” theo Điều 229 BLHS 2015.

 

Bị cáo Vũ Huy Hoàng tại phiên tòa

VŨ HOÀN