Những vấn đề cần xác định khi xét xử tội phạm là pháp nhân

BLHS năm 2015 đã quy định ngoài chủ thể chịu trách nhiệm hình sự (TNHS) là cá nhân còn quy định chủ thể chịu TNHS là pháp nhân, việc quy định này là hoàn toàn phù hợp quan điểm đấu tranh phòng, chống tội phạm ở nước ta trong giai đoạn hiện nay. Tuy nhiên, trong thực tiễn do chủ thể này mới được bổ sung nên vấn đề xét xử gặp nhiều khó khăn, qua nghiên cứu các quy định của BLHS năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 và BLTTHS năm 2015 thìchúng tôi thấy khi xét xử đối tượng là pháp nhân cần xác định một số vấn đề.

Xác định đại diện theo pháp luật của pháp nhân tham gia tố tụng

  BLDS 2015 đã tách riêng quy định về đại diện theo pháp luật của cá nhân và đại diện theo pháp luật của pháp nhân, quy định tại 2 khoản của một điều luật. Người đại diện theo pháp luật của pháp nhân được quy định tại Điều 137 BLDS năm 2015 gồm: “Người được pháp nhân chỉ định theo điều lệ; Người có thẩm quyền đại diện theo quy định của pháp luật; Người do Tòa án chỉ định trong quá trình tố tụng tại Tòa án”.

Khoản 2 Điều 137 quy định: Một pháp nhân có thể có nhiều người đại diện theo pháp luật và mỗi người đại diện có quyền đại diện cho pháp nhân theo quy định tại Điều 140, Điều 141 của Bộ luật này. Việc quy định cho phép một pháp nhân có thể có nhiều người đại diện theo pháp luật của BLDS 2015 đã bảo đảm sự tương thích với quy định của Luật doanh nghiệp 2014 trong việc quy định Công ty trách nhiệm hữu hạn và Công ty cổ phần “có thể có một hoặc nhiều người đại diện theo pháp luật”.

Mọi hoạt động tố tụng của pháp nhân bị truy cứu trách nhiệm hình sự được thông qua người đại diện theo pháp luật của pháp nhân. Khi xét xử tại Tòa án, pháp nhân phải cử và bảo đảm cho người đại diện theo pháp luật của mình tham gia đầy đủ hoạt động xét xử theo yêu cầu của Tòa án.

Trường hợp người đại diện theo pháp luật của pháp nhân bị khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử hoặc không thể tham gia tố tụng được thì pháp nhân phải cử người khác làm người đại diện theo pháp luật của mình tham gia tố tụng. Trường hợp pháp nhân thay đổi người đại diện thì pháp nhân phải thông báo ngay cho cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng.

Khi xét xử mà pháp nhân không có người đại diện theo pháp luật hoặc có nhiều người cùng là đại diện theo pháp luật thì Tòa án chỉ định một người đại diện cho pháp nhân tham gia tố tụng.

Các biện pháp cưỡng chế đối với pháp nhân

Theo quy định tại Điều 436 BLHS năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 thì các biện pháp cưỡng chế đối với pháp nhân bao gồm:

  1. a) Kê biên tài sản liên quan đến hành vi phạm tội của pháp nhân Điều 437.
  2. b) Phong tỏa tài khoản của pháp nhân liên quan đến hành vi phạm tội của pháp nhân Điều 438.
  3. c) Tạm đình chỉ có thời hạn hoạt động của pháp nhân liên quan đến hành vi phạm tội của pháp nhân Điều 439.
  4. d) Buộc nộp một khoản tiền để bảo đảm thi hành án Điều 439.

 

Những vấn đề cần phải chứng minh

Khi tiến hành tố tụng đối với pháp nhân bị buộc tội thì phải xác định:

+ Có hành vi phạm tội xảy ra hay không, thời gian, địa điểm và những tình tiết khác của hành vi phạm tội thuộc trách nhiệm hình sự của pháp nhân theo quy định của BLHS: Trong từng vụ án hình sự mà pháp nhân phạm tội cần phải chứng minh hành vi mà pháp nhân đã thực hiện trong thực tế. Việc chứng minh đó thể hiện ở việc làm sáng tỏ một cách đầy đủ, toàn diện và khách quan tất cả các tình tiết liên quan đến hành vi phạm tội, việc xác định  này có ý nghĩa đối với việc định tội danh và giải quyết đúng đắn vụ án hình sự. Đó là những dấu hiệu thuộc chủ thể và mặt khách quan của tội phạm.

+ Lỗi của pháp nhân, lỗi của cá nhân là thành viên của pháp nhân. Theo nội dung này cần xác định: ai là người thực hiện hành vi phạm tội; có lỗi hay không có lỗi; do cố ý hay vô ý; có năng lực trách nhiệm hình sự hay không; mục đích, động cơ phạm tội… Chứng minh ai là người thực hiện hành vi phạm tội, tức là xác định chủ thể của tội phạm là pháp nhân hay cá nhân là thành viên của pháp nhân. Nếu có lỗi thì lỗi cố ý hay vô ý.

+ Xem xét tính chất và mức độ thiệt hại do hành vi phạm tội của pháp nhân gây ra. Việc xác minh tính chất và mức độ thiệt hại có ý nghĩa quan trọng đối với việc xác định mức độ trách nhiệm hình sự của pháp nhân và có ý nghĩa đối với việc định tội danh cũng như mức độ bồi thường thiệt hại.

+ Những tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng trách nhiệm hình sự và tình tiết khác liên quan đến miễn hình phạt. Vấn đề này có ý nghĩa quan trọng trong việc quyết định hình phạt.

+ Nguyên nhân và điều kiện phạm tội.

Thẩm quyền và thủ tục xét xử đối với pháp nhân

+ Tòa án có thẩm quyền xét xử vụ án hình sự về các tội phạm do pháp nhân thực hiện là Tòa án nơi pháp nhân thực hiện tội phạm. Trường hợp tội phạm được thực hiện tại nhiều nơi khác nhau thì Tòa án có thẩm quyền xét xử là Tòa án nơi pháp nhân đó có trụ sở chính hoặc nơi có chi nhánh của pháp nhân đó thực hiện tội phạm.

+ Việc xét xử sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm đối với pháp nhân phạm tội được thực hiện theo thủ tục chung quy định tại Phần thứ tư và Phần thứ sáu của BLTTHS. Phiên tòa xét xử đối với pháp nhân phải có mặt người đại diện theo pháp luật của pháp nhân, Kiểm sát viên Viện kiểm sát cùng cấp; có mặt bị hại hoặc người đại diện của bị hại.

Để góp phần nâng cao hiệu quả trong công tác đấu tranh, phòng ngừa tội phạm do pháp nhân gây ra thì việc xét xử pháp nhân phạm tội phải tuân thủ đầy đủ các quy định của BLHS năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 và BLTTHS năm 2015./.

TRẦN VĂN HÙNG ( Tòa án quân sự Quân khu 4)