Không áp dụng tình tiết “Phạm tội có tính chất côn đồ” đối với Nguyễn Văn A

Ngày 11/5/2021 Tạp chí có bài “Có áp dụng tình tiết “phạm tội có tính chất côn đồ” đối với người có bệnh hạn chế khả năng nhận thức và điều khiển hành vi” của tác giả Bùi Viết Vinh, qua bài viết, chúng tôi cho rằng, không áp dụng tình tiết định khung tăng nặng “Có tính chất côn đồ” theo quy định tại điểm n khoản 1 Điều 123 BLHS đối với Nguyễn Văn A.

Bài viêt “Có áp dụng tình tiết “phạm tội có tính chất côn đồ” đối với người có bệnh hạn chế khả năng nhận thức và điều khiển hành vi” của tác giả Bùi Viết Vinh

Chúng tôi cho rằng, không áp dụng tình tiết định khung tăng nặng “Có tính chất côn đồ” theo quy định tại điểm n khoản 1 Điều 123 BLHS đối với Nguyễn Văn A, bởi các lí do sau đây:

Thứ nhất, nhận thức về người mắc bệnh hạn chế khả năng nhận thức và điều khiển hành vi:

- Người mắc bệnh bị hạn chế khả năng nhận thức là người khi phạm tội bị mắc một bệnh mà bệnh đó làm cho họ nhận thức không đầy đủ tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi của mình, cũng như hậu quả của hành vi do mình gây ra.

- Người mắc bệnh bị hạn chế khả năng điều khiển hành vi của mình là trường hợp họ vẫn nhận thức được hành vi của họ là nguy hiểm cho xã hội và hậu quả của hành vi đó, nhưng họ không điều khiển được hành vi của mình theo ý muốn (hạn chế về hoạt động cơ học của cơ thể).

Thứ hai, nhận thức về động kinh và rối loạn nhân cách:

Mặc dù chưa đầy đủ và chưa hoàn toàn chính xác, nhưng có thể hiểu về bệnh động kinh và rối loạn nhân cách như sau:

- Động kinh là bệnh của hệ thần kinh trung ương trong đó hoạt động của tế bào thần kinh bị rối loạn, biểu hiện bởi những cơn co giật (cơn động kinh) với những hành vi, triệu chứng, và cảm giác bất thường, bao gồm cả mất ý thức khi lên cơn.

Vì động kinh là do hoạt động bất thường của tế bào não nên cơn động kinh có thể ảnh hưởng bất kỳ quá trình nào mà não vận hành. Một cơn động kinh có thể gây ra các triệu chứng: Hoang mang (lú lẫn) thoáng qua; Nhìn ngây người như bị thôi miên; Co giật tay chân không kiểm soát, Mất ý thức và giảm độ tỉnh táo (in đậm là nhấn mạnh của chúng tôi); Có các triệu chứng tâm thần như biểu hiện hoảng loạn…(Theo https://yhoccongdong.com/thongtin/dong-kinh/).

- Rối loạn nhân cách là một tập hợp các trạng thái để biệt định các đối tượng có cách sống, cách cư xử và cách phản ứng hoàn toàn khác biệt với người thường nhưng lại không đủ các triệu chứng của một bệnh lý tâm thần đặc trưng… Rối loạn nhân cách là chẩn đoán có thể gây tranh cãi, căn bệnh tác động lên hầu hết thái độ và hành vi của người mắc. Vấn đề thường gặp phải là sự cản trở trong việc duy trì các mối quan hệ xã hội. Hiện nay vẫn chưa thống nhất nguyên nhân và cách điều trị. Tên gọi đã bao hàm căn nguyên của bệnh nảy sinh từ tính cách. Trên thực tế họ có hành vi và cảm xúc khác bình thường.

Thứ ba, mối quan hệ giữa việc áp dụng tình tiết giảm nhẹ “Người phạm tội là người có bệnh hạn chế khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình” với tính tiết tăng nặng định khung “Phạm tội có tính chất côn đồ”:

Với các vấn đề có liên quan đã nêu ở trên cũng như theo tìm hiểu của chúng tôi, người bị bệnh động kinh và/hoặc rối loạn nhân cách, rối loạn hành vi thực tổn đều có khả năng hạn chế nhận thức về các mối quan hệ xã hội, về tính nguy hiểm của hành vi của mình cũng như hậu quả nguy hiểm từ hành vi của mình gây ra cho xã hội. Kết luận giám định nêu rõ: Trước, trong, sau (in đậm là nhấn mạnh của chúng tôi) khi thực hiện hành vi phạm tội và hiện tại “Hạn chế khả năng nhận thức và hạn chế khả năng điều khiển hành vi”. Ở đây, chúng tôi không bàn về việc hạn chế khả năng điều khiển hành vi mà chỉ bàn về việc bị hạn chế khả năng nhận thức: Nếu một người bị hạn chế khả năng nhận thức thì có khả năng nhận thức được đầy đủ tầm quan trọng của các quan hệ xã hội, về tính nguy hiểm của hành vi và hậu quả của hành vi của mình gây ra cho xã hội hay không?

Theo chúng tôi, họ không nhận thức được đầy đủ các yếu tố trên. Vì khi đó, họ có thể giảm ý thức và giảm độ tỉnh táo; có thể bị kích động, tư duy tiêu cực, nhầm tưởng và phóng đại cái sai của người khác mà không phải do bản thân mình gây ra. Và nếu như họ không nhận thức được đầy đủ các yếu tố trên thì không thể kết luận là họ hoàn toàn chủ động khi nhận thức và kiểm soát hành vi của mình. Trong khi đó, tình tiết định khung tăng nặng “Có tính chất côn đồ” đòi hỏi người phạm tội phải nhận thức được đầy đủ về tính chất nguy hiểm của hành vi, về hậu quả của hành vi nhưng do coi thường pháp luật, coi thường tính mạng của người khác mà vì một nguyên cớ nhỏ nhặt làm đâm chém, thậm chí giết người. Nội hàm của việc “bị hạn chế khả năng nhận thức và khả năng điều khiển hành vi” và nội hàm của tình tiết “Có tính chất côn đồ” là trái ngược nhau nên không thể cùng lúc thừa nhận cả hai vấn đề trong cùng một sự việc.

Trở lại với tình huống do tác giả Bùi Viết Vinh đã nêu ra, chúng tôi cho rằng, do bị hạn chế khả năng nhận thức (và thậm chí do triệu chứng của bệnh động kinh, rối loạn nhân cách gây ra) nên Nguyễn Văn A không nhận thức được một cách đầy đủ hành vi của mình là bị pháp luật hình sự cấm, không nhận thức được đầy đủ hành vi của mình có thể gây nguy hiểm cho anh H mà cùng với sự kích động, tâm tình tiêu cực, phóng đại mâu thuẫn với anh H nên đã thực hiện hành vi giết người khi không hoàn toàn kiểm soát được hành vi của mình. Do đó, không thể áp dụng tình tiết định khung tăng nặng “Có tính chất côn đồ” với Nguyễn Văn A trong trường hợp nói trên.

Trên đây là quan điểm của chúng tôi về bài viết, xin được trao đổi cùng bạn đọc.

 

Tòa án tỉnh  xét xử bị cáo Đinh Văn Linh  về tội giết người, có tính chất côn đồ - Ảnh: Kiều Ân

ThS. HOÀNG XUÂN HƯNG (Toà án quân sự Thủ đô Hà Nội)