Đầu thú nhưng không thể cho hưởng án treo

Sau khi đọc và nghiên cứu nội dung bài viết “Bị can trốn khỏi nơi cư trú, do bị truy nã nên ra đầu thú, thì có áp dụng tình tiết: người phạm tội đầu thú hay không?” của tác giả Hoàng Thanh Phong trên Tạp chí ngày 23/5/2020, tôi cho rằng bị can được áp dụng tình tiết giảm nhẹ do đầu thú.

Trong vụ án này, bị can Thuận Văn B (bị áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú), đã bỏ trốn khỏi địa phương đi làm ăn xa; Cơ quan điều tra đã ra Lệnh truy nã. Sau đó Thuận Văn B ra đầu thú; Cơ quan điều tra đã tiến hành đủ thủ tục lập biên bản về việc đầu thú đối với B nên áp dụng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự:“Người phạm tội đầu thú” theo khoản 2 Điều 51 Bộ luật Hình sự là thỏa đáng.

Vì theo quy định của BLHS về nguyên tắc xử lý, thì pháp luật khoan hồng với người tự thú, đầu thú, thành khẩn khai báo, tố giác đồng phạm, lập công chuộc tội ăn năn hối cải và nghiêm trị người ngoan cố chống đối.

Sau khi Thuận Văn B bỏ trốn khỏi địa phương, bị Cơ quan điều tra ra Lệnh truy nã, Thuận Văn B đã ra đầu thú là thể hiện sự ăn năn, hối cải do hành vi bỏ trốn của mình gây khó khăn cho Công tác điều tra, truy tố, xét xử… Tuy chưa có văn bản hướng dẫn riêng về áp dụng tình tiết này, nhưng với nguyên tắc có lợi cho bị can, bị cáo có thể áp dụng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự này cho Thuận Văn B là chính xác.

Khi quyết định hình phạt, Tòa án phải phân tích đánh giá toàn diện các tình tiết trong vụ án: Đánh giá vị trí, vai trò của từng bị cáo trong vụ án đồng phạm; phân tích đánh giá nhân thân của bị cáo tốt hay xấu… để có quyết định  hình phạt chính xác.

Trong vụ án này, có thể áp dụng cho Thuận Văn B được hưởng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự “Người phạm tội đầu thú” theo khoản 2 Điều 51 BLHS, tuy nhiên khi đánh giá về nhân thân thì Tòa án không thể đánh giá bị cáo Thuận Văn B có nhân thân tốt được, vì sau khi bị cấm đi khỏi nơi cư trú đã bỏ trốn và bị Cơ quan điều tra ra Lệnh truy nã.

Tại khoản 2 Điều 3 của Nghị quyết 02/2018/NQ-HĐTP ngày 15/5/2018 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC hướng dẫn áp dụng Điều 65 của BLHS về án treo, thì: “ Điều 3. Những trường hợp không cho hưởng án treo: … Người thực hiện hành vi phạm tội bỏ trốn và đã bị cơ quan tiến hành tố tụng đề nghị truy nã.”

Như vậy, trong vụ án này dù bị cáo Thuận Văn B và bị Phan Văn Th đều được hưởng nhiều tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự như: “Người phạm tội thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải”, “phạm tội lần đầu thuộc trường hợp ít nghiêm trọng”, “phạm tội nhưng chưa gây thiệt hại hoặc gây thiệt hại không lớn” theo các điểm s, i và h khoản 1 Điều 51 BLHS; riêng bị cáo Thuận Văn B áp dụng thêm tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự:“Người phạm tội đầu thú” theo quy định tại khoản 2 Điều 51 BLHS thì Tòa án cũng không cho bị cáo Thuận Văn B được hưởng án treo như Bản án số XX/2017/HSST ngày 29/12/2017 của Tòa án AB được. Đối với bị cáo Phan Văn Th có nhân tốt có đủ điều kiện theo quy định tại Điều 2 Nghị quyết 02/2018/NQ-HĐTP nói trên thì Tòa án AB cho bị cáo Phan Văn Th được hưởng án treo là có căn cứ.

Như vậy, việc cho bị cáo Thuận Văn B được hưởng thêm tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự:“Người phạm tội đầu thú” theo quy định tại khoản 2 Điều 51 BLHS không ảnh hưởng gì khi quyết định hình phạt cũng như việc thay đổi biện pháp miễn chấp hành hình phạt tù có điều kiện.

Trên đây là quan điểm của cá nhân tôi. Rất mong nhận được ý kiến phản hồi của đồng nghiệp và quý bạn đọc./.

Một phiên tòa hình sự tại Tây Ninh – Ảnh: Thiên Di

                                           

Th.s TRẦN THANH BÀI ( Thẩm phán Tòa án quân sự khu vực Thủ đô Hà Nội)