Từ công tác xét xử các đại án: Thúc đẩy tranh tụng tại tòa thế nào?

Các chuyên gia đều nhấn mạnh rằng, bắt đầu bằng chủ trương cải cách tư pháp của Đảng, tiếp đến là sửa đổi trong BLTTHS 2015 đã thúc đẩy tranh tụng mạnh mẽ tại các phiên tòa…

Nhiều “tiền đề” tốt cho tranh tụng

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Gián (nguyên Thẩm phán TAND thành phố Hà Nội) cho rằng nhiều quy định mới của Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 (BLTTHS) đã góp phần quan trọng trong việc tạo ra bước đệm quan trọng trong quá trình tranh tụng tại các phiên tòa. Ông Nguyễn Văn Gián chỉ ra các quy định như: Quy định về sự có mặt của Luật sư ở giai đoạn từ khi có người bị bắt, người bị tạm giữ…; Quy định Luật sư được thu thập và xuất trình chứng cứ; Quy định về việc bố trí, sắp xếp chỗ ngồi của luật sư và kiểm sát viên (KSV); Quy định mới về triệu tập người tiến hành tố tụng như điều tra viên để tham gia phiên tòa… Những quy định mới của BLTTHS 2015 đã tạo nên những tiền đề quan trọng thúc đẩy hoạt động tranh tụng tại phiên tòa.

Vai trò luật sư đôi khi còn mờ nhạt

 

BLTTHS 2015 quy định luật sư được tham gia vụ án từ đầu như tham gia các buổi mời làm việc, hỏi cung sẽ hạn chế việc mớm cung, ép cung, bức cung, giảm thiểu những vi phạm về tố tụng ngay từ đầu vụ án. Luật cũng tạo tiền đề để luật sư tham gia bảo vệ quyền của người bị tạm giam, tạm giữ một cách hiệu quả nhất bằng quy định đổi mới về trình tự, thủ tục để luật sư tham gia bào chữa. Đồng thời, quy định về việc Kiểm sát viên ngồi ngang hàng với điều tra viên cũng tạo những tiền đề tốt cho tranh tụng. Từ việc thay đổi vị trí chỗ ngồi đến những thay đổi về cảm giác vị thế trong quá trình tranh tụng.

Quy định Luật sư được thu thập chứng cứ tạo ra những “bất ngờ” trong tranh tụng. “Luật sư trong vụ án của bác sĩ Hoàng Công Lương đã thu thập được chứng cứ và cung cấp cho tòa án khi xét xử. Khi xuất trình chứng cứ mới làm thay đổi bản chất vụ án, Tòa án đã quay lại xét hỏi, hoãn phiên tòa để điều tra bổ sung dựa trên các chứng cứ mới để làm rõ sự thực vụ án. Trong vụ án trên, Tòa án cũng triệu tập điều tra viên để làm rõ những dấu hiệu của việc vi phạm tố tụng trong quá trình điều tra.

Tòa án là trung tâm với những biến chuyển tích cực

Đánh giá về những chuyển biến tích cực trong quá trình tranh tụng tại nhiều phiên tòa gần đây, Luật sư Trần Hồng Phúc chia sẻ: Công cuộc cải cách tư pháp đang được Nhà nước đẩy mạnh và lấy Tòa án làm trọng tâm cải cách. Cá nhân tôi nhìn nhận từ phiên tòa xét xử việc PVN góp vốn vào Ngân hàng Đại Dương (Oceanbank) mà tôi trực tiếp tham gia đã có rất nhiều những chuyển biến tích cực.

