Giải quyết vụ án có người bị tâm thần nhưng chưa có quyết định tuyên bố một người bị mất năng lực hành vi dân sự

Trong một vụ án dân sự, có một đương sự bị tâm thần nhưng các đương sự trong vụ án không hợp tác, không yêu cầu tuyên bố người đó bị mất năng lực hành vi dân sự thì giải quyết như thế nào?

1.Tình huống pháp lý

 Vừa qua (9/1), TANDTC đã tổ chức Hội nghị trực tuyến về giải đáp thắc mắc trong công tác xét xử, giải quyết các loại vụ việc. Tại Hội nghị, TAND Tp Hà Nội có đưa ra trường hợp: Trong một vụ án dân sự, có một đương sự bị tâm thần nhưng các đương sự trong vụ án không hợp tác, không yêu cầu tuyên bố người đó bị mất năng lực hành vi dân sự thì giải quyết như thế nào? Và trong trường hợp này, khi Tòa án giải quyết có đưa người giám hộ của người bị tâm thần nhưng chưa có quyết định tuyên một một người bị mất năng lực hành vi dân sự vào tham gia tố tụng để đảm bảo quyền lợi của người bị bệnh tâm thần hay không?

Ý kiến giải đáp như sau: Khoản 1 Điều 5 của BLTTDS  năm 2015 quy định: “Đương sự có quyền quyết định việc khởi kiện, yêu cầu Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ việc dân sự. Tòa án chỉ thụ lý giải quyết vụ việc dân sự khi có đơn khởi kiện, đơn yêu cầu của đương sự và chỉ giải quyết trong phạm vi đơn khởi kiện, đơn yêu cầu đó”. Đồng thời, Điều 22 của BLDS năm 2015 cũng đã quy định về mất năng lực hành vi dân sự như sau: “Khi một người do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi thì theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan hoặc cơ quan, tổ chức hữu quan, Tòa án ra quyết định tuyên bố người này bị mất năng lực hành vi dân sự trên cơ sở kết luận giám định pháp y tâm thần”. Và chiếu theo các quy định quyền con người thì trong trường hợp này, do không có người yêu cầu tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự nên Tòa án không xem người bị bệnh tâm thần đó bị mất năng lực hành vi dân sự và vụ án được giải quyết theo thủ tục chung (theo mục 6 của IV của giải đáp thắc mắc số 01/2017/GĐ-TANDTC ngày 07/4/2017). Theo đó, do xem người bị bệnh tâm thần không bị mất năng lực hành vi dân sự nên không đưa người giám hộ của người bị bệnh tâm thần vào tham gia tố tụng với tư cách là người đại diện theo Điều 85 của BLTTDS 2015.

Sau đó, có những ý kiến bình luận về vấn đề này theo hai hướng là cần đưa người giám hộ người bị tâm thần làm người đại diện để tham gia tố tụng và không đưa được xác định người giám hộ do chưa có quyết định tuyên bố một người bị mất năng lực hành vi dân sự. Tuyên bố bế mạc Hội nghị,  Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình đã kết luận: Do luật chưa quy định chặt chẽ trong trường hợp này nên đề nghị các Tòa án địa phương nghiên cứu trong khi xét xử vụ án tương tự trong trường hợp của TAND Thành phố Hà Nội đã nêu để phát triển thành án lệ áp dụng thống nhất trên toàn hệ thống. Án lệ cần phát triển theo theo hướng bảo vệ người yếu thế, đưa người giám hộ của người bị tâm thần làm người đại diện của họ để tham gia tố tụng và bảo vệ quyền lợi của người bị bệnh tâm thần (người bị yếu thế).

