Yêu cầu trả lại đất đã khai hoang nhưng không có giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất

Ông A và ông B cùng khai phá diện tích đất tranh chấp vào năm 1988 và cùng sử dụng khoảng 01 năm. Ông A không ở trên đất, không kê khai quyền sử dụng đất. Ông B là người sử dụng phần đất đó từ năm 1989, đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu năm 1998 và cấp lại năm 2010. Nay ông A yêu cầu ông B trả lại một phần thửa đất. Yêu cầu của ông A có cơ sở hay không?

1.Tóm tắt nội dung vụ án

Nguyên đơn là ông A khởi kiện yêu cầu ông B trả lại diện tích đất 4.000m2 và hủy Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do Ủy ban nhân dân huyện C cấp năm 2010 cho hộ ông B đối với diện tích đất nêu trên.

Quá trình giải quyết vụ án, ông A và ông B đều thống nhất vào năm 1988 hai ông cùng phát rẫy khai hoang phần đất tranh chấp nêu trên. Sau khi khai phá ông A mua căn nhà gỗ về dựng trên phần đất, ông A và ông B cùng sử dụng khoảng 01 năm. Ông A cho rằng năm 1988 phần đất trên đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp quyền sử dụng đất cho ông nhưng hiện nay các giấy tờ này đã bị mất nên ông không cung cấp được. Năm 1995 ông đi cải tạo tại trại giam, do có quan hệ anh rể em vợ nên ông A cho gia đình ông B ở nhờ trên đất, hai bên không có giấy tờ, nay ông đòi lại đất nhưng ông B không trả.

Ông B xác định năm 1989 ông A đã bán lại căn nhà gỗ trên phần đất tranh chấp cho ông với giá 750.000 đồng (ngôi nhà hiện nay không còn), không làm giấy tờ; sau đó ông A rời khỏi địa phương. Gia đình ông B trực tiếp sinh sống ổn định trên đất từ năm 1989 đến nay, xây dựng nhà cửa và công trình kiên cố trên đất, không có tranh chấp. Năm 1993 ông B thực hiện kê khai quyền sử dụng đất và được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (cấp lần đầu năm 1998 và cấp lại vào năm 2010) theo quy định của pháp luật.

Ủy ban nhân dân huyện C xác định việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hộ ông B là đúng quy định của pháp luật về đất đai.

2.Quan điểm đối với vụ án

Quan điểm thứ nhất (quan điểm của tác giả): Ông A và ông B cùng khai phá diện tích đất tranh chấp vào năm 1988 và cùng sử dụng khoảng 01 năm. Ông A không ở trên diện tích đất tranh chấp, không kê khai quyền sử dụng đất và cũng không cung cấp được chứng cứ về việc giao nhà đất cho ông B ở nhờ. Mặt khác, ông B là người sử dụng phần đất tranh chấp từ năm 1989, đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu năm 1998 và cấp lại năm 2010.

Đây là tranh chấp đất phát sinh đối với thửa đất có nguồn gốc từ năm 1993, được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất năm 1998 nên áp dụng pháp luật về đất đai năm 1993 và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Đất đai năm 1993. Tại khoản 2 Điều 2 Luật Đất đai năm 1993 quy định: “Nhà nước không thừa nhận việc đòi lại đất đã giao cho người khác sử dụng trong quá trình thực hiện chính sách đất đai của Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hoà, Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam và Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.

Tại mục 2.d Công văn 1427/CV-ĐC ngày 13/10/1995 của Tổng cục Địa chính nêu về trường hợp những người hiện đang sử dụng đất nhưng không có giấy tờ hợp pháp, cần được xem xét khi tiến hành cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất như sau:“Người sử dụng đất ổn định, không có tranh chấp, phù hợp với quy hoạch, được chính quyền xã, phường, thị trấn xác nhận và làm đầy đủ nghĩa vụ theo quy định của Nhà nước”.

Theo quy định tại Điều 166 Luật Đất đai năm 2013 về quyền chung của người sử dụng đất:“5. Được Nhà nước bảo hộ khi người khác xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp về đất đai của mình; 7. Khiếu nại, tố cáo, khởi kiện về những hành vi vi phạm quyền sử dụng đất hợp pháp của mình và những hành vi khác vi phạm pháp luật về đất đai”.

Thấy rằng, căn cứ các quy định nêu trên thì ông B đã quản lý, sử dụng đất liên tục, ổn định, không tranh chấp từ năm 1989, được nhà nước cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là đúng đối tượng, trình tự thủ tục cấp đất, giao đất theo quy định của pháp luật. Ông A khởi kiện nhưng không cung cấp được tài liệu, chứng cứ chứng minh quyền sử dụng đất đối với diện tích đất tranh chấp. Thực tế, ông A không đăng ký, kê khai, sử dụng diện tích đất tranh chấp và cũng không có một trong các loại giấy tờ theo Điều 100 Luật Đất đai năm 2013 (Điều 50 Luật Đất đai năm 2003) nên không đủ điều kiện để Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất, giao đất, cho thuê đất theo quy định tại Điều 54, 55, 56 Luật Đất đai năm 2013. Việc ông A cùng ông B khai hoang và ông A chỉ sử dụng một phần đất trong năm 1988 không phải là căn cứ phát sinh quyền đòi đất và được pháp luật bảo vệ theo quy định tại Điều 106 Luật Đất đai năm 2003 và khoản 5, khoản 7 Điều 166 Luật Đất đai năm 2013 nêu trên. Do đó, ông A không có quyền sử dụng hợp pháp đối với phần đất tranh chấp.

Mặt khác, áp dụng Án lệ số 32/2020/AL được Hội đồng Thẩm phán TANDTC thông qua ngày 05/02/2020 về trường hợp: Đất có nguồn gốc là do cá nhân khai phá nhưng sau đó xuất cảnh định cư ở nước ngoài và người khác đã quản lý, sử dụng ổn định, lâu dài. Trong quá trình sử dụng đất, người này đã tôn tạo đất, xây dựng nhà ổn định, đăng ký kê khai và được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Trường hợp này, phải xác định cá nhân khai phá đất không còn quyền sử dụng đất hợp pháp nên việc yêu cầu đòi lại quyền sử dụng đất là không có cơ sở để chấp nhận.

Do đó, không có căn cứ chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn là ông A về việc buộc ông B trả lại phần đất tranh chấp.

Quan điểm thứ hai: Diện tích đất tranh chấp do ông A và ông B cùng phát rẫy khai hoang, ông A mua nhà gỗ về dựng trên đất và hai ông có ở chung trong căn nhà này. Mặc dù từ năm 1989 đến nay ông A không quản lý, sử dụng phần đất nhưng không bên nào cung cấp được tài liệu, chứng cứ chứng minh các có việc mua bán, tặng cho nhau hay cho ở nhờ. Vì vậy căn cứ vào công sức đóng góp của cả hai bên do cùng phát rẫy khai hoang tạo lập tài sản tranh chấp nên ông A cần phải được chia một phần diện tích trong phần đất tranh chấp mới đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của ông A theo quy định của pháp luật. Do đó, cần chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.

Trên đây là ý kiến đối với vụ án, rất mong nhận được sự trao đổi của bạn đọc.

 

Tranh chấp đất phát sinh đối với thửa đất có nguồn gốc từ năm 1993 nên áp dụng pháp luật về đất đai năm 1993 để giải quyết - Ảnh: Thái Vũ

 

 

 

Luật gia CHU MINH ĐỨC