Tranh luận dân chủ, số lượt đối đáp không hạn chế giữa bên buộc tội và bên gỡ tội cũng như đối đáp của các bị cáo. (Riêng phần đối đáp của tôi với đại diện VKS, tôi rất ấn tượng với HĐXX. Khi tôi nêu ý kiến ở “lượt về thứ nhất”, một KSV đã “chặn ngang” nhưng HĐXX đã kịp thời “can thiệp”, đề nghị KSV để cho luật sư bào chữa trình bày ý kiến đề xuất. Ý kiến đối đáp của đại diện VKS ngay lập tức được nêu rất có lợi cho thân chủ của tôi vì VKS cho rằng: “Tất cả những gì bà luật sư đề xuất, VKS đã chấp nhận hết và đề nghị HĐXX xem xét…”, nên tôi đã dừng lại ngay ở lượt về đầu tiên sau khi nghe quan điểm đối đáp này của bên buộc tội.). HĐXX đã tạo không khí dân chủ, văn minh trong tranh luận. Kết thúc tranh luận, HĐXX gửi lời cảm ơn đến những người tham gia tố tụng, các cơ quan, tổ chức liên quan, cơ quan truyền thông, báo chí đã hợp tác cùng HĐXX để bảo đảm nhiệm vụ của phiên tòa; Khi mọi người chuẩn bị rời phòng xử án, Chủ tọa phiên tòa đích thân xuống phía dưới tại khu vực Người bào chữa để chào các luật sư bào chữa đã tham gia phiên tòa. Điều này thể hiện rất cao về văn hóa pháp đình.

Xung quanh hoạt động tranh tụng hiện nay, có nhiều ý kiến băn khoăn về việc ảnh hưởng của dư luận đối với tòa án. Có ý kiến cho rằng, dư luận đã tạo ra những sức ép dẫn đến việc tòa có thể đưa hoặc không đưa ra một quyết định tố tụng. Ông Nguyễn Văn Gián cho rằng: Tôi không đồng tình với những ý kiến đó. Trước kia, có quy định: Không cho hưởng án treo đối với những vụ án mà dư luận xã hội lên án. Nghị quyết sửa đổi mới nhất của TAND tối cao đã bỏ quy định này. Từ thực tế đó, tôi cho rằng, tòa án không chỉ thực hiện tốt nguyên tắc tranh tụng mà tinh thần độc lập khi đưa ra bản án, quyết định của tòa án là rất cao.

Ở nhiều phiên tòa gần đây, nhiều tờ báo đã dự tòa và đưa tin trực tiếp. Điều đó làm nảy sinh lo ngại việc để tự do tranh tụng thái quá và sự đưa tin vội vàng của báo chí có thể làm gia tăng các thông tin giật gân, câu khách ảnh hưởng đến sự nghiêm minh, gây hiểu lầm về diễn biến của vụ án tác động tiêu cực đến kết quả tranh tụng. Ông Nguyễn Văn Gián bày tỏ quan điểm: Trên tinh thần tranh tụng, bản lĩnh, vị trí, vai trò của thẩm phán rất quan trọng. Tôi nhớ trong phiên tòa tại Hòa Bình, HĐXX còn yêu cầu luật sư rời khỏi phòng xử án vì không tuân theo sự điều khiển của HĐXX. Đồng thời ở nhiều vụ án khác, HĐXX còn chủ động nhắc nhở luật sư vắng mặt, luật sư vi phạm nội quy phiên tòa. Tôi cho rằng, vai trò của HĐXX trong việc duy trì văn hóa tranh tụng tích cực và thúc đẩy tranh tụng làm rõ sự thật của vụ án là rất quan trọng.

Còn không ít khó khăn, trở ngại

Mặc dù có nhiều điểm mới, nhưng theo Luật sư Trần Hồng Phúc, việc tranh tụng ở phiên tòa còn nhiều hạn chế. Vị Luật sư này dẫn thực tế tại phiên tòa xét xử đại án PVN góp vốn vào Oceanbank: Phần xét hỏi, HĐXX thực hiện thẩm vấn nhưng chỉ đặt câu hỏi có – không, đúng – sai và cho rằng mục đích chỉ nhằm đánh giá, thẩm tra chứng cứ trong hồ sơ vụ án; phần tranh luận sẽ để bị cáo được trình bày lý do liên quan đến khẳng định đúng – sai, có- không… Nếu việc trả lời chỉ đáp có-không, đúng – sai đối với chứng cứ của hồ sơ vụ án thì không thể chứng minh được sự thật vụ án.

