Lợi dụng sự việc tai nạn giao thông lấy tài sản của tài xế do phụ xe đang giữ, tội gì?

Khi thấy có tai nạn giao thông xảy ra, một số đối tượng chạy ra xem thì thấy nạn nhân là bạn của họ nên đã cự cãi với phụ xe rồi đánh phụ xe. Sau đó, một đối tượng khác kêu phụ xe hỏi điện thoại của tài xế đâu, do sợ bị đánh nên phụ xe đã đưa điện thoại cho đối tượng này. Sau khi nhận điện thoại đối tượng chiếm đoạt luôn…

Một hành vi, bốn quan điểm

Vào khoảng 15 giờ ngày 15/3/2019, anh Trần Văn H điều khiển xe ô tô tải mang biển kiểm soát 47C-36.399, đi theo xe còn có phụ xe là anh Đoàn Văn K lưu thông trên tuyến đường Quốc lộ 14 hướng từ thị xã ĐX, tỉnh BP đi hướng tỉnh ĐL. Khi xe đi đến đoạn đường thuộc thôn L, xã ĐL, huyện BĐ, tỉnh BP thì va chạm với xe mô tô do anh Trần Văn L điều khiển chạy ngược chiều. Hậu quả làm anh L tử vong. Sau khi gây tai nạn, tài xế xe H đã rời khỏi hiện trường chỉ còn lại phụ xe K.

Thấy vụ tai nạn chết người xảy ra nên Ngô Văn D, Trịnh Thế C và Trần Văn H cùng Mai Văn T từ trong quán nước bên đường đi ra chỗ hiện trường xem. Do thấy L (là bạn bè) chết nên D, C và H tìm tài xế xe ô tô để đánh nhưng do không có tài xế xe ở đó nên D, C và H hỏi phụ xe: “Tài xế xe ở đâu? Điện thoại cho tài xế đến hiện trường giải quyết vụ việc”, thì K trả lời: “Tài xế lên Công an đầu thú rồi không mang theo điện thoại, điện thoại của tài xế tôi đang giữ”. Sau khi K vừa trả lời xong, thì D, C và H lao vào dùng tay đánh, đấm K nhưng chỉ gây thương tích nhẹ. Sự việc được mọi người can ngăn nên D, C và H bỏ đi.

Thấy K bị đánh vừa xong nên T đến hỏi anh K: “Điện thoại của tài xế để đâu?. Do K sợ bị đánh và thấy T là đồng bọn của nhóm người vừa đánh mình nên K đưa tay vào túi quần lấy điện thoại của tài xế ra vừa cầm trên tay thì bị T lấy và bỏ đi khỏi hiện trường.

Theo kết quả định giá, chiếc điện thoại có trị giá 2.700.000 đồng.

Sau khi vụ án xảy ra có nhiều quan điểm khác nhau, nhìn chung lại có các quan điểm sau:

Quan điểm thứ nhất, cho rằng hành vi của Mai Văn T phạm tội “Cướp tài sản” được quy định tại Điều 168 BLHS năm 2015. Bởi lẽ, mặc dù T không trực tiếp dùng vũ lực ngay tức khắc nhưng T lợi dụng lúc anh Đoàn Văn K vừa bị đánh xong rồi vào chiếm đoạt tài sản. Về ý thức chủ quan, T đã lợi dụng hoàn cảnh lúc K vừa bị đánh xong và nghĩ T là đồng bọn của những người đã đánh mình trước đó nên K buộc phải giao tài sản, nếu không giao thì sẽ bị T đánh tiếp và trong trường hợp cụ thể này là đúng như suy nghĩ của T. Anh K lúc này không thể chống cự được nên đã giao tài sản cho T. Mặt khác, T đã nảy sinh ý định chiếm đoạt tài sản của K từ lúc T nghe K nói đang quản lý điện thoại của tài xế xe ô tô tải.

Quan điểm thứ hai, cho rằng hành vi của Mai Văn T phạm tội “Cưỡng đoạt tài sản” được quy định tại Điều 170 BLHS. Theo đó, ý thức chiếm đoạt tài sản của Mai Văn T đã có từ lúc nghe K nói đang giữ chiếc điện thoại của tài xế xe ô tô tải. Hơn nữa, về ý thức chủ quan, T biết rằng trong trường hợp này K đã lâm vào tình trạng không thể chống cự được nữa, do K có liên quan trực tiếp đến cái chết của anh Trần Văn L và lo sợ bị đánh tiếp nên buộc K phải giao tài sản một cách miễn cưỡng. Đây là dấu hiệu đặc trưng của tội “Cưỡng đoạt tài sản” – đó là có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần của người khác nhằm chiếm đoạt tài sản và thủ đoạn khác ở đây là lợi dụng vào hoàn cảnh K đã bị D, C và H vừa đánh xong. Tội phạm hoàn thành từ khi T chiếm đoạt được chiếc điện thoại.

