Tư cách bị cáo, cá nhân bị thiệt hại là một trong các căn cứ xác định thẩm quyền xét xử

Qua nghiên cứu nội dung bài viết của tác giả Nguyễn Thành Giang đăng trên tạp chí Toà án điện tử ngày 15/03/2020 với nội dung “Toà án nào có thẩm quyền xét xử vụ án?” và một số bài viết trao đổi của các tác giả khác, tác giả cho rằng vụ án thuộc thẩm quyền của Tòa án quân sự.

Việc xác định thẩm quyền của Toà án quân sự hiện nay được căn cứ theo Điều 272 BLTTHS 2015.

Qua phân tích Điều 272, chúng ta có thể nhận thấy hiện nay việc xác định thẩm quyển xét xử của Toà án quân sự dựa trên việc đánh giá tư cách của bị cáo, cá nhân bị thiệt hại – theo thứ tự từ bị cáo đến cá nhân bị thiệt hại (trừ các trường hợp liên quan đến bí mật quân sự, gây thiệt hại đến tài sản, danh dự, uy tín của Quân đội nhân dân hoặc phạm tội trong doanh trại quân đội hoặc khu vực quân sự do Quân đội nhân dân quản lý, bảo vệ quy định tại điểm b khoản 1 Điều 272 hay trường hợp tội phạm xảy ra trong địa bàn thiết quân luật quy định tại khoản 2).

Cụ thể là theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 272 BLTTHS nếu trong một vụ án hình sự mà bị cáo là quân nhân tại ngũ, công chức, công nhân, viên chức quốc phòng, quân nhân dự bị trong thời gian tập trung huấn luyện hoặc kiểm tra tình trạng sẵn sàng chiến đấu; dân quân, tự vệ trong thời gian tập trung huấn luyện hoặc phối thuộc với Quân đội nhân dân trong chiến đấu, phục vụ chiến đấu; công dân được điều động, trưng tập hoặc hợp đồng vào phục vụ trong Quân đội nhân dân thì vụ án thuộc thẩm quyền xét xử của TAQS (đây là trường hợp xác định thẩm quyền dựa trên tư cách bị cáo). Tuy nhiên theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều này (trường hợp bị cáo không có tư cách quy định tại điểm a khoản 1) thì việc xác định Toà án có thẩm quyền xét xử được dựa trên việc đánh giá tư cách cá nhân bị gây thiệt hại – trong đó, điều kiện cần: cá nhân là quân nhân tại ngũ, công chức, công nhân, viên chức quốc phòng, quân nhân dự bị trong thời gian tập trung huấn luyện hoặc kiểm tra tình trạng sẵn sàng chiến đấu; điều kiện đủ là bị thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm.

Đến đây sẽ có những quan điểm cho rằng thiệt hại do hành vi của K đối với quân nhân Q trong tình huống trên chưa cấu thành tội phạm và “thiệt hại” theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 272 được hiểu là thiệt hại đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

Theo tôi, quan điểm trên chưa chính xác bởi lẽ theo khoa học luật hình sự, có 02 loại hình thiệt hại bao gồm: thiệt hại trực tiếp và thiệt hại gián tiếp. Nếu cá nhân là người bị thiệt hại trực tiếp về thể chất, tinh thần, tài sản do tội phạm gây ra hoặc đe dọa gây ra thì người đó sẽ được xác định với tư cách là người bị hại trong một vụ án hình sự (khoản 1 Điều 62 BLTTHS). Tuy nhiên, nếu cá nhân là người bị thiệt hại gián tiếp do tội phạm gây ra sẽ dẫn đến 02 trường hợp: nếu người đó có đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại thì cơ quan tiến hành tố tụng sẽ xác định họ là nguyên đơn dân sự trong vụ án hình sự hoặc nếu không có đơn, cơ quan tiến hành tố tụng sẽ xác định họ là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án hình sự (khi xét thấy cần thiết). Do đó, theo quy định điểm b khoản 1 Điều 272 phải được hiểu là: quân nhân tại ngũ, công chức, công nhân, viên chức quốc phòng, quân nhân dự bị trong thời gian tập trung huấn luyện hoặc kiểm tra tình trạng sẵn sàng chiến đấu bị thiệt hại (trực tiếp hoặc gián tiếp) về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm…

Dù trong tình huống trên quân nhân Q không phải là bị hại trực tiếp chịu thiệt hại bởi tội phạm gây ra mà chỉ chịu thiệt hại một cách gián tiếp nhưng theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 272 thì Toà án quân sự khu vực, quân khu H có thẩm quyền xét xử hành vi của K.

Một phiên tòa của TAQS QK 2 – Ảnh: Cơ Thạch

 

 

NGUYỄN ĐỨC HÀ (VKSND thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định)