Điểm bất cập trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân thương mại

BLHS 2015 có quy định về trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân thương mại (PNTM) tại Chương XXI – Các tội xâm phạm an toàn công cộng, trật tự công cộng với 2 tội đó là Tội tài trợ khủng bố (Điều 300), Tội rửa tiền (Điều 324), tuy nhiên đối với cả 2 tội này, lại có điểm bất cập về quy định đối với hành vi phạm tội, mà rõ hơn là quy định về hành vi phạm tội giữa cá nhân và PNTM còn chưa phù hợp với thực tiễn.

BLHS 2015 có quy định mới về vấn đề trách nhiệm hình sự (TNHS) đối với pháp nhân thương mại (PNTM) với 31 tội phạm (13 tội phạm về môi trường, 18 tội phạm về kinh tế), BLHS 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 bổ sung thêm quy định về TNHS đối với PNTM tại Chương XXI – Các tội xâm phạm an toàn công cộng, trật tự công cộng với 2 tội đó là Tội tài trợ khủng bố (Điều 300), Tội rửa tiền (Điều 324), tuy nhiên đối với cả 2 tội mới bổ sung thêm này, lại có điểm bất cập về quy định đối với hành vi phạm tội, mà rõ hơn là quy định về hành vi phạm tội giữa cá nhân và PNTM còn chưa phù hợp với thực tiễn.

Quy định của luật

Tội tài trợ khủng bố được hiểu là hành vi của cá nhân hoặc PNTM huy động, tài trợ về tiền, tài sản dưới mọi hình thức nhằm giúp sức cho cá nhân, tổ chức khủng bố về vật chất để cá nhân, tổ chức đó tiến hành các hoạt động khủng bố gây tình trạng hoảng sợ trong công chúng, xâm phạm đến các quan hệ mà pháp luật bảo vệ.

Điều 300 BLHS 2015 quy định về tội tài trợ khủng bố đối với người thực hiện hành vi trong giai đoạn chuẩn bị phạm tội (là trường hợp cá nhân chưa thực hiện hành vi phạm tội nhưng đã có hành vi tạo điều kiện cho việc thực hiện các hành vi này) hay đã thực hiện hành vi phạm tội, cùng với TNHS mà cá nhân phải chịu khi thực hiện từng giai đoạn tội phạm, ngoài ra điểm mới của điều luật còn quy định thêm trường hợp PNTM thực hiện hành vi tội phạm và TNHS mà PNTM phải chịu khi phạm tội tại khoản 1 của điều này, tại Điều 79 BLHS và các hình phạt bổ sung.

Tội rửa tiền được hiểu là hành vi của cá nhân hay tổ chức tìm cách chuyển đổi các khoản lợi nhuận hoặc các tài sản khác có được từ hành vi phạm tội chuyển thành các tài sản được coi là hợp pháp, hoặc che giấu nguồn gốc của tiền, tài sản đó dù biết tiền, tài sản do phạm tội mà có.

Điều 324 BLHS 2015 quy định các hành vi rửa tiền đối với cá nhân trong giai đoạn chuẩn bị phạm tội và giai đoạn phạm tội cùng với TNHS mà cá nhân phải chịu. Ngoài ra, BLHS 2015 sửa đổi, bổ sung quy định thêm về trường hợp phạm tội rửa tiền đối với PNTM, theo đó PNTM khi thực hiện các hành vi rửa tiền trong giai đoạn phạm tội theo khoản 1, điểm a, c, d, e, g và h khoản 2, khoản 3 Điều 324, Điều 79 thì phải chịu TNHS, ngoài ra luật còn quy định thêm các hình phạt bổ sung đối với PNTM.

Chương XI Bộ luật Hình sự 2015 quy định về PNTM phạm tội, trong đó Điều 79 quy định các trường hợp bị đình chỉ vĩnh viễn khi PMTM vi phạm vào một trong các trường hợp quy định tại điều luật này.

Điều 14 BLHS 2015 quy định về giai đoạn chuẩn bị thực hiện tội phạm và từng trường hợp phải chịu TNHS trong giai đoạn này. Theo đó, chuẩn bị phạm tội là hành vi tạo điều kiện cần thiết cho việc thực hiện tội phạm, trong giai đoạn này người phạm tội chưa thực hiện hành vi thuộc mặt khách quan của cấu thành tội phạm, tức là chưa có hành vi xâm phạm đến đối tượng tác động, tuy nhiên, tùy theo tính chất của hành vi, mức độ nguy hiểm của tội phạm mà giai đoạn chuẩn bị phạm tội có thể có hoặc không bị truy cứu TNHS.

