Tranh chấp vàng thi hành án: Mỗi cấp tòa một cách tuyên, quan điểm nào đúng

       Ông Lương Văn Đằng có nợ của bà Trần Thị Hồng số vàng là 20 chỉ vàng 24k, do ông Đằng bị bệnh tâm thần và không có khả năng trả nợ nên bà Hồng đã khởi kiện ra TAND huyện Cái Bè, Tiền Giang để yêu cầu gia đình ông Đằng trả số vàng nêu trên.

       Ngày 22/7/2002, anh Lương Văn Vằn (con ông Đằng) đồng ý thực hiện trả nợ thay cha mình. Bà Hồng cũng đồng ý nên Tòa án đã ban hành Quyết định số 67/QĐ-DS ngày 22/7/2002 để công nhận sự thỏa thuận của các đương sự. Theo quyết định anh Vằn có nghĩa vụ trả cho bà Hồng 20 chỉ vàng 24k bằng hình thức cứ ba tháng trả một lần, mỗi lần một chỉ vàng 24k cho đến khi xong nợ.

       Thực hiện theo quyết định của Tòa án, anh Vằn đã nộp cho Chi cục Thi hành án dân sự huyện Cái Bè 04 chỉ vàng, sau đó anh Vằn và bà Hồng thỏa thuận thi hành án tại địa phương (việc thỏa thuận thi hành án này, cơ quan thi hành án không biết). Sau khi thỏa thuận với bà Hồng thì cứ ba tháng anh Vằn trả cho bà Hồng  01 chỉ vàng 24k, mỗi lần trả vàng bà Hồng đều ký biên nhận. Tổng cộng anh Vằn đã trả cho bà Hồng được 14 chỉ vàng 24k (không tính 04 chỉ đã nộp cho Chi cục Thi hành án) nhưng do bà Hồng không thừa nhận việc anh Vằn đã thi hành án nên anh Vằn khởi kiện đòi bà Hồng trả 14 chỉ vàng 24k để khấu trừ vào số vàng mà anh Vằn  phải thi hành án cho bà Hồng.

       Tại phiên tòa sơ thẩm bà Hồng thừa nhận các biên nhận vàng đều do bà ký và nhận vàng từ anh Vằn đúng theo nội dung biên nhận nhưng bà Hồng cho rằng số vàng 14 chỉ này là do anh Vằn thực hiện nghĩa vụ trả một khoản nợ khác cho bà chứ không liên quan gì đến số vàng mà anh Vằn phải trả để thi hành theo Quyết định của Tòa án.

       Chi cục Thi hành án dân sự huyện Cái Bè khẳng định không biết việc thỏa thuận thi hành án tại địa phương giữa bà Hồng và anh Vằn nên xin Tòa án xét xử vắng mặt.

       Sau khi xem xét các chứng cứ và kết quả tranh luận tại phiên tòa, Hội đồng xét xử sơ thẩm đã nhận định rằng: Việc anh Vằn khởi kiện đòi bà Hồng phải trả số vàng đã bị chiếm đoạt tổng cộng là 14 chỉ vàng 24k để khấu trừ số vàng mà anh Vằn phải thi hành án là có cơ sở. Vì khi khởi kiện anh Vằn đã cung cấp 11 tờ biên nhận do bà Hồng ký tên, các biên nhận này bà Hồng cũng thừa nhận do bà ký tên và nhận vàng của anh Vằn tổng cộng 14 chỉ vàng 24k.