Luật sư Trần Hồng Phúc (người đứng giữa hàng trên) tranh tụng tại một phiên tòa

VKS đối đáp không đi vào trọng tâm vấn đề cần đối đáp, có nhiều nội dung “lạc đề” so với nội dung đề nghị đối đáp của luật sư bào chữa; có những nội dung quan trọng bị bỏ qua, không đối đáp; HĐXX còn hạn chế việc trình bày của các bị cáo, người tham gia tố tụng mặc dù đó là những vấn đề không nằm ngoài nội dung vụ án và không trùng lặp với nội dung đã nêu.

Là luật sư tranh tụng tại nhiều phiên tòa xét xử các đại án, Luật sư Hoàng Huy Được chia sẻ: Trong tranh tụng, về nguyên tắc thì KSV phải tranh luận với tất cả những nội dung, ý kiến mà luật sư, bị cáo đưa ra liên quan đến vụ án. Nhưng ở nhiều phiên tòa, tôi thấy các KSV thường áp dụng việc là nhóm tất cả các vấn đề lại thành một nội dung chung để tranh luận, tránh khó trong quá trình tranh luận. Đồng thời, tranh luận thì phải tranh luận trực tiếp vào các nội dung mà người bào chữa, bị can, bị cáo đưa ra nhưng Viện kiểm sát nhiều khi né tránh và vẫn còn tình trạng đưa ra ý kiến là “giữ nguyên quan điểm”.

“Tôi còn nhớ khi bào chữa cho các bị cáo trong đại án Oceanbank, tôi có đưa ra nhận định Thông tư 02 của Thống đốc NHNN quy định lãi suất trần 14%/năm trái với BLDS, thể thức ban hành là trái với quy định của Luật Ban hành Văn bản quy pháp pháp luật. Đáng ra, KSV phải bằng những lập luận pháp lý, vận dụng các quy định pháp luật đối đáp lại ý kiến của tôi. Nhưng họ lại đặt câu hỏi lại, hỏi xem có ý đồ gì khi đưa ra nhận định đó?!

Trong một số vụ án tôi tham dự tranh luận về thiệt hại của vụ án rất gay gắt. Theo tìm hiểu, dù luật định rằng những tài liệu có trong hồ sơ vụ án đều phải được kiểm tra, đánh giá công khai tại phiên tòa. Trong tổng số tiền VKS quy buộc bị cáo chiếm đoạt, thì bị cáo cũng có quyền chứng minh không chiếm đoạt … Dù thế nào thì các nội dung đó cũng cần được làm rõ vì liên quan đến trách nhiệm dân sự, khắc phục hậu quả, hình phạt. Tuy nhiên KSV giữ quyền công tố tại tòa, kiểm sát việc tuân theo pháp luật tại phiên tòa đã không hề đưa ra ý kiến, mặc nhiên chấp nhận diễn biến đó” – Luật sư Được nhớ lại.

Ông Nguyễn Văn Gián cũng bày tỏ băn khoăn về vấn đề chất lượng kiểm sát khi tham gia phiên tòa. Việc ủy quyền để kiểm sát viên tranh tụng tại nhiều đại án của VKS Nhân dân cấp cao cho VKS nhân dân thành phố tạo ra những hạn chế nhất định trong tranh tụng. Điều tra viên họ phải tiến hành điều tra trong hàng năm trời, trong khi KSV chỉ có thời gian một vài tháng… Làm sao có thể xem hết mấy ngàn bút lục của những đại án trong thời gian ngắn để đưa ra quan điểm toàn diện đối với tất cả các vấn đề của vụ án? Trước yêu cầu thực tế đó, ông Nguyễn Văn Gián cho rằng KSV cần học hỏi, trau dồi để nâng cao trình độ, năng lực của mỗi KSV. Đồng thời, các luật sư tranh tụng cũng cần không ngừng học hỏi, rèn luyện về chuyên môn và đạo đức để đáp ứng yêu cầu của hoạt động tranh tụng tại tòa án trong tình hình mới hiện nay.

Theo phaply.vn

PHAN TĨNH