Quan điểm thứ ba, cho rằng hành vi của Mai Văn T phạm tội “Cướp giật tài sản” được quy định tại Điều 171 BLHS. Bởi vì, T đã lợi dụng lúc K vừa bị D, C và H đánh xong, thì T giả vờ đến gặp K hỏi điện thoại của tài xế xe, khi K chưa kịp đưa thì T đã lấy chiếc điện thoại ngay trên tay của K rồi bỏ đi. Dấu hiệu đặc trưng là T lấy chiếc điện thoại ngay trên tay của K và lúc này K còn quản lý được tài sản. Tội phạm đã hoàn thành từ lúc T đã lấy được tài sản. Hành vi của T đã thỏa mãn đủ 02 dấu hiệu đặc trưng của tội “Cướp giật tài sản” – đó là lấy tài sản còn trong sự quản lý của người quản lý tài sản một cách công khai và nhanh chóng tẩu thoát.

Quan điểm thứ tư cho rằng hành vi của Mai Văn T đã phạm tội “Công nhiên chiếm đoạt tài sản” được quy định tại Điều 172 BLHS.

“Công nhiên chiếm đoạt” là phù hợp

Chúng tôi đồng tình với quan điểm thứ tư.

Căn cứ vào hành vi khách quan thì Mai Văn T không phạm tội “Cướp tài sản” hoặc “Cưỡng đoạt tài sản” hoặc “Cướp giật tài sản”. Vì khi T đến hỏi anh K: Điện thoại của tài xế để đâu?”, thì không nói với giọng lớn tiếng, la hét hay bắt nạt đối với anh K. Tức là, T không có hành vi đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc được coi là có hành vi khác làm cho K lâm vào tình trạng không thể chống cự được, nên hành vi của T không cấu thành tội “Cướp tài sản”. Hành vi khác mà nhà làm luật quy định trong cấu thành của tội “Cướp tài sản” trước hết nó phải là hành vi tấn công bị hại, mức độ tấn công tới mức bị hại không thể chống cự được.[1]

Và câu nói, thái độ, hành vi của T cũng không thể hiện hành vi đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc được coi là có thủ đoạn khác để uy hiếp tinh thần của K nhằm chiếm đoạt tài sản, nên hành vi của T cũng không cấu thành tội “Cưỡng đoạt tài sản”. Thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần là những thủ đoạn mà người phạm tội sử dụng ngoài việc đe dọa sẽ dùng vũ lực và thủ đoạn này đã uy hiếp tinh thần của người có tài sản hoặc của người có trách nhiệm về tài sản như: Dọa sẽ hủy hoại tài sản nếu người có trách nhiệm về tài sản không giao tài sản cho người phạm tội; dọa sẽ tố cáo hành vi sai phạm hoặc những bí mật đời tư của người có trách nhiệm về tài sản mà họ không muốn cho ai biết; bịa đặt, vu khống người có trách nhiệm về tài sản; giả danh là cán bộ, chiến sĩ công an, quân đội, thuế vụ, hải quan,… để kiểm tra, bắt giữ, khám người có trách nhiệm về tài sản buộc họ phải giao nộp tiền hoặc tài sản.[2]

Trong tình huống của anh K thì vẫn còn nhiều sự lựa chọn, có thể bỏ chạy, có thể la lên để mọi người đến giúp, không nhất thiết phải lựa chọn phương án lấy địn thoại để đưa cho T. Bởi vì, đoạn đường không vắng vẻ, không phải lúc trời tối, mà thời điểm đó vẫn có nhiều người dân xung quanh ở gần đó xem sự việc tai nạn giao thông.

Mặc dù T có hành vi lấy chiếc điện thoại một cách công khai và nhanh chóng, nhưng hành vi nhanh chóng là sau khi lấy được tài sản – hành vi này là sự tẩu thoát sau khi phạm tội. Tuy nhiên, xét trong cả quá trình diễn biến vụ việc, chuỗi hành vi: T lợi dụng sự việc tai nạn giao thông xảy ra, lợi dụng việc anh K bị D, C và H vừa đánh xong, T có các hành vi như hỏi anh K điện thoại của tài xế đâu, rồi anh K đưa điện thoại thì T lấy trên tay anh K rồi bỏ đi. Do đó, hành vi của T cũng không thỏa mãn dấu hiệu của tội “Cướp giật tài sản”.

