Người được miễn trách nhiệm hình sự mặt pháp lý vẫn là người có tội

Qua nghiên cứu bài viết “Người được miễn trách nhiệm hình sự có được coi là không có tội?” của tác giả Trần Vi Dân, đăng ngày 06/9/2021, chúng tôi cho rằng về mặt pháp lý vẫn là người có tội.

Trong pháp luật hình sự Việt Nam chế định miễn trách nhiệm hình sự (TNHS) là một trong những chế định quan trọng, là chế định có nội dung khoan hồng ở mức cao nhất, thể hiện chính sách nhân đạo của Đảng và Nhà nước ta đối với người phạm tội. Biện pháp miễn TNHS đã được quy định chính thức trong BLHS năm 1985, hoàn chỉnh hơn trong BLHS năm 1999 và tiếp tục được hoàn thiện trong BLHS năm 2015. Mặc dù được quy định là một chế định độc lập, tuy nhiên BLHS chưa đưa ra khái niệm miễn TNHS là gì. Vì vậy để giải quyết vấn đề “Người được miễn trách nhiệm hình sự có được coi là không có tội”, cần nghiên cứu hai nội dung sau:

Thứ nhất, về trách nhiệm hình sự

Như chúng ta đã biết, TNHS là một trong những thuật ngữ được sử dụng trong khoa học Luật Hình sự bên cạnh hai khái niệm cơ bản và quan trọng nhất là “tội phạm” và “hình phạt”. Trước hết, Đại từ điển Tiếng Việt định nghĩa “trách nhiệm” được hiểu đơn giản là: “điều phải làm, phải gánh vác hoặc phải nhận lấy về mình”. Còn trong thực tiễn pháp lý, “trách nhiệm” là hậu quả bất lợi của một người đã thực hiện hành vi vi phạm bổn phận, nghĩa vụ phải gánh chịu trước người khác, trước Nhà nước.

Theo quan điểm của TS.Lê Thị Sơn: “TNHS là trách nhiệm pháp lý đặt ra đối với người phạm tội, thì miễn TNHS cũng chỉ có thể đặt ra đối với người phạm tội. Không thể áp dụng miễn TNHS đối với người không có hành vi thỏa mãn dấu hiệu pháp lý của một cấu thành tội phạm được quy định trong Luật Hình sự”[1]. Thật vậy, chỉ những người phải chịu TNHS thì đặt ra vấn đề miễn TNHS cho họ khi có đủ cơ sở và điều kiện nhất định. Nếu một người không có hành vi thỏa mãn cấu thành tội phạm quy định trong BLHS thì đồng nghĩa với việc họ không phải chịu TNHS và đương nhiên sẽ không xét đến việc miễn TNHS hay không.

Thứ hai, về chế định miễn TNHS

Khái niệm miễn TNHS hiện nay chưa được quy định cụ thể trong BLHS Việt Nam vì vậy hiện nay xung quanh vấn đề này có nhiều quan điểm khác nhau:

Quan điểm thứ nhất: “Miễn TNHS là một chế định nhân đạo của pháp luật Việt Nam và được thể hiện bằng văn bản với nội dung hủy bỏ hậu quả pháp lý của việc thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội bị luật hình sự cấm đối với người bị coi là có lỗi trong việc thực hiện hành vi đó, do các cơ quan tư pháp hình sự có thẩm quyền tùy thuộc vào giai đoạn tố tụng hình sự tương ứng áp dụng khi có đầy đủ căn cứ pháp lý và những điều kiên luật định”.[2];

Quan điểm thứ hai: “Miễn TNHS có nghĩa là miễn những hậu quả pháp lý đối với một tội phạm do pháp luật quy định”.[3];

Như vậy, về cơ bản tất cả các quan điểm trên đây về miễn TNHS đều thống nhất trong việc khẳng định rõ nội dung và bản chất pháp lý của biện pháp miễn TNHS đó là: Miễn TNHS là không buộc người phạm tội phải chịu hậu quả pháp lý của việc thực hiện tội phạm khi có đủ những căn cứ và điều kiện do Luật hình sự quy định.

Ngoài hai vấn đề trên, theo tinh thần hướng dẫn chỉ đạo xét xử của TANDTC tại Nghị quyết 02/HĐTP ngày 05/01/1986 quy định: “Khi đã miễn TNHS thì Tòa án không được quyết định bất cứ loại hình phạt nào nhưng vẫn có thể quyết định việc bồi thường cho người bị hại và giải quyết tang vật” và tại Mục 2 Chương XII BLHS năm 2015 cũng quy định các biện pháp giám sát, giáo dục trong trường hợp được miễn TNHS đối với người dưới 18 tuổi phạm tội.

Từ những phân tích trên, theo quan điểm của tác giả: Miễn TNHS được áp dụng đối với người phạm tội, có nghĩa là miễn TNHS chỉ đặt ra đối với người có hành vi phạm tội xâm hại đến các quan hệ xã hội được Luật Hình sự bảo vệ, hành vi đó có căn cứ để xác định là đủ yếu tố cấu thành tội phạm và người thực hiện hành vi đó phải chịu TNHS, nhưng họ lại có những điều kiện luật định để được miễn TNHS. Do đó người được miễn TNHS về mặt pháp lý vẫn là người có tội, tuy nhiên họ không phải chịu các hậu quả pháp lý hình sự thuộc nội dung của TNHS bao gồm hình phạt, biện pháp tư pháp thay thế cho hình phạt và án tích nhưng có thể bị áp dụng các biện pháp giám sát, giáo dục tại cộng đồng.

Trên đây là quan điểm của tác giả, rất mong nhận được sự trao đổi từ đồng nghiệp và bạn đọc./.

 

 

[1] Lê Thị Sơn, (1997), "Trách nhiệm hình sự và miễn trách nhiệm hình sự", Tạp chí Luật học.

[2] Lê Cảm (2001), "Các dạng miễn trách nhiệm hình sự được quy định tại Điều 25 BLHS năm 1999", Tạp chí Tòa án nhân dân.

[3] Đào Trí Úc, (1993), Mô hình lý luận về Bộ luật Hình sự Việt Nam, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.

 

BÙI VIẾT VINH (Toà án Quân khu 5)