Nguyễn Văn T phạm tội trộm cắp tài sản

Sau khi nghiên cứu bài viết “Nguyễn Văn T phạm tội gì?” của ThS Lại Sơn Tùng, đăng ngày 15/9/2021, người viết đồng tình với quan điểm Nguyễn Văn T đã phạm tội trộm cắp tài sản.

Qua dữ kiện nội dung vụ án mà tác giả đã nêu cùng với các quan điểm xung quanh việc xác định tội danh đối với Nguyễn Văn T, tôi có quan điểm đồng tình với nhận định cũng như quan điểm của tác giả, đó là “Có cơ sở để khẳng định hành vi của Nguyễn Văn T đã phạm tội trộm cắp tài sản quy định tại Điều 173 BLHS”. Với ngoài các phân tích, lập luận mà tác giả đã đưa ra; tôi xin phân tích làm rõ thêm căn cứ cũng như phản biện lại các quan điểm khác để từ đó khẳng định cho quan điểm của mình, cụ thể:

Thứ nhất, về lý luận thì để xác định chính xác tội danh đối với nhóm tội xâm phạm sở hữu thì ngoài việc xác định mặt khách quan, chủ quan của tội phạm thì một yêu cầu rất quan trọng là phải xác định được thời điểm hoàn thành của tội phạm tương ứng mỗi loại tội phạm thì thời điểm hoàn thành của tội phạm là khác nhau, cụ thể: Đối với tội trộm cắp tài sản thì thời điểm hoàn thành của tội phạm được xác định ở dấu hiệu của việc dịch chuyển tài sản thoát ra khỏi sự quản lý của người quản lý tài sản hay chủ tài sản thông qua hành vi biểu hiện ở sự lén lút; tội công nhiên chiếm đoạt tài sản thì tội phạm hoàn thành được biểu hiện ở dấu hiệu dịch chuyển tài sản một cách công khai trong khi người quản lý hay chủ tài sản vẫn trong phạm vi quản lý nhưng do không có điều kiện, khả năng để ngăn chặn được sự chiếm đoạt của người phạm tội; hay, tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì thời điểm xác định tội phạm hoàn thành là khi chủ tài sản hay người quản lý hợp pháp chuyển giao tài sản cho người phạm tội thông qua hành vi, thủ đoạn gian dối.

Thứ hai, qua nội dung vụ án cho ta thấy: Sau khi, được chị Bùi Thị V, nhân viên bán hàng lấy cho xem chiếc điện thoại di động Iphone của cửa hàng, T mang điện thoại di động ra quầy kỹ thuật gặp anh Đoàn Việt H là nhân viên kỹ thuật của cửa hàng và tiếp tục đề nghị đổi chiếc điện thoại nhưng không được anh H đồng ý. Như vậy, lúc này chiếc điện thoại di động Iphone vẫn ở trong phạm vi quản lý của cửa hang. Tuy nhiên, khi chị V đến hỏi T để lấy lại chiếc điện thoại Iphone mà T đã hỏi xem để cất vào tủ trưng bày nhưng T đã giấu chiếc điện thoại vào túi quần trước đó và trả lời “Không cầm” rồi chỉ tay về phía quầy kỹ thuật ý là đã đưa máy cho anh H. Việc T dấu chiếc điện thoại vào túi quần chị V hoàn toàn không biết. Do đó, không thể xác định hành vi của Nguyễn Văn T thỏa mãn dấu hiệu của tội “Công nhiên chiếm đoạt tài sản” như quan điểm thứ nhất được.

Đối với quan điểm thứ hai cho rằng: Nguyễn Văn T phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” quy định tại Điều 174 BLHS. Theo tôi quan điểm này là không phù hợp. Theo quy định của pháp luật thì đối với tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì người thực hiện hành vi phạm tội phải dùng thủ đoạn gian dối, đưa ra thông tin sai sự thật làm cho người quản lý tài sản hay chủ tài sản tin tưởng mà giao tài sản đó cho người phạm tội; giữa hành vi, thủ đoạn gian dối và hậu quả có mối quan hệ nhân quả với nhau. Trong vụ án này, chiếc điện thoại di động Iphone mà chi Bùi Thị V đưa cho Nguyễn Văn T xem là hoàn toàn bình thường, việc này diễn ra trong quan hệ giữa người mua và người bán. Và ở đây một điểm quan trọng là khi T đặt vấn đề đổi chiếc điện này lấy chiếc điện thoại Samsung có giá tương đương do T đã mua tại cửa hàng này một ngày trước đó thì chị V không đồng ý. Do đó, có cơ sở để khẳng định rằng chị V đã không chuyển giao tài sản cho T. Như vậy, hành vi của T không thỏa mãn dấu hiệu của tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” như quan điểm thứ hai được.

Đối với điểm thứ ba cho rằng Nguyễn Văn T phạm tội “Cướp giật tài sản” quy định tại Điều 171 BLHS. Theo tôi quan điểm này cũng không phù hợp với quy định của pháp luật. Vì hành vi chiếm đoạt tài sản phải thể hiện công khai nhanh chóng giành lấy, giật lấy tài sản của người khác và nhanh chóng tẩu thoát. Trong khi trong vụ này Nguyễn Văn T không có dấu hiệu nào biểu hiện của sự nhanh chóng giật lấy, giành lấy. Mà chỉ có biểu hiện của sự nhanh chóng tẩu thoát. Tuy nhiên, việc chiếm đoạt được tài sản là chiếc điện thoại di động Iphone là do lén lút, khi chi Bùi Thị V không để ý thì T nhét vào túi quần, việc chiếm đoạt chiếc điện thoại mà T đã thực hiện không phải diễn ra công khai. Vì vậy, theo tôi quan điểm ba là không có cơ sở.

Từ những phân tích trên, tôi cho rằng phải truy tố, xét xử Nguyễn Văn T về tội “Trộm cắp tài sản” theo quy định tại Điều 173 BLHS là đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Vì việc chiếm đoạt tài sản là chiếc điện thoại di động Iphone của cửa hàng là do Nguyễn Văn T thực hiện được biểu hiện ở dấu hiệu mặt khách quan là lén lút dịch chuyển bất hợp pháp tài sản làm cho tài sản đó thoát ra khỏi sự quản lý của cửa hàng. Tội phạm hoàn thành từ thời điểm T lén lút, bỏ chiếc điện thoại di động Iphone của cửa hàng vào túi quần.

Cùng quan điểm Nguyễn Văn T phạm tội “Trộm cắp tài sản” còn có các tác giả Lưu Trung Huy (Tòa án quân sự Quân khu 3); ThS. Nguyễn Văn Tùng (Khoa Cảnh sát điều tra, Học viện Cảnh sát nhân dân); Trần Thanh Sơn (Toà án quân sự Khu vực Quân khu 7); Lại Ngọc Bảo Hương (Công an tỉnh Hà Nam); Nguyễn Gia Hoàng ( Viện kiểm sát quân sự khu vực 12/ Quân khu 1)...

 

Tòa án nhân dân huyện Đất Đỏ, BRVT xét xử vụ án  “Trộm cắp tài sản” - Ảnh: Nguyễn Thị Huyền

ThS ĐỖ NGỌC BÌNH (Tòa án quân sự Thủ đô Hà Nội)