Xác định bị hại trong một vụ án hình sự

Trong thực tiễn xét xử các vụ án hình sự, việc xác định tư cách người tham gia tố tụng ở một số trường hợp vẫn còn các quan điểm khác nhau. Trong bài viết này, tác giả xin nêu một vụ án cụ thể mà việc xác định bị hại còn nhiều ý kiến chưa thống nhất.

A là nhân viên giao dịch của Ngân hàng Z. Bà B là khách hàng mở tài khoản tại Ngân hàng Z; trong quá trình mở tài khoản, giao dịch do quen biết nên bà B đã nhờ A quản lý tài khoản và tư vấn đầu tư trái phiếu tại Công ty C. Bà B đã đầu tư 50 triệu đồng để mua trái phiếu tại Công ty C. Sau đó, A đã giả chữ ký của bà B để ký hợp đồng bán lại trái phiếu cho Công ty C. Công ty C đã ký hợp đồng (thực tế chữ ký của bà B trên Hợp đồng là do A ký) và thanh toán tiền mua lại trái phiếu của bà B vào đúng tài khoản của bà B tại Ngân hàng Z. Tiếp đó, A đã dùng thủ đoạn lập hồ sơ giả (giả chữ ký của bà B) để đăng ký dịch vụ ngân hàng điện tử (Internet Banking) của bà B và rút hết khoản tiền 50 triệu đồng tiêu xài cá nhân. Sau khi phát hiện ra, ngân hàng Z tố cáo A thì bà B mới biết A đã giả mạo làm các thủ tục để rút tiền của bà B. Đồng thời, Ngân hàng Z đã bồi thường 50 triệu khoản tiền A rút cho bà B và bà B đã đồng ý nhận khoản tiền đó. A bị truy tố về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản quy định tại Điều 174 BLHS 2015.

Trong vụ án này hiện còn có các quan điểm khác nhau về việc xác định bị hại. Cụ thể:

Quan điểm thứ nhất: Xác định bị hại trong vụ án này là Ngân hàng Z. Những người theo quan điểm này xác định hành vi phạm tội xẩy ra khi A dùng thủ đoạn lập hồ sơ giả để đăng ký dịch vụ ngân hàng Internet Banking để rút tiền của bà B trong tài khoản ngân hàng Z và sau đó ngân hàng Z đã bồi thường cho bà B số tiền mà A đã rút là 50 triệu đồng. Vì vậy, ngân hàng Z chính là bị hại trong vụ án.

Quan điểm thứ hai lại cho rằng: Trong vụ án này phải xác định bị hại là Công ty C mới chính xác.

Tác giả đồng tình với quan điểm thứ hai, bởi các căn cứ sau:

Theo quy định tại Điều 62 [1] BLTTDS năm 2015 thì: “Bị hại là cá nhân trực tiếp bị thiệt hại về thể chất, tinh thần, tài sản hoặc là cơ quan, tổ chức bị thiệt hại về tài sản, uy tín do tội phạm gây ra hoặc đe dọa gây ra”.

Như vậy, căn cứ vào nội dung điều luật nêu trên thì khi xác định bị hại trong một vụ án hình sự phải căn cứ vào các đặc điểm sau: Thứ nhất, về chủ thể thì bị hại bao gồm cá nhân, cơ quan, tổ chức. Thứ hai, thiệt hại được xác định bao gồm: đối với cá nhân là thiệt hại về thể chất, tinh thần, tài sản còn đối với cơ quan, tổ chức là thiệt hại về tài sản, uy tín do tội phạm gây ra hoặc đe dọa gây ra. Cần lưu ý là, đối với cá nhân khi được xác định là bị hại thì người đó phải là người trực tiếp bị thiệt hại về thể chất, tinh thần, tài sản.

Chúng tôi cho rằng, trong tình huống nêu trên, quan điểm thứ nhất cho rằng ngân hàng Z là bị hại vì cho rằng ngân hàng Z đã đứng ra trả cho bà B số tiền 50 triệu mà công ty C chuyển vào tài khoản của bà B tại ngân hàng này (do A làm giả hồ sơ) là chưa đánh giá một cách khách quan và toàn diện bản chất pháp lý của vụ án.

Trường hợp này, khi bà B nhờ A tư vấn đầu tư trái phiếu tại Công ty C, sau đó bà B đã đầu tư 50 triệu đồng để mua trái phiếu tại Công ty C. Việc giao dịch mua bán trái phiếu được xác lập giữa bà B và công ty C và dừng ở đây. Tức là, lúc này giữa bà B và công ty C phát sinh một giao dịch mua bán trái phiếu. Bà B là người bỏ tiền mua trái phiếu của công ty C (hay nói cách khác bà B bỏ tiền đầu tư vào công ty C). Do vậy, theo giao dịch được xác lập này thì công ty C chính là chủ thể thực hiện việc quản lý tài sản đầu tư của bà B, do đó công ty C phải chịu mọi rủi ro phát sinh với khoản tiền đầu tư của bà B (tiền mua trái phiếu) và bà B chỉ có quyền yêu cầu công ty C đảm bảo các quyền lợi của mình liên quan đến khoản đầu tư này chứ không có quyền yêu cầu với bất cứ một chủ thể nào khác. Hơn nữa, khi đầu tư mua trái phiếu vào công ty C thì bà B chấp nhận việc quản lý tiền đầu tư của mình của công ty C. Theo đó, bà B muốn bán số trái phiếu này thì cũng phải tuân thủ đầy đủ các thủ tục, điều kiện theo yêu cầu của công ty C. Và chỉ khi đáp ứng đầy đủ các yêu cầu đó thì công ty C mới thực hiện được quyền lợi cho bà B.

