Đòi tài sản hay tranh chấp quyền sở hữu ?

Nguyên đơn kiện Công ty do vợ làm giám đốc, đòi sở hữu một nửa tài sản Công ty. Tình huống pháp lý này có hai quan điểm giải quyết khác nhau.

Nguyên đơn là ông Nguyễn Việt T khởi kiện bị đơn là Công ty TNHH MN,  đề nghị Tòa án xử cho nguyên đơn được sở hữu giá trị hạ tầng  diện tích 848,5 m2 và một nửa giá trị xây dựng ngôi nhà 6 tầng, hiện đang thuộc quyền sử dụng, sở hữu của Công ty MN. Vợ ông Việt T là bà Nguyễn Thị Diệu N đang là giám đốc Công ty này.

Ông T và bà N sống chung và có con chung năm 1995, nhưng đến tháng 8/ 2003 mới đăng ký kết hôn.

Căn cứ chứng minh cho yêu cầu khởi kiện, nguyên đơn đưa ra là từ tháng 2 đến tháng 8 năm 2001, số tiền trị giá gần 1,2 tỷ đồng  thuê/ mua  phần đất 848,5 m2 trên đây của Công ty TNHH TH do ông T trực tiếp nộp, thể hiện qua 5 phiếu thu.

Vốn điều lệ của Công ty MN là 3 tỉ đồng, bằng giá trị xây dựng ngôi nhà 6 tầng mà Công ty đang kinh doanh.  Công ty có hai thành viên là bà Nguyễn Thị Diệu N và bà Nguyễn Thị Tuyết M, ông Việt T đã đóng 1,5 tỉ đồng và ủy nhiệm cho bà N làm giám đốc Công ty.

Phía bị đơn Công ty MN, do bà Diệu N đại diện cho biết, số tiền 5 phiếu thu nguyên đơn nêu trên đây là tiền góp vốn của bà N và bà M, ông T chỉ là người đi nộp thay. Về giá trị xây dựng ngôi nhà 6 tầng, bị đơn khẳng định thuộc quyền sở hữu hợp pháp của bà N và bà M. Bà N cho biết từ ngày 12/12/2001, bà M và bà N đã có biên bản thỏa thuận góp vốn thành lập Công ty, mỗi người góp trên 593 triệu đồng và khi Công ty có đăng ký kinh doanh thì mỗi bên đã góp tiếp trên 906 triệu đồng, hình thành 3 tỷ đồng vốn điều lệ. Số tiền này được sử dụng để xây dựng căn nhà 6 tầng. Do đó, bị đơn đề nghị bác yêu cầu của nguyên đơn.

Đăng ký chứng nhận đăng ký kinh doanh Công ty TNHH có hai thành viên trở lên do Sở Kế hoạch – Đầu tư cấp cho Công ty TNHH MN, ngày 12/11/2001, ghi nhận trong danh sách thành viên góp vốn có hai người là Nguyễn Thị Diệu N và Nguyễn Thị Tuyết M, giá trị vốn góp mỗi người là 1,5 tỷ đồng, chiếm 50% tổng số vốn điều lệ. Biên bản thỏa thuận về việc thuê đất  giữa hai Công ty TH – MN cũng do bà M đại diện Công ty ký.

Hiện nay có hai quan điểm giải quyết vụ án.

Quan điểm thứ nhất

Đây là quan hệ về đòi tài sản. Ông T và bà N sống chung từ năm 1995, nhưng đến tháng 8/ 2003 mới đăng ký kết hôn. Theo điểm b, c khoản 3 của Nghị quyết số 35/2000/QH10 về việc thi hành Luật Hôn nhân gia đình năm 2000 thì những trường hợp từ sau 1/1/2003 mà họ không đăng ký kết hôn thì pháp luật không công nhận là vợ chồng. Theo khoản 3 Điều 17 Luật Hôn nhân gia đình, về hậu quả pháp lý của việc hủy kết hôn trái pháp luật thì tài sản  riêng của ai thì vẫn thuộc về người đó.

Đối chiếu các quy định trên đây thì trước tháng 8/2003 là thời điểm hai bên đăng ký kết hôn thì những tài sản riêng của ông T vẫn thuộc về ông T. Do đó, với 5 phiếu thu mà người nộp tiền là ông T thể hiện số tiền gần 1,2 tỷ đồng, xác nhận giá trị chuyển giao hạ tầng 848,5 m2 kể trên, thuộc tài sản của ông T.

Tương tự như vậy với căn nhà 6 tầng mà vợ chồng ông T bà N có quyền sở hữu 50% cũng thuộc tài sản riêng của ông  T.

Vì vậy, yêu cầu của nguyên đơn về xác định quyền sở hữu giá trị hạ tầng trên diện tích 848,5 m2 và một nửa giá trị xây dựng ngôi nhà 6 tầng, hiện đang thuộc quyền sử dụng, sở hữu của Công ty MN là có căn cứ.

Quan điểm thứ hai

Quan điểm thứ hai cho rằng đây là quan hệ tranh chấp quyền sở hữu về tài sản giữa ông Nguyễn Việt T và bà Nguyễn Thị Diệu N đối với số tiền 1,5 tỷ đồng mà bà N góp vốn vào Công ty MN.

Do đó, phải xác định bà N là bị đơn và Công ty MN là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan mới phù hợp với  bản chất của vụ tranh chấp.

Về nội dung, ông Nguyễn Việt T không phải là thành viên góp vốn của Công ty MN, thì không thể có quyền sở hữu một nửa tài sản của Công ty đó.

Tác giả đồng tình với quan điểm thứ hai, rất mong nhận được ý kiến trao đổi của bạn đọc xa gần.

 

 

 

 

THs NGUYỄN THỊ HOA ( CĐ DLHN)