K không phạm tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng

Sau khi đọc bài “Trần Ngọc K phạm tội gì?” của tác giả Trần Thanh Sơn đăng ngày 24/11/2021, chúng tôi cho rằng với tình tiết thể hiện trong bài viết, Trần Ngọc K phạm tội “làm mất vũ khí quân dụng” quy định tại Điều 414 BLHS.

- Thứ nhất, về khách thể loại của tội phạm: Trần Ngọc K và quân nhân, được giao nhiệm vụ làm thủ kho vũ khí của Sư đoàn; trách nhiệm của K là quản lý, bảo quản tất cả các loại vũ khí có trong kho, đảm bảo an toàn về số lượng và chất lượng sử dụng của các loại vũ khí. Nhưng do đã không làm đúng chức trách, nhiệm vụ được giao, như: không tiến hành kiểm tra, nắm chắc số lượng vũ khí trong kho; không ghi chép đầy đủ vào sổ theo dõi người vào kho; chìa khóa kho và chìa khóa tủ súng để không đúng nơi quy định, cuối giờ làm việc không gửi chìa khóa vào bảo mật của đơn vị; tự ý bàn giao chìa khóa kho cho người khác không đúng quy định dẫn đến hậu quả là mất 08 khẩu súng ngắn K54. Đối với 08 khẩu súng K54, thuộc quyền quản lý, sử dụng của Sư đoàn, nhưng vì hành vi vi phạm của K dẫn đến mất số vũ khí này; theo đó, hành vi của K đã xâm phạm đến khách thể là chế độ quản lý vũ khí quân dụng của quân nhân. Do vậy, hành vi vi phạm này của K thuộc nhóm “các tội xâm phạm nghĩa vụ, trách nhiệm của quân nhân và trách nhiệm của người phối thuộc với Quân đội trong chiến đấu, phục vụ chiến đấu” được quy định trong BLHS.

- Thứ hai, Điều 414 BLHS quy định: Người nào được giao quản lý, được trang bị vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự mà làm mất hoặc vô ý làm hư hỏng gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt...”. Đối chiếu với quy định này cho thấy, người được giao quản lý vũ khí quân dụng ở đây là K, thực tế xảy ra là K đã làm mất vũ khí quân dụng (08 khẩu súng ngắn K54). Vấn đề đặc ra trong quy định này là người làm mất vú khí quân dụng phải gây ra hậu quả nghiêm trọng, nếu gây ra hậu quả không nghiêm trọng thì không cấu thành tội phạm. Để xác định như thế nào là hậu quả nghiêm trọng thì cần phải căn cứ vào văn bản hướng dẫn áp dụng dưới luật. Hiện nay đối với nhóm tội này trong BLHS hiện hành chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể; tuy nhiên, chúng ta có thể áp dụng tinh thần của Thông tư liên tịch số 01/2003/ TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BTP-BQP ngày 11/8/2003 của Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Bộ Quốc phòng hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Chương XXIII “Các tội xâm phạm nghĩa vụ, trách nhiệm của quân nhân”[1] của BLHS năm 1999, thì “gây hậu quả nghiêm trọng” là trường hợp làm mất “từ 03 đến 10 khẩu súng ngắn, súng trường, súng tiểu liên”[2]. K đã làm mất 08 khẩu súng ngắn K54, nên được xác định là đã gây hậu quả nghiêm trọng.

- Thứ ba, khoản 1 Điều 360 BLHS quy định: Người nào có chức vụ, quyền hạn vì thiếu trách nhiệm mà không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nhiệm vụ được giao thuộc một trong các trường hợp sau đây... thì...:

a) Làm chết người;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;

c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;

d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng”.

Theo quy định này thì khi người có chức vụ, quyền hạn vì thiếu trách nhiệm hoặc không thực hiện đúng nhiệm vụ được giao gây ra hậu quả chết người, gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000đ trở lên thì mới cấu thành tội “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”. Trong vụ việc Trần Ngọc K làm mất 08 khẩu súng ngắn K54, chưa xác định được giá trị là bao nhiêu, nếu dưới 100.000.000đ thì không cấu thành tội phạm “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”; nếu giá trị 08 khẩu súng từ 100.000.000đ trở lên thì chúng ta phải xác định khách thể loại của nhóm tội này có thuộc trường hợp của K hay không?

Tội “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” thuộc nhóm tội “Các tội phạm về chức vụ”. Đối chiếu trường hợp của K, nếu xem xét về chức vụ, quyền hạn, rõ ràng K cũng là người có chức vụ, quyền hạn; nhưng nhóm tội này điều chỉnh chung đối với những người có chức vụ quyền hạn, trong đó điều chỉnh đối với người là quân nhân. Tuy nhiên, do đối với quân nhân được điều chỉnh riêng thành một nhóm tội khác, nên khi K có hành vi phạm tội thuộc nhóm tội đó thì phải xem xét trách nhiệm hình sự của K theo nhóm tội đặc trưng riêng đó. Do vậy, hành vi của K phải xem xét trách nhiệm hình sự về tội phạm nhóm “các tội xâm phạm nghĩa vụ, trách nhiệm của quân nhân và trách nhiệm của người phối thuộc với Quân đội trong chiến đấu, phục vụ chiến đấu” mới phù hợp và đúng quy định của BLHS.

Từ các phân tích trên, chúng tôi cho rằng, đối với trường hợp Trần Ngọc K vì thực hiện không đúng nghĩa vụ, trách nhiệm dẫn đến làm mất 08 khẩu súng K54 của Sư đoàn, phải được xem xét trách nhiệm hình sự về nhóm “các tội xâm phạm nghĩa vụ, trách nhiệm của quân nhân và trách nhiệm của người phối thuộc với Quân đội trong chiến đấu, phục vụ chiến đấu”. Theo đó, Trần Ngọc K phạm tội “làm mất vũ khí quân dụng” theo quy định tại Điều 414 BLHS.

Trên đây là quan điểm của chúng tôi về xác định trách nhiệm hình sự đối với hành vi làm mất vũ khí quân dụng của Trần Ngọc K, mong bạn đọc cùng trao đổi làm rõ tính chất của vụ việc./.

 

[1] Theo Quyết định số 355/QĐ-TANDTC ngày 08/10/2021 quyết định về việc công bố danh mục văn bản quy phạm pháp luật hết hiệu lực toàn bộ thuộc lĩnh vực của Tòa án nhân dân, thì Thông tư 01/2003/ TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BTP-BQP hết hiệu lực, nhưng vụ việc xảy ra trước thời gian hiệu lực của Quyết định nên có thể áp dụng tinh thần của Thông tư liên tịch.

[2] Tiểu mục d Mục 6 Phần II Thông tư liên tịch 01/2003/ TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BTP-BQP.

NGUYỄN VĂN LAM (Tòa án quân sự Quân khu 9)