Trong tình huống trên, bằng việc lập hồ sơ giả qua việc A đã giả chữ ký của bà B để ký hợp đồng bán lại trái phiếu cho Công ty C. Công ty C đã ký hợp đồng (thực tế chữ ký của bà B trên Hợp đồng là do A ký) và thanh toán tiền mua lại trái phiếu của bà B vào đúng tài khoản của bà B tại Ngân hàng Z. Lúc này được xác định là tội phạm đã hoàn thành. Trách nhiệm lúc này thuộc về công ty C, bởi công ty này không kiểm tra, xác minh đầy đủ hồ sơ, hợp đồng mua lại trái phiếu của bà B nên đã tin hợp đồng do A đưa là đúng do bà B xác lập nên đã ký hợp đồng và chuyển tiền mua lại trái phiếu vào tài khoản của bà B ở ngân hàng Z. Đối với giao dịch mua bán trái phiếu chỉ phát sinh trách nhiệm giữa công ty C và bà B còn ngân hàng Z không liên quan đến giao dịch này. Do đó, không thể xác định ngân hàng Z là bị hại trong trường hợp này được mà chỉ có thể xác định ngân hàng Z là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan mà thôi do ngân hàng đã trả cho bà B số tiền 50 triệu đồng.

Trên đây là một tình huống cụ thể và quan điểm về việc xác định bị hại trong vụ án hình sự. Rất mong nhận được ý kiến trao đổi của bạn đọc./.

1.Điều 62. Bị hại
1. Bị hại là cá nhân trực tiếp bị thiệt hại về thể chất, tinh thần, tài sản hoặc là cơ quan, tổ chức bị thiệt hại về tài sản, uy tín do tội phạm gây ra hoặc đe dọa gây ra.
2. Bị hại hoặc người đại diện của họ có quyền:
a) Được thông báo, giải thích quyền và nghĩa vụ quy định tại Điều này;
b) Đưa ra chứng cứ, tài liệu, đồ vật, yêu cầu;
c) Trình bày ý kiến về chứng cứ, tài liệu, đồ vật liên quan và yêu cầu người có thẩm quyền tiến hành tố tụng kiểm tra, đánh giá;
d) Đề nghị giám định, định giá tài sản theo quy định của pháp luật;
đ) Được thông báo kết quả điều tra, giải quyết vụ án;
e) Đề nghị thay đổi người có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người giám định, người định giá tài sản, người phiên dịch, người dịch thuật;
g) Đề nghị hình phạt, mức bồi thường thiệt hại, biện pháp bảo đảm bồi thường;
h) Tham gia phiên tòa; trình bày ý kiến, đề nghị chủ tọa phiên tòa hỏi bị cáo và người khác tham gia phiên tòa; tranh luận tại phiên tòa để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình; xem biên bản phiên tòa;
i) Tự bảo vệ, nhờ người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho mình;
k) Tham gia các hoạt động tố tụng theo quy định của Bộ luật này;
l) Yêu cầu cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng bảo vệ tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản, quyền và lợi ích hợp pháp khác của mình, người thân thích của mình khi bị đe dọa;
m) Kháng cáo bản án, quyết định của Tòa án;
n) Khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng;
o) Các quyền khác theo quy định của pháp luật.
3. Trường hợp vụ án được khởi tố theo yêu cầu của bị hại thì bị hại hoặc người đại diện của họ trình bày lời buộc tội tại phiên tòa.
4. Bị hại có nghĩa vụ:
a) Có mặt theo giấy triệu tập của người có thẩm quyền tiến hành tố tụng; trường hợp cố ý vắng mặt không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan thì có thể bị dẫn giải;
b) Chấp hành quyết định, yêu cầu của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng.
5. Trường hợp bị hại chết, mất tích, bị mất hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự thì người đại diện thực hiện quyền và nghĩa vụ của người bị hại quy định tại Điều này.
Cơ quan, tổ chức là bị hại có sự chia, tách, sáp nhập, hợp nhất thì người đại diện theo pháp luật hoặc tổ chức, cá nhân kế thừa quyền và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức đó có những quyền và nghĩa vụ theo quy định tại Điều này.

QUỲNH NGA – HOÀNG THỊ NGUYỆT NGA (Trường Cao đẳng sư phạm Hưng Yên)