Tội rửa tiền và tội tài trợ khủng bố được xếp vào nhóm tội xâm phạm an toàn công cộng, trật tự công cộng. Rửa tiền và tài trợ khủng bố là hành vi rất nguy hiểm, hành vi rửa tiền gây thiệt hại nghiêm trọng đến nền kinh tế, ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, tác động nghiêm trọng đến sự trong sạch và hoàn chỉnh của hệ thống tài chính toàn thế giới; khủng bố là một trong những loại tội phạm đặc biệt nguy hiểm, trực tiếp xâm phạm tính mạng, sức khỏe của con người, đe dọa nghiêm trọng đến an ninh, trật tự xã hội của quốc gia và cộng đồng quốc tế, tài trợ khủng bố là hành vi tạo điều kiện về vật chất, giúp sức cho các hành vi khủng bố được thực hiện thuận lợi, quy mô hơn, hành vi tài trợ khủng bố tuy không trực tiếp xâm hại đến các đối tượng được pháp luật bảo vệ, tuy nhiên hành vi này lại là mối nguy cơ đặc biệt nguy hiểm… Hai tội này được xem là tội phạm không biên giới, là tội phạm quốc tế điển hình vì nó liên quan đến nhiều quốc gia và cần có sự hợp tác quốc tế chặt chẽ giữa các quốc gia để ngăn chặn tội phạm.

Những điểm vướng mắc

PNTM phải chịu TNHS khi vi phạm các trường hợp luật định về rửa tiền và tài trợ khủng bố, đây là một điểm mới phù hợp với các công ước mà Việt Nam tham gia, phù hợp với thực tiễn ở nước ta hiện nay. Tuy nhiên, điểm chưa phù hợp ở đây là: Do là 2 tội đặc biệt nguy hiểm, tác động xấu tới nhiều phương diện của xã hội nên cá nhân phải chịu TNHS ngay cả trong giai đoạn chuẩn bị phạm tội nhưng PNTM chỉ phải chịu TNHS khi tội phạm đã thực hiện hành vi.

Thứ nhất, PNTM là doanh nghiệp hoặc các tổ chức kinh tế khác được thành lập nhằm mục đích tìm kiếm lợi nhuận và lợi nhuận được chia cho các thành viên (Điều 75 BLDS 2015). Việc PNTM chịu TNHS không loại trừ TNHS của cá nhân (khoản 2 Điều 75 BLHS 2015) tức là bản thân PNTM là tổ chức, hoạt động dựa trên các hành vi của cá nhân nhân danh “mình”, đại diện cho “mình”, vì vậy, người nhân danh PNTM, đại diện cho PNTM thực hiện hành vi phạm tội đều phải chịu TNHS cùng tội danh đối với PNTM (có thể trừ một số trường hợp không phải chịu TNHS), như vậy, các hành vi phạm tội của PNTM đều do cá nhân nhân danh mình thực hiện hành vi phạm tội, tức là khi PNTM phạm tội cũng sẽ trải qua giai đoạn chuẩn bị phạm tội.

Thứ hai, PNTM có tổ chức, có tiềm lực về kinh tế, về nhân lực… lớn mạnh hơn cá nhân nhiều lần nên khi thực hiện hành vi phạm tội, kể cả khi thực hiện hành vi trong giai đoạn chuẩn bị phạm tội thì PNTM có khả năng gây thiệt hại lớn hơn so với hành vi chuẩn bị phạm tội của cá nhân. Tuy nhiên, pháp luật mới chỉ quy định trường hợp cá nhân phải chịu TNHS trong giai đoạn chuẩn bị phạm tội, nhưng lại chưa quy định TNHS đối với PNTM trong giai đoạn chuẩn bị phạm tội, theo quan điểm cá nhân, tôi cho rằng như vậy còn chưa phù hợp với thực tiễn.

TNHS của PNTM là điểm tiến bộ của BLHS 2015, nó bám sát được thực tiễn, phù hợp với quy luật phát triển kinh tế – xã hội, bên cạnh đó, do còn là vấn đề mới đối với pháp luật nước nhà nên quy định về TNHS của PNTM còn điểm bất cập, rất mong nhận ý kiến thảo luận của các độc giả xa gần.

ĐINH THỊ NGỌC BÍCH ( Tòa án Quân sự Quân khu 4)