       Việc bà Hồng nại rằng số vàng này không phải để thi hành theo Quyết định số 67/QĐ-DS của Tòa án mà là trả thay cho cha anh Vằn khoản nợ khác nhưng không có chứng cứ gì để chứng minh và anh Vằn cũng không thừa nhận việc anh Vằn có trả thay khoản nợ khác cho cha mình. Đồng thời đối chiếu với thời gian trả nợ, khoảng cách thời gian lập của các biên nhận cũng phù hợp với thỏa thuận ghi nhận trong Quyết định số 67/QĐ-DS của Tòa án. Do đó, Hội đồng xét xử sơ thẩm đã tuyên chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của anh Vằn: Buộc bà Hồng có trách nhiệm trả cho anh Vằn 14 chỉ vàng 24kr, trả một lần ngay khi án có hiệu lực pháp luật. Ngoài ra, bản án sơ thẩm còn tuyên buộc bà Hồng phải chịu 2.275.000 đồng án phí, hoàn cho anh Vằn 1.120.000đồng tiền tạm ứng án phí đã nộp.

       Không đồng ý với bản án sơ thẩm nên bà Hồng đã nộp đơn kháng cáo đến TAND tỉnh Tiền Giang yêu cầu xét xử phúc thẩm để sửa toàn bộ bản án sơ thẩm, không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của anh Vằn.

      Tại phiên tòa phúc thẩm, đại diện Viện kiểm sát đề nghị giữ nguyên bản án sơ thẩm. Tuy nhiên, Hội đồng xét xử phúc thẩm đã nhận định án sơ thẩm cho rằng số vàng 14 chỉ vàng 24k mà anh Vằn trả cho bà Hồng nhận theo 11 biên nhận là trả thay cho ông Đằng theo Quyết định số 67/QĐ-DS của Tòa án là có căn cứ pháp lý.

       Nhưng án sơ thẩm không khấu trừ 14 chỉ vàng 24k này vào nghĩa vụ thi hành án của anh Vằn là chưa đảm bảo quyền lợi của các đương sự vì tại phiên tòa anh Vằn đồng ý khấu trừ số vàng nêu trên mà bà Hồng đã nhận tại địa phương, để anh Vằn nộp tiếp 02 chỉ vàng 24k còn lại theo Quyết định số 67/QĐ-DS. Do đó, Hội đồng xét xử phúc thẩm đã chấp nhận yêu cầu kháng cáo của bà Hồng, sửa bản án sơ thẩm, không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của anh Vằn, xác định 14 chỉ vàng anh Vằn đã trả cho bà Hồng nhận là thi hành theo Quyết định số 67/QĐ-DS. Bản án phúc thẩm cũng tuyên buộc anh Vằn phải chịu 2.275.000 đ án phí (14 chỉ vàng 24 k được quy ra thành tiền là 45.500.000đ) và được khấu trừ vào số tiền tạm ứng án phí đã nộp là 1.120.000đ, nên phải nộp tiếp 1.155.000 đ. Hoàn lại cho bà Hồng 200.000 đ tạm ứng án phí phúc thẩm.

       Cả hai cấp xét xử đều xác định số vàng 14 chỉ vàng 24k mà bà Hồng đã nhận từ ông Vằn theo 11 biên nhận là số vàng đã thi hành án tại địa phương theo Quyết định số 67/QĐ-DS của Tòa án nhưng cấp sơ thẩm thì tuyên chấp nhận yêu cầu khởi kiện của anh Vằn; còn cấp phúc thẩm thì tuyên không chấp nhận yêu cầu của anh Vằn. Điều này dẫn đến nghĩa vụ chịu án phí của hai bên đương sự trong hai cách tuyên là khác nhau hoàn toàn.

       Chúng tôi cho rằng, trong các vụ án dân sự, án phí có ý nghĩa rất quan trọng, nó là công cụ, là chế tài vật chất cần thiết để ngăn ngừa, hạn chế những yêu cầu khởi kiện, cũng như những vụ án không có căn cứ pháp lý. Theo đó, về nguyên tắc nếu yêu cầu của đương sự không có cơ sở (không có căn cứ pháp lý) thì không được Tòa án chấp nhận và người yêu cầu phải chịu phần án phí đối với yêu cầu đó. Trong vụ án nêu trên, việc anh Vằn khởi kiện đòi bà Hồng trả lại số vàng đã bị chiếm đoạt tổng cộng là 14 chỉ vàng 24k để khấu trừ số vàng mà anh Vằn phải thi hành án đều được hai cấp tòa nhận định là có căn cứ pháp lý, nên về nguyên tắc thì anh Vằn không phải chịu án phí, nghĩa là Tòa án cần phải tuyên chấp nhận yêu cầu khởi kiện của anh Vằn.