2.Quan điểm giải quyết

Sau khi nghiên cứu các văn bản pháp luật và thực tiễn công tác xét xử tại các Tòa án địa phương, tôi xin có ý kiến trao đổi về vấn đề này như sau:

2.1. Cần đưa người giám hộ vào tham gia tố tụng dù chưa có quyết định tuyên bố một người bị mất năng lực hành vi dân sự

Căn cứ vào Luật Người khuyết tật và Nghị định số 28/2012/NĐ-CP ngày 10/4/2012 của Chính phủ về quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều Luật Người khuyết tật quy định các dạng khuyết tật và mức độ khuyết tật như sau, trong đó có: d) Khuyết tật thần kinh, tâm thần; đ)Khuyết tật trí tuệ…

Như vậy, người bị bệnh tâm thần được xem là người khuyết tật thuộc dạng khuyết tật thần kinh, tâm thần hoặc khuyết tật trí tuệ theo quy định tại điểm d, đ khoản 1 Điều 3 Luật Người khuyết tật; khoản 4, 5 Điều 2 Nghị định 28/2012/NĐ-CP.

Thông thường, trong tình huống pháp lý đã nêu thì Tòa án và các đương sự khác trong vụ án theo nhận thức chủ quan đã xác định người bị bệnh tâm thần có dấu hiệu mất năng lực hành vi dân sự, thì người bệnh tâm thần này có thể ở mức độ đặc biệt nặng.

Nghị định 28/2012/NĐ-CP đã quy định: Người khuyết tật ở mức độ đặc biệt nặng là những người do khuyết tật dẫn đến mất hoàn toàn chức năng, không tự kiểm soát hoặc không tự thực hiện được các hoạt động đi lại, mặc quần áo, vệ sinh cá nhân và những việc khác phục vụ nhu cầu sinh hoạt cá nhân hàng ngày mà cần có người theo dõi, trợ giúp, chăm sóc hoàn toàn;  Người bị bệnh tâm thần là người khuyết tật ở dạng nhận thức (tâm thần, thần kinh hoặc trí tuệ) ở mức độ đặc biệt nặng sẽ dẫn đến mất hoàn toàn chức năng về nhận thức.

Trên thực tiễn, những người khuyết tật ở mức độ đặc biệt nặng ở dạng nhận thức như trường hợp nêu trên và chưa có quyết định tuyên bố một người bị mất năng lực hành vi dân sự khi thực hiện thủ tục xác định khuyết tật, đều do người thân (người giám hộ) của người khuyết tật (người bị bệnh tâm thần) thực hiện các thủ tục pháp lý hành chính để được chính quyền địa phương cấp giấy chứng nhận khuyết tật và hưởng chế độ trợ cấp xã hội cho người khuyết tật thay cho người khuyết tật, và chính quyền địa phương mặc nhiên họ đã bị mất năng lực hành vi dân sự, để bảo vệ quyền lợi của người khuyết tật. Mặc dù, việc mặc nhiên  xem người khuyết tật mức độ đặc biệt nặng ở dạng nhận thức là trái pháp luật nhưng do việc này thực hiện với mục đích bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người khuyết tật nên người dân vẫn đồng tình ủng hộ.

Khi chưa có quyết định tuyên bố người bị bệnh tâm thần, mất năng lực hành vi dân sự thì trong quá trình giải quyết vụ án Tòa án cần áp dụng tương tự như trường hợp người thân của người khuyết tật thực hiện các thủ tục hành chính thay cho người khuyết tật; nghĩa là Tòa án vẫn đưa người giám hộ của họ vào tham gia tố tụng dù chưa có quyết định họ bị mất năng lực hành vi dân sự với mục đích bảo vệ quyền lợi ích của người bị bệnh tâm thần một cách triệt để hơn.

 2.2. Tòa cần tự xem xét đương sự có bị mất năng lực hành vi dân sự và yêu cầu người giám hộ của người bị mất năng lực hành vi dân sự phải chịu chi phí tố tụng

 Rõ ràng trong trường hợp trên, người bị bệnh tâm thần không thể nhận thức mọi việc xung quanh, không nhận thức được đầy đủ quyền và nghĩa vụ tố tụng của mình trong vụ án dân sự được mặc dù họ chưa bị tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự. Và trong quá trình giải quyết vụ án, Tòa án không thể xem họ là người bình thường có đầy đủ năng lực hành vi dân sự như những người tham gia tố tụng khác và không đưa người giám hộ của họ vào tham gia tố tụng được. Họ cũng không thể tự mình thực hiện các quyền và nghĩa vụ theo tố tụng dân sự; họ không thể làm tờ tự khai, hoặc cho lời khai, lời trình bày của mình để tự bảo vệ quyền và lợi ích hợp tại Tòa án như những người khác được.

