Hoàng Q. có phạm tội hay không?

Sau 15 năm kể từ ngày xảy ra vụ án. ngày 08/7/2018, đối tượng mới bị Công an tỉnh N bắt theo quyết định truy nã và bàn giao cho Cơ quan Điều tra hình sự X để giải quyết theo thẩm quyền. Cơ quan Điều tra hình sự X ra quyết định phục hồi điều tra bị can để điều tra theo quy định pháp luật. Tuy nhiên, vụ án đặt ra vấn đề bị can có phạm tội hay không?

Lê Đức S và Mạc Văn T là bạn bè cùng làm việc ở thành phố V, tỉnh N. Do T là dân tộc thiểu số và nhà ở miền núi, nên S hỏi T: “Trên chỗ mày có thuốc phiện không?”; T bảo: “Ở nhà tao vẫn còn một ít thuốc phiện xấu để chữa bệnh”; S đáp lại: “Thế mày đưa xuống đây tao bán cho” và T đồng ý. Ngày 28/3/2003, T về nhà trộm một bát thuốc phiện đưa xuống giao cho S tại nhà riêng của S và S trả T 900.000 đồng.

Theo cáo trạng, Lê Đức S có quen Hoàng Q (do ngồi uống nước vỉa hè hay gặp rồi làm bạn với nhau). Một hôm, S hỏi Q: “Mày biết có ai mua thuốc phiện không?”, thì Q hỏi: “Nhiều không?”; S đáp: “Khoảng một cân”; Q trả lời: “Để đó, tao đưa người về mua”. Ngày 03/4/2003, Q có dẫn một người con gái vào mua, Q nói với S: “Giá năm mươi”, S trả lời: “Giá đó thấp bằng giá tao mua vào rồi, không bán được”. Ngày 17/5/2003, Lê Đức S gặp Hoàng Q nói: “Dạo này kẹt quá, bán luôn để lấy tiền tiêu” thì Q đồng ý bảo: “Tối nay tao qua”.

Khoảng 22g ngày 17/5/2003, Q qua nhà S gọi S ra và nói: “Tao tìm được chỗ bán rồi”. Nghe xong, S vào nhà lấy gói thuốc phiện bỏ vào giỏ xe cùng đi với Q (2 người đi 2 xe). Khi đến khu vực cầu B, thì Q dừng lại, bảo S đứng chờ. Khoảng 15 phút sau, Q quay lại nói với S: “Tao đưa mày đến chỗ bán, còn mày đưa tao đồng nào thì tùy mày”. Q đi trước, S đi sau. Khi S đi qua ngã tư G, thì bị lực lượng cảnh sát phòng, chống ma túy Công an tỉnh N ngăn lại kiểm tra, phát hiện có thuốc phiện, nên giữ S lại, đồng thời, lập biên bản bắt giữ người có hành vi phạm tội quả tang, còn Q đi đâu không rõ.

Ngày 09/9/2003, Tòa án nhân dân X đưa vụ án ra xét xử và tuyên phạt Lê Đức S 44 tháng tù, Mạc Văn T 32 tháng tù về tội “vận chuyển, mua bán trái phép chất ma túy” quy định tại khoản 1 Điều 194 BLHS 1999, đồng thời, xác định Hoàng Q là đồng phạm trong vụ án đã được khởi tố bị can nhưng lẩn trốn, khi nào bắt được sẽ xử lý Q sau.

Trong khoảng thời gian từ năm 2003 đến năm 2018, Hoàng Q bị Tòa án Y tuyên phạt 07 năm tù về tội “Mua bán trái phép chất ma túy” ngày 18/7/2005, đã chấp hành xong; ngày 09/6/2014, Q bị Tòa án Z tuyên phạt 05 năm tù về tội “mua bán người”, đã chấp hành xong hình phạt ngày 08/7/2018. Ngày 08/7/2018, Hoàng Q bị Công an tỉnh N bắt theo quyết định truy nã và bàn giao cho Cơ quan Điều tra hình sự X để giải quyết theo thẩm quyền. Cơ quan Điều tra hình sự X ra quyết định phục hồi điều tra bị can để điều tra theo quy định pháp luật.

Tại biên bản giao nhận cáo trạng, Hoàng Q khai mình là đặc tình của công an và có ông Đặng Hoàng G – Công an tỉnh N làm chứng. Qua đối chiếu lời khai, thì ông G xác nhận đã phân công chỉ đạo Q nhử bắt S. Ngoài ra, còn có ông Lê Tiến V – đồng nghiệp với ông G xác nhận ngày 17/5/2003 có sử dụng và nhận được tin báo tố giác tội phạm của Hoàng Q. Tuy nhiên, trong hồ sơ của Công an không thể hiện việc dùng Hoàng Q làm đặc tình để nhử bắt S.

