T phạm tội trộm cắp tài sản

Qua nghiên cứu bài viết “Nguyễn Văn T phạm tội gì?” của Lại Sơn Tùng, đăng ngày 15/9/2021, tác giả cho rằng đối tượng Nguyễn Văn T phạm tội “Trộm cắp tài sản”.

Tác giả đồng tình với quan điểm thứ tư trong bài viết, đó là: Nguyễn Văn T phạm tội “Trộm cắp tài sản” theo quy định tại Điều 173 BLHS. Bởi vì xét về hành vi khách quan của tội “Trộm cắp tài sản” là hành vi "chiếm đoạt" tài sản, nhưng chiếm đoạt bằng hình thức lén lút, với thủ đoạn lợi dụng sơ hở, mất cảnh giác của người quản lý tài sản, hoặc lợi dụng vào hoàn cảnh khách quan khác như: chen lấn, xô đẩy, nhằm tiếp cận tài sản để thực hiện hành vi chiếm đoạt mà người quản lý tài sản không biết. Hành vi lén lút đối với chủ sở hữu, người quản lý tài sản mà không nhất thiết phải lén lút với tất cả mọi người.

Trở lại với nội dung vụ án, sau khi Nguyễn Văn T có được điện thoại di động do chị V là nhân viên cửa hàng lấy cho xem, T có ý định đổi bằng điện thoại của mình nhưng không được, sau đó T có ý định chiếm đoạt chiếc điện thoại di động trên bằng cách lừa dối chị V, làm cho chị V tin tưởng rằng T đã đưa lại điện thoại cho anh H là nhân viên kỹ thuật, nhưng T đã giấu chiếc điện thoại vào túi quần trước đó, khi bị phát hiện thì T đã nhanh chóng bỏ chạy ra khỏi cửa hàng. Trong trường hợp này tội phạm “Trộm cắp tài sản” đã hoàn thành khi Nguyễn Văn T có hành vi lén lút cất điện thoại vào túi quần của mình và lợi dụng sự sơ hở của chị V trong việc quản lý tài sản, T đã dùng thủ đoạn lừa dối làm cho các nhân viên cửa hàng tin tưởng rằng T đã trả lại điện thoại rồi.

Mặc dù hành vi của Nguyễn Văn T có dùng thủ đoạn gian dối (làm cho nhân viên cửa hàng điện thoại tin tưởng là T đã trả lại điện thoại) và hành vi nhanh chóng tẩu thoát nên có quan điểm cho răng T phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và tội “Cướp giật tài sản”, tuy nhiên dấu hiệu gian dối của T là nhằm mục đích tiếp cận tài sản chứ không phải gian dối để chiếm đoạt tài sản nên không cấu thành tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Đối với hành vi nhanh chóng tẩu thoát (bỏ chạy nhanh khỏi cửa hàng điện thoại làm cho các nhân viên và bảo vệ không đuổi bắt kịp), như đã phân tích ở trên thì thời điểm này tội phạm “Trộm cắp tài sản” của T đã hoàn thành trước đó (từ khi T cất điện thoại vào túi quần) nên không cấu thành tội “Cướp giật tài sản” như các quan điểm đã nêu.

Trên đây là ý kiến trao đổi của tác giả mong được trao đổi cùng bạn đọc./.

 

Cửa hàng điện thoại - Ảnh minh họa

TRẦN THANH SƠN (Toà án quân sự Khu vực Quân khu 7)