Trần Ngọc K phạm tội làm mất vũ khí quân dụng

Sau khi nghiên cứu bài viết “Trần Ngọc K phạm tội gì?” của tác giả Trần Thanh Sơn đăng ngày 24/11/2021, tôi đồng ý với quan điểm thứ hai: Cần truy tố và xét xử Trần Ngọc K về tội “Làm mất vũ khí quân dụng” quy định tại Điều 414 Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 2015.

Thứ nhất, về khách thể của tội phạm

Trước hết, cần phải xác định, đối tượng bị xâm phạm trong tình huống này là vũ khí quân dụng (cụ thể là 8 khẩu súng K54) được Nhà nước trang bị cho Sư đoàn H, Quân khu K quản lý. Theo khoản 2 Điều 3 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ số 14/2017/QH14 ngày 20/6/ 2017, sửa đổi, bổ sung năm 2019 quy định:

2. Vũ khí quân dụng là vũ khí được chế tạo, sản xuất bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật, thiết kế của nhà sản xuất hợp pháp, được trang bị cho lực lượng vũ trang nhân dân và các lực lượng khác theo quy định của Luật này để thi hành công vụ, bao gồm: a) Súng cầm tay bao gồm: súng ngắn, súng trường, súng tiểu liên, súng trung liên, súng chống tăng, súng phóng lựu... (Súng K54 nằm trong phạm vi quy định tại điểm này).

Vũ khí quân dụng được xác định là tài sản đặc biệt của Nhà nước giao cho quân đội để huấn luyện và chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, chính vì điểm đặc biệt này mà tội làm mất vũ khí quân dụng được quy định thành một tội danh độc lập trong BLHS năm 2015 thuộc Chương XXV - Các tội xâm phạm nghĩa vụ, trách nhiệm của quân nhân và trách nhiệm của người phối thuộc với quân đội trong chiến đấu, phục vụ chiến đấu. Do đó, khách thể bị xâm hại là quyền sở hữu của Nhà nước đối với vũ khí quân dụng và sức mạnh, khả năng sẵn sàng chiến đấu của quân đội (trong tội làm mất vũ khí quân dụng) được hướng đến nhiều hơn là hoạt động đúng đắn của cơ quan, tổ chức... (trong tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng quy định tại Điều 360 BLHS năm 2015).

Thứ hai, về chủ thể của tội phạm

Chủ thể của tội phạm làm mất vũ khí quân dụng là chủ thể đặc biệt. Chỉ có những người được quy định tại Điều 392 BLHS năm 2015 mới có thể thực hiện tội phạm. Cụ thể: 1) Quân nhân tại ngũ, công nhân, viên chức quốc phòng; 2) Quân nhân dự bị trong thời gian tập trung huấn luyện; 3) Dân quân, tự vệ trong thời gian phối thuộc với quân đội trong chiến đấu, phục vụ chiến đấu; 4) Công dân được trưng tập vào phục vụ trong quân đội.

Trong vụ án này, Trần Ngọc K là Thượng úy, quân nhân chuyên thuộc Sư đoàn H, Quân khu K được bổ nhiệm giữ chức vụ Thủ kho vũ khí của Sư đoàn H từ năm 2009, K đã được đào tạo, bồi dưỡng về nghiệp vụ quản lý, bảo dưỡng vũ khí của đơn vị nên đã đáp ứng đủ điều kiện về chủ thể đặc biệt của tội phạm này.

Thứ ba, về mặt khách quan của tội phạm

Hành vi khách quan của tội làm mất vũ khí quân dụng là hành vi vi phạm các quy định về quản lý, giữ gìn, vận chuyển làm cho vũ khí quân dụng thoát ly khỏi sự quản lý của đơn vị được giao quản lý, sử dụng. Căn cứ vào nội dung của vụ án, trong quá trình đảm nhiệm chức trách, nhiệm vụ thủ kho, Trần Ngọc K đã thực hiện không đầy đủ các quy định về quản lý vũ khí, đạn dược và tự ý bàn giao chìa khóa kho cho Trần Thanh H là trợ lý kỹ thuật của đơn vị khi chưa có sự chỉ đạo của chỉ huy đơn vị, đó là khoảng thời gian từ ngày 10/02 đến 14/02/2018 và khoảng thời gian từ 25/02 đến 27/02/2018 (khoảng thời gian Trần Ngọc K nghỉ tết và nghỉ tranh thủ). Việc giao nhận chìa khóa kho giữa hai người này không được lập thành biên bản và không có người chứng kiến. Dẫn đến hậu quả nghiêm trọng làm mất 8 khẩu súng ngắn K54, thoát ly khỏi sự quản lý của Sư đoàn H, Quân khu K khi đơn vị tiến hành tổng kiểm kê, kiểm tra số lượng, chất lượng các loại vũ khí, đạn dược trong kho Sư đoàn vào ngày 25/4/2018. Thời điểm tội phạm hoàn thành từ khi có hậu quả nghiêm trọng xảy ra.

Thứ tư, về mặt chủ quan của tội phạm

Tội phạm được thực hiện do lỗi vô ý, dựa theo diễn biến của vụ án, bước đầu có thể xác định Trần Ngọc K vô ý phạm tội do quá tự tin, K thấy trước được hành vi của mình có thể gây ra hậu quả nguy hại cho xã hội nhưng K cho rằng hậu quả đó sẽ không xảy ra hoặc có thể ngăn ngừa được.

Trên cơ sở phân tích bốn yếu tố cấu thành tội phạm của tội làm mất vũ khí quân dụng quy định tại Điều 414 BLHS năm 2015 và tính chất đặc biệt về đối tượng bị xâm phạm là vũ khí quân dụng. Có thể thấy, việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với Trần Ngọc K về tội danh “Làm mất vũ khí quân dụng” là hoàn toàn phù hợp trên cả phương diện lý luận và thực tiễn đấu tranh phòng chống tội phạm.

Trên đây là một số quan điểm của tác giả về bài viết, mong nhận được sự trao đổi của các độc giả./.

Tác giả Phùng Hoàng (Tòa án quân sự Quân khu 1) cũng đưa ra quan điểm tương đồng,Trần Ngọc K phạm tội “Làm mất vũ khí quân dụng”.

Xem thêm: Trần Ngọc K phạm tội gì?

Tòa án quân sự Quân khu 1  xét xử phúc thẩm  vụ án hình sự - Ảnh: Hoàng Nguyên Thắng

 

ThS LẠI SƠN TÙNG (Khoa Cảnh sát kinh tế - Học viện Cảnh sát nhân dân)