Trần Văn A phạm tội giết người

Sau khi nghiên cứu bài viết “Trần Văn A phạm tội gì?” của tác giả Lưu Trung Huy đăng ngày 20/9/2021, tôi đồng ý với quan điểm thứ nhất khi xác định Trần Văn A phạm tội “Giết người” theo quy định tại Điều 123 BLHS.

Thứ nhất, không thể cho rằng Trần Văn A phạm tội giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh. Bởi lẽ, giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh là trường hợp người phạm tội giết nạn nhân trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh do hành vi trái pháp luật nghiêm trọng của nạn nhân. Cụ thể trong vụ án này, Đinh Văn K là người đã chủ động đến phía A, hai bên to tiếng với nhau, K đã cầm cổ áo đấm vào mắt A và kéo A xuống làm A bị ngã, đồng thời K rút một vật nhọn dài chừng 30 – 40cm màu đen trong người ra (không xác định được đó là vật gì), do đó không thể xem là hành vi trái pháp luật nghiêm trọng được.

Hành vi của K chưa thể coi là hành vi trái pháp luật nghiêm trọng và đang trực tiếp đe dọa đến tính mạng, sức khỏe của A nên việc A dùng gậy ba khúc dấu sẵn trong người ra đập mạnh vào vùng đầu K nhiều nhát làm K gục xuống và dẫn đến hôm sau K tử vong, không thể coi hành vi phạm tội của Trần Văn A là giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh được.

Thứ hai, cũng không thể cho rằng hành vi của Trần Văn A phạm tội “Giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng” vì đối với tội phạm này được thể hiện bằng hành vi cố ý tước đoạt tính mạng người đang có hành vi xâm phạm đến quyền và lợi ích chính đáng của mình, của người khác hoặc lợi ích của Nhà nước, của cơ quan, tổ chức một cách quá mức cần thiết (hay không cần thiết). Do đó, việc xác định các dấu hiệu cơ bản của tội phạm này nhất thiết phải căn cứ vào các quy định của pháp luật hình sự quy định về phòng vệ chính đáng. Bởi lẽ, không có phòng vệ chính đáng thì không có vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng. Theo quy định tại Điều 22 BLHS 2015 thì “Phòng vệ chính đáng là hành vi của người vì bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của mình, của người khác hoặc lợi ích của Nhà nước, của cơ quan, tổ chức mà chống trả lại một cách cần thiết người đang có hành vi xâm phạm các lợi ích nói trên. Phòng vệ chính đáng không phải là tội phạm”. Như vậy, mục đích của người có hành vi phòng vệ chính đáng là nhằm bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của mình, của người khác hoặc lợi ích của Nhà nước, của cơ quan, tổ chức, đồng thời chống trả lại một cách cần thiết cho chính người có hành vi tấn công và vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng, có nghĩa sự chống trả một cách quá mức cần thiết (hay không cần thiết).

Đối chiếu với nội dung vụ án thì hành vi của Trần Văn A không thỏa mãn các dấu hiệu của tội giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng. Bởi vì:

Một là, hành vi tấn công đang xâm hại lợi ích hợp pháp đây là cơ sở làm phát sinh quyền phòng vệ chính đáng. Xuất phát từ hành vi tấn công thì làm phát sinh quyền phòng vệ chính đáng và nếu không có hành vi tấn công xâm hại các lợi ích hợp pháp thì không có phòng vệ chính đáng. Ở đây, hành vi của K không thể coi là hành vi trái pháp luật nghiêm trọng và đang trực tiếp đe dọa đến tính mạng, sức khỏe của A nên việc A dùng gậy ba khúc dấu sẵn trong người ra đập mạnh vào vùng đầu K nhiều nhát làm K gục xuống, có thể khẳng định là không có cơ sở để phát sinh quyền phòng vệ chính đáng của A.

Hai là, mặc dù hành vi tấn công là có thật và đang diễn ra nhưng thực sự có gây thiệt hại hoặc đe dọa ngay tức khắc cho những lợi ích hợp pháp cần được pháp luật bảo vệ hay không? Đối chiếu với nội dung vụ án cho thấy, K đã chủ động cầm cổ áo tấn công A và kéo A xuống làm A bị ngã, đồng thời K rút một vật nhọn dài chừng 30 – 40cm màu đen trong người ra (không xác định được đó là vật gì), hành vi này không đe dọa trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe của A, lúc này A vẫn có cơ hội bỏ chạy nhưng do A đã có chuẩn bị gậy ba khúc từ trước và giấu sẵn trong người nên khi A bị đánh thì A đã dùng gậy ba khúc tấn công vào vùng đầu của K.

Ba là, hành vi phòng vệ chỉ được coi là chính đáng khi hành vi đó là hành vi chống trả cần thiết và ngược lại. Như vậy, việc K chỉ dùng tay đấm vào mắt A mà A đã dùng gậy ba khúc đập mạnh vào vùng đầu của K nhiều nhát là hành hành vi chống trả không cần thiết. Do vậy, hành vi phạm tội của A phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm tương ứng khi hành vi chống trả rõ ràng là quá mức cần thiết (không cần thiết).

Từ những phân tích trên, tôi cho rằng hành vi của Trần Văn A đã phạm tội “Giết người” quy định tại Điều 123 BLHS 2015. Còn về các hành vi của Đinh Văn K đối với Trần Văn A thì đó được xem là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho Trần Văn A.

Cùng quan điểm cho rằng Trần Văn A đã phạm tội “Giết người” còn có các tác giả Nguyễn Gia Hoàng (Viện kiểm sát quân sự khu vực 12/ Quân khu 1); Nguyễn Văn Lam (Tòa án quân sự Quân khu 9; Phạm Văn Minh (Công an TP. Long Khánh, Đồng Nai); Lê Văn Quang (Trưởng phòng 9, VKSND tỉnh Bình Phước...

 

TAND tỉnh Nam Định xét xử vụ án giết người - Ảnh: Vũ Hoàng Giang

HUỲNH PHAN CHÂU THÀNH (Tòa án quân sự Khu vực Quân khu 7)