Q không đồng ý với nội dung được ghi trong cáo trạng. Theo quan điểm của Q thì diễn biến như sau: “Khoảng 20 g ngày 17/5/2003 Q đang đánh bi a gần chân cầu B thì S qua thấy Q nên S gọi Q ra bảo Q đi cùng với S vì S có mang hàng theo, S và Q đi 2 người 2 xe gần đến nhà Q thì Q nói cần thay quần áo rồi vào nhà liên hệ với ông Đặng Hoàng G tố giác S”. Do lời khai của Hoàng Q và Lê Đức S có nhiều điểm mâu thuẫn cần đối chất nên Cơ quan điều tra đã nhiều lần xác minh lời khai của S nhưng không thể triệu tập được S.

Về việc giải quyết vụ án có các quan điểm khác nhau như sau:

Quan điểm thứ nhất: Hoàng Q là đồng phạm với Lê Đức S trong vụ án thuộc trường hợp tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội theo Điều 19 BLHS 1999.

Quan điểm thứ hai: Hoàng Q là đồng phạm với Lê Đức S trong vụ án thuộc trường hợp miễn hình phạt theo quy định tại Điều 54 BLHS 1999.

Quan điểm thứ ba (cũng là quan điểm của tác giả): Chưa đủ căn cứ để kết tội Hoàng Q như cáo trạng truy tố, vì những lý do sau:

Thứ nhất, Điều 13 Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) có quy định: “Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự, thủ tục theo Luật định; Khi không đủ và không thể làm sáng tỏ căn cứ để buộc tội, kết tội theo trình tự, thủ tục Luật định thì cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải kết luận người bị buộc tội không có tội”.

Khi bị bắt quả tang thì Q không có mặt tại hiện trường, mà chỉ xuất hiện trong lời khai của bị can Lê Đức S, như vậy, phải chứng minh được lời khai của bị can là đúng sự thật, tuy nhiên, lại không có căn cứ để chứng minh được lời khai của S là đúng sự thật, hơn nữa, khi đối chiếu lời khai của Q và S có mâu thuẫn và cũng không đối chất được. Khi căn cứ vào lời khai của Lê Đức S và Hoàng Q thì anh Q chỉ thực hiện hành vi đưa anh S từ khu vực cầu B đến ngã tư G để lực lượng Công an bắt đối tượng Lê Đức S theo sự chỉ đạo của lực lượng Công an, ngoài ra, không đủ căn cứ để khẳng định Hoàng Q có ý chí mua bán ma túy cùng với Lê Đức S. Như vậy, căn cứ vào Điều 13 BLTTHS thì không thể kết luận Hoàng Q có tội được.

Thứ hai, khoản 2 Điều 98 BLTTHS quy định: “Lời nhận tội của bị can, bị cáo chỉ có thể được coi là chứng cứ nếu phù hợp với những chứng cứ khác của vụ án. Không được dùng lời nhận tội của bị can, bị cáo làm chứng cứ duy nhất để buộc tội, kết tội”.

Lời khai của của Hoàng Q phù hợp với lời khai của ông Đặng Hoàng G – nguyên trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy và ông Lê Tiến V – nguyên đội trưởng Đội 3 Phòng cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy khi Lê Đức S hỏi anh Hoàng Q để bán ma túy thì anh Q đã báo công an và làm theo sự chỉ đạo của công an thực hiện việc câu nhử tội phạm và giúp lực lượng công an bắt giữ Lê Đức S. Điều đó có nghĩa là, lời khai của Hoàng Q theo khoản 2 Điều 98 BLTTHS được xem là chứng cứ (vì nó phù hợp với lời khai của 2 nhân chứng là ông G và ông V, còn lời khai của một mình Lê Đức S không thể xem là chứng cứ để buộc tội Q vì không đủ căn cứ chứng minh đó là sự thật). Thông qua lời khai của Hoàng Q, ông G và ông V cho thấy ý thức chủ quan của anh Q không cùng ý chí với anh S nên không thể là đồng phạm trong vụ án.

Rất mong nhận được ý kiến trao đổi của bạn đọc./.

ĐINH THỊ NGỌC BÍCH (Tòa án quân sự Quân khu 4)