Đặc trưng của tội công nhiên chiếm đoạt tài sản là người phạm tội chỉ có một hành vi khách quan duy nhất là “chiếm đoạt”, nhưng chiếm đoạt với hình thức công khai, với thủ đoạn lợi dụng sự sơ hở của người quản lý tài sản hoặc lợi dụng hoàn cảnh khách quan khác như: thiên tai, hỏa hoạn, chiến tranh, bị tai nạn,… Người phạm tội ngang nhiên lấy tài sản trước mắt chủ sở hữu hoặc người quản lý tài sản mà họ không làm gì được. Tức là, không có biện pháp nào ngăn cản được hành vi chiếm đoạt của người phạm tội hoặc nếu có thì biện pháp đó cũng không mang lại hiệu quả, tài sản vẫn bị người phạm tội lấy đi một cách không khai.

Trong trường hợp này, T đã lợi dụng hoàn cảnh xảy ra vụ tai nạn giao thông, lợi dụng lúc anh K vừa bị đánh xong rồi vào chiếm đoạt tài sản. Những hoàn cảnh cụ thể này không do phía người có tài sản gây ra và cũng không do T gây ra mà do hoàn cảnh khách quan làm cho người có tài sản lâm vào tình trạng không thể bảo vệ được tài sản của mình. Mặc dù nhìn thấy người phạm tội lấy tài sản mà không làm gì được do lo sợ bị đánh hay vì bị thương tật trước đó nên không thể bảo vệ được tài sản mà mình đang quản lý, sở hữu. Rõ ràng, hành vi của T đã lợi dụng hoàn cảnh bị vướng mắc, sơ hở của người quản lý tài sản để thực hiện hành chiếm đoạt, tội phạm đã hoàn thành khi T đã có được tài sản.

Xét về mặt lý luận, T đã nảy sinh ý định chiếm đoạt tài sản từ trước. Mặt khác, hành vi của T là lợi dụng hoàn cảnh khách quan do tai nạn giao thông của người quản lý tài sản để chiếm đoạt tài sản của anh Đoàn Văn K trong lúc anh K bị lâm vào tình trạng không thể quản lý được tài sản do sợ bị đánh hội đồng, vì đã hoặc trực tiếp liên quan đến vụ việc tai nạn giao thông làm chết người trước đó. Rõ ràng, hành vi của Mai Văn T là đã lợi dụng vào hoàn cảnh của bị hại để thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản. Hành vi của T đã thỏa mãn dấu hiệu đặc trưng của tội “Công nhiên chiếm đoạt tài sản” và giá trị tài sản là 2.700.000 đồng nên hành vi của T đã đủ yếu tố cấu thành tội “Công nhiên chiếm đoạt tài sản” theo quy định tại Điều 172 BLHS.

Việc xác định tội danh trong trường hợp này, tác giả cho rằng phải dựa vào ý thức chủ quan (ý chí) của cả người phạm tội, người bị hại với hành vi khách quan được biểu hiện ra bên ngoài của các bên, chứ không thể căn cứ dựa vào ý thức chủ quan của một trong các bên thì sẽ đánh giá không được toàn diện và dẫn đến xác định tội danh không được chính xác.

Trên đây, là quan điểm của cá nhân tác giả, rất mong nhận được nhiều ý kiến trao đổi từ bạn đọc và đồng nghiệp./.

 

[1] Đinh Văn Quế (2019), Bình luận Bộ luật hình sự năm 2015, Phần thứ hai, Các tội phạm, Chương XVI các tội xâm phạm sở hữu, Chương XVII các tội xâm phạm chế độ hôn nhân và gia đình (Bình luận chuyên sâu), Nxb. Thông tin và Truyền thông, Hà Nội, tr. 19.

[2] Đinh Văn Quế (2019), Bình luận Bộ luật hình sự năm 2015, Phần thứ hai, Các tội phạm, Chương XVI các tội xâm phạm sở hữu, Chương XVII các tội xâm phạm chế độ hôn nhân và gia đình (Bình luận chuyên sâu), Nxb. Thông tin và Truyền thông, Hà Nội, tr. 125 – 126.

 

 

Hiện trường một vụ tai nạn thương tâm. Ảnh: TỰ SANG (PLo)

 

Ths PHAN THÀNH NHÂN ( TAND tỉnh Đồng Tháp)