Mặt khác, nhiệm vụ của Tòa án khi thực hiện các quy định của tố tụng dân sự là góp phần bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân; giáo dục mọi người nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật. Nên Tòa án phải giải đáp mọi “nghi ngờ” về năng lực hành vi dân sự của người bị bệnh tâm thần thì cần làm rõ để có kết luận và có những phán quyết chính xác nhất.

Mặc dù, trong tố tụng dân sự đã quy định quyền tự định đoạt của đương sự nhưng trong trường hợp này quyền tự định đoạt của người bị tâm thần luôn ở thể bị động, họ không thể có quyền tự định đoạt yêu cầu mình bị mất năng lực hành vi dân sự. Quyền yêu cầu này thuộc về trách nhiệm pháp lý của người thân của họ. Nhưng khi vì một lý do nào đó, người thân của người bị bệnh tâm thần có dấu hiệu mất năng lực hành vi dân sự lại không thực hiện trách nhiệm đó và Tòa án vẫn xem người bị bệnh tâm thần là người bình thường và tiến hành các thủ tục tố tụng bình thường là có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của họ.

Yếu tố quyền con người trong việc yêu cầu tuyên bố một người bị mất năng lực hành vi dân sự thể hiện không chỉ thể hiện ở chỗ nếu không có quyết định có hiệu lực của Tòa án thì không thể xem người bị bệnh tâm thần mất năng lực hành vi dân sự để tước đi quyền công dân của họ mà còn thể hiện ở chỗ nếu họ không nhận thức và không thể tự mình thực hiện quyền và nghĩa vụ tố tụng của mình trong vụ án dân sự thì người có trách nhiệm (người thân) phải bảo vệ họ nhưng người có trách nhiệm lại không thực hiện tốt trách nhiệm của mình. Với trách nhiệm bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, Tòa án cần phải tự xem xét năng lực hành vi dân sự của người bị bệnh tâm thần này để có đi đến một phán quyết hợp tình hợp lý. Trong việc xem xét năng lực hành vi dân sự của người bị bệnh tâm thần nếu có Tòa án quyết định tuyên bố họ mất năng lực hành vi dân sự thì Tòa sẽ đưa người giám hộ của họ vào tham gia tố tụng và đồng thời buộc người giám hộ đó phải chịu chi phí tố tụng cho việc xem xét người bị tâm thần bị mất năng lực hành vi dân sự.

Tuy nhiên, vấn đề là khi Tòa án tự thực hiện việc tuyên bố một người bị mất năng lực hành vi dân sự, nếu trong trường hợp chưa có kết luận giám định pháp y tâm thần thì Tòa án cần phải trưng cầu giám định pháp y tâm thần của người bị tâm thần nhưng gia đình của người bị bệnh tâm thần không hợp tác giám định. Khi đó, thủ tục pháp lý cho việc xem xét người bị bệnh tâm thần có bị mất năng lực hành vi dân sự hay không gặp nhiều khó khăn. Do đó, nếu việc trưng cầu giám định thuận lợi thì chúng ta làm theo quan điểm ở mục 2.2. Ngược lại, để bảo vệ quyền lợi ích của người bị bệnh tâm thần trong trường hợp Tòa án còn nghi ngờ (căn cứ vào giấy chứng nhận khuyết tật và quan sát của Tòa án) nhưng các đương sự trong vụ án không yêu cầu tuyên bố một người bị mất năng lực hành vi dân sự thì theo tác giả chúng ta cần áp dụng như quan điểm tại mục 2.1. là vẫn đưa người giám hộ của người bị bệnh tâm thần vào tham gia tố tụng nhằm mục đích bảo đảm một cách triệt để của người bị bệnh tâm thần.

Trên đây là trao đổi của tác giả rất mong nhận được sự góp ý của bạn đọc và các đồng nghiệp.

HUỲNH MINH KHÁNH ( TAND huyện Cái Bè, Tiền Giang)