Thời hạn chuẩn bị xét xử không có vướng mắc

Sau khi nghiên cứu bài viết “Vướng mắc về thời hạn chuẩn bị xét xử theo Điều 277 BLTTHS 2015” của tác giả Nguyễn Minh Cương, tôi cho rằng vận dụng đúng pháp luật thì không có vướng mắc.

Qua ví dụ cụ thể tác giả nêu và các quan điểm xung quanh việc xác định thời hạn chuẩn bị xét xử, trong đó tác giả đồng tình với quan điểm thứ hai. Tôi có quan điểm không đồng tình với quan điểm của tác giả đã nêu mà tôi nhất trí với quan điểm thứ nhất với ngoài những nhận định mà tác giả nêu, tôi xin bổ sung và phản biện lại đối với quan điểm của tác giả, cụ thể:

Thứ nhất, đối với nhận định của tác giả khi cho rằng: “Điều 277 về thời hạn chuẩn bị xét xử của BLTTHS 2015 so với BLTTHS 2003 (Điều 176) không có gì khác nhau, hiện nay cũng chưa có hướng dẫn mới về vấn đề này, do đó thực tiễn giải quyết, xét xử hiện vẫn áp dụng Nghị quyết số 04/2004/NQ-HĐTP ngày 05/11/2004 của HĐTP TANDTC hướng dẫn thi hành một số quy định trong Phần thứ ba “Xét xử sơ thẩm” của BLTTHS 2003. Tại tiểu mục 1.2 và 1.3, Mục 1, Chương I của Nghị quyết đã hướng dẫn chi tiết Điều 176 BLTTHS 2003.”. Tôi cho rằng nhận định này là chưa phù hợp. Bởi, Nghị quyết số 04/2004/NQ-HĐTP ngày 05/11/2004 của HĐTP TANDTC hướng dẫn thi hành một số quy định trong Phần thứ ba “Xét xử sơ thẩm” của BLTTHS 2003. Do đó, mặc dù BLTTHS năm 2015 so với BLTTHS năm 2003 giữa các Điều 227 và Điều 176 ở các Bộ luật quy định về thời hạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm không có gì khác nhau nhưng không vì thế mà cho rằng vẫn áp dụng Nghị quyết số 04/2004/NQ-HĐTP ngày 05/11/2004 của HĐTP TANDTC hướng dẫn thi hành một số quy định trong Phần thứ ba “Xét xử sơ thẩm” của BLTTHS 2003 để xác định thời hạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm, mà chỉ có thể vận dụng tinh thần mới phù hợp và đúng pháp luật.

Thứ hai, đối với trường hợp vụ án cụ thể tác giả nêu, theo quan điểm của tôi thì đối với trường hợp này sẽ chia ra 2 trường hợp:

Một là, nếu sau khi Tòa án X thụ lý lại vụ án lần thứ 02 xét thấy vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của mình thì thời hạn chuẩn bị xét xử được tính như trường hợp Tòa án trả hồ sơ vụ án cho VKS để yêu cầu điều tra bổ sung, đó là thời hạn chuẩn bị xét xử của Tòa án khi thụ lý vụ án lần 2 là 15 ngày chứ không phải là 30 ngày. Căn cứ theo quy định tại khoản 2 Điều 277 BLTTHS năm 2015.

Hai là, nếu sau khi Tòa án X thụ lý lại vụ án lần thứ 02 xét thấy vụ án vẫn không thuộc thẩm quyền của mình thì việc giải quyết tranh chấp thẩm quyền xét xử thực hiện theo Điều 275 BLTTHS và Viện Kiểm sát phải thực hiện theo quyết định của Tòa án có thẩm quyền. Trong trường hợp này thời hạn chuẩn bị xét xử cũng là 15 ngày và trường hợp này được xác định là vụ án phức tạp nên Chánh án Tòa án X có thể quyết định việc gia hạn thời hạn chuẩn bị xét xử và trường hợp này không quá 15 ngày theo quy định tại Điều 277 BLTTHS để Tòa án thực hiện các thủ tục theo Điều 275 BLTTHS giải quyết tranh chấp về thẩm quyền xét xử.

Trên cơ sở phân tích các lý do trên tôi cho rằng quan điểm của tác giả đồng tình với quan điểm thứ hai đó là: Tòa án X đã giải quyết vụ án với Quyết định trả hồ sơ vụ án ngày 01/11/2019, do đó khi Tòa án X nhận lại hồ sơ và thụ lý lại vụ án lần 02 thì vụ án này được xem là một vụ án mới, do đó thời hạn chuẩn bị xét xử của lần thụ lý 2 vẫn là 02 tháng (đối với tội phạm nghiêm trọng) như lần thụ lý 1 là chưa phù hợp với quy định của pháp luật. Bởi vì việc ra Quyết định trả hồ sơ để yêu cầu điều tra bổ sung chỉ là một trong những quyết định mà Thẩm phán chủ tọa phiên tòa phải ra trong thời hạn chuẩn bị xét xử khi có căn cứ theo quy định của pháp luật chứ chưa phải là đã giải quyết trọn vẹn vụ án. Vì việc giải quyết vụ án phải kết thúc bằng một bản án hoặc Quyết định đình chỉ vụ án. Do vậy, khi nhận lại hồ sơ vụ án thì thời hạn chuẩn bị xét xử phải tuân thủ theo quy định tại khoản 2 Điều 277 BLTTHS đó là: “2. Đối với vụ án được trả lại để yêu cầu điều tra bổ sung thì trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận lại hồ sơ, Thẩm phán chủ tọa phiên tòa phải ra quyết định đưa vụ án ra xét xử. Trường hợp phục hồi vụ án thì thời hạn chuẩn bị xét xử theo thủ tục chung quy định tại Bộ luật này kể từ ngày Tòa án ra quyết định phục hồi vụ án.”.

Trên đây là quan điểm cá nhân của tôi đối với  bài viết “Vướng mắc về thời hạn chuẩn bị xét xử theo Điều 277 BLTTHS 2015” xin được trao đổi với tác giả và quý bạn đọc./.

 

TAND tỉnh Đắk Lắk xét xử vụ án hình sự – Ảnh: Thanh Tùng

 

                                                                  

 

Ths. ĐỖ NGỌC BÌNH ( TAQS Thủ đô Hà Nội)