TRAO ĐỔI BÀI VIẾT “SỰ HỖ TRỢ CỦA TÒA ÁN ĐỐI VỚI HOẠT ĐỘNG TRỌNG TÀI THƯƠNG MẠI”

Giảng viên Khoa Luật Dân sự, Trường Đại học Luật TPHCM

          Sau khi đọc nội dung bài viết “Sự hỗ trợ của Tòa án đối với hoạt động Trọng tài thương mại” của tác giả Phan Gia Quý đăng ngày 13/12/2017 trên Tạp chí Tòa án nhân dân điện tử, tôi xin được trao đổi như sau:

         Trong bài viết, tác giả đề cập tới những hoạt động Tòa án thực hiện nhằm hỗ trợ hoạt động của trọng tài thương mại, trong đó có việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời. Tác giả có đặt ra một vấn đề: “Đối với Trọng tài thương mại nước ngoài có hoặc không có địa điểm giải quyết tranh chấp tại Việt Nam, nếu trong quá trình giải quyết tranh chấp của Trọng tài thương mại nước ngoài có một bên có đơn yêu cầu Tòa án Việt Nam áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời để hỗ trợ hoạt động của Trọng tài Thương mại nước ngoài thì Tòa án có hỗ trợ hay không?” Và quan điểm của tác giả là, căn cứ vào khoản 1 Điều 48 Luật trọng tài thương mại 2010 (LTTTM) thì Tòa án có thẩm quyền ra Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời để hỗ trợ hoạt động của Trọng tài thương mại nước ngoài, kể cả Trọng tài Thương mại nước ngoài có hoặc không có địa điểm giải quyết tranh chấp tại Việt Nam.

            Đối với vấn đề này, quan điểm cá nhân tôi chưa hoàn toàn đồng ý với quan điểm của tác giả. Bởi lẽ, khoản 1 Điều 48 LTTTM có quy định “Các bên tranh chấp có quyền yêu cầu Hội đồng trọng tài, Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời theo quy định của Luật này và các quy định của pháp luật có liên quan, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác”. Tuy nhiên, liệu rằng với quy định này, Tòa án đã có đủ cơ sở để phát sinh thẩm quyền áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời khi Trọng tài thương mại nước ngoài có địa điểm giải quyết tranh chấp trong hay ngoài lãnh thổ Việt Nam.

            Xét quy định tại Điều 1 LTTTM về phạm vi điều chỉnh, theo đó “Luật này quy định về thẩm quyền của Trọng tài thương mại, các hình thức trọng tài, tổ chức trọng tài, Trọng tài viên; trình tự, thủ tục trọng tài; quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của các bên trong tố tụng trọng tài; thẩm quyền của Tòa án đối với hoạt động trọng tài; tổ chức và hoạt động của Trọng tài nước ngoài tại Việt Nam, thi hành phán quyết trọng tài”. Với quy định này, có thể thấy LTTM chỉ được áp dụng để điều chỉnh hoạt động trọng tài đối với Trọng tài nước ngoài tại Việt Nam. Nói cách khác, nếu Trọng tài nước ngoài không hoạt động tại Việt Nam thì sẽ không chịu sự điều chỉnh của LTTM nói chung và khoản 1 Điều 48 LTTM trong việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời nói riêng.

            Đồng thời, Nghị quyết 01/2014/NQ-HĐTP ngày 20 tháng 3 năm 2014 của Hội đồng thẩm phán TANDTC Hướng dẫn thi hành một số quy định của Luật Trọng tài thương mại tại khoản 5 Điều 5 có quy địnhXác định thẩm quyền của Tòa án đối với hoạt động của Trọng tài nước ngoài tại Việt Nam: a) Trọng tài nước ngoài tiến hành việc giải quyết tranh chấp và có yêu cầu Tòa án Việt Nam hỗ trợ hoạt động thì Tòa án Việt Nam có thẩm quyền đối với hoạt động của Trọng tài nước ngoài theo quy định tại các điểm a, b, c, d, đ và e khoản 2 Điều 7 Luật TTTM”. Qua đó, có thể thấy rằng, Hội đồng thẩm phán TANDTC cũng chỉ giới hạn việc hỗ trợ của Tòa án Việt Nam đối với Trọng tài nước ngoài nếu như Trọng tài nước ngoài hoạt động tại Việt Nam.

            Như vậy, với quy định của LTTM và hướng dẫn của Nghị quyết 01/2014/NQ-HĐTP, quan điểm cá nhân cho rằng Tòa án Việt Nam chỉ có thẩm quyền áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời và các hoạt động khác để hỗ trợ Trọng tài nước ngoài nếu Trọng tài nước ngoài hoạt động hay tiến hành giải quyết tranh chấp tại Việt Nam. Ngược lại, trong trường hợp Trọng tài nước ngoài tiến hành giải quyết tranh chấp tại nước ngoài thì pháp luật Việt Nam chưa ghi nhận cơ sở pháp lý để Tòa án có thẩm quyền tiến hành những hoạt động hỗ trợ như đã nêu.

            Trên đây là ý kiến cá nhân của tôi xin trao đổi cùng tác giả Phan Gia Quý, đồng nghiệp và bạn đọc của Tạp chí Tòa án./.

 

ThS. HUỲNH QUANG THUẬN