       Việc Tòa cấp phúc thẩm cho rằng cách tuyên của cấp sơ thẩm không đảm bảo quyền lợi của các đương sự là không thuyết phục. Bởi lẽ:

       – Tòa cấp sơ thẩm tuyên chấp nhận yêu cầu khởi kiện của anh Vằn, buộc bà Hồng phải trả 14 chỉ vàng 24k thì anh Vằn không phải chịu án phí và được hoàn lại 1.120.000đ. Khi bản án có hiệu lực thì anh Vằn sẽ nộp đơn yêu cầu thi hành án, cơ quan thi hành án sẽ ban hành quyết định thi hành án và thực hiện khấu trừ giữa hai việc thi hành án với nhau; và anh Vằn, bà Hồng đều phải chịu phí thi hành án theo quy định của pháp luật là 3% trên giá trị tài sản được nhận (tương đương số tiền là 1.365.000đ (giả sử số vàng 14 chỉ cùng có giá trị giống thời điểm xét xử là 45.500.000đ). Như vậy, với cách tuyên này, anh Vằn phải nộp cho ngân sách, sau khi khấu trừ số tiền án phí được nhận hoàn là (1.365.000đ – 1.120.000đ = 245.000đ), bà Hồng phải nộp cho ngân sách gồm các khoản tổng cộng là 3.840.000đ (phí thi hành án là 1.365.000đ, án phí sơ thẩm là 2.275.000đ, án phí phúc thẩm là 200.000đ)

.        – Nhưng với cách tuyên của cấp phúc thẩm, không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của anh Vằn thì anh Vằn phải chịu án phí theo quy định là 2.275.000đ, bà Hồng chỉ phải chịu phí thi hành án theo quy định là 1.365.000đ và được nhận lại 200.000đ tạm ứng án phí phúc thẩm, nên bà Hồng phải nộp thêm vào ngân sách với số tiền 1.165.000đ.

      Như vậy, cách tuyên của cấp phúc thẩm sẽ làm cho anh Vằn bị thiệt hại quyền lợi hơn so với cách tuyên của cấp sơ thẩm.

       Mặc dù, tại phiên tòa anh Vằn đồng ý khấu trừ vào số vàng thi hành án nhưng cấp phúc thẩm không hề giải thích quyền lợi của các bên với các cách tuyên này. Đồng thời, càng không thể xem là anh Vằn đồng ý với thiệt hại về số tiền án phí phải chịu. Mặt khác, việc bà Hồng kháng cáo yêu cầu Tòa án không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của anh Vằn, nghĩa là xác định số vàng trên không phải là số vàng thi hành án mà là số vàng do anh Vằn trả nợ thay cho cha mình đối với một khoản nợ khác nhưng cấp phúc thẩm chấp nhận kháng cáo của bà Hồng khi đã xác định số vàng trên là số vàng thi hành án là mâu thuẩn. Vì mục đích cốt lõi trong việc kháng cáo của bà Hồng là phủ nhận số vàng trên là vàng để thi hành án nhưng cả hai cấp xét xử đều xác định yêu cầu của bà Hồng là không có cơ sở. Do vậy, cấp phúc thẩm không có cơ sở nào để tuyên chấp nhận kháng cáo của bà Hồng.

       Chính vì vậy, theo quan điểm của tác giả thì cách tuyên án của cấp phúc thẩm là không công bằng vì đã gây thiệt hại cho người có hành vi pháp lý phù hợp (anh Vằn), nhưng lại bảo vệ quyền lợi cho người có hành vi pháp lý không phù hợp (bà Hồng).

       Rất mong nhận được sự trao đổi, góp ý của các bạn đọc.

Huỳnh Minh Khánh - Tòa án nhân dân huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang